Phát triển đô thị, kiến trúc và quy hoạch Thủ đô đảm bảo tính bền vững
Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng được quan tâm, chú trọng phát triển xứng tầm nhanh và bền vững định hướng là đô thị văn minh, hiện đại của cả nước.
Quá trình đô thị hoá nhanh và mạnh mẽ
Thành phố Hà Nội với vị thế là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá - xã hội của cả nước. Cùng với sự phát triển của thành phố, công tác quản lý đô thị nói chung và công tác chỉnh trang, duy trì trật tự đô thị của thành phố đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Trong hơn 10 năm qua, Hà Nội đã tập trung cho việc triển khai cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đạt được nhiều kết quả đáng kể. Hàng loạt các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị; các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật… được thực hiện. Nhờ đó, diện mạo đô thị và nông thôn Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại…
Theo đó, công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội đã đạt được những kết quả nhất định, tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô. Các trường hợp vi phạm cơ bản được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý theo quy định; nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài cơ bản đã được giải quyết; hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước được củng cố, nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng đô thị còn một số tồn tại, hạn chế; tình trạng xây dựng sai phép, sai quy hoạch và vi phạm vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân được UBND TP chỉ ra là do sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp còn chưa kịp thời, sâu sát, thiếu sự quyết liệt; năng lực, nhận thức và trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa cao; các quy định quản lý chưa được đồng bộ, chồng chéo, kém hiệu quả, chậm được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành thành phố với chính quyền địa phương chưa chặt chẽ. Việc kiểm tra, xử lý các sai phạm ở một số nơi chưa thường xuyên, còn tình trạng nể nang, né tránh, chậm xử lý hoặc thiếu quyết liệt. Ngoài ra còn bất cập về cơ chế, chính sách, tổ chức mô hình thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng... ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thực thi công vụ của cán bộ làm công tác quản lý trật tự xây dựng.
UBND Thành phố vào cuộc chỉ đạo sát sao
Với quyết tâm khắc phục dứt điểm những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, ngày 4/7/2023 UBND thành phố đã ban hành kế hoạch, đưa ra hàng loạt biện pháp; giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cùng vào cuộc. Trong đó nhấn mạnh yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP; kịp thời phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục.
Đặc biệt, xử lý nghiêm các cán bộ, công chức vi phạm, cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu trong quá trình thực thi công vụ, các cá nhân buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng nghiêm trọng, khó khắc phục hậu quả.
Khi xác định có vi phạm về trật tự xây dựng, việc xử lý vi phạm phải tuân thủ nguyên tắc quy định tại Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong quá trình thực thi công vụ, giải quyết thủ tục hành chính nếu phát hiện các vi phạm về trật tự xây dựng phải kịp thời thiết lập hồ sơ, xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo chức năng, nhiệm vụ được giao và theo quy định, không bỏ lọt hoặc hợp thức cho các hành vi vi phạm...
Ổn định tổ chức, bộ máy Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã; củng cố tổ chức bộ máy, cán bộ quản lý quy hoạch kiến trúc từ thành phố đến cấp huyện, nâng cao chất lượng phục vụ trong công tác quy hoạch.
Trong các nhiệm vụ cụ thể, UBND TP giao Sở Xây dựng đề xuất Chủ tịch UBND TP xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng trên địa bàn quản lý.
UBND TP cũng yêu cầu Sở Quy hoạch – Kiến trúc tuân thủ nghiêm các điều kiện, trình tự, thủ tục về điều chỉnh quy hoạch xây dựng theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị, Luật Quy hoạch; xem xét một cách thận trọng, khách quan, khoa học việc điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ quy hoạch, không điều chỉnh cục bộ quy hoạch làm tăng mật độ dân cư so với quy hoạch được duyệt; không xem xét đối với việc điều chỉnh quy hoạch làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công viên cây xanh, ao, hồ, công cộng phục vụ dân sinh;
Không thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch theo đề nghị của chủ đầu tư khi chưa nghiên cứu, rà soát, báo cáo về sự phù hợp quy hoạch chung, quy hoạch phân khu.
Không xem xét điều chỉnh quy hoạch đối với công trình có vi phạm trật tự xây dựng khi chủ đầu tư chưa chấp hành xong các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (bao gồm cả biện pháp khắc phục hậu quả) của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định...