Đời sống văn hóa

Những phong tục ngày Tết cổ truyền bạn nên biết

Phạm Hoa 12/02/2024 16:27

Dân tộc Việt Nam có nhiều ngày Tết. Tết là cách nói tắt hai chữ lễ tiết. Có Tiết Thương Nguyên, Trung Nguyên, Hạ Nguyên, Thanh Minh, Đoan Ngọ,... Ngày Tết nêu ở đây tức là nói tắt Lễ tiết Nguyên Đán (ngày đầu năm).

li-xi.jpg
Lì xì - mừng tuổi ngày Tết là phong tục của người Việt từ xưa và được duy trì đến hôm nay, mai sau. (Ảnh minh họa).

Cuốn sách “100 điều nên biết về phong tục Việt Nam” (Hồng Minh biên soạn và tuyển chọn - Nhà xuất bản Hồng Đức phát hành), cho biết, ngày Tết, dân tộc ta có nhiều phong tục hay, đáng được gọi là thuần phong như khai bút, khai canh, hái lộc, chúc tết, du xuân, mừng thọ...

Tống cựu nghênh tân: cuối năm quét dọn sạch sẽ nhà cửa, sân ngõ, vứt bỏ những thứ rác rưởi, cùng làng xóm dọn dẹp nhà thờ, đình chùa, đường sá phong quang, tắm giặt, cắt tóc, may sắm quần áo mới, trang trí bàn thờ, lau chùi bàn ghế ấm chén và mọi thứ thức ăn vật dụng.

Nhiều gia đình nhắc nhở, dặn dò con cháu từ phút giao thừa trở đi không quấy khóc, không nghịch ngợm, cãi cọ nhau, không nói tục chửi bậy, không vứt rác viết vẽ bừa bãi. Cha mẹ, anh chị cũng không quở mắng, tra phạt con em, đối với ai cũng tay bắt mặt mừng, vui vẻ niềm nở dầu lạ dầu quen.

hoang-thanh.jpg
Lễ dựng nêu tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) Tết Giáp Thìn.

Đối với bà con xóm giềng dù trong năm cũ có điều gì không hay không phải, điều nặng tiếng nhẹ hay xích mích gì đều xúy xóa hết. Dầu có thực lòng hay không nhưng không để bụng, cũng không ai nói khích bác hoặc bóng gió, ác ý gì trong những ngày đầu năm. Dẫu mới gặp nhau ít phút trước, nhưng sau phút giao thừa coi như mới gặp, người ta chúc nhau những điều tốt lành.

Hái lộc, xông nhà, chúc tết, mừng tuổi: ai cũng hy vọng một năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, mạnh khỏe tiến bộ, thành đạt hơn năm cũ. Lộc tự nhiên đến, đi hai lộc (chỉ là một cành non ở đình chùa, ở chốn tôn nghiêm mang về nhà), tự mình xông nhà hoặc dặn trước người "nhẹ vía" mà mình thích đến xông nhà. Bạn nào vinh dự được người khác mời đến xông thì nên chú ý, chớ có sai hẹn sẽ xúi quẩy cả năm đối với gia đình người ta và cả đối với bạn.

Ở thành thị thời trước, sáng mùng một, có một số người nghèo gánh một gánh nước đến các gia đình giàu có lân cận và chúc họ “Lộc phước dồi dào”. Những người này được thưởng tiền rất hậu. Nhiều người không tin tục xông nhà nhưng cũng phải dè dặt, chưa dám đến nhà ai sớm, sợ trong năm mới gia đình người ta xảy ra chuyện gì không hay đổ tại mình “Nặng vía”. Chính vì vậy, đáng lẽ sáng mùng một đông vui lại hóa ít khách, trừ những nhà đã tự xông nhà, vì tục xông nhà chỉ tính người đầu tiên đến nhà, từ người thứ hai trở đi không tính.

Sau Giao thừa có tục mừng tuổi chúc Tết. Trước hết con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Ông bà cha mẹ cùng chuẩn bị một ít tiền để mừng tuổi cho con cháu trong nhà và con cháu hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thích. Lời chúc có ca có kệ hẳn hoi nhưng người ta thích nhất điều gì thì chúc điều đó, chúc sức khỏe là phổ biến nhất. Chú ý tránh phạm tên húy gia tiên, tránh nhắc tới lỗi lầm sai phạm cũ, xưng hô hợp với lứa tuổi và quan hệ thân thuộc.

Chúc Tết nhưng người trong năm cũ gặp rủi ro tai họa thì động viên nhau "Của đi thay người", "Tai qua nạn khỏi", nghĩa là ngay trong cái họa cũng tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt lành. Kể cả đối với người phạm tội vẫn với thái độ nhẹ nhàng, khoan dung. Nhưng, nhìn chung trong những ngày đầu năm, người ta kiêng không nói tới điều rủi ro hoặc xấu xa.

Quanh năm làm ăn vất vả, ít có điều kiện qua lại thăm hỏi nhau, nhân ngày Tết đến chúc mừng nhau, gắn bó tình cảm thật là đậm đà ý vị; hoặc điếu thuốc miếng trầu, hoặc chén trà ly rượu, chẳng tốn kém là bao. Hiềm một nỗi, nhiều người còn quá câu nệ, công thức rườm rà, không chủ động được kế hoạch. Nhiều vùng nông thôn, hễ đến chúc Tết nhau nhất thiết phải nâng ly rượu, nếm vài món thức ăn gì đó chủ mời vui lòng, năm mới từ chối sợ bị giông cả năm.

Quà Tết, lễ Tết: Bình thường qua lại hỏi thăm nhau có khi cũng có quà, biểu lộ mối ân tình, nhưng phong tục ta đi lễ Tết vẫn có ý nghĩa hơn, nhất là đi trước Tết càng quý. Loại trừ động cơ hối lộ quan trên để cầu danh cầu lợi thì việc biếu quà Tết, tổ ân nghĩa tình cảm là điều đáng quý. Học trò tết thầy giáo, bệnh nhân tết thầy thuốc, con rể tết bố mẹ vợ... quà biếu, quà Tết đó không đánh giá theo giá thị trường. Nhưng cũng đừng nên gò bó, câu nệ sẽ hạn chế tình cảm: Không có quà, ngại không dám đến. Dân tộc ta tuy nghèo nhưng vẫn trọng nghĩa tình, "Lời chào cao hơn mâm cỗ".

mung-tho.jpg
Lễ mừng thọ cho các cụ tròn 80 tuổi ở các làng quê ngoại thành Hà Nội.

Lễ mừng thọ: ở các nước Tây Âu thường mừng thọ vào dịp kỷ niệm ngày sinh, ở ta ngày xưa ít ai nhớ chính xác ngày sinh tháng đẻ nên vào dịp đầu xuân thường tổ chức mừng thọ lục tuần, thấp tuần, cửu tuần... tính theo tuổi mụ. Ngày tết ngày Xuân cũng là dịp mọi người đang rảnh rỗi, con cháu tụ tập đông vui.

Cũng vào dịp đầu xuân, người có chức tước khai ẩn, học trò sĩ phu khai bút, nhà nông khai canh, thợ thủ công khai công, người buôn bán mở hàng lấy ngày: Sĩ, Nông, Công, Thương “tứ dân bách nghệ” của dân tộc ta vốn cần cù, ai cũng muốn năm mới vận hội hành thôn làm ăn suôn sẻ, đầu xuân chọn ngày tốt đẹp, bắt tay lao động sớm, tránh tình trạng rượu chè, hội hè đình đám, vui chơi quá đà.

xin-chu.jpg
Du khách quốc tế đến với Hội chữ Xuân Giáp Thìn tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được ông đồ viết chữ thư pháp tặng.

Sau ngày mùng một, dù có mãi vui tết, hoặc còn kế hoạch du xuân, đón khách, cũng chọn ngày “Khai nghề”, “Làm lấy ngày”. Nếu như mồng một là ngày tốt thì chiều mùng một đã bắt đầu. Riêng khai bút thì giao thừa xong, chọn giờ hoàng đạo bắt đầu không kể mùng một là ngày tốt hay xấu. Người thợ thủ công nếu chưa ai thuê mướn đầu năm thì cũng tự làm cho gia đình mình một sản phẩm, dụng vụ gì đó (nguyên vật liệu đã chuẩn bị sẵn).

Người buôn bán, vì ai cũng chọn ngày tốt nên phiên chợ đầu xuân vẫn đông, mặc dầu người bán chỉ bán lấy lệ, người đi chợ phần lớn là đi chơi xuân./.

(Theo sách “100 điều nên biết về phong tục Việt Nam” - Hồng Minh biên soạn và tuyển chọn).

