Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự 130 năm thành lập Bệnh viện Tây y đầu tiên của Việt Nam
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự Lễ kỷ niệm 130 năm hình thành và phát triển Bệnh viện Trung ương Huế - Bệnh viện Tây y đầu tiên của Việt Nam.
Ngày 12/12, Bệnh viện Trung ương Huế long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm hình thành và phát triển (1894- 2024). Đây là dịp để toàn thể cán bộ viên chức bệnh viện ôn lại truyền thống, nhìn lại những thành tựu đáng tự hào mà các thế hệ lãnh đạo, cán bộ nhân viên bệnh viện đã đạt được trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển.
Đến tham dự lễ kỷ niệm có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, ông Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, ông Phạm Đức Tiến - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Giáo sư Bun Feng Phoum Ma Lay Sith - Bộ trưởng Bộ Y tế Lào…
Bệnh viện Trung ương Huế là Bệnh viện Tây y đầu tiên của Việt Nam được thành lập năm 1894 theo sắc lệnh của Vua Thành Tháí và đến năm 1944 chính thức mang tên Bệnh viện Trung ương Huế. Bệnh viện Trung ương Huế có tổng diện tích 35,7 hecta (2 cơ sở) với hơn 5.000 giường cùng 2.500.000 thiết bị y tế chia làm 285 chủng loại hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới, đến nay đã tròn 130 năm xây dựng và phát triển là bệnh viện hạng đặc biệt có danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, một trong ba bệnh viện đa khoa Trung ương lớn nhất cả nước.
Hiện nay, Bệnh viện Trung ương Huế có đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, giàu tâm huyết và y đức với gần hơn 4.000 cán bộ và viên chức, trong đó gần 2.000 cán bộ đại học và sau đại học với 11 thầy thuốc nhân dân, 161 thầy thuốc ưu tú. Gần 200 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và trên 500 cán bộ sau đại học khác là bác sĩ, dược sĩ CKI, CKII, thạc sĩ. Hàng năm, hàng trăm kỹ thuật mới được cập nhật và triển khai thực hiện, việc điều trị thành công những ca bệnh khó luôn đạt tỷ lệ cao trong cả nước. Đặc biệt trong những năm gần đây, bệnh viện liên tiếp có nhiều đột phá trong các lĩnh vực điều trị kỹ thuật cao, chuyên sâu với hơn 2.000 ca ghép tạng được thực hiện thành công.
Bệnh viện Trung ương Huế đã trở thành một trong những trung tâm lớn thực hiện thành công bộ ba ghép tạng “tim, gan, thận” và đưa Việt Nam có tên trên bản đồ ghép tim trên thế giới, ghép tim xuyên Việt với tỉ lệ thành công 100%. Ngoài ra, Bệnh viện đã thực hiện thường quy ghép tủy tự thân và duy trì thường quy phẫu thuật nội soi 3D, nội soi một lỗ và qua lỗ tự nhiên, các kỹ thuật vi phẫu và phẫu thuật thẩm mỹ, hỗ trợ sinh sản - mang thai hộ, chụp và can thiệp mạch vành và can thiệp đột quỵ, điều trị ung thư đa mô thức và đa chuyên khoa với máy gia tốc hiện đại.
Trong những năm qua, Bệnh viện Trung ương Huế nhận được nhiều giải thưởng cao quý về Khoa học Công nghệ trong nước (Vifotec, Nhân tài Đất Việt, Cố đô…) và quốc tế (Giải thưởng Kim cương của Hội Đột quỵ thế giới, giải nhất khu vực Đông Nam Á về Phẫu thuật nội soi, đạt Huy chương Bạc của Hội Tim mạch Hoa Kỳ…). Vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới, Huân chương Độc lập hạng Nhất (lần thứ 2), Huân chương Lao động Hạng Nhất và nhiều danh hiệu cao quý khác…
GS.TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, “Bệnh viện Trung ương Huế đã xác định những mục tiêu trước mắt và lâu dài, cần có những bước đi thích hợp và tiếp tục có sự quyết tâm nỗ lực không ngừng để hoàn thành được những mục tiêu đó. Đó là đảm bảo cho người dân có quyền thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng cao, an toàn và hiệu quả, được đối xử bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe cũng như đảm bảo sự hài lòng của bệnh nhân và thân nhân khi tiếp cận sử dụng dịch vụ.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan biểu dương và chúc mừng những thành tựu to lớn ghi đậm dấu ấn của tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức, người lao động của Bệnh viện Trung ương Huế qua các thời kỳ. Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị Bệnh viện Trung ương Huế tập trung Triển khai Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 là trung tâm y tế chuyên sâu của vùng, Nghị quyết 08-NQ/TƯ ngày 09/8/2021 về Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2021 -2025 và tầm nhìn đến năm 2030, đặc biệt ngày 30/11/2024 Quốc hội khóa XV đã phê duyệt và ban hành Nghị quyết 175/2024/QH15 về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với ngành Y tế của Thành phố, trong đó có sự đóng góp của Bệnh viện Trung ương Huế trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân Thành phố Huế.
Phát triển các kỹ thuật y học tiên tiến, tăng cường đào tạo nhân lực, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới, cải tiến quy trình, thủ tục hành chính trong mọi lĩnh vực hoạt động và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chuyển giao kỹ thuật. Tăng cường hỗ trợ hợp tác y tế, chăm sóc sức khỏe giữa Bệnh viện với các nước.
Bộ trưởng Bộ Y tế tin tưởng toàn thể đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế và người lao động của Bệnh viện Trung ương Huế sẽ phát huy truyền thống tốt đẹp của 130 năm xây dựng, trưởng thành và những thành tựu đă đạt được, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đoàn kết nhất trí, chung sức đồng lòng, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Trong dịp này, các cá nhân và tập thể của Bệnh viện Trung ương Huế đã vinh dự nhận được các Danh hiệu cao quý là Huân chương Lao động hạng Nhất cho GS. TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Huân chương Lao động hạng Ba cho Khoa Ngoại Nhi - Cấp cứu bụng và Khoa Ngoại Thận - Tiết niệu. Tập thể cán bộ viên chức Bệnh viện Trung ương Huế cũng vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế.