Phố Hoàng Văn Thụ dài 420m, rộng 12m.
Từ đường Hoàng Diệu tới đường Hùng Vương.
Đây là con đường dẫn thẳng tới cổng chính Phủ Chủ tịch và là cạnh phía bắc của quảng trường Ba Đình.
Thời Pháp thuộc đường số 62 (voie No62) năm 1909 được đặt tên là đại lộ Cộng Hòa (avenue de la République). Năm 1941 đổi tên thành đại lộ Ônôrê Titsô (avenue Honoré Tissot). Sau cách mạng được gọi là đại lộ Dân Quyền. Năm 1954 đổi tên là phố Hoàng Văn Thụ cho đến nay.
Nay thuộc phường Quán Thánh, quận Ba Đình.
Hoàng Văn Thụ (1906 – 1944) người dân tộc Tày quê xã Nhân Lý, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Năm 21 tuổi (1927) ông đã vượt biên giới sang Quảng Tây (Trung Quốc) tìm gặp các tổ chức cách mạng Việt Nam đang hoạt động tại đó. Năm 1929 ông đã cùng Hoàng Đình Giong lập chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên ở vùng biên giới Trung – Việt.
Tháng 3 năm 1935, ông đi dự Đại hội Đảng lần thứ nhất tại Ma Cao (Trung Quốc).
Năm 1938 được bổ sung vào Xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách vận động công nhân và báo Giải phóng cơ quan ngôn luận của Xứ ủy. Năm 1939 tại hội nghị Xứ ủy ngày 8/9/1939 ông được bầu làm Bí thư Xứ ủy.
Tháng 11/1940, hội nghị Trung ương lần thứ bảy họp ở Đình Bảng (Bắc Ninh) ông đã được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng và được cử vào Tổng bộ Việt Minh, trực tiếp chỉ đạo phong trào Bắc Sơn, Vĩ Nhai. Ông đã cùng Tỉnh ủy Cao Bằng bố trí đón Bác Hồ từ Trung Quốc về Pắc Pó vào khoảng tháng 2/1941. Sau đó ông trở lại Hà Nội. Tháng 8/1943, vì có kẻ phản bội, ông bị mật thám bắt tại một cơ quan binh vận đặt trong ngõ Nam Diệm, khu Tám Mái (nay là khoảng đầu phố Giảng Võ); chúng tra tấn ông rất dã man nhưng không khai thác được gì. Mặc dù vậy, vẫn đưa ông ra tòa, kết án tử hình. Ngày 24/5/1944 chúng thi hành án tại trường bán Tương Mai. Nơi đây vẫn còn di tích tưởng niệm ông. Thi hài ông đã được đưa về nghĩa trang Mai Dịch.
Theo các cồn trình nghiên cứu về Hà Nội cổ thì tại đường phố này còn có một di tích lịch sử quan trọng: đó là núi Khán Sơn, ở vào chỗ cuối phố, nơi đối diện với cổng Phủ Chủ tịch.