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • UNESCO trao Bằng công nhận Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn
    Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn là minh chứng rõ nét cho nỗ lực gìn giữ và quảng bá di sản văn hóa Việt Nam cùng với các di sản văn hóa phi vật thể như tín ngưỡng thờ Mẫu, hát Then của người Tày, Nùng, Thái...
  • 9 tựa sách hay trong Tủ sách gia đình của Nhã Nam
    Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 là dịp để mỗi người lắng lại, cảm nhận rõ hơn giá trị của tình thân, của những khoảnh khắc bên nhau giản dị mà quý giá. Trong nhịp sống hiện đại, một trong những cách đẹp đẽ để giữ gìn và bồi đắp sợi dây gắn kết gia đình chính là cùng nhau đọc sách – những cuốn sách đầy yêu thương, sẻ chia và thấu cảm. Hiểu được điều đó, Nhã Nam đã kỳ công tuyển chọn và xây dựng Tủ sách Gia đình. Đây là những cuốn sách giúp nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, lan tỏa giá trị yêu thương trong mỗi mái ấm, để mỗi em bé đều được lớn lên trong vòng tay chan chứa hạnh phúc của gia đình.
  • Phu nhân Tổng Bí thư và Tổng Giám đốc UNESCO tham dự triển lãm ảnh "Chúng tôi có thể"
    Các tác phẩm là sản phẩm tiêu biểu của dự án “Chúng tôi CÓ THỂ” – sáng kiến phối hợp giữa UNESCO và Bộ Giáo dục và Đào tạo, hướng đến mục tiêu trao quyền học tập và phát triển toàn diện cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số tại các vùng khó khăn.
  • Người đẹp Phú Yên Hà Trúc Linh đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2024
    Hà Trúc Linh - 21 tuổi, quê Phú Yên, sinh viên Đại học Tài chính Marketing TP HCM - vượt top 24 để đoạt vương miện Hoa hậu Việt Nam 2024.
  • Ra mắt sách “Phụ nữ bàn về vấn đề phụ nữ trên Phụ nữ tân văn"
    Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam vừa ra mắt cuốn sách "Phụ nữ bàn về vấn đề phụ nữ trên Phụ nữ tân văn", tuyển chọn các bài viết tiêu biểu của nữ trí thức trên tuần báo Phụ nữ tân văn – một diễn đàn quan trọng trong phong trào nữ quyền Việt Nam đầu thế kỷ XX. Ấn phẩm dày 600 trang, do Đoàn Ánh Dương biên soạn và giới thiệu, được phát hành trên toàn quốc từ tháng 6/2025.
  • Hà Nội nêu cao tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”
    Tại kỳ họp thứ 24 (kỳ họp chuyên đề) diễn ra sáng 27/6, HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố, bảo đảm thực hiện đúng phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
  • Phát động cuộc thi ảnh báo chí 'Việt Nam trên hành trình đổi mới’
    Cuộc thi ảnh báo chí “Việt Nam trên hành trình đổi mới” do Báo Nhân Dân phối hợp Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức nhằm tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, những thành tựu về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế trong quá trình 40 năm đổi mới.
  • Hà Nội sửa đổi, bổ sung quy định phân cấp nguồn thu, chi để mô hình chính quyền địa phương 2 cấp hoạt động hiệu quả
    Để có cơ sở điều chỉnh, giao dự toán ngân sách năm 2025 cho các xã, phường sau sắp xếp đảm bảo nguồn ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ được giao từ ngày 1/7/2025, HĐND Thành phố Hà Nội ngày 27/6 đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định tại Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 08/12/2022 về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách, định mức phân bổ ngân sách Thành phố và tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2023-2025.
  • Trình chiếu loạt phim đỉnh cao của Hàn Quốc tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần 3
    Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần 3 diễn ra từ ngày 29/6 – 5/7 sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc biệt khán giả sẽ có cơ hội gặp gỡ nhiều diễn viên Hàn Quốc.
  • Festival Nông sản Hà Nội: Thúc đẩy mô hình canh tác, chế biến và tiêu dùng nông sản gắn với văn hóa – du lịch
    Từ ngày 26 - 29/6/2025, tại quận Tây Hồ, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội phối hợp UBND quận Tây Hồ tổ chức Festival Nông sản Hà Nội lần thứ 4 – sự kiện xúc tiến thương mại nông nghiệp thường niên đang ngày càng khẳng định vị thế là điểm hẹn lớn của người tiêu dùng và các nhà sản xuất nông sản trên cả nước.
Những phong tục ngày Tết cổ truyền bạn nên biết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO