Phạm Phú Phong đồng hành với văn học
Số phận không ngẫu nhiên, mà là
tất nhiên, nó giấu trong tinh cách
của bạn.
Akutawa Ryunosuke
1. Theo Đỗ Lai Thúy, cùng với những bài viết thiên về bình thơ, bình văn của các tác giả như Tản Đà, Trương Tửu, Vũ Ngọc Phan, Trương Chính, những lời Tựa cho các tập thơ của Xuân Diệu, Thế Lữ, thì những bài “ vừa nhận xét, cảm tưởng, giới thiệu hoàn cảnh sáng tác (tiểu truyện), vừa giảng giải của Phan Khôi” được công bố trên các báo Nam Phong tạp chí, Phụ nữ tân văn, Phong hóa, Ngày nay, Tao đàn là những bài phê bình khoa học đầu tiên tuy chưa định hình hẳn một phương pháp, thậm chí còn “là những thiên tuyệt bút của phê bình ấn tượng”.
Phan Khôi (1887-1959), bút danh là Chương Dân, Thông Reo, Tú Sơn, sinh ra ở làng Bảo An, Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam. Là “con một”, cậu ấm của nhà nho Phan Trân – người đã treo ấn từ chức Tri phủ Diên Khánh vì sự lộng hành của công sứ Pháp – và bà Hoàng Thị Lệ, con gái của Tổng đốc Hoàng Diệu. Học chữ Hán với cha từ 6 tuổi, 18 tuổi đỗ tú tài Hán học (1905), chuyển sang học quốc ngữ và tiếng Pháp đạt đến trình độ sử dụng một cách thành thạo. Chủ yếu bằng con đường tự học (ngay cả thời gian bị Pháp bắt giam vì nghi ngờ có tham gia vụ xuống đường chống thuế, ông cũng tự học trong nhà lao Hội An), ông trở thành nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lý luận, phê bình, dịch giả và là một học giả thời danh.
Năm 1907, tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục, viết cho Đăng cổ tùng báo. Pháp khủng bố phong trào, trở về lại Quảng Nam, bị bắt trong phong trào kháng thuế (1908). Ra tù, lại tiếp tục ra Hà Nội viết cho tạp chí Nam Phong (1918). Từ đây, ông chủ yếu sống ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn, viết cho các tờ Thực nghiệp dân báo, Hữu thanh, Thần chung, Phụ nữ tân văn, Phụ nữ thời đàm, Đông Pháp thời báo, Trung lập, Đông Tây, Tràng an, Hà Nội báo, Tao đàn, Tri tân…về Huế, chủ trương tờ Sông Hương (1936-39), xuất bản Chương Dân thi thoại (1936), Trở vỏ lửa ra (tiểu thuyết, 1936). Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ra Hà Nội, thời kháng chiến chống Pháp công tác ở chiến khu Việt Bắc, tham gia Đoàn Văn nghệ kháng chiến, nghiên cứu, dịch sách, xuất bản Tìm tòi trong tiếng Việt (1950), Chủ nghĩa Mác và ngôn ngữ (dịch của Stalin, 1951). Sau 1954, về Hà Nội, tiếp tục dịch Lỗ Tấn, xuất bản Việt ngữ nghiên cứu (1955), viết các báo tập san Đại học Sư phạm, Văn nghệ, Giai phẩm mùa thu, chủ trương tờ Nhân văn (1956), trở thành nhân vật trụ cột của nhóm Nhân văn giai phẩm, nên bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn Việt Nam (1958). Mất tại Hà Nội 1959.
Tác giả Phạm Phú Phong (ảnh: Báo Quảng Nam)
Phan Khôi ra Huế lần đầu vào năm 1916 và xin vào học lớp Nhì ở trường dòng. Nhưng chưa được bao lâu, gặp đại tang, ông trở về quê chịu tang, rồi mở lớp dạy học. Tháng 3.1918, ông ra Hà Nội cộng tác với tờ Nam Phong tạp chí, tự mở chuyên mục Nam âm thi thoại và tự mình phụ trách, là chuyên mục bình giảng thơ, được coi là những tác phẩm mở đường cho phê bình văn học ở nước ta, sau này về Huế sưu tập in trong Chương Dân thi thoại (1936). Thi thoại không phải là thể văn mới lúc này, vì những ai xuất thân từ cửa Khổng, sân Trình đều biết rằng người Tàu từ xưa đã viết nhiều thể văn này (chẳng hạn, Tùy viên thi thoại của Viên Mai 1716-1797), nhưng ở nước ta thì chưa ai viết, nhất là biến những bài bình giảng, những câu chuyện về thơ ấy thành thể tân văn, viết ra để nhằm in báo, thì Phan Khôi là người đầu tiên. Điều đó phù hợp với “khẩu vị” của tầng lớp độc giả thị dân, khi báo chí bắt đầu phát triển. Vậy là, như đã nói, phê bình văn học với tư cách là một bộ môn khoa học về văn học chỉ có thể hình thành trên cơ sở đời sống báo chí. Nhưng viết thi thoại không phải dễ. Nếu người viết không đủ sức cảm thụ, để biết đánh giá bài thơ nào hay, câu thơ nào đắc thì không thể viết thi thoại được. Ngoài ra, còn phải rành về phép làm thơ, rành mẹo luật, vừa có tư duy phản biện, biết lật ngược vấn đề một cách khoa học, lại vừa có ngôn từ hóm hỉnh, có duyên mới thành thi thoại. Có lẽ, cũng chính nhờ đắm mình trong thi thoại mà ông có được Tình già và Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ (1932), trở thành người tiên phong khai mở cho phong trào thơ mới!
Chính Phan Khôi đã xác định thể loại: “Thi thoại là sách nói về chuyện làm thơ. Đại để nó thuộc về một thứ sách thuộc về loại sách phê bình văn học”. Từ đó, ông đặt ra nhiều yêu cầu cho thơ về ý cảnh và tư tưởng, về tự nhiên và kỹ thuật, về nội dung và nghệ thuật ngôn từ. Vì vậy, kéo theo, phê bình của ông thường là cảm – bình nhiều hơn là phân tích, nhằm khái quát những vấn đề gây nên ấn tượng chủ quan trong đời sống nội tâm của chủ thể phê bình nhiều hơn là nhằm lý giải tác phẩm. Vì vậy, Đỗ Lai Thúy có lý khi cho rằng ông là một trong những người mở đầu cho phê bình ấn tượng ở nước ta và chỉ mấy năm sau lối phê bình này, đã gặt hái được thành công vang dội với Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân (hai anh em đứng tên chung, nhưng thực chất lâu nay người ta vẫn cho rằng, tác phẩm này chủ yếu là của Hoài Thanh).
Người ta hay nói đến phẩm chất Quảng Nam thể hiện ở tính khí con người Phan Khôi, trước hết ở tính ham học hỏi và khám phá cái mới. Quan trọng và lớn hơn, đó là những bước đi tiên phong trong nhiều thể loại văn chương, góp phần làm thay đổi diện mạo tiến trình văn học đất nước. Ở đó, ông không chỉ là người mở đầu cho khoa học phê bình hiện đại – phê bình ấn tượng – mà còn là người khai mở cho phong trào thơ mới, với bài thơ Tình già in kèm lời giới thiệu Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ, nhằm giải bày lý do vì sao phải đổi mới:
Hai-mươi-bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, hai cái đầu xanh, kề nhau than thở
-“Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng, mà lấy nhau hẳn đà không đặng
“Để đến nỗi tính trước phụ sau, chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau
-“Hay! Nói mới bạc làm sao chớ! Buông nhau làm sao cho nở?
“Thương được chừng nào hay chừng nấy, chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy
“Ta là nhân ngãi, đâu có phải vợ chồng mà tính việc thủy chung?”
………………………….
Hai-mươi-bốn năm sau, tình cờ đất khách gặp nhau
Đôi cái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung, đố có nhìn ra được!
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi, con mắt còn có đuôi.
Trong hầu hết các tài liệu lâu nay đều cho rằng, bài thơ được in lần đầu tiên trên Phụ nữ tân văn, số ra ngày 10.3.1932. Nhưng thực ra, bài thơ được công bố đầu tiên trên Tạp văn mùa xuân, là tờ phụ trương của báo Đông Tây, trên bìa có ghi rõ “Tạp văn mùa xuân này xuất bản đầu năm Nhâm Thân / In tại nhà in Tân Dân, 93 phố Hàng Bông, Hà Nội”. Mồng một Tết Nhâm Thân là ngày 6.2.1932, mà báo phải ra trước tết khoảng mươi ngày. Như vậy bài thơ này đã được công bố trên phụ trương của báo Đông Tây ở Hà Nội hơn một tháng trước khi in trên Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn. Bài thơ là một cơn bão thổi tan bao nhiêu ao tù nước đọng lưu cửu trong đời sống thi ca, tạo ra một cuộc cách mạng thật sự, mở ra “một thời đại mới trong thi ca” như Hoài Thanh đã khẳng định. Phan Khôi không đi một mình, mà sau ông kéo theo cả một dàn đồng ca âm vang và lộng lẫy: Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính… có thể nói, có khoảng năm mươi người thành danh sau ngọn gió Phan Khôi thổi tới. Nhà văn bản học Lại Nguyên Ân cho rằng: “Việc Phan Khôi đề xướng một lối “thơ mới” có thể chỉ là một hành vi cá nhân ít ý nghĩa nếu sau đó không nảy sinh cả một phong trào theo hướng ông đề xướng, nếu phong trào đó không trở thành một sự kiện văn học sử”.
