Đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Vũ Lệ Mỹ.
Buổi công chiếu bộ phim Nơi chiến tranh đã đi qua vừa dứt, đèn đã bật sáng mà không khí trong rạp chiếu phim ở Freiburg, CHLB Đức như lắng xuống. Đâu đó vang lên tiếng thổn thức, nghẹn ngào của một số khán giả. Sự im lặng kéo dài chừng một phút, rồi tiếng vỗ tay vang lên. Mọi người ùa đến bên bà để phỏng vấn. Giữa “vòng vây” yêu mến của khán giả, nữ đạo diễn Vũ Lệ Mỹ thật sự sung sướng và hạnh phúc. Bà hạnh phúc không chỉ vì bộ phim đạt giải cao mà còn vì được tận mắt chứng kiến sự quan tâm, cảm thông của bạn bè quốc tế đối với những nạn nhân đang phải gánh chịu nỗi đau sau chiến tranh ở Việt Nam.
Đó là một kỷ niệm không quên trong những ngày đạo diễn Vũ Lệ Mỹ tới Liên hoan phim quốc tế về sinh thái và môi trường lần thứ 14 tại CHLB Đức, năm 1997. Bộ phim Nơi chiến tranh đã đi qua được bà ấp ủ từ những đau đáu khi bà đặt chân tới những miền đất của Việt Nam phải hứng chịu chất độc hóa học; từ sự xót xa khi chứng kiến khuôn mặt trẻ thơ méo mó, dị dạng, ngây dại vì những di chứng của chất độc da cam. Kịch bản ban đầu của Nơi chiến tranh đã đi do NSND Lương Đức viết, mang tên Nỗi đau sau cuộc chiến nói về vùng đất Quảng Trị và những trẻ em bị nhiễm chất độc da cam đang được các tổ chức từ thiện quốc tế tài trợ phục hồi chức năng. Nỗi đau sau cuộc chiến đã làm xong, được duyệt cấp kinh phí của Nhà nước để đưa vào sản xuất nhưng NSND Vũ Lệ Mỹ vẫn không nguôi trăn trở. “Tôi thấy chỉ dừng ở đó thôi thì vẫn chưa nêu bật được vấn đề, chưa tạo được điểm nhấn và dấu ấn với khán giả. Tôi muốn tìm thêm tài liệu để mở rộng câu chuyện về những nạn nhân bị chất độc da cam trên đất nước mình một cách bao quát, cụ thể và sâu sắc hơn. Bàn với anh Lương Đức, tôi nhận được sự đồng tình nhưng để quay bổ sung thêm cảnh đâu có dễ, tiền đâu ra và ai cho quay bổ sung. Suy nghĩ mãi cuối cùng hai anh em chúng tôi thống nhất viết một kịch bản khác gửi sang truyền hình xin làm phim cho họ, rồi kết hợp quay bổ sung thêm cảnh cho bộ phim của mình. Vậy là khi làm quay xong bộ phim Số phận người lính cho Phòng Tài liệu, Đài Truyền hình Việt Nam cũng là lúc chúng tôi bổ sung xong những tư liệu, cảnh quay cho phim Nơi chiến tranh đã đi qua - đạo diễn Vũ Lệ Mỹ chia sẻ.
Và rồi, bằng cái tâm, cái tài, cái tình, đạo diễn Vũ Lệ Mỹ đã dẫn giải một cách thuyết phục về tác hại, sự hủy hoại của chất độc hóa học sau chiến tranh qua bộ phim Nơi chiến tranh đã đi qua. Phía sau những khuôn hình, phía sau những thân phận, cuộc đời của những người trở về sau cuộc chiến, của những đứa trẻ mang trong mình nỗi đau vì di chứng của chất độc da cam là sự đồng cảm, xót xa của một nghệ sĩ, một phụ nữ trước thảm họa mà chiến tranh đã để lại cả từ hai phía.
Nơi chiến tranh đã đi qua giành giải Nhất Liên hoan phim quốc tế về sinh thái và môi trường lần thứ 14 tại Freiburg, CHLB Đức, năm 1997; giải Đặc biệt tại Liên hoan phim Quốc tế “Cái nhìn của người da đỏ” tại Canada, năm 1998; giải Nhì Liên hoan phim môi trường toàn cầu lần thứ 9 tại Nhật Bản, năm 2001; giải Bông sen Bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 12. Đó là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực và tài năng của đạo diễn Vũ Lệ Mỹ.
Sau thành công của bộ phim này, năm 1999 NSND Vũ Lệ Mỹ lại tiếp tục ghi dấu ấn với bộ phim Vì cuộc sống bình yên. Bà kể: “Khi làm bộ phim Nơi chiến tranh đã đi qua, đến Gio Linh, Quảng Trị, tôi thường gặp những đoàn người đạp xe chở theo những dụng cụ rà phá bom mìn để đi tìm sắt vụn; hỏi ra mới biết nơi đây có rất nhiều bom mìn thời chiến còn sót lại, và dẫu có người đã phải bỏ mạng vì nó nhưng nhiều người vẫn rất vô tư tìm kiếm để bán vì kế sinh nhai. Cũng từ đó tôi bắt đầu ấp ủ và thai nghén bộ phim mới - Vì cuộc sống bình yên đề cập đến vấn đề: Sự an toàn của con người trên mảnh đất Việt Nam sau gần 30 năm chiến tranh kết thúc”.
Để có được “chất liệu” cho bộ phim Vì cuộc sống bình yên… bà và đoàn làm phim đã phải rong ruổi qua nhiều miền đất lửa năm xưa.
Một cảnh trong phim “Vì cuộc sống bình yên”.Nào Quảng Bình, Vĩnh Linh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế; nào vùng biên giới Tây Bắc, Tây Nam của Tổ quốc … Nhớ lần đến Cồn Tiên, Dốc Miếu - một địa danh của vùng đất lửa Quảng Trị, khi cả đoàn đang mải mê với những cảnh quay cánh đồng hoang cỏ mọc um tùm và những dấu tích của lô cốt nửa nổi nửa chìm sau lòng đất thì bất giác nghe tiếng gọi lớn: “Chị Mỹ và các anh chị chú ý, có bom mìn đấy”. Giật mình quay lại phía người gọi (người của Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em tỉnh Quảng Trị đi hướng dẫn và lái xe cho đoàn), đạo diễn Vũ Lệ Mỹ vừa cười vừa đáp thật to: “Ở đây lấy đâu ra bom mìn, các em nhỏ chăn bò đầy ra kia kìa, sợ gì” rồi cùng đoàn tiếp tục quay phim. Quay xong, đang chuẩn bị đồ nghề để đi về, mọi người lại nghe tiếng anh lái xe nói như hét lớn: “Cẩn thận, có bom đạn”. Mọi người trong đoàn đứng sững như trời trồng. Người lái xe tiến lại gần, rồi giơ tay chỉ vào quả đạn và bom bi nằm rải rác trên bãi cỏ, dưới gốc cây nhỏ và cả một quả đạn M79 nằm giữa đường mòn, đầu đạn còn vàng óng như mới. Lúc này nữ đạo diễn bắt đầu run bần bật vì trên chính đoạn đường này đoàn vừa vác máy quay phim đi qua mà không ai nhìn thấy. Vài phút sau bình tĩnh trở lại, bà yêu cầu anh quay phim tìm mọi động tác lia máy từ xa đến gần, từ trên xuống dưới sao cho có được những hình ảnh chân thật nhất.
Trên đường về thị xã Quảng Trị, bắt gặp những cửa hàng bán sắt vụn, vỏ bom đạn, bà đề nghị đoàn lại dừng lại để quay. Kỷ niệm ấy, bà vẫn nhớ như in: “Lúc ấy, đang hướng ống kính về những đống vỏ bom, vỏ đạn, anh quay phim chợt phát hiện ở phía dưới đống vỏ bom có một trái đạn to đuôi cánh còn nguyên, liền ngồi xuống kéo trái đạn ra để quay. Nhưng vừa kéo ra thì nghe tiếng người đàn ông quát lớn: “Đạn chưa nổ, cẩn thận!” Anh quay phim mặt cắt không còn giọt máu không biết làm thế nào để đặt quả đạn xuống. Nhờ sự trợ giúp của chủ nhà, cuối cùng anh cũng đặt được trái đạn xuống đất an toàn và vượt chạy ra ngoài”. Và tất cả những gì “mắt thấy, tai nghe” ấy đã được bà chuyển tải trong những thước phim Vì cuộc sống bình yên gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa.
Một cảnh trong phim “Nơi chiến tranh đã đi qua”.
Với những hình ảnh, chân thực, sống động, Vì cuộc sống bình yên đã gây xúc động mạnh cho người xem. Khán giả xem phim có lẽ chẳng thể nào quên hình ảnh em bé đi cà nhắc giữa sân trường với lời thuyết minh “em đã vĩnh viễn mất đi một phần hân thể và phải mang thương tật suốt đời”; hình ảnh của những người nông dân chân chất ở Quảng Trị, An Giang chỉ vì một phút sơ sẩy mà tàn phế cả đời hay hình ảnh của những chiến sĩ công binh rà mìn luôn phải đối mặt với tử thần… Bộ phim như một lời cảnh tỉnh cho mọi người về hiểm họa của bom mìn nằm lẩn khuất đâu đó trong lòng đất. Không lâu sau khi ra mắt, Vì cuộc sống bình yên tiếp tục mang đến cho NSND Vũ Mỹ Lệ bộ sưu tập giải thưởng: giải B của Bộ Quốc phòng trao tặng năm 1999; giải Nhất thể loại phim ngắn tại Liên hoan phim Điện ảnh và truyền hình quốc tế về môi trường lần thứ 3 tại Brazil, năm 2001).
“Cho đến giờ tôi vẫn không quên cảm xúc hân hoan trong ngày bộ phim Vì cuộc sống bình yên được công chiếu tại liên hoan phim quốc tế về môi trường tại Brazil ấy. Khi xem xong phim, người xem đều đứng dậy vỗ tay nhiệt tình, nhiều thanh niên còn nhảy lên huýt sáo. Có ông lão sau khi xem xong còn tìm đến tôi để trò chuyện. Ông bảo: “Thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam chúng tôi đã từng phản đối chiến tranh để ủng hộ nước bạn. Khi biết có phim của Việt Nam chiếu, tôi đã nhờ con vượt chặng đường 200km để đến đây xem phim. Giờ xem phim tôi càng hiểu hơn về Việt Nam, một bộ phim thật tuyệt vời!”. Rồi cụ còn nhờ tôi gửi lời hỏi thăm tới Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà đâu có biết Bác của chúng ta đã đi xa. Vui hơn, ngày hôm sau khi tôi ra phố, những người xem phim nhận ra còn vẫy tay chào và mời tôi vào nhà trò chuyện…”, đạo diễn Vũ Lệ Mỹ nhớ lại.
Ở tuổi 80, công việc làm phim vẫn cuốn NSND Vũ Lệ Mỹ theo nhịp sống hối hả mỗi ngày, nhưng giữa bao bộn bề cuộc sống những ký ức về các thước phim đề tài hậu chiến năm xưa vẫn như những khoảng lặng, còn tươi nguyên bao cảm xúc. Nó như một niềm tự hào, một sự nhắc nhớ về một thời làm phim sôi nổi, một thời như lời của ông Sato Tadao - Chủ tịch LHP “Môi trường toàn cầu” tại Tokyo Nhật Bản năm 2001 nhận xét “bà đã làm làm phim bằng cả tấm lòng”…