Những ngôi làng đẹp nhất Việt Nam
Du khách có thể đến làng cổ Đường Lâm bất cứ thời điểm nào trong năm. Nhưng mùa lễ hội (diễn ra vào tháng Giêng âm lịch hàng năm) và mùa lúa chín (tháng 5, 6 hàng năm - khi những cánh đồng lúa vào độ chín rộ) là thời điểm thích hợp hơn cả.
Làng Cù Lần (Lâm Đồng)
Làng Cù Lần, được UNESCO công nhận là điểm đến văn hoá, là một ngôi làng xinh đẹp, lãng mạn của người dân tộc K’Ho nằm giữa rừng già nguyên sinh rộng hơn 30 héc-ta. Khoảng cách từ Đà Lạt đến Làng khoảng 22km, dưới chân núi Lang Biang hùng vĩ, thuộc địa phận xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Ngôi làng tồn tại từ thập niên 60. Cái tên “Cù Lần” được đặt theo loài cây cù lần mọc xen kẽ trong rừng thông, cũng là nơi sinh sống của động vật có “đôi mắt to tròn đẹp nhất thế gian” – con cù lần. Khi đó cư dân K’Ho của làng ngoài việc canh tác, săn bắt, hái lượm, còn khai thác cây cù lần, và khéo léo chế tác thành con Cù Lần trừu tượng, mang ra Hồ Xuân Hương bán cho du khách.
Câu chuyện về làng Cù Lần bắt đầu từ xuất xứ của cái tên Cù Lần. Cây Cù Lần vốn là loại cây dược liệu dùng để cầm máu các vết thương. Cây này cũng có thể được con người đẽo gọt trở thành những quà tặng du lịch Đà Lạt mang nhiều ý nghĩa của núi rừng Tây Nguyên. Khu Du Lịch làng Cù Lần chủ yếu hướng du khách đến với các hoạt động ngoài trời, thư giãn hòa mình vào thiên nhiên núi rừng như đi xe đạp địa hình, thả diều, cưỡi ngựa, săn gà rừng, bắt cá suối, các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống… là nơi tuyệt vời để tổ chức các hoạt động team building. Đến với làng Cù Lần bạn sẽ tìm lại được cảm giác bình yên, thanh tịnh. Vẻ đẹp thiên nhiên hấp dẫn, một mô hình du lịch mang đậm tính văn hóa như làng Cù Lần chắc hẳn sẽ mang lại nhiều ý nghĩa cho cuộc hành trình tại thành phố ngàn hoa Đà Lạt.
Làng cổ Đường Lâm (Hà Nội)
Làng cổ Đường Lâm nằm cách 44 km về phía tây của trung tâm thành phố Hà Nội, thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Tuy thường được gọi là làng cổ nhưng thực ra Đường Lâm từ xưa gồm 9 làng thuộc tổng Cam Giá Thịnh huyện Phúc Thọ trấn Sơn Tây, trong đó 5 làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau. Các làng này gắn kết với nhau thành một thể thống nhất với phong tục, tập quán và tín ngưỡng hàng ngàn năm nay không hề thay đổi. Nơi đây còn được gọi là đất hai vua do là nơi sinh ra Phùng Hưng và Ngô Quyền.
Hiện làng Đường Lâm vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng ở Bắc Bộ có cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình,… với 956 ngôi nhà truyền thống. Năm 2006, Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên ở nước ta được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Du khách có thể đến làng cổ Đường Lâm bất cứ thời điểm nào trong năm. Nhưng mùa lễ hội (diễn ra vào tháng Giêng âm lịch hàng năm) và mùa lúa chín (tháng 5, 6 hàng năm - khi những cánh đồng lúa vào độ chín rộ) là thời điểm thích hợp hơn cả.
Làng Bình An (Lâm Đồng)
Làng Bình An nằm ở ven hồ Tuyền Lâm, nổi bật với vẻ đẹp tinh tế của kiến trúc kiểu Pháp kết hợp hài hòa với những kiến trúc chắt lọc từ văn hóa dân gian địa phương đem lại không gian vừa Tây vừa lãng mạn cho nơi này.