Với các thể văn xuôi, Phan Khôi cũng còn lưu lại nhiều dấu ấn. Trên Phụ nữ tân văn (1928), trong chuyên mục Câu chuyện hàng ngày, Phan Khôi đã khai sinh ra thể loại Nhàn đàm, mội tiểu loại ký xuất hiện từ thời Michel Montaigne (1553-1592) – nhà văn Pháp thời phục hưng – với hơn trăm bài xuất hiện trên tổng số 273 kỳ báo. Hai truyện ngắn viết bằng chữ Hán Hoạn hải ba đào và Mộng trung mộng in trên Nam Phong tạp chí (số 15 và 18.1918) có thể đặt cạnh những truyện ngắn viết bằng quốc ngữ ra đời cùng năm như Câu chuyện gia đình, Chuyện ông Lý Chắm của Nguyễn Văn Ngọc, Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn, tuy rẳng trước đó Phạm Duy Tốn đã có Bực mình (1914) nhưng còn sơ lược, gần với truyện kể truyền thống. Tuy nằm trong vỏ chữ Hán, nhưng truyện của ông thể tư duy nghệ thuật hiện đại. Cần kể thêm, ông còn có tiểu thuyết Trở vỏ lửa ra (1936), hoàn toàn thể hiện những phẩm chất của tiểu thuyết hiện đại từ hình thức đến nội dung.
2. Lý luận phê bình văn học của Phan Khôi gắn liền với những cuộc tranh luận về tư tưởng và nghệ thuật, mà một người từng được suy tôn là ngự sử trên văn đàn như ông không thể không can dự vào: về Nho giáo, về quốc học, về thơ mới, về nước ta có chế độ phong kiến không… nhất là cuộc tranh luận duy tâm hay duy vật giữa ông và Hải Triều diễn ra trong đời sống báo chí, không chỉ ở Huế, mà còn thu hút công chúng cả nước quan tâm. Mặt khác, ở những cuộc tranh luận quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trong tiến trình vận động của tư tưởng - nghệ thuật, ông đều là người mở đầu. Ở cuộc tranh luận duy tâm hay duy vật, diễn ra trong khoảng sáu năm (1933-1939), ông mở đầu bằng bài Văn minh vật chất với văn minh tinh thần (Phụ nữ thời đàm, ngày 8.8.1933) và sau đó là các bài Nguyên lý và hiện tượng (Phụ nữ thời đàm, ngày 12.11.1933), Trên lịch sử nước ta không có chế độ phong kiến (Phụ nữ tân văn, ngày 29.11.1934), Một cái vũ trụ quan còn mờ tối và yếu đuối: Khổng Tử chẳng duy vật mà cũng chẳng duy tâm (Tao đàn, số 12, ngày 16.9.1939). Ở cuộc tranh luận về thơ mới, diễn ra trong khoảng mười năm (1932-1942), ông là người châm ngòi với chỉ duy nhất một bài Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ (Phụ nữ tân văn, số 122, ngày 10.3.1932) kéo theo hằng trăm bài viết của hơn sáu mươi tác giả tham gia, để cuối cùng đưa đến sự khẳng định toàn thắng của Hoài Thanh với Thi nhân Việt Nam. Ở cuộc tranh luận về quốc học, kéo dài gần mười bảy năm (1924-1941) sau sự mở đầu của Ngô Đức Kế với bài Nền quốc văn (Hữu thanh, số 12, ngày15.4.1941), ông hăng hái tham gia với loạt bài Chữ quốc ngữ ở Nam kỳ với thế lực của phụ nữ (Phụ nữ tân văn, số 28, ngày 7.11.1929), Viết chữ quốc ngữ phải viết đúng (Phụ nữ tân văn, số 31, ngày 5.12.1939), Phải viết chữ quốc ngữ cho đúng, dùng danh từ cho trúng (Phụ nữ tân văn, số 56, ngày 12.6.1930), Cảnh cáo các nhà học phiệt (Phụ nữ tân văn, số 62, ngày 24.7.1930), Về cái ý kiến lập hội chấn hưng quốc học của ông Phạm Quỳnh (Phụ nữ tân văn, số 70, ngày 18.9.1930), Luận về quốc học (Phụ nữ tân văn, số 94, ngày 6.8.1931), Bất điều đình (Đông Tây, số 133, ngày 25.4.1932), Sự học chữ Hán thưở xưa với bây giờ (Phụ nữ tân văn, số 159, ngày 14.7.1932), Văn học chữ Hán của nước ta mấy cái văn thể đặc biệt do người mình bày ra mà người Tầu không có (Phụ nữ tân văn, số 169, ngày 22.9.1932), Thanh niên với Tổ quốc: kẻ thanh niên tân học nước ta muốn giúp ích cho Tổ quốc phải làm thế nào (Phụ nữ tân văn, số 172, ngày 13.10.1932), Khái luận về việc học chữ Hán ở nước ta (Tao đàn, số 1, ngày 1.3.1939, số 2, ngày 1.4.1939). Thậm chí, có những cuộc tranh luận ông im hơi lặng tiếng, không tham gia bài nào, nhưng vẫn bị lôi kéo, xếp vào chiến tuyến đối đầu, như trong cuộc tranh luận Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh (1935-1939), trong bài Nghệ thuật có tự do chăng? (Tiến bộ, số ra mắt, tháng 2.1937), nhằm chống lại Hoài Thanh và Lưu Trọng Lư, tác giả Hải Thanh cũng đề “Tặng các ông Hoài Thanh, Phan Khôi, Lưu Trọng Lư và tất cả các nhà văn ở phái duy tâm”.
Phan Khôi là người xuất thân Nho học, ông sống toàn vẹn với giềng mối nho gia, nhưng lại là người mang đậm đặc phẩm chất của con người xứ Quảng, có tư duy phản biện, nhạy bén với cái mới, cái tiến bộ của Âu Tây. Điều đó không chỉ thể hiện trong hoạt động phê bình, tranh luận văn học nghệ thuật, mà còn trong nhiều lĩnh vực khác như ngôn ngữ, chữ viết, triết học, sử học, văn hóa, xã hội, luận lý, chính trị, thời sự… với không dưới một nghìn bài báo trong cuộc đời làm báo của mình. Thiếu Sơn, đã từng rút ra Bài học Phan Khôi một cách chính xác rằng: “Cái đặc biệt ở Phan khôi là chống công thức (non conformiste) / Những cái gì người ta cho là phải, là đúng thì ông đưa ra những lý luận, trưng ra những bằng chứng để đưa tới kết luận là trái là sai. Võ Hậu là một con dâm phụ chuyên quyền, ông Phan Khôi dẫn chứng ở sách vở ra để chứng minh rằng bà ta là một người đàn bà vượt khuôn khổ, một bộ óc thông minh tuyệt vời, một phụ nữ phi thường / Cố nhiên là nhiều khi ông ngụy biện nhưng ngụy biện một cách tài tình, và ngay trong khi ngụy biện ông cũng dẫn chứng được phần nào những ưu điểm của một nhân vật mà thành kiến chỉ cho thấy toàn khuyết điểm mà thôi”. Ưu điểm trong lối tư duy của ông là ở đó, nhược điểm, bảo thủ, cố chấp của ông cũng là ở đó.
3. Phan Khôi là con người của thời đại, sản sinh từ các trào lưu yêu nước như Duy tân, Đông du, Đông Kinh nghĩa thục, có sự xuyên thấm đến mức nhuần nhuyễn bản sắc văn hóa Việt với truyền thống của làng quê văn hiến, hun đúc nên phẩm chất và bản lĩnh của một con người Quảng Nam “thứ thiệt” sừng sững hơn nữa thế kỷ.
Phan Khôi là một trong những người tiêu biểu cho “Quảng Nam hay cãi”. Không phải ngẫu nhiên mà người Quảng có câu “lý sự quá Phan Khôi”. Ông vốn không phải là người bảo thủ, mà luôn nhạy bén với cái mới, nhưng cái “cốt tính” xứ Quảng đã ăn sâu vào máu thịt ông, hình thành nên hệ thống tư duy thể hiện “sự vươn lên của tâm hồn, tinh thần bất khuất, đức tính chịu khó, hăng hái làm việc nghĩa, rất can đảm, sẵn sàng hy sinh đấu tranh chống những thế lực đàn áp. Khô khan, tằn tiện, ương ngạnh, khẳng khái... là những đức tính phải có sau những cuộc đấu tranh dài (...), trầm lặng mà không buông tay đầu hàng. Đó là cái trầm lặng của con người nghĩ nhiều, cảm nhiều, hành động nhiều và gặp trường hợp nào cũng biết nói lớn. Cái cá tính ấy được thể hiện qua tâm tư thì ít, mà trái lại qua hành động thì vô cùng phong phú. Người xứ Quảng rất giàu tình cảm, nhưng không bộc lộ ồn ào mà lại thầm kín, bền chặt. Họ rất giản dị, thiết thực, thẳng thắn chân thành rất giàu nghị lực. Đó là mẫu người có ý chí cương quyết, có con tim hào hùng”[6]. Phan Khôi là mẫu người như thế. Cái lối viết của ông để mọi người hiểu thì được, còn để người ta cảm tình thì thật khó. Nó có thể làm người đời vui khối óc mà không cám dỗ được cõi lòng họ. Có lẽ vì quá say sưa và thành thật nên những cuộc tranh luận trên văn đàn giai đoạn 1930-1945, mà theo thống kê của nhà nghiên cứu văn học Thanh Lãng, có mười vụ án văn chương, thì ông khởi xướng hoặc tham gia tranh luận đến năm vụ, trong đó có những vụ nổi đình nổi đám như Nho giáo, Quốc học, Truyện Kiều, Duy tâm-duy vật... Thời đại của ông là thời đại của văn chương thông tấn. Văn học hiện đại nước ta ra đời trên cái nền của của đời sống báo chí. Vì vậy, sinh thời ông chỉ mới in hai cuốn sách là Chương Dân thi thoại (1936) và Việt ngữ nghiên cứu (1951), nhưng còn một khối lượng đồ sộ gồm thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, khảo cứu, lý luận, phê bình văn hóa, văn học và cả dịch thuật đều in trên báo. Lâu nay, người ta vẫn coi đóng góp chủ chủ yếu của ông là ở lĩnh vực báo chí... Gần đây, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, đã sưu tầm biên soạn, mà theo anh là chưa đầy đủ, đã công bố văn chương in báo của Phan Khôi đến hơn năm nghìn trang sách. Đó là một di sản đồ sộ, thể hiện một tấm gương lao động miệt mài suốt cả cuộc đời 72 năm của Phan Khôi. Cũng theo Lại Nguyên Ân, trước khi khởi xướng thơ mới, từ năm 1928, trên các báo Đông Pháp thời báo, Phụ nữ tân văn, Thần chung, Trung lập, Đông Tây, Phan Khôi “liên tiếp có những đề xuất, đề xướng theo hướng duy tân, cả về học thuật lẫn về văn hóa xã hội” như: quốc sử, quốc học, nữ quyền, ngôn ngữ - nhất là phong cách văn xuôi báo chí…
Sự tiên phong trong các thể loại văn học thể hiện phẩm chất Quảng Nam “thứ thiệt” là nhạy bén với cái mới, luôn có nhu cầu thay đổi tư duy, thích làm cách mạng, không cam chịu thủ phận, không chịu nổi sự tù túng của số phận, sự chật chội của thời đại đang sống, muốn vươn lên phía trước, tiên phong khai mở, đi trước thời đại. Ưu điểm nổi bậc của nhân cách kẻ sĩ, nhân cách “danh sĩ đất Quảng” của ông là ở chỗ ấy, nhưng nhược điểm của ông cũng là ở chỗ ấy. Ông sống có chủ kiến và biết bảo vệ chủ kiến của mình đến cùng, nhưng không phải cái gì ông cũng đúng. Ông sống một cách ương ngạnh và toàn vẹn với cả điều đúng đắn lẫn những sai lầm, khiến người đời có lúc không hiểu ông, thậm chí có lúc lên án hoặc lãng quên ông.
Nhìn lại những bước đột phá trong văn chương của ông, quả là đã góp phần đưa tiến trình hiện đại hóa văn học nước nhà tiến lên những bước dài, có thể so với vài mươi năm hoặc non nửa thế kỷ. Ngước nhìn thành tựu văn chương của ông mà ngưỡng vọng tấm lòng nhiệt thành của một con chim Việt xa xa trong mù khơi, đậu cành Nho trong lồng xã hội phong kiến, vọng về phương Đông nhìn ra phương Tây, thỉnh thoảng cất lên tiếng kêu tha thiết pha lẫn ít nhiều u uất, cực nhọc, hệ quả của một cuộc đời không mấy thanh thản, thong dong. Nhưng xét cho cùng, ở vào bất cứ hoàn cảnh nào, ông cũng chính là ông, cũng toàn vẹn một nhân cách của “danh sĩ đất Quảng” với tất cả ý nghĩa xác đáng của danh hiệu này.