Những người anh hùng trên biển Đông

Bùi Tùng Ảnh| 22/08/2020 15:34

(Đọc Hùng binh, tiểu thuyết lịch sử của Đặng Ngọc Hưng, Nxb Trẻ, 2018) Đặng Ngọc Hưng - tác giả của Hùng binh thuộc thế hệ cầm bút 7X (sinh 1972). Anh từng chia sẻ chân thành: “Tôi luôn luôn nghĩ rằng, viết về lịch sử dân tộc là cách tỏ lòng biết ơn và tôn vinh công sức, trí tuệ của cha ông thiết thực nhất”.

Những người anh hùng trên biển Đông

Tiểu thuyết Hùng binh kể câu chuyện về những người dân biển bình thường nhưng vĩ đại, những người anh hùng trong ý nghĩa đầy đủ nhất của từ này. Nhưng điều đáng nói hơn cả là, Hùng binh (trong độ dày hơn 500 trang, với bố cục 20 chương) đã tái hiện được truyền thống anh hùng của nhiều thế hệ những người dân thường đã lấy máu xương chiến đấu giữ biển đảo Tổ quốc qua nhiều thế hệ (4 đời ông - con - cháu - chắt). Đọc Hùng binh tôi lại nhớ đến bài thơ Lên Cấm Sơn (1947) của nhà thơ Thôi Hữu viết trong kháng chiến chống Pháp: “Cuộc đời gió bụi pha xương máu/ Đói rét bao lần xé thịt da/ Khuôn mặt đã lên màu bệnh tật/ Đâu còn tươi nữa những ngày hoa/ Lòng tôi xao xuyến tình thương xót/ Muốn viết bài thơ thấm lệ nhòa/ Tặng những anh tôi từng rỏ máu/ Đem thân xơ xác giữ sơn hà”.

Hai mươi chương của tiểu thuyết xoay quanh trục chính “Đội hùng binh Hoàng Sa” (cũng là tựa của chương 2). Đội hùng binh làng biển An Vĩnh (cù lao Ré) với quân số bất di bất dịch theo lệnh triều đình phải đủ 70 người hằng năm. Đội lớn ấy lại chia ra 5 đội nhỏ (phân đội), đi trên 5 chiếc ghe câu trực chỉ Hoàng Sa. Những đội hùng binh này thuộc Hải đội Hoàng Sa được thành lập và hoạt động từ rất sớm, ngay từ thời các chúa Nguyễn bắt đầu cai quản Đàng Trong. Có một thời thất tán do tao loạn lịch sử. Nhưng sau khi lên ngôi hoàng đế, thống nhất đất nước, chỉ một năm sau đó vua Gia Long đã ra chỉ dụ khôi phục và củng cố lại đội hùng binh Hoàng Sa. Năm 1820, sau khi vua Gia Long băng hà, con trai lên nối ngôi, lấy niên hiệu Minh Mạng, vua con đã tiếp tục duy trì công việc tổ chức cai quản Hoàng Sa của vua cha. Căn cứ lịch sử và pháp lý đã rõ ràng như trong bài thơ thần Nam quốc sơn hà đã viết: "Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận ở sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời" (Bản dịch của Trần Trọng Kim).

Đó là cái nền lịch sử của tiểu thuyết Hùng binh. Nhưng đã là tiểu thuyết (dẫu là tiểu thuyết lịch sử) thì vẫn cần hư cấu, xây dựng kết cấu, cốt truyện, tình huống, nhân vật,... Kết cấu của Hùng binh theo phép truyền thống “tuyến tính”: câu chuyện được kể theo trình tự thời gian. Không thấy bóng dáng của các thủ pháp/ kỹ xảo của “hậu hiện đại” hay “dòng ý thức”. Cốt truyện nương theo các sự kiện lịch sử. Nhưng lịch sử thông qua các nhân vật có số phận cụ thể (có cá tính, thân phận, cảnh ngộ, tâm trạng, kết cục). Nhân vật của Hùng binh được mô thức hóa qua “bốn ngôi”: ông nội - con trai - cháu nội - chắt nội. Dòng họ này nhiều đời bám biển như là nghề sinh tồn.