Ngôi làng nằm ở ven hồ Tuyền Lâm, nơi đây được ví như ốc đảo đầy hoa, được bao phủ bởi thiên nhiên đẹp lãng mạn đến say lòng người. Cảnh quan nơi đây vừa tươi đẹp lại vừa yên bình, từng góc vườn, từng cành hoa, chiếc lá... đều được chăm chút một cách tỉ mỉ tạo cho bạn một cảm giác ấm cúng, thư thái trong tâm hồn đúng như tên gọi làng "Bình An". Ngôi làng với những biệt thự, những căn nhà theo kiến trúc cổ điển Pháp đem lại không gian vừa Tây vừa lãng mạn cho nơi này.
Đứng giữa làng Bình An, bạn sẽ cảm nhận được sự lắng đọng qua các loại tiếng chim hót, tiếng thông reo mỗi sớm. Dưới chân là những bãi cỏ xanh mướt, hai bên lối đi ngập tràn sắc hoa giống như đang ở trên ốc đảo thu nhỏ. Từng góc nhỏ tại đây được chăm chút tỉ mỉ.
Khiến làng Bình An Đà Lạt không chỉ đơn giản là một địa điểm lưu trú tiện lợi đáng để quan tâm. Mà nó còn là nơi để tham quan, chiêm ngưỡng cảnh vật tự nhiên đẹp nức lòng. Không gian lãng mạn đậm chất thơ khiến tâm hồn bay bổng hơn.
Làng chài Mũi Né (Bình Thuận)
Làng chài Mũi Né nằm trên đường Huỳnh Thúc Kháng, Mũi Né, Phan Thiết, Bình Thuận. Từ trung tâm thành phố Phan Thiết đến làng chài khoảng 23km, từ chợ Mũi Né đến đây khoảng 1km và từ bến xe Mũi Né đến đây chỉ khoảng 200m. Làng chài này nép mình bên bờ biển và trải dài 1km.
Bãi biển nơi đây đặc biệt sóng yên gió lặng quanh năm, vị trí lý tưởng cho tàu bè trú ẩn. Nếu đến đây vào sáng sớm, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng khung cảnh buôn bán tấp nập của ngư dân trở về sau những chuyến đi biển khuya.
Làng chài Mũi Né là hình ảnh thu nhỏ của vùng biển thơ mộng Bình Thuận, nơi được thiên nhiên ưu đãi ban tặng phong cảnh hữu tình khiến say đắm biết bao nhiêu tâm hồn thi sĩ. Làng chài còn là bức tranh chân thực nhất, sống động nhất về cuộc sống của con người vùng biển từ lúc bình minh lên tới khi hoàng hôn buông xuống. Tất cả tạo nên vẻ đẹp êm đềm và rất đỗi bình dị, khiến nơi đây trở thành là điểm sáng trong du lịch Bình Thuận.
Làng cổ Phước Tích (Thừa Thiên Huế)
Năm 2009, Phước Tích được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích cấp quốc gia. Đây là làng cổ hiếm hoi thứ hai sau làng cổ Đường Lâm ở Hà Nội được công nhận. Phước Tích còn được gọi là xứ Cồn Dương, thuộc Đại Việt sau khi vua Chế Mân dâng tặng châu Ô và châu Lý cho Đại Việt vào năm 1306. Du khách đi quanh làng sẽ bắt gặp những di tích Chăm như miếu Quảng Tế với tượng yoni cổ, miếu Cây Thị thờ nữ thần Po Nagar, bức phù điêu lá nhĩ bằng đá sa thạch…
Với những lợi thế về quần thể nhà rường cổ, hệ thống di tích, đình, chùa, miếu, nhà thờ, di tích văn hoá Chăm Pa..., làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) ngày nay đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước.
Hiện nay, làng cổ Phước Tích còn lưu giữ những di sản vật thể nhiều giá trị, gồm: 13 di tích tín ngưỡng; 17 nhà thờ họ và 11 nhà thờ nhánh họ. Trong 117 ngôi nhà của cư dân thì có đến 26 ngôi nhà rường cổ, và có 12 ngôi nhà có giá trị đặc biệt về kiến trúc nghệ thuật./.