Những làn khói tỏa hương

Huỳnh Thúy Kiều| 18/01/2020 23:05

Quay trở lại thời bếp gas chưa xuất hiện hoặc chưa đại trà kiểu nhà nhà đều có như bây giờ, tôi lại thấy da diết nhớ những làn khói bếp ở quê đến lạ, những làn khói mà mỗi hừng đông rơm rạ nhẹ len như màn sương giăng buổi đầu ngày trong tiết trời se lạnh của mùa gió chướng…

Những làn khói tỏa hương

Quay trở lại thời bếp gas chưa xuất hiện hoặc chưa đại trà kiểu nhà nhà đều có như bây giờ, tôi lại thấy da diết nhớ những làn khói bếp ở quê đến lạ, những làn khói mà mỗi hừng đông rơm rạ nhẹ len như màn sương giăng buổi đầu ngày trong tiết trời se lạnh của mùa gió chướng…

Là người được sinh ra nơi đồng quê, ấu thơ đắm chìm trong mùi thơm của những làn khói bếp, tôi yêu đến cháy lòng mình những chiều thanh bình, yên ả; yêu cái chái bếp đầu hè của mẹ - nơi mà cha tôi từ ngoài đồng trở về, thỉnh thoảng giăng lưới hoặc câu được mớ cá vụn, là mẹ tôi sẽ làm mẻ cá kho quẹt thơm dậy cả góc nhà, chỉ cần chấm với rau tập tàng luộc thôi, anh em tôi cũng đủ “căng bụng” rồi. Cái làn khói bếp đó, không chỉ tỏa hương ở những bữa cơm sáng cơm chiều; mà còn tỏa hương suốt bao năm tháng dọc hành trình thơ ấu của bốn anh em tôi. Đến bây giờ, tôi vẫn luôn có một niềm tin vĩnh cửu rằng, chính khói bếp này đã tỏa những làn hương làm nên hồn cốt của mỗi gia đình Việt! Mỗi khi bếp lửa được bừng cháy, những làn khói bắt đầu nhẹ len qua mái lá, là một sự ấm áp, gần gũi và thân thương như được kết dính hơn từ các thành viên ở mỗi gia đình; có thể chưa thật sự đủ đầy về vật chất, nhưng niềm hạnh phúc, sự an yên cứ như nhân lên, như lũy thừa nhiều cấp số! Mới hay cái chái bếp nói chung và những làn khói này đã tỏa ra những mùi hương thật đặc biệt - đó là hương quê, hương gia đình; lớn hơn là hương Việt tỏa ra từ những tâm hồn Việt.

Những làn khói ở chái bếp này, quanh năm luôn bén lửa; nhưng như thế không có nghĩa là luôn được cháy lên từ củi khô, gỗ tốt. Có những khi, nhất là vào những ngày mưa dầm, đối với những bếp quê, thật sự là một điều không đơn giản, từ lá dừa khô để nhen lửa, cho đến củi; đều ẩm ướt. Tôi vẫn nhớ như in, để có được củi khô “chụm” trong suốt nhiều ngày mưa dầm, sau mỗi bữa cơm, khi bếp còn hơi ấm nóng, mẹ tôi đều bắc xiên qua xiên lại những thanh củi lớn bên dưới, sau đó tiếp tục chất đầy, khoảng một ôm củi lên “cà ràng ông táo” để cho hơi nóng đó xông lên, mỗi lần một ít… Hình ảnh quá đỗi quen thuộc và thân thương, chính là mỗi khi củi ẩm ướt, người đứng bếp phải cúi xuống sát “ông táo” mà thổi lấy thổi để, cố thổi sao cho thật dài hơi để mong cho củi mau bén lửa, để sống mũi khỏi cay nồng… Và, chính cái mùi cay nồng này đã khiến cho người đi xa phải nhớ, phải hoài vọng, phải rưng rưng nước mắt, phải thèm trở về nơi góc bếp xưa tỏa đầy mùi khói…

Theo thời gian, những “mùi” ở miền thơ ấu ngỡ sẽ dần trôi vào quá khứ; nhưng với những ai luôn lắng nghe âm vọng từ bưng biền, sẽ không bao giờ quên những “mùi” ấy, như những làn khói này, chúng không chỉ tỏa hương trong những bữa cơm chính của gia đình, mà còn tỏa hương từ củ khoai, trái bắp (ngô) nướng trong buổi trời trở bấc phơn phớt gió lùa; là mùi của cá lóc nướng rơm từ vụ lúa mùa cha vừa thu hoạch; là mùi của đường cặn, của va ni trong chảo mứt dừa mẹ và chị thắng ở những ngày cận Tết, là mùi thơm ngon ngót của nồi thịt kho tàu của ngày 29 tháng Chạp… Tất cả tựu lại thành một tập hợp mùi của yêu thương. Trong lối nhỏ của hồn người, những làn khói tỏa hương là sợi dây kết nối kéo ta về gần với hồn quê hơn, như sắp chạm được thời thơ ấu… Khói bếp, chiều quê, chăn trâu, cắt cỏ… của thuở đói nghèo xưa, những ấu thơ nào từng trải qua, sẽ mãi hoài một miền thương nhớ cũ… 

Có thể, vì một lý do nào đó, bạn ít hoặc chưa quan tâm đến những làn khói. Ngay trong bếp củi của gia đình tôi ngày đó ở quê, mẹ tôi cứ dặn đi dặn lại rằng, cái bếp như có tâm hồn con ạ; con hãy để ý đi, những ánh lửa cháy, những làn khói tỏa đi; cũng phụ thuộc vào tâm trạng người nhóm bếp. Khi lửa tí tách reo cười, là như thể tâm trạng người “nhóm bếp” chắc hẳn là đang vui; ngược lại, dù trời không mưa, củi không ẩm ướt mà “nhóm bếp”, lửa vẫn không dễ “bén”; lúc này có lẽ tâm trạng người “giữ lửa” có điều chi vướng víu!?

Mỗi khi về thăm quê, dù chị dâu lớn của tôi có dùng bếp gas, nhưng tôi luôn tự tay mình nhóm bếp củi, vì tôi muốn tìm về miền ký ức cũ, từ bếp lửa này, tôi muốn nhìn thấy những làn khói bay lên và tỏa hương, đượm nồng mùi thơ ấu. Cảm ơn những làn khói tỏa hương này đã dẫn dắt tôi về những nẻo xưa trong tâm hồn mình, mà ở đó, ngoài âm vọng của đồng quê, tôi như vẫn còn thấy đâu đó bóng dáng ẩn hiện của bà tôi, của cha tôi như bay bay sau làn khói trắng…

Dù chưa đến tuổi được đi, được trải nghiệm nhiều như nhà thơ Nguyễn Duy, nhưng qua thơ ông, tôi nghĩ chắc nhiều người cùng đồng cảm với tôi, chúng ta như bắt gặp chính mình. Và tôi cũng muốn mượn hai câu thơ của ông để kết thúc bài viết nhỏ này: 

“Tôi qua lắm núi nhiều sông
Khói ngày xưa ám trong lòng còn cay” 
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Những làn khói tỏa hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO