Phê bình văn học từ trải nghiệm văn hóa

Bùi Việt Thắng| 25/10/2020 18:15

(Đọc Lý lẽ của trái tim, bình luận & chân dung của Cao Ngọc Thắng, Nxb Văn học, 2020)

Phê bình văn học từ trải nghiệm văn hóa

Lý lẽ của trái tim là bài viết kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Huy Cận (1919 - 2005) được Cao Ngọc Thắng dùng làm đặt tên cho cả tập sách. Xét về năng lực trải nghiệm sống, trải nghiệm văn chương, trải nghiệm văn hóa, tôi thấy tác giả đủ độ chín để viết về những vấn đề của văn học từ góc nhìn văn hóa. 

24 bài viết được đưa vào sách Lý lẽ của trái tim, nổi bật hàng đầu là những vấn đề về lịch sử (Dân ta phải biết nước ta), chủ quyền quốc gia (Biển đảo Tổ quốc tôi - Bản hợp ca nhiều cung bậc), thống nhất giang san (Hai chữ “bình thường” trong ca khúc Mùa xuân đầu tiên), truyền thống văn chương dân tộc (Trở về vốn thơ xưa),... Những bình luận này thể hiện thái độ, tình cảm của tác giả trước những vấn đề vĩ mô của đời sống tinh thần dân tộc. Hay nói cách khác là tinh thần công dân tích cực của nhà văn khi coi ngòi bút của mình luôn phụng sự chính nghĩa, dĩ công vi thượng, nuôi dưỡng ngọn lửa nồng nàn yêu giang san đất nước, yêu truyền thống văn hóa/ văn chương dân tộc, yêu hòa bình và khát vọng hạnh phúc của toàn dân, đề cao tình đồng bào, đồng chí. 

Cao Ngọc Thắng là một cựu chiến binh, nên càng hiểu rõ giá trị của sự sống, của hòa bình, của khát vọng hạnh phúc bình thường, đơn sơ, chân chính. Tác giả viết bằng tất cả sự đồng cảm, đồng điệu để trải lòng cùng người đọc: “Khi Văn Cao viết thơ - ca từ cho ca khúc Mùa xuân đầu tiên, thì ông không viết cái “bình thường” của bình thường, mà là cái “bình thường” của rất - đỗi - bình - thường, vì vậy cái “bình thường” ấy không còn bình thường nữa”. Ngẫm kỹ sẽ thấy cách viết này là của một người đã trải nghiệm sống/ văn chương/ văn hóa. Ca khúc bất hủ này của nhạc sĩ Văn Cao thật vô lý khi một thời đã bị cố tình hiểu lầm, thậm chí hạn chế công diễn, nay đã trở lại trong giai điệu tự hào cùng với thời gian.

Tôi rất thích phần viết của tác giả về bạn văn Thy Ngọc (Người bạn của trẻ em), Lâm Quang Mỹ (Thăm thẳm chiều... sóng xô), Trần Hòa Bình (Một Khau Vai số phận), Trần Quốc Thực (Chiết xuất từ giấc mơ), Trần Quốc Huấn (Tiếng kèn của người lính). Ở những bài viết này, cách viết của tác giả là từ xa đến gần, từ văn đến đời, từ chữ đến nghĩa. Thêm nữa, tác giả có khả năng “thông linh” - khả năng giao tiếp, hiểu biết những đối tượng có thể mình chưa gặp trực tiếp, thậm chí khả năng nối dây giữa thế giới âm và dương, giữa những cách trở biền biệt không gian - thời gian. 

Tôi muốn dừng lại ở bài viết Tiếng kèn của người lính, về bạn văn Trần Quốc Huấn (1952 - 2014). Xét về tuổi tác thì Trần Quốc Huấn (1952), Cao Ngọc Thắng (1953) và tôi (1951) cùng thế hệ. Anh là con rể của GS. Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học. Trần Quốc Huấn là người tài hoa (cầm, kỳ, thi, họa), lúc trẻ rất đẹp trai. Ai cũng nghĩ anh là người đào hoa, a-ma-tơ,... nhưng ở gần Trần Quốc Huấn hai năm tôi biết anh rất chỉn chu, nghiêm ngắn, cầu thị, đàng hoàng, sống hướng nội nên sau này viết văn là thường, hay “tìm vào nội tâm”. Anh khiêm tốn trong nghề viết, chỉ để lại vẻn vẹn có một tác phẩm Người lính kèn về làng (tập truyện, Nxb Trẻ, 2015), một giải thưởng truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân đội, năm 1987. Trong làng văn, Trần Quốc Huấn không phải là một “sao” nên ít người biết và sáng tác cơ hồ bị lãng quên cùng với thời gian. Tôi là người thuộc số rất ít hiểu Trần Quốc Huấn khá kỹ như thế. Nhưng khi đọc bài viết của Cao Ngọc Thắng, thì mới ngộ ra, “ông” này có khả năng “thông linh”. Sau điều tra mới biết, Cao Ngọc Thắng chơi thân với nhà thơ Trần Trung (anh trai Trần Quốc Huấn). Một đôi lần tôi có kể với Cao Ngọc Thắng chuyện về Trần Quốc Huấn thuở chúng tôi đầu xanh tuổi trẻ. Nghe chuyện. Đọc văn. Hình dung và tưởng tượng. Kể cả “ướm” mình vào đối tượng mà viết. Nên cuối cùng bài Tiếng kèn của người lính (về bạn văn Trần Quốc Huấn), theo tôi, là một trong ba bài hay nhất của tập sách (bài về Trần Hòa Bình, Trần Quốc Thực, Trần  Quốc Huấn). Tôi có cái cảm giác đặc biệt, những câu văn do Cao Ngọc Thắng viết về bạn văn Trần Quốc Huấn cứ như chính mình viết: “Đọc truyện ngắn của Trần Quốc Huấn tôi hình dung dáng ông ngồi tư lự, dáng ông cúi đầu trên trang viết đăm chiêu, nhọc nhằn, xoay xở, ánh mắt xa buồn, mông lung. Những con chữ ông tung ra tãi bày dày đặc trên từng trang sách như nói rằng: đằng sau chúng, bên dưới chúng còn ẩn vô khối điều phải đọc! Đọc Trần Quốc Huấn không thể vội được. Văn của ông có vẻ giản dị đấy, nhưng không hề đơn giản. Nó thầm thì chứ không gào thét, thâm trầm nhưng không nặng nề, buồn nhưng là buồn thấm thía, lặn xuống rồi  lại trồi lên, loang ra thành những vòng tròn giao thoa trên mặt nước”. Viết như thế là làm bật lên được thần thái Trần Quốc Huấn bằng cái năng lực gọi là “thần giao cách cảm” .

Biên độ phê bình văn học (mở rộng ra cả ngành hội họa) chứng tỏ cái vốn văn hóa của Cao Ngọc Thắng được bồi đắp kỹ lưỡng, thường xuyên. Ngoài các bài bình về văn chương, anh còn mở rộng ra hội họa khi viết về họa sĩ Tô Ngọc Thành (Tươi nguyên miền ký ức), họa sĩ Ngọc Linh (Người giữ ấm mùa xuân), họa sĩ Hoàng Hà Tùng (Hoàng Hà Tùng - Một cá tính đầy bản lĩnh). Không phải là chuyện lấn sân trong phê bình, mà chứng tỏ khả năng bao quát nhiều loại hình, thể loại nghệ thuật của tác giả. Cao Ngọc Thắng làm thơ, viết ký, truyện ngắn, chân dung. Anh hiện là thành viên trong BCH Hội Điện ảnh Hà Nội. Trải sức lực và tình yêu nghệ thuật như thế hiếm lắm trong thời buổi gạo châu củi quế (thật mạnh bạo khi anh vươn tay ra xa viết cả về những tác giả, tác phẩm của Cu Ba, Trung Quốc). Đôi khi tôi cứ vân vi: Cao Ngọc Thắng lấy đâu sức lực và thời gian để cùng lúc làm được nhiều việc có kết quả tốt như thế? Tôi thì chịu, cứ thâm canh tăng năng suất chỉ trong phê bình văn xuôi, đã thấy mệt.

Tôi biết, Cao Ngọc Thắng gốc người Hà Nội, từng đi lính, từng dạy đại học, từng làm báo, làm phim nên văn của anh có cái biệt sắc chốn kinh kỳ: kinh lịch, trang nhã, tinh tế và kỳ khu. Độc giả đọc trực tiếp tác phẩm Lý lẽ của trái tim của nhà văn Cao Ngọc Thắng sẽ thấy những nhận xét của tôi về bạn văn là hoàn toàn có cơ sở. 
(0) Bình luận
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Tàu xuôi ra Bắc
    Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • 18 tỉnh, thành phố tham gia Hội chợ trái cây, nông sản an toàn tại Hà Nội
    Tối 22/11, Sở Công thương Hà Nội chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì tổ chức Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Thanh Trì, Hà Nội.
  • Nghệ thuật múa Hàn Quốc “Vũ điệu thời gian: Truyền thống & Hiện đại”
    Các nghệ sĩ Hiệp hội Múa Gyeonggi Hàn Quốc biểu diễn múa “Vũ điệu thời gian: Truyền thống & Hiện đại” tại Nhà hát Duyệt Thị Đường (TP Huế).
Đừng bỏ lỡ
Phê bình văn học từ trải nghiệm văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO