Nước mắt phượng hoàng

Truyện ngắn của Trác Diễm| 15/03/2018 20:41

“Trong truyền thuyết phượng hoàng là sứ giả hạnh phúc của thế gian cách năm trăm năm, phượng hoàng sẽ mang theo tất cả niềm bất hạnh cùng với hận ân oán của nhân gian, dấn thân vào trong hừng hực liệt hỏa để tự thiêu, lấy sinh mệnh và kết thúc mỹ lệ để đổi lấy sự tường hòa và hạnh phúc của thế nhân”. Tôi gấp sách và nhấp ngụm cà phê trước khi bắt đầu một ngày mới.

Đám lá mục ẩm ướt dưới chân dính bệt vào nhau bởi mưa dầm dề cả nửa tháng, đám lá mọi ngày trời nắng chỉ cần sơ ý để tàn thuốc rụng xuống là bùng cháy dữ dội. Tôi và chị vườn đã khiếp hồn với sự cố đó hồi đầu tháng tư năm ngoái khi lên thăm vùng đồi này, tay nhiếp ảnh mặt mày xám ngoét chẳng thể ngờ đốm đỏ từ tay anh ta vừa quẳng xuống ngay lập tức biến thành con sâu lửa ngốn nhanh vào đám lá khô và được gió thổi bốc lên cao, lửa hừng hực réo rắt, hô hoán người giúp cũng không cách gì dập nổi dù đồi nằm gần ngay cạnh hồ nước. Chỉ trong thoáng chốc mà hơn một héc ta keo tràm đã bị lửa thiêu trụi... 

Nước mắt phượng hoàng
Minh họa của Vũ Khánh
Chị vườn dẫn tôi tới hồ nước, mặt nước là là những đụn sương từ trong núi ùn ra, vẻ xanh biếc phẳng lặng của mặt hồ như mảnh gương soi màu thạch. Yên bình đến thế là cùng, bỗng con chồn núi từ bụi rậm phóng ra như một chiếc tàu ngầm xé tan mặt nước hình rẻ quạt.

Chị vườn nhặt một viên sỏi ném về hướng đảo nhỏ giữa hồ, nói: Chỗ kia là nơi cò hay về đậu trắng lóa. Những buổi chiều khi mặt trời lui dần về phía đằng núi kia, mặt nước khúc xạ ánh sáng lấp lánh như lông vũ phượng hoàng. Em biết không, hồ nước này có hình chim phượng đấy, đêm trăng trên mặt hồ có bầy tiên nữ lả lướt.
Chị vườn nheo mắt nhìn ra xa hồ: Cách đây 25 năm khi một nhà sư già vô tình đi ngang qua đây, ông đứng nhìn một lúc rồi bảo: Thế đất thế núi ở đây hình rồng, phần đuôi nằm ở khu chợ, phần đầu kê hướng Đông của xóm năm bên dưới, đó là những vùng đất sát chủ, không tốt. Còn dải đất nhà chị thuộc vào mình rồng nên rất thiêng, rất thịnh vượng. Coi ngó một lúc nhà sư có ý định mua quả đồi nhà chị để xây chùa nhưng anh nhà chị không chịu, kể cả người Tây về đây cũng gạ gẫm đòi mua mở du lịch.

 Tôi ngắm nhìn hồ nước và dãy núi. Đứng ở một mô đất cao nhất nhìn bao quát, uốn lượn hai bên núi là hai cánh chim xanh biếc, còn giữa là mình xanh lấp lánh ánh bạc, mỏ chim chầu lên một ngọn đồi khác. Còn chỗ tôi và chị vườn đang đứng, điểm xuyết những cụm hoa loang loang đa sắc chính là đuôi của con chim phượng hoàng. 

- Nay với em đúng là có duyên thật, mà em thuê đất lâu dài đây chỉ với ý định trồng hoa thôi sao? 

- Dạ, em rất thích nơi này và muốn biến nó thành một vùng đồi thật thơ mộng, sau đó làm gì thì hẵng tính. 

- Em đúng là dân văn chương, được bao nhiêu vứt vào đó rồi có kham nổi không hay rồi lại bỏ cuộc thì tội em quá. Anh chị đào hố định bỏ xuống đây mấy trăm gốc ổi, mỗi năm thu hoạch cũng được mấy chục triệu. Chị vườn cười chất phác vừa đi vừa tránh giẫm lên những khóm cải và tần ô mà tôi nhờ chị rắc xuống cách mấy ngày trước đó.

