Phát triển du lịch văn hóa Thủ đô nhìn từ sân khấu thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”
Phát triển du lịch văn hóa thông qua các chương trình nghệ thuật mới mang dấu ấn sáng tạo đang là xu hướng chung ở nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, show nghệ thuật thực cảnh đầu tiên “Tinh hoa Bắc Bộ” diễn ra tại Khu du lịch sinh thái Tuần Châu Hà Nội (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) thu hút được khá đông công chúng. Thành công của chương trình đã mở ra nhiều hứa hẹn về việc đầu tư, phát triển nghệ thuật thực cảnh để phát triển du lịch văn hóa.
Sứ giả lan tỏa văn hóa lịch sử xứ Đoài
Ông Đỗ Việt Anh, Phó TGĐ Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội – đơn vị sản xuất và tổ chức biểu diễn nghệ thuật thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ chia sẻ, ý tưởng làm chương trình này được đơn vị ấp ủ từ thập niên 2000, thời điểm mà trên thế giới đã có nhiều chương trình nghệ thuật thực cảnh ghi dấu ấn như: Show thực cảnh Devdan show ở Indonesia, Ấn tượng Lưu Tam Tỷ và Tống Thành Thiên Cổ Tình tại Trung Quốc, show thực cảnh Siam Niramit của Thái Lan… Các show thực cảnh này vừa lan tỏa được văn hóa lịch sử quốc gia họ, vừa thu hút được một lượng lớn khách du lịch nội địa và quốc tế.
Tuy nhiên phải đến năm 2016, Tinh hoa Bắc Bộ do đạo diễn Hoàng Nhật Nam dàn dựng, diễn ra tại sân khấu ngoài trời hơn 19.000 m2 mới chính thức đến với khán giả. Và ngay từ “thuở ban đầu”, Tinh hoa Bắc Bộ đã nhận được sự quan tâm của khán giả Thủ đô nói riêng, du khách quốc tế nói chung.
Trong 60 phút thưởng thức Tinh hoa Bắc Bộ, khán giả được hòa mình vào không gian văn hóa lịch sử xứ Đoài thông qua 6 tiết mục nghệ thuật, với sự tham gia của 250 diễn viên chuyên và không chuyên ở Sài Sơn, kết hợp trình diễn âm thanh, ánh sáng tối tân, hiện đại và những loại đạo cụ sân khấu dưới nước rộng 4.300 m2. Thông qua 6 phần: Thi ca, Cõi Phật, Hoài cổ, Nhạc họa, An vui và Ngày hội, khán giả phần nào cảm nhận được nét văn hóa, tín ngưỡng, tinh thần của người Việt trong lao động, học vấn, tri thức, hội hè cùng các lĩnh vực nghệ thuật như điêu khắc, kiến trúc.
Dẫn dắt bằng sự tích chùa Thầy gắn với công đức thiền sư Từ Đạo Hạnh dạy học, giảng đạo, chữa bệnh, dạy dân các trò đá cầu, đánh vật, múa rối nước, hát chèo..., sân khấu thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ giữ chân người xem bằng các nét đẹp văn hóa đồng bằng Bắc Bộ mà chủ yếu là văn hóa – lịch sử xứ Đoài.
Ông Đỗ Việt Anh chia sẻ, sau hơn 6 năm ra mắt, (không tính 2 năm ngừng biểu diễn do dịch Covid-19), sân khấu thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ đã thu hút hàng vạn lượt khán giả trong nước và quốc tế. Riêng từ đầu năm đến nay, đã có 10.000 lượt khách đến với Tinh hoa Bắc Bộ và trải nghiệm ở sân khấu thực cảnh của chương trình. Năm 2018, kênh truyền hình CNN nổi tiếng thế giới đã thực hiện phóng sự Destination: Hanoi (Điểm đến: Hà Nội) giới thiệu về show thực cảnh này tới khán giả toàn cầu.
Đầu tháng 3/2022, hơn 1.000 đại biểu và khách mời tham dự Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đã đến xem Tinh hoa Bắc Bộ, được trải nghiệm một show thực cảnh có một không hai, đồng thời biết thêm nét văn hóa xứ Đoài qua hình thức biểu diễn ngoài trời mới lạ, độc đáo.
Gần nhất, tháng 5/2023, bà Teresa Amarelle Boué, Ủy viên Bộ Chính trị - Tổng Thư ký Hội Liên hiệp Phụ nữ Cuba trong lần sang thăm, làm việc tại nước ta cùng đoàn công tác đến xem Tinh hoa Bắc Bộ.
“Sau khi xem xong chương trình, bà Teresa Amarelle Boué cho biết rất ấn tượng với Tinh hoa Bắc Bộ, đó là lần đầu tiên bà được xem một show thực cảnh hoành tráng và truyền tải những vẻ đẹp văn hóa – lịch sử của đất nước Việt Nam như vậy”, ông Đỗ Việt Anh chia sẻ cùng niềm tự hào.
Đổi mới để hoàn thiện hơn
Ngoài lượng khán giả đến xem chương trình ngày càng nhiều, show thực cảnh này còn được trao 3 kỷ lục trong nước: “Top 20 tour độc đáo mang lại những trải nghiệm thú vị cho du khách tại Việt Nam”, “Show diễn có sân khấu mặt nước lớn nhất Việt Nam” và “Show diễn có số lượng diễn viên là nông dân đông nhất Việt Nam”, giải Vàng Stevie Awards Châu Á – Thái Bình Dương tại hạng mục “Đổi mới trong truyền thông, truyền thông thị giác và giải trí trực quan”. Nhưng theo ông Đỗ Việt Anh, để Tinh hoa Bắc Bộ trọn vẹn hơn, nhà sản xuất cũng phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cao của công chúng.
