Nữ giám đốc Sài Gòn chọn ở nhà thuê dù dư tiền mua nhà sang

Theo vnexpress| 20/07/2017 11:34

"7 năm qua, cũng vài lần mua đất ở Sài Gòn định xây nhà, nhưng sau đó có người trả giá cao, chúng tôi lại bán luôn", chị Hannah kể.

Bài viết dưới đây là chia sẻ của chị Hannah Nguyễn, bà mẹ một con 33 tuổi, giám đốc một tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực làm đẹp về quan niệm đối với việc mua nhà, tậu xe cũng như tiêu dùng trong gia đình. 

Vợ chồng tôi cưới nhau 12 năm rồi và có dư khả năng để sắm một ngôi nhà tốt nhưng mấy tháng trước chúng tôi mới quyết định mua một căn hộ. 

Tôi sinh ra ở vùng đất Tây Nguyên, theo gia đình sang Mỹ định cư từ lúc 10 tuổi. 17 tuổi, tôi đi làm thêm để trang trải chi phí đại học và đã có thu nhập khá ổn định. Chồng tôi là người Việt, du học cao học tại Mỹ rồi làm kỹ sư xây dựng ở đây. 

Nữ giám đốc Sài Gòn chọn ở nhà thuê dù dư tiền mua nhà sang
Chị Hannah Nguyễn cho biết có lẽ do sống ở nước ngoài lâu nên quan điểm của chị về việc mua nhà, ổn định cuộc sống có nhiều khác biệt so với suy nghĩ của phần đông người Việt. Ảnh: NVCC.

Trước đám cưới, tổng số tiền chồng tôi có là 8.000 USD (khoảng gần 182 triệu đồng). Số tiền này chỉ đủ mua một chiếc nhẫn hột xoàn như cô gái nào cũng ao ước khi bước lên xe hoa. Nhưng vợ chồng tôi thấy dành toàn bộ tài sản mình có để mua chiếc nhẫn như vậy thì phí quá nên đã bàn với nhau dùng số tiền đó để hùn vốn với vài người bạn mở một cửa hàng thời trang ở Việt Nam. Mặc dù việc kinh doanh này thất bại vì vợ chồng tôi đều thiếu kinh nghiệm lại không thể sát sao khi quản lý từ nơi cách xa nửa vòng trái đất nhưng nó mang lại cho chúng tôi nhiều bài học quý giá về sau. 

Sau khi kết hôn, tổng thu nhập một năm sau thuế của hai vợ chồng tôi tầm 100.000 USD (khoảng gần 2,3 tỷ đồng), thuộc mức trung lưu tại Mỹ nên có thể sống khá thoải mái. Dù vậy, chúng tôi chỉ dùng lương một người để chi tiêu, phần còn lại tiết kiệm. Khi ấy, cả hai cũng nghĩ tới việc mua một căn nhà. Tại Mỹ, việc mua nhà sẽ trả góp hằng tháng, lãi suất không cao như ở Việt Nam nhưng sau khi bàn tính, chúng tôi quyết định chưa mua mà để dành tiền đầu tư sinh lời trước.

Tới năm 2010, vợ chồng tôi quyết định về Việt Nam khi anh xã tôi được một lời mời làm việc khá hấp dẫn. 

Khi mới về nước, chúng tôi cũng tính mua một căn hộ mấy tỷ để ở. Tuy nhiên, lúc đó, lãi suất ngân hàng là 20%, nếu gửi tiền mua nhà vào ngân hàng thì sẽ lời khoảng một tỷ/năm. Còn nếu mua nhà rồi cho thuê lại thì được tầm 1.200USD/tháng, có nghĩa là 14.400USD/năm. Vợ chồng tôi thấy để tiền ngân hàng có lợi hơn nên không mua nhà nữa. Đó là chưa kể căn hộ có thể bị xuống cấp theo thời gian, có nhiều dự án khác làm sụt giá... Thời điểm đó, mới chân ướt chân ráo từ Mỹ về, chưa quen môi trường trong nước, chúng tôi cũng không muốn vội đầu tư vào đâu nên quyết định gửi tiết kiệm rồi ở nhà thuê.

Sau này lãi suất tiền gửi giảm nhiều hơn nhưng chúng tôi vẫn không mua nhà vì số tiền đó có thể sử dụng để đầu tư cho các dự án, làm ăn... Cứ vậy, vợ chồng tôi ở nhà thuê cho đến bây giờ mà không thấy có vấn đề gì cả. Chúng tôi chỉ tìm phương án nào thấy có lợi nhất cho mình chứ không quan trọng là phải có một căn nhà do mình sở hữu. Trong 7 năm qua, cũng vài lần mua đất ở Sài Gòn để định xây nhà, nhưng sau đó có người trả giá cao, chúng tôi lại bán luôn. Chồng tôi thường nói "Nếu em có tiền thì mua lúc nào cũng được, không nhất thiết phải mua chỉ để cho có."

