Những lưu ý đề thi tốt nghiệp THPT
Thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nêu rõ, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra vào hai ngày 28 và 29/6. Thí sinh đến trường làm thủ tục dự thi vào ngày 27/6; thí sinh làm bài thi trong hai ngày 28 và 29/6. Ngày 30/6 là ngày thi dự phòng.
Theo đó, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ bám sát kiến thức, kỹ năng cơ bản của chương trình, nội dung chủ yếu ở lớp 12. Vì thế, học sinh dựa theo chương trình và sử dụng sách giáo khoa là tài liệu chính để ôn tập. Học sinh bám sát đề thi minh họa để biết định dạng, cấu trúc đề thi và làm thử các bài kiểm tra theo dạng đề sau mỗi chương, chủ đề trong quá trình học.
Tuy nhiên, những năm gần đây, đề thi tốt nghiệp THPT đã sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa ở phần đọc hiểu và nghị luận xã hội. Do đó, năng lực, kỹ năng của học sinh chỉ thực sự được đánh giá chính xác khi đề thi sử dụng ngữ liệu mới lạ. Cách này nhằm tránh việc học sinh học thuộc lòng máy móc và làm theo văn mẫu. Học sinh cần luyện tập để có kỹ năng trả lời các câu hỏi theo yêu cầu của chương trình và trong đề thi nên dù đề thi dùng ngữ liệu trong hay ngoài sách giáo khoa, các em vẫn làm được, tránh việc học tủ hay đoán đề.
Ngoài ra, theo Bộ GD&ĐT, học sinh cần chủ động xây dựng kế hoạch học tập với từng môn học. Để dễ nhớ, các em xây dựng đề cương dạng sơ đồ hóa theo từng chương, từng chủ đề của chương trình học, sau đó luyện tập theo các câu hỏi, bài tập liên quan rồi mở rộng luyện tập theo yêu cầu vận dụng kiến thức.
Để chuẩn bị tổ chức tốt kỳ thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xin ý kiến về dự thảo nội dung sửa đổi, bổ sung quy chế thi hiện hành theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo tổ chức thi. Phương thức tổ chức thi và các quy định cơ bản như bài thi, ra đề thi, coi thi, chấm thi, cách tính điểm xét tốt nghiệp, phúc khảo... về cơ bản giữ nguyên như năm 2021 và 2022./.