Minh họa của Vũ Khánh
- Ông nội ơi… Ông nội! Mới xuống xe, giọng thằng Thịnh, cháu nội của ông Bình đã lảnh lót vang lên từ đầu ngõ. Không thấy ông trả lời, nó cứ gọi mãi khiến vợ chồng anh Thắng, chị Nhi và con gái lớn của họ là Hà lỉnh kỉnh xách đồ theo sau cũng phải bật cười. Thằng bé chạy tìm nhà trên, nhà dưới cũng đều không thấy ông nội nó đâu. Nó đứng tần ngần nghĩ một giây rồi chạy ù ra sau vườn. Thể nào ông nội cũng đang chăm luống hoa ngoài vườn. Nó nghĩ. Mà quả thật như vậy.
- Ông nội ơi, cháu về rồi! Ông Bình nãy giờ đang mải ngắm luống cúc vạn thọ nên quên mọi thứ xung quanh. Nghe cháu gọi, ông giật mình, ngoảnh lại cười:
- A, thằng cháu nội của ông đã về rồi!
- Ông ơi, nay cả nhà cháu về quê chơi mấy ngày luôn ông ạ? Ông biết vì sao không? Ông Bình lớ ngớ chưa kịp nghĩ ra thì Thằng bé đã được thể hào hứng:
- Tuần sau là lễ Quốc khánh đó ông. Nhưng quan trọng là để mừng sinh nhật của ông nội đó!
- À… à! Ông Bình đã nhớ ra. Ông cười điềm đạm, trên tay vẫn nâng niu những bông cúc vạn thọ tươi rói vừa hái.
- Thế mà ông cũng không nhớ! Thằng bé nói với vẻ trách yêu ông nó.
- Ôi… chắc tuổi già khiến ông lẩm cẩm mất rồi. Thằng bé bước đến bên ông. Nó không quên vuốt ve và ngắm nhìn những bông cúc vạn thọ đang rung rinh theo gió, có bông còn ngậm vô số những hạt sương li ti trên cánh mỏng, long lanh tinh khiết. Nó nhận lấy những bông hoa từ tay ông Bình, tay kia nắm lấy tay ông:
- Để cháu dẫn ông vào nhà! Ông Bình vịn lấy tay cháu, vui vẻ bước. Sợ con trách việc ông lúi húi ngoài vườn, mới thấy vợ chồng anh Thắng, ông Bình đã cười bảo:
- Ba ở có một mình. Ra vào vui với mấy chậu cây cảnh, luống hoa cho đỡ buồn. Lúc mạnh thì chống gậy sang nhà ông An chơi hay ra gốc cây bồ đề đầu làng xem người ta đánh cờ. Mệt thì ở nhà quanh quẩn với hoa cỏ trong vườn. Với lại, luống hoa vạn thọ sinh thời bà nội rồi thì mẹ con thích, năm nào ba cũng trồng dăm chục gốc, lấy hoa cắm trên bàn thờ mỗi dịp giỗ hoặc lễ tết.
Chị Nhi cất gọn đồ đạc rồi cắm hoa vào bình. Cái Hà và thằng Thịnh thì thích thú đứng dưới gốc cây bưởi đếm từng chùm quả lúc lỉu. Anh Thắng ra bờ giếng hái mấy lá vối, rửa sạch, cho vào tách pha trà. Đợi nước vối đã chuyển màu vàng sánh, anh rót vào ly mời ông Bình rồi cũng tự thưởng thức. Vị nước vối quê chan chát, ngòn ngọt, thơm ngai ngái đọng lại nơi đầu lưỡi thật đặc biệt khiến anh cứ chép miệng liên hồi.
- Đi đâu cũng không bằng nước lá vối quê mình ba nhỉ! Nói rồi anh Bình ngâm nga đôi câu thơ thuộc làu, mẹ anh sinh thời từng đọc: “Mẹ lên thành phố với con/ Nhớ hoài cây vối vẫn còn dưới quê/ Một năm may có dịp về…”. Đang đọc dở thì giọng ông An hàng xóm đã gọi vang từ ngoài ngõ:
- Ông Bình ơi, có nhà không đấy?
- Ông An đấy à? Vào đây!
- Cháu chào bác An! Trông bác vẫn mạnh nhỉ?
- Ừ! Cả nhà anh Thắng về chơi đấy à. Phải thế chứ! Tuổi già như chúng tôi giờ chỉ cần thế này là vui rồi. Con cháu ở xa vẫn luôn dành thời gian cho cha mẹ, chẳng quý gì bằng. Ông An nhìn ông Bình, cười khà khà:
- Sắp đến ngày lễ Quốc khánh, đường làng, thôn xóm đâu đâu cũng băng rôn biểu ngữ ông à. Thấy mà xốn xang cả người.
- Thế hả ông? Mấy bữa nay tôi đau chân không ra đường được nên không biết. Chiều nay, ông sang đây, tôi với ông cùng dạo quanh một vòng. Ông nói khiến tôi cũng thấy rạo rực cả người!
Bà Hiền, mẹ ông Bình sinh ra ông đúng vào ngày lễ Quốc khánh. Ông được nghe kể lại rằng, ngày ấy đường làng ngõ phố đâu đâu cũng cờ hoa, tiếng trống tiếng nhạc rộn rã. Trong lúc ai nấy đều đổ xô ra đường ăn mừng ngày Tết Độc lập của đất nước thì bà Hiền lại trở dạ. Ông Thiên, chồng bà chẳng biết làm sao. Một mình ông đành đỡ đẻ cho vợ. Thấy vợ con khỏe mạnh vuông tròn, ông vui lắm. Ông đặt tên con là Bình, với ý nghĩa hòa bình, bình an, bắt đầu một cuộc sống mới tốt đẹp hơn cho cả dân tộc, cho gia đình ông và cho cả đứa bé. Bình là con thứ 3, lại là con trai duy nhất của ông bà. Trên Bình là hai chị gái đã lên 5, lên 7 tuổi. Ông Thiên sau đó đi lính cụ Hồ rồi hi sinh trong chiến dịch Điện Biên. Bà Hiền thương chồng, ở vậy nuôi ba đứa con khôn lớn. Khi đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam rồi mở rộng chiến tranh ra cả miền Bắc, hai con gái của bà Hiền lần lượt tham gia thanh niên xung phong. Cô con gái đầu sau đó hi sinh ở chiến trường Bình Trị Thiên. Cô thứ hai bị thương, trở về, lập gia đình, sau này cũng có con cháu đề huề.
Bình vào quân ngũ khi vừa tròn 18 tuổi. Ngày ấy, ở làng ông có nhiều người vào độ tuổi ấy cũng tự nguyện lên đường nhập ngũ chống Mỹ cứu nước như ông. Mỗi người đi mỗi chiến trường. May mắn, ông và ông An, hai người cùng xóm lại nhập ngũ cùng ngày, ở cùng một đơn vị và chiến đấu trên cùng chiến trường miền Nam. Suốt gần 10 năm ròng rã con đi biền biệt, nhiều lần bà Hiền cứ nghĩ đứa con trai duy nhất của mình đã hi sinh. Năm lần bảy lượt bà lên xã rồi huyện, hỏi hết người này đến người khác về tin tức của con trai. Thế nhưng bất cứ ai may mắn trở về cũng đều lắc đầu không biết, không gặp. Ngày đất nước thống nhất, bà chạy ra tận đầu làng để nghe ngóng tin tức, hi vọng trong số những thanh niên Nam tiến trở về lúc bấy giờ có con trai mình. Nhưng càng ngóng trông càng vô vọng. Cuối cùng bà lẳng lặng đi về. Bà đã khóc rất nhiều. Bà đang lục tìm tấm ảnh cũ của Bình chụp ngày lên đường nhập ngũ để đóng thành cái khung đặt lên ban thờ, sẽ lấy ngày 2 tháng 9, ngày sinh nhật con cũng là ngày con tòng quân làm ngày giỗ của Bình. Ai ngờ…
- Mẹ…! Từ đâu Bình bất ngờ xuất hiện trước mắt bà Hiền khiến bà ngỡ là hồn ma con hiện về. Bà đứng thẫn thờ nhìn con chằm chằm. Bình phải gọi đến lần thứ hai, thứ ba và chạy đến ôm lấy bà, bà mới tin rằng con trai mình vẫn còn sống và thực sự trở về. Bà cứ thế ôm con khóc vì vui mừng. Dẫu con mang trên mình những vết thương, vết thẹo của bom rơi đạn lạc, dẫu một chân con bước đi khập khiễng… thì bà vẫn mừng lòng vì con còn được may mắn trở về đoàn tụ với quê hương, gia đình. Bình cũng ôm mẹ khóc sụt sùi. Khóc vì hạnh phúc được trở về, vì đất nước sau những tháng năm dầm trong khói lửa đạn bom giờ đã được độc lập.
- Nghĩ lại thời ấy, gian khổ mà oanh liệt ông Bình nhỉ?
- Ừ! Suýt chút nữa cả ông và tôi đã thành người thiên cổ rồi còn gì. Rồi ông An lại say sưa kể về những kỉ niệm cả hai cùng ăn cùng ngủ dầm dề, cùng chiến đấu suốt hơn mười năm ở chốn rừng thiêng nước độc từ chiến trận này đến chiến trận khác. Những kỉ niệm vốn đã nằm lòng, được khơi gợi và kể lại không biết bao nhiêu lần. Ông Bình và ông An lại nhìn nhau, trầm ngâm, gật đầu rồi khẽ mỉm cười. Trong ánh mắt của hai con người đã từng kinh qua đạn bom toát lên vẻ thâm trầm, sâu sắc rất lạ.
- Thời gian trôi nhanh thật đấy ông à. Thấm thoát hai đứa mình đã ở cái tuổi xưa nay hiếm rồi. Ông Bình trầm ngâm buông lời.
- Ông có hai đứa con. Con gái lớn thì làm nghề giáo, lấy chồng tỉnh bên. Thằng Thắng thì kinh doanh buôn bán trên phố. Cháu chắt đứa nào cũng ngoan ngoãn, giỏi giang. Thế là hạnh phúc nhất rồi. Ông An mừng cho ông Bình.
- Kể bà nhà tôi sống đến bây giờ thì… Ông Bình bỗng ngậm ngùi. Bao kí ức về người vợ tảo tần, thủy chung, gắn bó với ông hơn 40 năm lại hiện về.
Trở về trong ngày thống nhất sau đó không bao lâu, Bình được bà Hiền dẫn sang nhà ông bà Thủy hỏi con gái của họ là cô Nụ làm vợ. Cô Nụ khi đó ít hơn Bình 1 tuổi. Mới gặp, cả hai đã bén duyên nhau. Chẳng bao lâu sau, họ nên vợ nên chồng và sống hạnh phúc. Cuộc sống cứ bình dị trôi đi trong chính ngôi nhà mà ông Bình đang ở hiện tại. Bà Hiền hồi ấy học trồng hoa cúc. Cô Nụ sau khi về làm dâu bà cũng tập theo bà trồng hoa cúc bán. Bình thường thì ít luống chứ mỗi dịp tết đến xuân về, mẹ chồng nàng dâu lại trồng nhiều hơn. Họ cùng nhau gánh hoa ra chợ bán. Thời gian trôi qua, đến khi bà Hiền bệnh nặng qua đời, cô Nụ vẫn giữ nghề của mẹ chồng. Trồng hoa cúc phần là để bươn chải, lo cơm áo gạo tiền nhưng cũng là để nhớ về người mẹ chồng mà cô nhất mực kính trọng, yêu mến. Từ lúc nào cúc vàng, cúc vạn thọ đã trở thành bạn, thành niềm yêu thích của cả mẹ và vợ Bình. Và mỗi mùa hoa đến, anh Bình cũng thường hái cúc trong vườn đem cắm vào bình đặt trưng trên bàn.
Sau khi chị em Thắng đã lập gia đình, có công việc ổn định, vợ chồng ông Bình bà Nụ chỉ trồng lấy một luống cúc lấy làm vui. Bán cũng chỉ lấy lệ. Chủ yếu là cho, là tặng. Ông Bình thì chẳng bao giờ cấm đoán hay chì chiết vợ điều gì. Hàng xóm vẫn thường khen vợ chồng ông hạnh phúc. Họ bảo, từ ngày vợ chồng ông nên duyên, chẳng bao giờ họ thấy hai người cự cãi, to tiếng với nhau. Hai vợ chồng ông an yên sống thanh thản dưới mái nhà có hoa thơm, cây cối bốn mùa xanh mát. Và sẽ không có nỗi buồn, không có chia ly nếu bà Nụ không bệnh rồi qua đời đột ngột khiến ông Bình hụt hẫng, đau khổ.
Ông Bình ở vậy một mình đã 10 năm. Vợ chồng Thắng nhiều lần năn nỉ ông lên phố sống với con cháu cho vui nhưng ông không chịu. Ở quê còn hương hỏa ông bà; có làng xóm, bạn bè. Rồi thì có mảnh vườn mỗi ngày ông đều dắm dúi trồng và chăm sóc thêm cây hoa, cây rau mà ông thích. Cuộc sống tự do, tự tại theo ý của mình dù sao vẫn không gì bằng. Ông bảo, khi nào không thể đi lại, không thể tự nấu ăn, tự tắm giặt được nữa thì mới nhờ đến con cái. Chị Nhi hiểu và càng thương ba chồng. Dù anh Thắng có bận bịu, dù nhiều bữa anh không thể thu xếp công việc để về quê thì chị cũng thay anh đưa hai con về thăm ông nội chúng. Người già cốt là được quan tâm, được trò chuyện. Thấy ba chồng vui cười bên cháu con, chị cũng thấy an tâm.
Hai chị em Thịnh loay hoay hái quả bưởi chín nhất, chọn những bông cúc vạn thọ đẹp nhất để anh Thắng đặt lên bàn thờ Bác Hồ. Chị Nhi thì nấu nướng chuẩn bị cơm cúng. Ông Bình thì chỉnh tề trong bộ quần áo ka ki đã cũ. Ngày Quốc khánh năm nào, ông cũng có thói quen thắp nhang. Ông bảo đó là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, cũng là cách để mừng lễ Độc lập. Thắp nhang để tưởng nhớ tới Bác Hồ và những người đã ngã xuống vì Tổ quốc; cầu mong bình an, những điều tốt đẹp đến với gia đình, mọi người, đất nước.
Ngoài đình, tiếng loa phát thanh đang phát lại giọng của Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Giọng Bác nghe mãi vẫn thấy thật ấm áp. Ông Bình nhìn tấm ảnh Bác Hồ đang cười rất tươi. Khói hương thoang thoảng bay. Lòng ông bồi hồi nhớ về những ngày xưa cũ. Bữa cơm mừng Tết Độc lập, mừng sinh nhật lần thứ 74 của ông Bình thật vui vẻ. Con cháu thi nhau chúc ông luôn mạnh khỏe, vui vẻ và trường thọ. Từ khóe mắt ông ánh lên niềm tự hào xen lẫn sự xúc động đến nghẹn ngào khó nói.