Nữ giám đốc Sài Gòn chọn ở nhà thuê dù dư tiền mua nhà sang
Chị Hannah Nguyễn và con trai. Ảnh: NVCC.

Nhiều người thường bảo tôi rằng, phải "an cư mới lạc nghiệp" và phải là nhà của mình thì mới bõ đầu tư, chăm chút. Tôi nghĩ khác. Với tôi, tổ ấm là nơi có chồng con, nơi cả nhà yên ấm bên nhau, không quan trọng là thuê hay mua. Tôi cũng vẫn đầu tư cho tổ ấm nơi đi thuê của mình đẹp lên, trang trí nhà theo ý mình thích. Tôi chọn một căn hộ chưa có đồ đạc gì, giá thuê rẻ hơn được 300 USD mỗi tháng so với căn đầy đủ nội thất. Số tiền chênh đó tính ra 5 năm cũng đủ để đầu tư nội thất theo ý mình. Những món nội thất đó, tôi hoàn toàn có thể mang đi theo khi chuyển nhà. 

Vợ chồng tôi cũng không sắm xe hơi dù dư sức tậu xe sang. Nếu mua xe hơi, ít nhất mỗi tháng tôi phải tốn vài triệu đồng tiền xăng, chưa kể mỗi lần gửi xe là 30.000-50.000 đồng, bảo hiểm, rồi tỷ lệ hao mòn theo thời gian. Tôi không muốn phải phiền phức tự lái và tìm chỗ đậu xe, càng không muốn phải quản lý tài xế nhức đầu nên quyết định đi Uber, taxi. Bởi xe cũng là một phương tiện đi lại thôi, không có nhu cầu khoe mẽ. 

Tôi hỏi 10 người Việt Nam là nếu họ có tiền thì việc đầu tiên họ sẽ làm gì thì 9 người đã trả lời là sẽ mua nhà. Nhiều người tôi biết chỉ có 1,2 tỷ thôi nhưng lại muốn mua nhà 4,5 tỷ nên vay mượn ngân hàng rồi tháng nào cũng rất stress trong việc phải kiếm tiền trả nợ. Trong khi đó, nếu họ chưa đủ tiền thì có thể ở nhà thuê, rồi dùng số dư để đầu tư kiếm lời hoặc gửi tiết kiệm cho đến khi cảm thấy thoải mái thì hẵng mua. 

Người Việt mình nhiều khi coi trọng "mặt mũi" quá, phải có nhà, có xe cho có với người ta. Cứ phải gồng mình kiểu có tiếng mà không có miếng thật rất mệt mỏi. Cứ sống sao cho mình thấy thoải mái nhất, như tôi bây giờ, không nợ ai một đồng, thích gì mua nấy, rất khỏe.

Tôi không khuyên can ai làm gì cả mà chỉ nêu quan điểm của mình và phương án phù hợp nhất với gia đình mình.

Một số nguyên tắc chi tiêu của tôi:

- Chưa bao giờ mua món đồ gì cho mình lớn hơn số tiền lương một tháng. 

- Không bao giờ sử dụng quá 10% thu nhập cho những đồ không cần thiết (như quần áo, giày dép...).

- Không mua nhiều đồ chơi và các đồ quá đắt tiền cho con. Các đồ chơi con tôi có chủ yếu là được tặng. Tôi thấy trẻ chơi rất nhanh chán. Nhiều khi, đưa cho con vài chiếc chai, lọ bỏ đi bé cũng thích thú khám phá như món đồ chơi vài triệu. Hơn nữa, tôi muốn con biết coi trọng giá trị đồng tiền và không muốn tạo cho bé cảm giác gia đình mình quá dư dả. 

- Không tăng mức chi khi thu nhập tăng. So với 7 năm trước, thu nhập của vợ chồng tôi đã tăng gấp nhiều lần nhưng cách sống của chúng tôi hầu như không có gì thay đổi. Khi các nhu cầu cơ bản đã được đáp ứng, tôi không thấy cần phải sống khác đi khi có nhiều tiền hơn. 

Hannah Nguyễn

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Nữ giám đốc Sài Gòn chọn ở nhà thuê dù dư tiền mua nhà sang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO