Phát triển du lịch xanh ở Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu
Sáng 14/5, tại Trường Đại học Công Đoàn đã tổ chức Hội thảo quốc gia “Du lịch xanh ở Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu: Thực trạng và Giải pháp” với mục tiêu tăng cường giao lưu học thuật, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, đẩy mạnh hợp tác với các trường, các cơ quan, các doanh nghiệp nhằm phát triển các hoạt động đào tạo.

Biến đổi khí hậu toàn cầu không còn là dự báo xa xôi, mà đang hiện hữu một cách rõ nét, tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội và đặc biệt là ngành du lịch. Với đặc thù phụ thuộc lớn vào điều kiện tự nhiên, cảnh quan và hệ sinh thái, ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn: suy thoái môi trường, mất cân bằng sinh thái, khủng hoảng tài nguyên du lịch và rủi ro gia tăng từ thiên tai, dịch bệnh.
Trong bối cảnh đó, du lịch xanh không chỉ là một xu hướng mà còn là một yêu cầu tất yếu, là hướng đi chiến lược để đảm bảo phát triển du lịch bền vững. Phát triển du lịch xanh đòi hỏi sự thay đổi trong tư duy quy hoạch, trong hành vi tiêu dùng của du khách, trong mô hình quản trị của doanh nghiệp và đặc biệt là sự điều chỉnh chính sách ở tầm vĩ mô. Đồng thời, nó cần sự đồng hành của khoa học, công nghệ và giáo dục trong việc lan tỏa tri thức, nâng cao năng lực thích ứng và chuyển đổi xanh cho toàn ngành.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Lê Mạnh Hùng - Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn cho biết, Hội thảo với chủ đề “Du lịch xanh ở Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu: Thực trạng và Giải pháp” đã nhận được 170 bài tham luận trong toàn quốc, chọn được 93 bài có hàm lượng khoa học cao để xuất bản Kỷ yếu Hội thảo.
“Hội thảo lần này nhằm tạo diễn đàn học thuật để Tổng kết thực tiễn, cập nhật cơ sở lý luận về phát triển du lịch xanh; đánh giá mức độ tác động của biến đổi khí hậu đến các mô hình du lịch tại Việt Nam; đề xuất các giải pháp toàn diện về chính sách, công nghệ, nguồn nhân lực và sự phối hợp liên ngành để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”. PGS.TS Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, TS Lê Đình Tân - Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Công đoàn có bài tham luận về “Một số vấn đề lý thuyết về du lịch xanh và du lịch xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu” cho biết, du lịch xanh hiện nay là một phương thức cốt lõi để tái cấu trúc ngành du lịch theo hướng bền vững, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.
Theo góc nhìn thực tiễn, du lịch xanh là một phương thức phát triển du lịch dựa trên việc tối ưu hóa lợi ích kinh tế - xã hội mà không thâm dụng nguồn lực, tức là không khai thác một cách quá mức hay gây tổn hại lâu dài đến môi trường, tài nguyên, văn hóa và cộng đồng. Ở đây, việc sử dụng nguồn lực vẫn được tiến hành, nhưng là sử dụng một cách hiệu quả, tối ưu và có trách nhiệm.
Do đó, bản chất của du lịch xanh không chỉ nằm ở lý tưởng hướng đến sinh thái hay thiện chí bảo vệ môi trường, mà là một bài toán đầu tư - hiệu suất - hiệu quả, trong đó tỷ suất sinh lời trên mỗi đơn vị tài nguyên được coi là chỉ số phản ánh khả năng tồn tại và phát triển của mô hình du lịch.
Một sản phẩm du lịch xanh có thể là một tuyến phố cổ, một làng nghề truyền thống, hay một khu đô thị văn minh được quy hoạch hợp lý với hạ tầng du lịch thân thiện với môi trường. Điều này cho thấy du lịch xanh có thể hiện diện cả ở miền núi, vùng ven biển, khu vực nông thôn lẫn các đô thị hiện đại, miễn là đáp ứng được nguyên tắc cốt lõi: bảo vệ môi trường, sử dụng nguồn lực hiệu quả, tạo ra lợi ích hài hòa cho tất cả các bên liên quan.

Tham luận với chủ đề “Kinh nghiệm phát triển du lịch xanh ở đô thị và bài học vận dụng cho đô thị Việt Nam”, TS Nguyễn Văn Lưu - Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Du lịch cho biết, làm thế nào để nhận thức đúng, đủ và chọn lọc được kinh nghiệm phát triển du lịch xanh ở các đô thị trên thế giới và Việt Nam có những nét tương đồng với các đô thị của đất nước; rút ra được những bài học vận dụng, góp phần phát huy sáng kiến và tìm giải pháp tiếp tục phát triển du lịch xanh ở đô thị trong toàn quốc, phục vụ phát triển du lịch xanh bền vững theo hướng tăng cường liên kết vùng đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Để phát triển du lịch xanh ở các đô thị trong toàn quốc, chúng ta cần chú trọng nâng cao nhận thức của các cấp các ngành và toàn xã hội về du lịch xanh ở đô thị và phát triển du lịch xanh đô thị; Xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch xanh ở đô thị; Có chính sách, cơ chế phù hợp để phát triển du lịch xanh đô thị; Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch xanh đúng cách và truyền thông du lịch xanh ở đô thị có chuyên môn cao, ăn khớp.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS Dương Thị Thanh Xuân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn cho biết, sau hơn 3 giờ làm việc nghiêm túc, khoa học và tràn đầy trách nhiệm, Hội thảo đã hoàn thành toàn bộ chương trình và thu được những kết quả rất đáng ghi nhận.
Các bài tham luận đã tiếp cận chủ đề du lịch xanh từ nhiều chiều cạnh: từ nền tảng lý luận, xu hướng phát triển toàn cầu, cho đến những nghiên cứu thực tiễn từ địa phương, mô hình cụ thể, cách tiếp cận liên ngành và đổi mới trong tư duy phát triển.

TS. Dương Thị Thanh Xuân nhấn mạnh, Hội thảo có các tham luận đi sâu phân tích du lịch xanh trong mối liên hệ với quy hoạch đô thị, phát triển cộng đồng, bảo tồn văn hóa, khai thác tài nguyên mềm như văn học – nghệ thuật, cũng như việc lượng hóa tri thức khoa học trong lĩnh vực này bằng các công cụ nghiên cứu hiện đại.
Điểm nổi bật của Hội thảo là sự kết hợp hài hòa giữa lý luận và thực tiễn, giữa các góc nhìn học thuật và nhu cầu ứng dụng trong quản lý, đào tạo, phát triển sản phẩm du lịch. Nhiều tham luận đưa ra các gợi ý chính sách, mô hình ứng dụng có thể triển khai ở quy mô địa phương hoặc toàn ngành. Những trao đổi sâu sắc, phản biện thẳng thắn và đề xuất thiết thực của các đại biểu đã góp phần nâng cao chất lượng học thuật và giá trị thực tiễn của Hội thảo./.