Phát động cuộc thi viết về “Văn hoá Thăng Long – Hà Nội hội tụ và lan toả”
Nội dung các tác phẩm tham gia cuộc thi phản ánh chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Thành phố Hà Nội trong bảo tồn, phát huy văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong giai đoạn mới. Những kết quả, thành tựu nổi bật trong việc giữ gìn, hội tụ và lan tỏa các giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến...
Cuộc thi viết về “Văn hoá Thăng Long – Hà Nội hội tụ và lan toả” thiết thực chào mừng Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024), 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954- 7/5/2024) và 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024); hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025). Đồng thời Khẳng định sự nghiệp phát triển của Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tăng cường sự quan tâm của các cơ quan báo chí Hà Nội và các cơ quan báo chí thuộc Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố dọc Đường 6 tiếp tục sáng tác nhiều tác phẩm báo chí về văn hóa Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Phát huy vai trò, trách nhiệm và tình yêu với Hà Nội của các cán bộ, phóng viên, hội viên nhà báo, tích cực tham gia và đóng góp trong công tác tuyên truyền; khơi dậy các giá trị, nguồn lực văn hóa Thăng Long - Hà Nội của các cơ quan báo chí trong Cụm thi đua; đồng thời hưởng ứng, tham gia 02 Giải báo chí viết về “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội”, Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh” lần thứ VII năm 2024...
Phản ánh những khó khăn, thuận lợi trong công tác xây dựng, phát triển các nguồn lực, thiết chế văn hóa ở các cấp, ngành, đơn vị, địa phương; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh gắn với tuyên truyền “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố”. Nêu bật những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong việc giữ gìn, phát huy văn hóa Hà Nội. Kiến nghị các giải pháp kịp thời chấn chỉnh, loại bỏ những hiện tượng không phù hợp, từ đó nêu cao những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và của người Hà Nội.
Đối tượng dự thi là các nhà báo và cộng tác viên của các cơ quan báo chí trong Cụm thi đua Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố dọc Đường 6. Số lượng nhóm tác giả ở mỗi tác phẩm tham dự không quá 05 người.
Các tác phẩm báo chí được đăng, phát từ ngày 01/01/2024 đến ngày 15/8/2024.
Các thể loại báo chí (Phóng sự, ghi nhanh, ghi chép, hồi ký, phản ánh... mỗi bài không quá 2.000 từ. Không nhận bài dài quá 05 kỳ.
Báo in: Mỗi tác phẩm là 01 bài hoặc một loạt bài cùng tiêu đề, chủ đề (không quá 05 kỳ) của cùng tác giả (nhóm tác giả).
Báo điện tử: phải là các tác phẩm viết riêng cho báo điện tử, không xét những tác phẩm lấy ra từ báo in. Thể hiện đặc trưng của Báo điện tử là ngắn gọn, có tính liên kết, tính đa phương tiện.
Ảnh báo chí: là ảnh đơn, nhóm ảnh, phóng sự ảnh (không quá 10 ảnh, không được cắt ghép làm sai lệch thực tế).
Phát thanh, Truyền hình (mỗi tác phẩm không quá 15 phút): Mỗi tác phẩm tham dự in lên đĩa DVD hoặc USB, ghi 01 tác phẩm và trên nhãn ghi rõ tên đơn vị, tác phẩm, tác giả, thể loại, thời lượng và thời gian phát sóng, kèm theo văn bản phần lời của tác phẩm. Nếu tác phẩm tiếng dân tộc phải dịch ra tiếng phổ thông.
Cơ cấu giải thưởng gồm 03 Giải A: mỗi giải 10.000.000đ/giải; 05 Giải B: mỗi giải 7.000.000đ/giải; 07 Giải C: mỗi giải 5.000.000đ/giải; 15 giải Khuyến khích : 2000.000đ/giải.
Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố gửi danh sách tác phẩm tham dự (kèm đường link) về địa chỉ email: hoinhabaohanoi@gmail.com.
Các tác phẩm được tuyển chọn từ vòng Sơ khảo trình Hội đồng Chung khảo tiếp tục chấm, lựa chọn và xét giải. Chậm nhất trước ngày 13/9/2024 hoàn thành công tác chấm giải./.