Nhưng ngoài mưu cầu sống cho gia đình, bản thân họ còn có nghĩa vụ với triều đình, cũng là với dân với nước trong tinh thần đại nghĩa. Nếu nói có một nhân vật chính/ trung tâm thì đó là Triều. Sau khi cha đẻ mất trong chuyến đi biển theo nhiệm vụ thường niên của đội hùng binh làng An Vĩnh, sau khi ông nội đã già, Triều là trụ cột chống chèo trong gia đình nhỏ, đã đành, anh còn là người chỉ huy tiên phong của đội hùng binh mới. Không kể hết gian khổ hy sinh của đội hùng binh làng An Vĩnh (cũng như nhiều đội hùng binh khác lúc bấy giờ), tác giả tập trung miêu tả ý chí, tinh thần vượt khó, vượt khổ của những người dân miền biển bình thường nhưng ý thức công dân lại hết sức cao cả, với tinh thần “dĩ công vi thượng”. Triều là nhân vật chính được khắc họa từ nhiều phía: tình yêu gia đình, quê hương, biển cả; lòng dũng cảm, trí thông minh trong nghề biển và trong nhiệm vụ của đội hùng binh. Nếu chỉ dừng lại đó thì nhân vật này vẫn chỉ mới gợi niềm tin yêu chân thành ở người đọc. Nhưng hơn thế, anh còn là con người chính trực, dám làm và dám nghĩ, dám chịu trách nhiệm.

Trong chương 18 (“Câu chuyện ở Điện Thái Hòa”) lại mở ra một cách nhìn mới của độc giả về nhân vật này - dám nói lên sự thật trước vua chúa, một việc không phải ai cũng làm được nếu chỉ bảo an, cầu hòa. Anh nói rành rẽ trước mặt vua nhưng cũng là trước bàn dân thiên hạ: “Con xin hoàng thượng thấu hiểu nỗi đau mất mát của làng An Vĩnh chúng con mà ra ân đặc xá miễn suất đội binh phu cho những người là con trưởng hoặc cháu đích tôn để các nhà đều có người sống mà nối dõi dòng giống và lo hương khói cho những người đã khuất” (trang 468). Không ít bậc quân vương ngồi trên ngai vàng trong lịch sử đã không biết hoặc cố tình không biết thành quả của xã tắc nếu có được là đánh đổi bằng xương máu của muôn dân. Cái giá của thắng lợi đâu có dễ dàng và rẻ rúng. Máu người không phải là nước lã. Hòa bình, ổn định, ấm no, hạnh phúc cho muôn dân đâu phải chỉ đổi bằng ba tấc lưỡi. Như vậy, Triều là người đã sống theo phép tắc đạo lý “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”. Triều hy sinh anh dũng trong chuyến đi biển thực thi nhiệm vụ của người chỉ huy đội hùng binh làng An Vĩnh cuối cùng (chương 20). Nhưng cái kết của Hùng binh thật bi tráng, lạc quan, khi đứa cháu trai nội của Triều hỏi bà nội: “Hoàng Sa là ở đâu vậy bà?”, và hỏi tiếp: “Vậy chừng nào con lớn con có ra được Hoàng Sa không hả bà?” (trang 534). Đó là một cái kết rất “mở” (vì cái kết nào cũng tỏ rõ thái độ, lý tưởng thẩm mỹ của nhà văn với đời sống và con người). Cái kết đúc lại, đẩy lên cao âm hưởng/cảm hứng của tiểu thuyết Hùng binh - bi tráng, lãng mạn.

Viết về truyền thống lịch sử oai hùng của cha ông là một cách “ôn cố tri tân”. Thực tiễn văn chương chứng minh sự trở lại của đề tài lịch sử trên văn đàn Việt đương đại báo hiệu tinh thần quật khởi của nghệ thuật ngôn từ khích lệ lòng yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước suốt mấy nghìn năm lịch sử. Có thể nói, từ Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh (Giải A Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ nhất, 1997 - 2000 của Hội Nhà văn Việt Nam), tiểu thuyết về đề tài lịch sử đang trở lại ngôi vị đáng kính của mình với sự tiếp nối nhiều tác phẩm thành công xuất hiện sau đó đến tận hôm nay như: Hội thề của Nguyễn Quang Thân, Thế kỷ bị mất của Phạm Ngọc Cảnh Nam, Minh sư của Thái Bá Lợi, Sương mù tháng Giêng của Uông Triều, Trần Khánh Dư của Lưu Sơn Minh, Đức Thánh Trần của Trần Thanh Cảnh, Đinh Tiên Hoàng của Vũ Xuân Tửu, Chim ưng và chàng đan sọt của Bùi Việt Sỹ, Thông reo Ngàn Hống của Nguyễn Thế Quang, Từ Dụ thái hậu của Trần Thùy Mai, bộ ba Ngô Vương, Phùng Vương, Nam Đế Vạn Xuân của Phùng Văn Khai,...

Hùng binh của Đặng Ngọc Hưng góp thêm vào dòng tiểu thuyết lịch sử một bằng chứng sinh động về trách nhiệm công dân của nhà văn trước yêu cầu của đời sống. Lòng yêu nước không độc quyền, đó là “sợi chỉ đỏ”, là “cấu tứ” của tác phẩm của một cây bút trẻ thế hệ 7X hiện đang được xem là “chủ lực quân” của đội ngũ sáng tác hùng hậu. Lâu nay nói đến thế hệ 7X trong sáng tác văn chương/tiểu thuyết người ta hay nhắc đến Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Tiến Thụy, Trần Nhã Thụy, Uông Triều, Nguyễn Thế Hùng, Như Bình, Phong Điệp, Dili, Tống Ngọc Hân,... Ít người trong giới phê bình chịu khó đọc và tìm kiếm những gương mặt mới có cá tính như Đặng Ngọc Hưng. Tôi nghĩ, anh thuộc về “bè trầm” trong dàn nhạc giao hưởng. Hùng binh góp thêm tiếng nói bằng nghệ thuật hun đúc lòng yêu nước thương nòi cần thiết phát huy hơn bao giờ hết trong bối cảnh biển Đông đang dậy sóng.
(0) Bình luận
  • Trao giải 11 tác phẩm xuất sắc “Truyện ngắn Sông Hương 2024”
    Ban tổ chức đã trao giải 11 tác phẩm xuất sắc cho cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” do Tạp chí Sông Hương phát động.
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Ăn Tết nay yêu Tết xưa
    Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Ra mắt bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” - Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước
    Tối 31/3, tại Landmark 81 (TP.HCM) đã diễn ra sự kiện ra mắt bộ phim 'Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối'. Bộ phim tái hiện cuộc sống và quá trình chiến đấu của những du kích ở Củ Chi trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.
  • Hình ảnh người mẹ qua các tác phẩm trong sách giáo khoa Ngữ văn hiện nay
    Trong thơ ca Việt Nam, hình tượng người mẹ không chỉ mang ý nghĩa sinh thành, dưỡng dục mà còn là biểu tượng của sự hi sinh thầm lặng, lòng bao dung vô hạn và những giá trị văn hóa truyền thống bền vững.
  • “Hồn Việt” và “dặm đời” trong thơ Lê Cảnh Nhạc
    Nhà báo, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc từng đảm nhiệm chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dân số, Tổng biên tập báo Gia đình và Xã hội, hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Anh đã in bốn tập truyện và truyện kí cùng nhiều tập thơ như: “Khúc giao mùa” (2005), “Không bao giờ trăng khuyết” (2010), “Khúc thiên thai” (2015), “Non nước đàn trời” (2015). Tập thơ thứ 5 của anh có tên là “Đi về phía mặt trời”, do cơ duyên mà đến tay tôi. Tôi đọc và không khỏi ngạc nhiên, khâm phục trước sức cảm, sức viết của anh. Nhan đề của tập thơ giàu tính biểu tượng, thể hiện khái quát nội hàm hướng về mặt trời, hướng về ánh sáng.
  • [Podcast] Bánh đúc riêu cua – Món ngon của người Hà Nội xưa
    Hà Nội là nơi lưu giữ những hương vị khó quên với những món ăn không quá cầu kỳ nhưng lại chứa đựng biết bao tinh túy của đất trời, của văn hóa, của con người, được tích tụ và lan tỏa theo chiều dài hơn 1000 năm lịch sử. Và có một món ăn dân dã, bình dị nhưng đã đi cùng bao thế hệ người Hà Nội, nhất là những ai từng lớn lên trong những con phố nhỏ. Một món ăn mà chỉ cần nghe tên thôi cũng đủ gợi lên cả một trời ký ức: Bánh đúc riêu cua.
  • Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ khởi công và xây dựng 43 cụm công nghiệp
    UBND TP Hà Nội ban hành Thông báo số 171/TB-VP ngày 31/3 về kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền tại cuộc họp rà soát quy trình thành lập cụm công nghiệp.
Đừng bỏ lỡ
Những người anh hùng trên biển Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO