Phát huy giá trị của nghệ thuật diễn xướng dân gian Hà Nội

Khánh Thư| 27/07/2021 11:22

Trong kho di sản văn hóa phi vật thể của Thăng Long - Hà Nội, nghệ thuật diễn xướng dân gian đã góp phần không nhỏ tạo nên dấu ấn văn hóa đất Kinh kỳ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay khi mà công cuộc đô thị hóa, hiện đại hóa làm nhạt nhòa đi nhiều bản sắc thì việc lưu giữ và lan tỏa kho di sản này càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết…

Phát huy giá trị của nghệ thuật diễn xướng dân gian Hà Nội
Bảo tồn và phát triển loại hình hát xẩm - Ảnh: Trần Quốc Vĩnh
Kho báu di sản của ông cha

Nghệ thuật diễn xướng dân gian là một trong những biểu hiện rõ nét nhất của tâm hồn người Việt. Từ xa xưa, diễn xướng dân gian đã xuất hiện trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân và liên tục được vun bồi qua năm tháng. Nhà nghiên cứu Yên Giang, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội khẳng định: “Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa của mọi miền đất nước nên nghệ thuật diễn xướng dân gian cũng thể hiện sự phong phú, đa dạng. Có thể kể tới múa cổ, múa rối nước, tuồng, chèo, hát trống quân, hát chèo tàu, hát ca trù, hát dô, hò cửa đình, hát xẩm… Và trong mỗi loại hình diễn xướng dân gian cũng cho thấy đa dạng về hình thức, sự tinh tế, sâu sắc về nội dung. Ví như nghệ thuật múa rối, bên cạnh múa rối nước, còn có múa rối cạn; múa cổ thì ngoài múa dân gian còn có múa cung đình, múa tín ngưỡng. Hay như ca trù cũng có rất nhiều các giáo phường như: Lỗ Khê, Thái Hà, Thượng Mỗ, Khâm Thiên, Đồng Trữ, Phù Xa, Đông Tác, Sơn Đồng, Ngãi Cầu…”.

Đi sâu tìm hiểu về các loại hình diễn xướng dân gian, giới chuyên môn khẳng định đó là một tấm gương phản chiếu một cách sinh động đời sống tinh thần phong phú của ông cha ta ngày xưa. Nhà nghiên cứu Đặng Văn Tu khi nghiên cứu về hò cửa đình ở làng Bất Nạo (phủ Thường Tín cũ) nay là thôn Phù Nhiêu, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên đã tổng kết: “Điểm nổi bật trong hò cửa đình là thể hiện lòng mong muốn, ước vọng của nhân dân trong xã hội cũ. Trong xã hội phong kiến, phương thức sản xuất còn lạc hậu. Người dân bị lệ thuộc nhiều vào thiên nhiên, lại bị nhiều tầng áp bức, hò cửa đình đã phần nào gửi gắm được lòng mong muốn, nguyện vọng bình dị của người nông dân. Là hình thức văn hóa tinh thần của địa phương, hò cửa đình còn đề cập đến phong tục tập quán, cảnh vật đời sống làng mình với lòng yêu mến tự hào…”. Còn nghệ nhân Đông Sinh Nhật, khi nghiên cứu về chèo tàu Tổng Gối cho hay: “Hội chèo tàu có 7 bài hát tàu của 2 lạng Thượng Hội, Thúy Hội, 2 làng Vĩnh Kỳ, Phan Long có những bài của quản tượng, những câu hát được các bậc túc nho qua các đời sáng tác được dân gian chọn lọc đến ngày nay, nhiều câu chau chuốt gửi gắm những tình cảm sâu kín...”.  

Phát huy giá trị của nghệ thuật diễn xướng dân gian Hà Nội
Chuyện nhạc phố cổ - Ảnh: Thanh Nguyệt
Theo báo cáo kết quả thực hiện Đề án Tổng kiểm kê bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được công bố năm 2016 của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, Hà Nội có 79 di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian trong tổng số 1793 di sản, chiếm 4,4%. Các di sản nổi bật đã được kiểm kê là: Múa bồng làng Đại Phẩm (Chương Mỹ); cồng chiêng thôn Đông Ké (Chương Mỹ); múa cồng chiêng của người Mường ở Tản Lĩnh, Vân Hòa (Ba Vì); kéo co ngồi (Long Biên); múa rắn lột làng Trường Lâm (Long Biên); múa Mường ở Vân Hòa (Ba Vì); hát chèo (ở Phúc Xuyên, Phúc Thọ, Sơn Tây, Ba Vì); vật lầu, hát trống quân (Phú Xuyên, Thường Tín, Phúc Thọ); hát ví, hát dô (Quốc Oai), hát ca trù (Hoài Đức); hát tuồng (Đông Anh); hát chầu văn ở Ninh Sở (Thường Tín); vẽ truyền thần, vẽ tranh Hàng Trống (Hoàn Kiếm)... Đây cũng chính là kho báu di sản được kết tinh từ ngàn năm lịch sử còn hiện hữu đến hôm nay.

Tạo “đất sống” cho nghệ thuật diễn xướng dân gian 

Cũng giống như những loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác, di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đang chịu sự tác động không nhỏ của quá trình hiện đại hóa, đô thị hóa toàn cầu. Điều này là tất yếu bởi sự phát triển của xã hội đã kéo theo những thay đổi trong phương thức truyền bá nghệ thuật. Nếu trước đây khi ti vi, điện thoại, internet chưa phổ biến như bây giờ, người ta kéo nhau đi xem chèo, nghe hát, thì nay chỉ cần ở nhà cũng có thể xem, nghe đủ mọi loại hình nghệ thuật. Khi mà những trào lưu nghệ thuật mới ngày một lấn át, thị hiếu nghệ thuật trong công chúng có sự thay đổi rõ rệt, nhất là thế hệ trẻ.  

Là người từng lăn lộn cùng các đồng nghiệp về các làng xã nội ngoại thành xưa để tìm hiểu về kho báu diễn xướng dân gian của vùng đất xứ Đoài, nhà nghiên cứu dân gian Yên Giang càng thấm thía và hiểu rõ hơn những gian khó trong việc gìn giữ nghệ thuật diễn xướng dân gian. Ông chia sẻ: “Cách đây độ mươi, mười lăm năm, chúng tôi triển khai dự án nghiên cứu sưu tầm nghệ thuật diễn xướng dân gian ở Hà Tây, đi sâu nghiên cứu về hát ca trù, trống quân. Lúc ấy các nghệ nhân vẫn còn khá nhiều, những giờ thì gần như chỉ đếm trên đầu ngón tay”. 

Nghệ sĩ Thái Phiên (hội viên Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội) thì bày tỏ niềm băn khoăn lo lắng khi vốn múa cổ truyền của Hà Nội mặc dù rất phong phú, có màu sắc riêng song không ít điệu múa đã bị biến dạng hoặc dần mai một, ít được phục dựng, biểu diễn. “Nhiều điệu múa chỉ còn lưu lại trong tư liệu còn thỉnh thoảng nếu có được trình diễn thì khó tìm thấy màu sắc, độc đáo riêng. Thêm nữa, lực lượng hội viên chuyên nghiệp có khả năng nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác còn quá thiếu, các hội viên trẻ thì phần lớn đều còn công tác nên nhiệm vụ chính của họ vẫn phải theo sự phân công của cơ quan nên Hội thực sự lực bất tòng tâm” - nghệ sĩ Thái Phiên cho hay.

Thiếu vắng khán giả, nghệ nhân ngày càng mai một, không gian diễn xướng thay đổi, kinh phí hạn chế - đó là thực tế đặt ra nhiều thách thức trong trong hành trình “hồi sinh” nghệ thuật diễn xướng dân gian. Có thể nói, việc gìn giữ nghệ thuật diễn xướng dân gian đã khó nhưng để phát huy giá trị của di sản ấy trong đời sống đương đại lại càng khó hơn nhiều. Vài năm trở lại đây, trong khuôn khổ hoạt động của các sự kiện văn hóa tổ chức trên phố đi bộ, hay tại các di tích trong khu phố cổ Hà Nội, công chúng có cơ hội được thưởng thức nghệ thuật diễn xướng dân gian qua các màn múa cổ, những buổi biểu diễn ca trù, hát xẩm, hát chèo tàu… 

Để đưa nghệ thuật dân gian đến với công chúng, tạo đất sống cho loại hình nghệ thuật này trong đời sống đương đại, phải kể tới sự nỗ lực của nhiểu tổ chức cũng như các cá nhân. Nhiều năm nay, trong chuỗi hoạt động do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức đều có bóng dáng của nghệ thuật diễn xướng dân gian, trong đó không thể không nhắc đến chương trình “Chuyện nhạc phố cổ” của nhóm Đông Kinh cổ nhạc. Bên cạnh đó, chương trình “Hoàng thành - Diễn xướng dân gian” do Trung tâm Bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam khởi xướng, được biểu diễn thử nghiệm tại Hoàng thành Thăng Long; rồi hàng loạt các chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ tâm huyết trong nhóm Xẩm Hà thành, CLB Ca trù Chanh Thôn, CLB Ca trù Đình làng Việt, Giáo phường ca trù Thăng Long, Lỗ Khê, Thái Hà, Hà Nội... cũng là những tín hiệu vui cho sự “hồi sinh” của nghệ thuật diễn xướng dân gian. Ngay ở Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, 8 câu lạc bộ do Hội bảo trợ cũng hoạt động khá hiệu quả góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống. 

Tuy nhiên, để phát huy giá trị của nghệ thuật diễn xướng dân gian ở Thủ đô rất cần sự vào cuộc dài hơi của Nhà nước, ngành văn hóa... Theo GS. TS Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: “Thành phố Hà Nội nên đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa, trong đó có kho báu về nghệ thuật diễn xướng dân gian. Cũng nên lan tỏa kho báu này trong hệ thống học đường, bảo tàng Hà Nội, nhà văn hóa các quận huyện; có chế độ đãi ngộ xứng đáng với nghệ nhân những người đang trực tiếp lưu giữ truyền dạy vốn di sản của cha ông; đặc biệt là cần đẩy mạnh xã hội hóa việc lưu giữ và phát huy vốn diễn xướng dân gian cổ truyền”.

Phát huy giá trị của nghệ thuật diễn xướng dân gian Hà Nội
Múa giảo long - Ảnh: Nguyễn Văn Hải 

Hà Nội trở thành thành viên mạng lưới các thành phố sáng tạo từ năm 2019, đó là niềm vinh dự nhưng cũng là một thử thách đối với Thủ đô. Việc hiện thực hóa Thủ đô sáng tạo đã được thành phố chuẩn bị sẵn sàng trong đó có Đề án "Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Quyết tâm chuyển hóa các nguồn lực thành sức mạnh "mềm" của văn hóa, thúc đẩy mạnh mẽ sự kế thừa và phát triển về văn hóa sáng tạo của Thủ đô, chắc chắn sẽ không thể thiếu được việc phát huy giá trị của nghệ thuật diễn xướng dân gian. Hi vọng rằng cùng với sự vào cuộc của thành phố, của ngành văn hóa; cùng với tình yêu và sự sáng tạo của các nghệ sĩ, nghệ nhân sẽ truyền thêm “lửa nghề” cho các thế hệ kế cận. Những thử nghiệm sáng tạo mới trong từng loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian cũng sẽ hứa hẹn sức hấp dẫn với công chúng, góp phần đưa nghệ thuật diễn xướng dân gian ngày một lan tỏa, có chỗ đứng trong đời sống nghệ thuật đương đại. 
(0) Bình luận
  • Từ chiếc nôi nuôi dưỡng tình yêu văn học…
    Hè năm 1989, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội chiêu sinh lớp hướng dẫn sáng tác văn học khóa I do nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn phụ trách. Lớp hướng dẫn sáng tác này đã nuôi dưỡng những hạt mầm văn chương, chắp cánh cho những ước mơ văn chương ngày một bay cao, bay xa. Cũng từ đây, CLB Văn học trẻ Hà Nội trực thuộc hội Văn học Hà Nội (nay là Hội Nhà văn Hà Nội) đã được ra đời.
  • Vinh danh 55 tác phẩm văn học - nghệ thuật năm 2024
    55 tác phẩm xuất sắc ở 9 lĩnh vực văn học - nghệ thuật của TP HCM được vinh danh trong buổi lễ trao giải tối ngày 7/11.
  • Mời cộng tác ấn phẩm xuân Ất Tỵ 2025
    Kính gửi các văn nghệ sĩ, cộng tác viên và bạn đọc gần xa!
  • Triển lãm “30 năm đi cùng ký ức - Thám tử lừng danh Conan”
    Nhân dịp kỉ niệm 30 năm ra đời bộ truyện “Thám tử lừng danh Conan”, từ 26/10 đến 25/12/2024, NXB Kim Đồng phối hợp với Tagger tổ chức triển lãm “30 năm đi cùng ký ức - Thám tử lừng danh Conan” tại trụ sở Nhà xuất bản (55 Quang Trung, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đây là cơ hội cho các fan của Thám tử Conan tại Việt Nam được quay về trong ký ức tuổi thơ, thế giới phá án và truy tìm sự thật cùng các vụ án giả lập bí ẩn, hấp dẫn…
  • Nỗ lực cho những bước tiến của văn học nghệ thuật
    Năm 2024, Hà Nội đang vững bước tiến tới mốc son 70 năm giải phóng Thủ đô, đưa Thủ đô ta bước lên tầm cao mới trên mọi lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế, thu nhập và mức sống từng người dân đủ chứa đựng những cứ liệu hùng hồn nhất về sự phát triển ngoạn mục vượt bậc này.
  • Hội Nhà văn Việt Nam ký kết hợp tác với Viện Văn học Pakistan
    Theo thông tin từ Hội Nhà văn Việt Nam, ngày 15/10/2024, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Hội với Viện Văn học Pakistan.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Hà Nội thông qua Nghị quyết quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao
    Tại Kỳ họp 19 (kỳ họp chuyên đề) ngày 19/11 của HĐND Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố đã trình Dự thảo quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của thành phố (thực hiện điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô). HĐND Thành phố đã xem xét và thông qua Nghị quyết về nội dung này.
  • Phở bò Việt Nam là một trong 20 món súp ngon nhất thế giới
    Phở bò được nhiều khách quốc tế biết đến nhất trong ẩm thực Việt Nam, nằm trong top 20 món soup ngon hàng đầu thế giới do CNN chọn.
  • Hà Nội công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê tại đê Hữu Đáy, huyện Quốc Oai
    Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký ban hành quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp sạt lở mái đê hữu Đáy trên địa bàn huyện Quốc Oai và ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp để ngăn chặn sạt lở mái đê.
Đừng bỏ lỡ
Phát huy giá trị của nghệ thuật diễn xướng dân gian Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO