Có thể xem tiểu thuyết “Độc đạo” của Lê Lâm là một phần trong bộ năm tiểu thuyết mà bốn phần đã được xuất bản trong những năm trước đây, gồm: “Sau cánh rừng lặng gió”, chung khảo tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam 2006- 2009, “Trở về”, “Gặp lại” và “Vượt dốc”.
Tiểu thuyết tiếng Việt dài hơi không nhiều và nhìn chung ở những tiểu thuyết nhiều tập, đến những tập cuối phần lớn bị “hụt hơi”. Với Lê Lâm trong tập này (tập thứ 5), các sự kiện vẫn nối tiếp, các mâu thuẫn tiếp tục phát sinh và xử lý. Có thể nói Lê Lâm vẫn còn “trường vốn” như lời một nhân vật nhận xét về Hùng trong tác phẩm: “Trong anh còn nhiều tiềm ẩn lắm. Người ta chỉ mới thấy ở anh cái phần lộ thiên thôi. Chứ cái phần chìm hình như còn ít người biết đến”. Khi đọc Lê Lâm có thể liên tưởng tới một tác gia nước ngoài là nhà văn Nga A.N. Tolstoi người đã viết 2 bộ tiểu thuyết nổi tiếng, trong đó bộ ba tiểu thuyết “Con đường đau khổ” (gồm có các tập: “Hai chị em”, “Năm mười tám”, “Buổi sáng ảm đạm”) xuất bản từ năm 1947 mà đến nay vẫn tiếp tục được phát hành (ở Nga và nước ngoài). “Con đường đau khổ” dày 567 trang với sách định dạng 7,6X10 inchs và đó là bộ sử thi về cách mạng, nội chiến và con đường của trí thức Nga đi với cách mạng. Còn các nhân vật trung tâm của Lê Lâm trong bộ tiểu thuyết cũng thuộc tầng lớp ưu tú của thời đại đó là những sinh viên mặc áo lính.
Theo một hướng khác, “Độc đạo” cũng có thể coi là một cuốn tiểu thuyết độc lập.
Nói vậy để bạn đã đọc 4 cuốn tiểu thuyết kể trên, cần đọc “Độc đạo” để biết cuộc sống của những nhân vật trong bốn tập trên tiếp tục như thế nào.
Tác phẩm mở đầu bằng việc Hùng nói với đồng nghiệp về việc viết cuốn tiểu thuyết và kết thúc là khi tác phẩm đã in xong. Có thể nói Lê Lâm đã viết theo lối đệ quy, như Hùng viết trong tác phẩm. Đấy là ý nguyện đã được nói ra ở cuối tiểu thuyết: “Cũng chỉ qua tác phẩm của anh người ta mới nhận ra một người lính, sau hòa bình mấy chục năm mà chưa bao giờ rời vũ khí. Những gì anh mất người ta tìm lại được trong cuốn tiểu thuyết mà anh gọi là “cuốn sách của đời mình”. Với 280 trang sách khổ lớn và hơn 50 nhân vật, với những câu chuyện về số phận những con người ở mọi thứ hạng khác nhau nhưng phần lớn trong họ hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến hình ảnh sinh viên mặc áo lính. Câu chuyện đưa ta về với những cảnh ngộ xảy ra thời hậu chiến, nhưng ngay lúc đầu hoặc thoảng qua không ai có thể nhận ra chân dung của họ. Cũng phải qua vài chục trang các nhân vật mới hiện rõ. Câu chuyện không chỉ diễn ra ở một tòa soạn báo mà còn đưa ta đi đến nhiều miền đất khác nhau, một vùng rừng Tây Nguyên, một bản làng ở Nghệ An, một thành phố Vinh, một miền đất Long An chí cốt với cách mạng mà cho đến nay vẫn còn nghèo,… không chỉ đối mặt với cuộc sống hiện tại mà nguyên nhân của nó đã xuất hiện từ thời chiến tranh cũng được mô tả lại một cách chi tiết.
Với cách dẫn dắt khéo léo, cuốn sách đã cho ta gặp lại những hoàn cảnh éo le mà không đoán trước được kết cục của một số phận. Có những trường đoạn đưa đến sự hồi hộp như khi Thương bị anh chồng vũ phu đánh đập, lăng mạ, lo lắng cho đứa con đang nằm trong tay người cha tàn bạo có đến với cô được hay không…
Thật sự, cuốn sách đã dẫn ta đi từ những bất ngờ này đến bất ngờ khác. Do vậy khi đã đọc “Độc đạo” từ những trang đầu ta muốn đọc tiếp không muốn dừng lại.
Có phải vì câu chuyện về những con người mà Lê Lâm hiểu rõ nhất bởi anh là một thành phần trong đó.
Lê Lâm nguyên là sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1972 anh nhập ngũ và vào một đơn vị gồm phần đông là sinh viên từ hai trường Bách khoa và Tổng hợp. Sau một thời gian ngắn huấn luyện ở Mai Siu, Bắc Giang, cùng đơn vị hành quân hàng tháng trời qua đường rừng Tây Trường Sơn, anh được bổ sung vào một đơn vị chiến đấu. Lùi xa hơn về trước, Lê Lâm vốn là một học sinh giỏi văn khi còn học phổ thông, và những điều anh viết bây giờ đã được thai nghén từ những ngày còn mặc áo lính, nhưng do hoàn cảnh chiến tranh bom đạn khắc nghiệt, rồi thời gian trở về do bận bịu với công tác không cho anh có điều kiện thực hiện những ý định của mình.
Cuốn sách này anh ít nói về chiến sự tuy nhiên sự hiểu biết về cuộc chiến đưa đến những trang viết thời bình đằm thắm hơn, các nhân vật phản diện cũng được nhìn với một con mắt thấu đáo hơn.
Những người lính trải qua thời chiến, nhất là những người trực tiếp chiến đấu bao giờ cũng độ lượng hơn những người khác. Đó là điều tôi nhận biết qua nhiều trang viết trong cuốn sách này, có phải đó là dụng ý của tác giả hay bản thân những điều đã trải nghiệm minh chứng cho điều đó?
Tiểu thuyết này, Lê Lâm viết như một kịch bản phim, có những cảnh bị ngắt để tiếp tục vào sau đó nhiều cảnh khác. Cách bố trí đan xen như vậy đưa đến sự hồi hộp, người đọc phải dự đoán sự việc sẽ tiếp diễn như thế nào. Giá như một ai đó muốn chuyển thể cuốn tiểu thuyết của Lê Lâm sang phim truyện chắc sẽ là điều thú vị và việc viết kịch bản sẽ không khó khăn lắm.
Lê Lâm được biết nhiều hơn là một nhà thơ. Cũng dễ hiểu, từ trước 2006 anh đã có một số tập thơ như: “Cơn mưa bất chợt”, “Sóng”, “Nẻo vắng đường xa”, “Tự cảm”, “Gió núi”, “Lời của đất”. Trong số đó, tôi thích nhất những bài anh viết trong những năm 1973, 1974 khi anh ở rừng Lào, Campuchia, Tây Ninh... và bài thơ “Về Thanh Xuân” trong tập thơ in chung. Gần đây hơn là tập thơ “Người gieo hạt trong đêm” trong đó 1/3 số bài anh viết ở nước ngoài, tôi thấy thơ anh đằm thắm hơn. Về mảng này, anh còn có thơ in chung trong nhiều tuyển tập thơ về đất nước, quê hương, về tình yêu, tình bạn, nhà giáo, nhà trường...
Nhưng phải chăng sự ngắn gọn, súc tích, cô đọng của thơ chưa đủ để anh mô tả những vấn đề khác của xã hội mà liên quan đến nhiều những người trải qua chiến tranh, cho nên anh phải nhờ đến tiểu thuyết?
Với Lê Lâm, thơ và cả trong tiểu thuyết của anh là những câu từ dung dị, ít khi đao to búa lớn nhưng trong các tác phẩm đó, nhịp sống luôn sôi động, câu chuyện này nối tiếp câu chuyện khác, hiện tại bao giờ cũng đan cài với quá khứ và luôn hướng tới tương lai.
Đọc tập tiểu thuyết này, những người đã trải qua chiến tranh nhất là những sinh viên mặc áo lính, thấy lại hình ảnh của mình trong đó không chỉ trong thời chiến mà còn trong hiện tại. Những bậc bố mẹ, những người vợ, những bạn bè của người lính cũng nhận và hiểu hơn người thân yêu ruột thịt của mình…
Hy vọng các bạn đọc tìm thấy nhiều điều cần suy ngẫm sau khi đọc “Độc đạo”.