Chị vườn dẫn tôi thăm đồi một lúc rồi đi xuống nhà, tôi tiếp tục đi vòng lên những trảng đồi cao hơn, từ đây nhìn xuống, những mái nhà lô xô ngói nâu ảm đạm. Chợt thèm một điều gì đó ấm áp hơn. Mùi khói hoặc một tảng nắng chẳng hạn... Vừa đi vừa suy nghĩ mông lung tôi chợt bắt gặp một mùi hương quen thuộc, mùi gì nhỉ? Thế đấy, có những thứ quen thuộc đến mức nhiều khi ám ảnh ta đến mù mờ và không sao lôi nó ra được khỏi ký ức để vực dậy. Ô kìa, có những sợi khói thật và những nhịp khua đều vang lên sao cũng quen thuộc quá.

Tôi đi dần xuống chỗ có những lọn khói bốc lên cao, xuyên qua mái ngói nâu... Bỏng ngô! Tôi kêu lên như vừa túm được vạt ký ức xa xưa mà dựng dậy. Cạnh bếp, tôi ngắm kỹ gương mặt của bà cụ, hai sợi lông mày nhíu lại và vầng trán xếp lớp cũng không giúp cho tôi nhận ra bà cụ ngay lúc ấy. Phải nhờ khối u nổi cộm trên lưng tôi mới gọi tên cụ một cách chính xác. Cụ Tép! Đúng cụ Tép rồi! Hóa ra cụ lên đây sống sao? Bà cụ ngừng khua chỗ ngô trên bếp nhíu mắt nhìn tôi, bà không nhận ra đâu vì chúng tôi xa nhau dễ đến hai chục năm rồi. Xúc động tôi vòng tay ôm lấy bà cụ. Ký ức tuổi thơ trượt về trong tôi rõ mồn một, tí tách những hạt bỏng ngô rang cát nở hoa thơm nức. 

***

Cây mít chẳng biết ai trồng từ bao giờ, nó nằm mé bên cánh đồng làng, nhà cụ Tép khi xưa ở đó. Khi ấy lũ trẻ chúng tôi khoảng chừng lên 7 lên 8, còn cụ Tép đã sém 60. Gọi là nhà nhưng thực ra đó là một cái chòi thì đúng hơn, người làng chỉ tụ tập ở đó để trú mưa hoặc tránh nắng khi đi làm mùa. Cụ sống thui thủi một mình không con cái, không bà con thân thích, thực ra thì cụ Tép cũng có một đứa con nuôi nhưng nghe nói người con đó đã bỏ cụ để ra đi. “Đó không phải là mẹ đẻ của mi đâu Đam à, mẹ mi ở tận ngoài Bắc cơ, là công nhân vô đây làm đường và đẻ ra mi”. Người đời cũng độc miệng thật. Chỉ vì câu nói đó mà nó bỏ bà cụ để đi tìm mẹ đẻ của mình. Ngày nó bỏ đi bà cụ khóc hết nước mắt, dù gì bà cụ cũng một tay chăm bẵm nó từ khi lọt lòng cho đến khi nó lên chín, bà thương yêu nó chẳng khác gì máu mủ ruột rà của mình. Người con trai ấy đi, một mình cụ sống trong căn nhà hoang hoác đó cô đơn lắm, do vậy niềm vui của cụ chính là lũ trẻ chăn bò chúng tôi. Ngoài khối u ở lưng cụ còn bị tật ở chân nên cụ chỉ toàn ngồi làm việc chứ ít khi di chuyển. Có một điều quen thuộc là dù mưa hay nắng, dù ốm đau hay khỏe mạnh thì bếp lửa của cụ Tép vẫn luôn đỏ rực. Biết mình không có khả năng để làm đồng như bao người khác nên cụ Tép nhận rang mướn các loại hạt ngũ cốc. Ai thuê gì cụ rang nấy, người trả công bằng ngũ cốc, người thì trả cho cụ vài ba ngàn kiếm bát cơm qua ngày. Mùa đông những người dân trong làng hay mướn cụ rang các loại hạt ngũ cốc để làm thức uống, những loại hạt qua đôi tay nhịp nhàng đều đặn cứ dậy lên vàng rộm, chín đều, chả có mẻ nào sống hay cháy khét. Hết rang hạt lại nướng bánh đa hoặc ngô khoai sắn. Ấm chè xanh đặt bên gốc mít lúc nào cũng được om nóng để phục vụ những người nghiện nước chè đặc. Đĩa lạc rang và dăm ba con cá khô dậy mùi đồng nội. Bình yên qua ngày, vậy mà đùng một cái có dự án mở rộng đường liên thôn liên xóm, mở rộng đường ra đồng để cho những chiếc xe công nông thay xe bò kéo ra đồng thu hoạch mùa, con đường nhắm trúng căn nhà đơn sơ ấy, nhóm người xúm lại cắm cọc và đo đạc. Cụ Tép ẹp người xuống ôm lấy cái bếp được lũ trẻ chúng tôi trét bằng bùn đất, cái bếp hình tròn có cửa thông khí rất tốt theo tôi (lúc đó), cụ ứa nước mắt van vỉ: Xin các ông nhích sang bên trái chút được không? Bên đó đất trống còn nhiều chứ tôi ở góc cua này cũng không ảnh hưởng gì đâu.

Gã công an viên béo ục ịch, làn da nâu bóng láng, trợn mắt quát: - Đất này của nhà nước. Tôi đã nói cho mụ dọn đi không biết bao nhiêu lần mà mụ cứ lì lợm giả điếc, bực mình.

- Tôi xin các ông hãy cho tôi tạm sống đây đi mà.

- Năm xưa, trưởng thôn đã quá là ưu ái cho mụ rồi đấy, người nơi đâu dạt tới, được thôn cho mướn đất sống cả mười mấy năm không lấy xu nào, giờ cần đất để làm đường thì thôn lấy lại, mụ liệu kiếm nơi khác sống đi. Mà tốt nhất nên vô trại chăm sóc đặc biệt ấy... 

Gã vừa nói vừa giật những tấm bạt xanh rách cũ kỹ quẳng thành một đống, những tấm ván cũng được gỡ đi trong chốc lát, từng tấm gianh rớt xuống xiêu vẹo.

- Không, xin các ông đừng dỡ nhà tôi, tôi không muốn đi đâu nữa... Cụ Tép vươn những lóng tay gầy đét cố níu tay viên công an xã nhưng liền bị hất văng sang một bên, cụ cố nhào tới ôm lấy chân hắn: Đừng phá nữa...  tôi xin các ông...

- Tránh ra! Gã thét lên rồi cầm lấy quai búa tạ đánh phăng một nhát thật mạnh vào ngôi bếp, ngôi bếp vỡ ra tan tành, khói mun bay mù mịt. 

Lũ trẻ chúng tôi nem nép bên gốc mít quan sát mà không dám tới gần, lớ xớ là sẽ bị mấy ông quản đồng này bạt tai ngay lập tức. Chúng tôi đã bị các ông ấy cho ăn đòn do mấy bận vì mải hóng chuyện để bò vào phá hoa màu. 

Những túi bóng chăn màn quần áo được vứt ra xa lẫn lộn với những thùng lương khô đựng gạo và hạt ngũ cốc, một chiếc túi bóng quấn kỹ dăm ba đồng bạc lẻ giắt trên mái. “Của gì đáng giá của mụ thì mang ra đi để chúng tôi dọn sạch chỗ này” Đâu rồi? Đem một ít xăng và mồi lửa tới đây. Gã ra lệnh cho mấy thanh niên choai choai làm đường. Phụt! lửa như một con quỷ háu đói liếm ngon ngót vào đống tăng bạt, ván gỗ và rác rưởi.

Cụ Tép gào lên: Còn tấm ảnh của con trai tôi, lấy ra cho tôi... hu... hu... Cụ khóc vật vã như ngày đứa con trai nuôi của cụ bỏ nhà đi. Tấm ảnh cháy xém một góc, gương mặt trong ảnh nhàu nhĩ nhưng không làm mất đi vẻ sáng sủa và tinh anh trong đôi mắt của nó. 

Đội quân làm đường dùng những chiếc xỉa cào bới đống rác chất lên cao, bọn họ cào đến chỗ chiếc chòi chúng tôi dựng bằng những cọc sắn và lợp mái bằng những thân ngô và lá chuối khô, nơi đó chúng tôi đã có những ngày tháng ngọt ngào cổ tích. Từ lò bếp của cụ Tép chúng tôi chuyển ra đó cơ man nào là cua đồng, ngô khoai nướng, bữa tiệc trên lá chuối được diễn ra tưng bừng với trò chơi đám cưới, đám giỗ của bọn con nít. Rồi những ngày áp Tết mẹ sai chúng tôi đem những ống đương tươi ra bếp cụ Tép hong khô để về chẻ lạt, rồi từng cuộn lá dong lá chuối hơ qua lửa để chuẩn bị gói bánh Tết, cụ Tép làm chăm chỉ sạch sẽ và cẩn thận, cuộn nào cũng mềm thơm mùi lá.    

Tôi thích hít hà mùi khói ấy, mùi khói ám ảnh tôi cho đến tận bây giờ. Và tôi càng nhớ da diết hơn mỗi lần từ thành phố trở về quê khi đi qua gốc mít làng, cụ Tép đã đi đâu? Cụ còn sống hay đã chết? Tôi đi trong những buổi chiều mưa bụi, những buổi chiều cuối năm ẩm ướt, cái lạnh se sắt từ đồng thổi vào. Lạnh, lạnh quá! Nước mắt tôi rỉ ra khi trong ký ức mình chợt vụt lên cái bếp lửa nồng đượm, những bữa cơm độn ngô chan với canh chua cá mà cụ Tép dọn ra ăn cùng bọn trẻ. Hay những đêm 30 chưa đến khắc giao thừa chẳng ai hẹn mà bọn trẻ chúng tôi đều có mặt tại nhà cụ Tép với nào là bánh chưng, bánh tét, sa lam, mứt gừng... chúng tôi trộm mẹ và dối là mẹ bảo mang ra biếu. Khi ấy cụ Tép rất vui và mỉm cười trông thật tội nghiệp.
- Cụ ơi, chắc bây giờ cụ không còn nhớ cháu nữa đâu? Nhưng cháu sẽ không bao giờ quên được cái chiều cháu bị sẩy chân chúc đầu xuống kênh mương và cụ đã lết nhanh ra cứu cháu… Tôi không biết mình sẽ chìm vào suy nghĩ ấy trong bao lâu nếu như không có giọng nói quen thuộc cất lên từ ngoài ngõ: Ăn cơm chiều thôi mẹ. Chị vườn đẩy tấm liếp bưng vào một mẹt cơm nghi ngút khói đặt lên cái ghế nhỏ bên cạnh bếp.
- Mẹ nuôi của chồng chị đấy, bà cụ hiền lành lắm. Chỉ vì mẹ muốn ngồi bếp rang ngũ cốc nên anh nhà chị làm thêm cái nhà nhỏ này cho mẹ. Rồi chị vườn lại kể chuyện ngày xưa...
- Ôi đúng là quả đất xoay tròn. Năm nhà cháy anh con nuôi đã quay về đón cụ.
***
Trở lại đồi mang theo hơi ấm từ gian bếp, tôi ngắm nhìn hồ nước rất lâu “Thuở xưa trong núi có một đôi chim phượng hoàng yêu nhau thắm thiết, chúng vô cùng hạnh phúc khi trong tổ xuất hiện đôi trứng hồng, ngày ngày phượng hoàng chồng bay đi kiếm mồi còn phượng hoàng vợ ở nhà ấp trứng. Một hôm phượng hoàng chồng bay đi kiếm mồi thì nhìn thấy một con chim phượng hoàng khác có bộ lông vũ kiêu sa lông lẫy, ngay lập tức phượng hoàng chồng si mê và không đoái hoài gì đến tổ ấm của mình nữa. Ngày này sang ngày khác phượng hoàng vợ nằm trong tổ mong ngóng phượng hoàng chồng quay về  nhưng phượng hoàng chồng đang bận đi tìm quả ngọt về cho phượng hoàng xinh đẹp kia. Một ngày kia khi các con bắt đầu cứng cánh và có thể tự lập thì phượng hoàng mẹ bay đi tìm chồng, phượng hoàng vợ bay qua nhiều ngọn núi cao xanh thẳm, vừa bay vừa gọi, hết ngày này sang ngày khác, bay mãi đến kiệt sức thì sà xuống một vùng đồi núi hoang vu, lúc này từ trong khóe mắt của phượng hoàng vợ những giọt nước long lanh nhỏ xuống. Phượng hoàng vợ chết và những giọt nước mắt biến thành một vùng thủy mặc vô cùng u sầu diễm lệ.” Tôi trôi mãi trong miền cổ tích. Chẳng hay chị vườn đứng sau lưng tôi từ khi nào.
- Nghe nói nước mắt của chim phượng hoàng có thể chữa lành mọi vết thương.
- Thật vậy ư? Tôi cúi xuống vốc một vốc nước trên tay, những giọt nước long lanh luồn qua tay khe khẽ rớt xuống.
Bên mép nước một bông cúc xanh đắng đót nở lạc mùa. Ngày cuối cùng của mùa đông...
(0) Bình luận
  • Trao giải 11 tác phẩm xuất sắc “Truyện ngắn Sông Hương 2024”
    Ban tổ chức đã trao giải 11 tác phẩm xuất sắc cho cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” do Tạp chí Sông Hương phát động.
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Ăn Tết nay yêu Tết xưa
    Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nước mắt phượng hoàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO