Phố Hàng Vải dài 236m, rộng 6m.
Từ phố Thuốc Bắc đến phố Phùng Hưng, cắt ngang ngã tư Hàng Đồng – Bát Sứ và phố Hàng Gà.
Đây nguyên là địa phận của thôn Đông Thành (đoạn phía đông từ phố Thuốc Bắc đến phố Hàng Gà) và thôn Tân Khai (đoạn còn lại). Cả hai thôn này đều thuộc tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương cũ.
Hàng Vải có tên từ trước thời Pháp thuộc. Sau người Pháp gọi là “rue des Etoffes”. Năm 1945 lấy lại tên tiếng Việt là phố Hàng Vải. Các lần đổi tên sau vẫn giữ nguyên tên này.
Nay thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm.
Ngày trước, ở đoạn phố thuộc thôn Đông Thành có các cửa hàng bán vải, phần lớn là vài nhuộm nâu, do đó thành tên.
Còn đoạn thuộc thôn Tân Khai thì có một số nhà bán cuốc nên có tên là phố Hàng Cuốc. Ca dao cũ của Hà Nội có câu:
Hàng Bừa, Hàng Cuốc ngổn ngang
Trở về Hàng Cót dạo sang Hàng Gà.
(Hàng Bừa nay là phố Lò Rèn)
Vết tích hai thôn này là hai ngôi đình còn sót lại: đình Hàng Vải và đình Tân Khai.
Đình Hàng Vải còn gọi là đình Đông Thành (số nhà 9) thờ Huyền Thiên Trấn Võ, ông thánh Trấn Võ được thờ ở đền Quán Thánh vậy. Còn đình Tân Khai (số nhà 44) thì thờ thần Bạch Mã, Tô Lịch và Thiết Lâm. Hai thần trên là thành hoàng của thành Thăng Long cũ. Còn thần Thiết Lâm tương truyền là thần ở hồ Tây, nơi ngày xưa vốn là rừng lim.
Làng Đông Thành còn có ngôi đền, ở sát sau lưng ngôi đình, cổng quay ra phố Hàng Mụn, nay gọi là phố Hàng Bút, số nhà 6.
Thôn Tân Khai này mới thành hình từ đầu thế kỷ XIX. Trước đó là dải đất hoang ở ven bờ hào phía đông thành Thăng Long đời Nguyễn. Theo tấm bia ở chùa Thái Cam thì mãi tới năm Minh Mạng thứ 13 (1822) thôn này mới vào sổ đinh tức là mới bắt đầu coi như một đơn vị hành chính.