“Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập” - tập khảo cứu cho người yêu điện ảnh
Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận - Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương vừa ra mắt công chúng tập sách “Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập”. Ấn phẩm do NXB Hội Nhà văn và Công ty Sách Liên Việt phối hợp xuất bản.
Đúng với tên gọi, cuốn sách “Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập” của TS. Ngô Phương Lan như một công trình nghiên cứu nhìn lại nghệ thuật thứ bảy ở nước ta từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới (1986) đến hôm nay.
“Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập” được chia thành hai nội dung. Trong đó, phần đầu tiên, TS. Ngô Phương Lan đã khái quát về tác phẩm điện ảnh và phong cách của các đạo diễn là những bài phê bình một số bộ phim chọn lọc, ghi dấu ấn trong thời kỳ đổi mới, như: Tướng về hưu, Thương nhớ đồng quê, Mùa ổi, Thị trấn yên tĩnh, Mê Thảo thời vang bóng, Ai xuôi vạn lý, Chiếc chìa khóa vàng, Ngã ba Đồng Lộc, Bến không chồng, Đời cát, Thung lũng hoang vắng, Trăng nơi đáy giếng, Cỏ lau, Mùa len trâu, Thời xa vắng, Sống trong sợ hãi, Chơi vơi, Chuyện của Pao…
Qua các bài viết ở phần đầu tiên, TS. Ngô Phương Lan đã đưa ra những đánh giá, phân tích về các tác phẩm từ yếu tố kịch bản, cấu trúc phim, các tình huống trong phim, cách xử lý các cảnh quay, âm nhạc, nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật và diễn xuất của các diễn viên… Ấn tượng hơn, dù diễn đạt bằng chuyên môn hàn lâm, nhưng tác giả cuốn “Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập” thể hiện ngôn ngữ giản dị, qua đó dễ dàng phù hợp với cả giới chuyên môn, độc giả có tình yêu với điện ảnh nước nhà. Với hơn 30 năm gắn bó với nghệ thuật điện ảnh, TS. Ngô Phương Lan có cách phê bình chuẩn xác nhưng cũng rất nhân văn, làm cho những người làm phim cảm thấy được động viên, khuyến khích để nỗ lực nhiều hơn trong sự nghiệp của mình.
Phần hai của cuốn sách là các tiểu luận, bài viết nói về sự phát triển, thăng trầm của điện ảnh Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và hành trình xây dựng nền công nghiệp điện ảnh. Trong phần này, TS. Ngô Phương Lan phác thảo “sơ đồ” các liên hoan phim quốc tế, chặng đường đến với quốc tế của điện ảnh Việt Nam, những thách thức và bài học kinh nghiệm xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam.
Đặc biệt, qua nhiều năm gắn bó với ngành điện ảnh, trong đó có vị trí Cục trưởng Cục Điện ảnh từ 2011-2018 (Bộ VH-TT&DL), Giám đốc các liên hoan phim trong nước, hiện bà đang là Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển điện ảnh Việt Nam khóa I, thông qua cuốn sách, TS. Ngô Phương Lan thể hiện nỗi trăn trở, câu chuyện quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới bằng nghệ thuật thứ bảy.
“Thật may, đây cũng là hơn 30 năm tôi được làm nghề một cách miệt mài và say mê dù phải vượt qua không ít khó khăn, thử thách. Cho nên tôi cứ tự nhủ rằng mình là người thực sự may mắn, vì cả cuộc đời được gắn bó với nghề mình yêu, kể từ khi được chọn chuyên ngành lý luận phê bình điện ảnh để học và hành”, TS. Ngô Phương Lan, chia sẻ.
Có thể nói, cuốn “Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập” có ý nghĩa lớn với nền điện ảnh nước ta. Bởi lâu nay, công tác lý luận, phê bình điện ảnh tại Việt Nam khá hạn chế, hiếm có những tập sách hoặc bài viết chất lượng, đánh giá "trúng và đúng" về tác giả, tác phẩm điện ảnh hoặc cả nền điện ảnh. Những bài viết thể hiện sự công phu, tâm huyết của TS. Ngô Phương Lan trong cuốn sách với hai nội dung kể trên, cung cấp cho giới chuyên môn và bạn đọc những thông tin hữu ích của điện ảnh Việt Nam từ khi đổi mới đến hội nhập hôm nay.
Nói một cách khác, “Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập” như một bộ tài liệu khảo cứu để các nhà nghiên cứu trong ngoài nước, sinh viên ngành điện ảnh và những người yêu thích điện ảnh tham khảo, học hỏi, trao đổi. Để rồi từ đó, góp sức đưa nghệ thuật thứ bảy Việt vươn cao, bay xa hơn trong tương lai./.
TS. Ngô Phương Lan đã rất dày công và tinh tế khi viết phê bình hầu hết những bộ phim có dấu ấn từ thời điện ảnh Việt Nam đổi mới và hội nhập. Điều này rất đáng quý vì phê bình là một địa hạt khó, luôn có những ý kiến, nhận xét trái chiều.
PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.