Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS. TS Trần Trí Trắc nhấn mạnh, mặc dù số phận người nghệ sĩ biểu diễn bao lần biến đổi từ sân khấu dân gian, qua bác học đến hiện đại và cách mạng thì họ vẫn giữ vai trò trung tâm của nghệ thuật sân khấu.
Theo đạo diễn, NSND Tuấn Hải: “Kịch bản có hay đến đâu, đạo diễn có giỏi đến mấy, trang trí có đẹp, âm nhạc có bay bổng, mà biểu diễn không hay, không lay động được khán giả thì đó chỉ là những vở diễn minh họa kịch bản mà thôi, và sẽ không thuyết phục được người xem. Ngược lại, nếu vở diễn được một dàn nghệ sĩ diễn viên tài năng, nhiệt huyết, tận tâm và có nghề và biểu diễn đầy cảm xúc, thì đó là một tác phẩm sân khấu tuyệt vời, có sức thuyết phục và sự lan tỏa”.
Nói đến nghệ thuật biểu diễn sân khấu là nói đến sự tài tình, tinh tế trong diễn xuất của diễn viên. Đây là lực lượng chính làm nên linh hồn của vở diễn. Tuy nhiên, nhìn vào diện mạo của sân khấu nước nhà, NSND Trần Quốc Chiêm không khỏi bùi ngùi: “Trong khi truyền hình, điện ảnh đang “nở rộ” những gương mặt trẻ thì sân khấu lại phải đối mặt với bài toán khủng hoảng diễn viên trẻ, nhất là diễn viên tài năng đủ sức để gìn giữ “ngón nghề cha ông”. Nhóm các nghệ sĩ có thâm niên, tài năng thì đã phai nhạt về nhan sắc, xuống sức về giọng ca. Trong khi đó, đội ngũ diễn viên trẻ thường chiếm số lượng ít lại không đủ năng lực để thể hiện tròn vai các hình tượng sân khấu. Tại các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống nhiều năm qua không tuyển đủ diễn viên; các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho sân khấu truyền thống cũng rất khó tuyển sinh…”
Từ trải nghiệm của một nghệ sĩ đã nhiều năm trong nghề, NSND Bùi Thanh Trầm cho rằng “đã đến lúc chúng ta phải có một thái độ rõ ràng về nghệ thuật biểu diễn, phải làm sao cho đúng, cho hay, diễn viên biểu diễn phải mang tính chuyên nghiệp, hóa thân vào vai diễn...”. Theo bà, để có những vai diễn để đời, để chinh phục được khán giả thì “điều quan trọng nhất là người diễn viên phải sinh nghề tử nghiệp, luôn nặng lòng với vai diễn mình đảm nhận, có như thế mới trở thành nghệ sĩ biểu diễn giỏi được”.
Nhiều ý kiến tham luận tại hội thảo cũng đã đề cập tới các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về lực lượng diễn viên cho sân khấu hiện nay. Theo đó, Nhà nước cần có chính sách đãi ngộ thích hợp đối với nghệ sĩ biểu diễn trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống để thu hút tài năng và giúp họ có thể sống được bằng nghề. Các nhà hát cũng cấn chủ động thay đổi cách thức quản lý, huy động nguồn kinh phí xã hội hóa, … để tăng cường nguồn thu cũng như sự gắn bó của diễn viên với đơn vị.
Với các nghệ sĩ trẻ, cũng cần phải tự tìm tòi, học hỏi, trau dồi kiến thức, kiên trì khổ luyện, phát huy tính năng động sáng tạo để ngày càng có được nhiều vai diễn độc đáo, ấn tượng trong lòng công chúng...
“Sân khấu muốn phát triển, không thể thiếu vai trò của nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ tài năng. Để có được đội ngũ nghệ sĩ hùng hậu, tài năng, hấp dẫn khán giả, sân khấu rất cần có những chính sách hợp lý trong việc phát hiện, thu hút, khuyến khích, động viên các nghệ sĩ trẻ đến với nghề; có những giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng bồi dưỡng, đào tạo; có những cơ chế đặc thù hiệu quả giữ chân các tài năng trẻ để các em tiếp tục bám nghề, giữ nghề, nhất là đối với sân khấu truyền thống trong cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế hiện nay” – TS. Trần Thị Minh Thu nhấn mạnh.