“Nhà sản xuất rất mong khán giả chia sẻ và thông cảm về những yếu tố không mong muốn làm ảnh hưởng đến chất lượng vở diễn và sự cảm thụ của người xem. Hiện chúng tôi đang bàn bạc với tổng đạo diễn chương trình, giới chuyên môn, chuyên gia về văn hóa lịch sử - nghệ thuật, có nên đưa thêm vào nội dung mới hay vào không, vì thực tế một chương trình dài 60 phút cũng khó để làm ra hết những gì được gọi là tinh hoa văn hóa Bắc Bộ.
Tôi chỉ có thể chia sẻ, hiện nhà sản xuất đang triển khai làm một chương trình biểu diễn áo dài trên sân khấu thực cảnh. Chương trình biểu diễn áo dài này là một phần có trong Tinh hoa Bắc Bộ và chúng tôi đang xây dựng để chương trình này là một show độc lập”, ông Đỗ Việt Anh thông tin thêm.
Năm nay cũng có thêm điểm mới, Ban tổ chức đã làm hàng rào tre xung quanh sân khấu nước để khán giả, du khách và người dân có thể tham quan, trải nghiệm về Tinh hoa Bắc Bộ vào ban ngày. Thay vì chỉ xem vào buổi tối như thường lệ, ban ngày mọi người có thể vào tham quan sân khấu thực cảnh, chiêm ngưỡng các đạo cụ như rối nước, mặc quần áo của diễn viên tham gia show để “check in” nhằm tăng tính tương tác, giải trí. Để thuần Việt và mang bản sắc thôn quê, nhà sản xuất làm một chiếc… xe bò để chở khách tham quan xung quanh sân khấu thực cảnh.
Cũng vào ban ngày, đơn vị sẽ tổ chức chiếu chèo và múa rối nước với thời lượng khoảng 30 – 40 phút ở khu sân khấu thực cảnh và khu chợ quê. Thời gian qua, nhiều khán giả, nhất là khách nước ngoài mong muốn được xem các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống này cùng Tinh hoa Bắc Bộ.
“Chúng tôi cũng đã in tờ rơi bằng tiếng Anh giới thiệu sơ qua về Tinh hoa Bắc Bộ phát cho khách nước ngoài, để họ có thể nắm được nội dung, ý nghĩa của chương trình. Chắc chắn tới đây Tinh hoa Bắc Bộ sẽ có thay đổi và màu sắc mới nhưng nội dung vẫn là lan tỏa về văn hóa, lịch sử của đất nước, con người Việt Nam”, ông Đỗ Việt Anh cho biết.
Gợi mở hướng phát triển du lịch văn hóa từ sân khấu thực cảnh
Các chuyên gia khẳng định, đầu tư cho văn hóa để có các sản phẩm du lịch hấp dẫn đã trở thành mô hình hiệu quả của nhiều nước có nền kinh tế du lịch phát triển mạnh như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc… Tại Việt Nam, đây cũng đang là xu hướng của ngành du lịch, trong đó các chương trình sân khấu thực cảnh là điển hình.
Ngay sau sự ra đời của Tinh hoa Bắc Bộ, hiện Việt Nam đã có thêm 2 show thực cảnh khác tại Quảng Nam (show thực cảnh Ký ức Hội An), thành phố Phú Quốc tỉnh Kiên Giang (show thực cảnh Tinh hoa Việt Nam) đều góp phần quảng bá văn hóa, lịch sử đất nước nói chung, địa phương nói riêng và thu hút được khán giả, du khách quốc tế.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Tinh hoa Bắc Bộ, Ký ức Hội An và Tinh hoa Việt Nam đều là những sản phẩm du lịch được đầu tư hàng trăm tỷ đồng do các doanh nghiệp tư nhân thực hiện, sản xuất. Bởi vậy, để có thêm sản phẩm du lịch mới chất lượng mà ở đây là nghệ thuật thực cảnh, nhiều ý kiến cho rằng cần có cái bắt tay giữa Nhà nước và tư nhân. Khi tư nhân đầu tư vào văn hóa nghệ thuật thì các cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa, du lịch cần có những chính sách hợp lý để tạo nên dòng chảy cho lĩnh vực này.
“Đầu tư vào văn hóa không thể thu hồi vốn và có lãi một sớm một chiều được. Chúng tôi xác định đầu tư vào văn hóa là lâu bền, dài hơi. Thành công của Tinh hoa Bắc Bộ là đã góp phần giữ gìn, lan tỏa nét văn hóa truyền thống, lịch sử của vùng đồng bằng Bắc Bộ nói riêng, đất nước nói chung từ đó thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.
Để Tinh hoa Bắc Bộ thu hút được nhiều người xem hơn, chúng tôi sẽ nỗ lực nâng cấp và đưa thêm những đặc sắc về văn hóa lịch sử vào chương trình. Hi vọng rằng tới đây, chương trình sẽ có thêm sự đồng hành, kết nối của nhiều tổ chức, đơn vị lữ hành nhằm lan tỏa thêm giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tạo thêm những điểm nhấn hấp dẫn cho du lịch văn hóa của Thủ đô”, ông Đỗ Việt Anh chia sẻ./.