Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô
Sáng ngày 29/11, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Liên Đoàn lao động Thành phố, Ban Thi đua khen thưởng Thành phố tổ chức Hội nghị tọa đàm: Cách làm và kinh nghiệm hay trong tổ chức thực hiện phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng".
Tham dự Hội nghị tọa đàm có các đồng chí: Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Thành phố Phạm Nguyên Hạnh; Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh; Trưởng ban Thi đua khen thưởng Thành phố Nguyễn Công Bằng.
Gương mẫu đi đầu
Phát biểu đề dẫn Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ được Hà Nội đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô; là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Nghị quyết Đại hội đại biểu của Đảng bộ TP. Hà Nội nhiều nhiệm kỳ; xác định đây là một trong 3 nội hàm quan trọng trong thực hiện Chương trình 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” với các chuẩn mực định hướng cơ bản, trong đó nhấn mạnh đến phấn đấu xây dựng thành phố Hà Nội tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa, văn minh. Hội nghị tọa đàm không chỉ đặt ra những vấn đề trong công tác xây dựng chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch văn minh, mà còn là dịp để trao truyền, nêu cao ý thức, trách nhiệm mỗi cán bộ, đảng viên nêu gương, tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức; thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về nêu gương, về những điều đảng viên không được làm; cán bộ giữ cương vị càng cao càng phải tiên phong, gương mẫu.
Năm 2017, bám sát yêu cầu thực tiễn, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Thành phố đã ban hành 02 Quy tắc ứng xử (Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội). Với mong muốn, cán bộ, công chức của Hà Nội là người đi đầu, gương mẫu thực hiện quy định Thành phố, Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội được UBND Thành phố ban hành theo Quyết định 522/QĐ-UBND ngày 25/01/2017 ra đời trong hoàn cảnh đó. Đối tượng áp dụng của Quy tắc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố Hà Nội. Quy tắc gồm 4 chương, 11 Điều, quy định mục đích, đối tượng, phạm vi; quy tắc ứng xử chung, ứng xử với người dân.
Ngày 8/6/2019, UBND thành phố Hà Nội đã chính thức phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng” với mục tiêu: Nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố về văn hóa giao tiếp, ứng xử; từng bước xây dựng, hình thành chuẩn mực văn hóa trong lời nói, thái độ, hành vi của các cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn thành phố, góp phần gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.
Theo tham luận của quận Ba Đình cho biết, từ kinh nghiệm cho thấy, ở đâu người đứng đầu có ý thức xây dựng văn hóa thì ở đấy công sở sẽ văn minh. Tập thể nào sống có văn hóa thì ở đấy “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”. Đặc biệt khi văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức, họ sẽ có những hoạt động có ích cho xã hội. Đơn vị sống có văn hóa thì không khí dân chủ, lời nói trung thực, ý thức đấu tranh phê bình và tự phê bình được nâng lên; những điều không tốt đẹp sẽ được đẩy lùi. Xây dựng văn hóa công sở không chỉ đẹp về hình thức bên ngoài mà cái cơ bản nhất là phần bên trong, đó là tố chất của con người, thể hiện bằng kỹ năng sống ở từng cá nhân. Tập thể mạnh là tập thể luôn lấy văn hóa làm tiền đề để xây dựng nhân cách cho mọi người. Người đứng đầu phải sống có kỷ cương, có văn hóa thì mới xây dựng được văn hóa công sở và công cộng.
Nhiều kinh nghiệm, cách làm hiệu quả
Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Thành phố Phạm Nguyên Hạnh cho biết, một trong những mục đích quan trọng của Hội nghị là Ban tổ chức mong muốn lắng nghe trực tiếp chia sẻ của các đại biểu từ các quận, huyện, thị xã… những kết quả đã triển khai được trong thực tế, trong đó bao gồm cả những thuận lợi và khó khăn cần tháo gỡ trong quá trình triển khai thực hiện phong trào. Trên cơ sở đó, Ban tổ chức mong muốn các đơn vị đưa ra những kiến nghị, đề xuất, phương hướng triển khai tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
Đại biểu quận Hà Đông chia sẻ, sau 7 năm triển khai thực hiện bộ quy tắc ứng xử một cách nghiêm túc, bài bản quận Hà Đông đã được kết quả đáng ghi nhận như: các đơn vị đã xây dựng, ban hành quy chế làm việc, trong đó quy định rõ về cơ cấu, tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn của lãnh đạo, công chức chuyên môn, chế độ công tác, lề lối làm việc. Từ đó, đã tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức; tác phong làm việc khoa học, nền nếp, đổi mới, sâu sát công việc; nói đi đôi với làm; ứng xử có văn hóa; gương mẫu trong lối sống sinh hoạt cá nhân; không gian làm việc tại trụ sở của cơ quan, đơn vị được trang hoàng xanh, sạch, đẹp tạo nên môi trường văn hóa thân thiện, văn minh nơi công sở.
Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Đông Anh Đặng Giang Sơn chia sẻ, công tác tuyên truyền được tập trung, đẩy mạnh đã thực sự đi sâu vào đời sống cộng đồng, được đông đảo các tầng lớp Nhân dân đồng tình hưởng ứng, từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa giao tiếp ứng xử nơi công cộng trong cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn huyện đã tích cực tham gia hưởng ứng, nghiêm túc thực hiện góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động huyện Đông Anh “Kỷ cương – Trách nhiệm – Tận tình – Thân thiện”. Thực hiện Quy tắc ứng xử, văn hoá công vụ tạo những hiệu ứng tích cực, trách nhiệm và hiệu quả trong công việc và đời sống cộng đồng nhằm mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Trong quá trình thực hiện luôn nêu cao vai trò nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức. Huyện quan tâm đến hoạt động biểu dương, khen thưởng đột xuất, thường xuyên các tập thể, cá nhân, trong đó có gắn với việc thực hiện đề án văn hóa công vụ.
Hội nghị tọa đàm một lần nữa khẳng định vài trò nêu gương của các bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô trong thực hiện Quy tắc về xây dựng văn hoá ứng xử công sở của Thành phố. Đồng thời, Hội nghị nhằm cụ thể hóa thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố về đẩy mạnh phong trào nâng cao chất lượng thực hiện 02 Quy tắc ứng xử. Đây là một trong những giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, từ đó cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính, kỷ cương hành chính, đổi mới tác phong, lề lối làm việc, nâng cao chất lượng tham mưu, thực hiện nhiệm vụ; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính… góp phần tạo niềm tin và sự hài lòng của tổ chức, doanh nghiệp và công dân đối với các cơ quan Nhà nước.