Hơn một năm trước, khi gặp lão nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Nền để viết về tập sách ảnh “Hồ Hoàn Kiếm thời gian và sự kiện” (tập hợp những tác phẩm chụp về hồ Gươm của ông cùng với NSNA Hữu Cấy, con trai Hữu Nguyên, các cháu Hữu Vinh, Hữu Hinh (con của NSNA Hữu Cấy), Hữu Nền khoe với tôi đang hoàn thiện cuốn sách ảnh “Việt Nam - Di tích văn hóa thắng cảnh”. Đây là cuốn sách được ông ấp ủ làm từ trước năm 2000, đã được cố nhà văn Băng Sơn viết lời tựa nhưng dự định vẫn dang dở vì chưa đủ kinh phí in.
Cứ ngỡ phải đợi thêm một khoảng thời gian nữa cuốn sách của ông mới được “chào đời” thì bất chợt tôi nhận được điện thoại của ông với lời mời đến dự buổi ra mắt tập sách ảnh. Gặp ông, lão nghệ sĩ cười hiền hậu: “May có Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tài trợ, rồi bạn bè anh em đồng hành, và bà xã cho “vay vốn” nên sách mới kịp “về đích” khi tôi bước sang tuổi 80.
Tôi hiểu được niềm vui của ông khi 17 năm chờ đợi, đến nay cuốn sách mới “nên dáng, nên hình”. Không vui sao được bởi nó là một dấu mốc đánh dấu 80 năm tuổi đời và 60 năm tuổi nghề của ông. Ra Hà Nội mưu sinh học nghề từ thuở đôi mươi, dưới sự dìu dắt của người anh họ Hữu Cấy, từ một người thợ lành nghề in phóng ảnh, ông trở thành một cán bộ đảm trách các công việc kỹ thuật ảnh rồi được phân công thêm nhiệm vụ của một phóng viên ảnh, và sau trở thành một biên tập viên uy tín trong làng biên tập sách ảnh.
Đặc thù công việc và niềm đam mê với nhiếp ảnh đã giúp Hữu Nền có được một kho ảnh khá đồ sộ về mọi miền Tổ quốc. Dường như, tỉnh thành nào ở Việt Nam ông cũng đều đi qua và thu lại trong ống kính của mình. Khi là di tích danh thắng, lúc lại là một nét văn hóa hay sự kiện mà ông đã trải nghiệm và tác nghiệp.
“Việt Nam – Di tích, văn hóa thắng cảnh” là cuốn sách ảnh thứ 3 của Hữu Nền (sau cuốn “Chùa Hương”, “Thủ đô Hà Nội”). Đây cũng là cuốn sách “tổng kết” cả một chặng đường cầm máy sáng tác mà Hữu Nền đã đi qua. Gần 150 trang sách với 180 bức ảnh đem đến cho bạn đọc một cái nhìn bao quát nhất về những di tích văn hóa và danh thắng trên dải đất hình chữ S. Những tác phẩm được Hữu Nền chụp trải dài từ Thủ đô Hà Nội đến các tỉnh thành miền Bắc, trở vào mảnh đất miền Trung nắng gió rồi đến vùng sông nước của đồng bào miền Tây và khép lại tập sách là những hình ảnh của thành phố mang tên Bác. Chiếm số lượng ảnh nhiều nhất trong tập sách là mảng ảnh về Thủ đô Hà Nội. Nào cột cờ, hồ Gươm, tượng đài Lý Thái Tổ, đền thờ Lê Lợi, Khuê Văn Các… nào Lăng Bác, đền Cổ Loa, Hoàng thành Thăng Long, chùa Một Cột rồi bảo tàng Lịch sử quốc gia… Cũng thật dễ hiểu bởi Hà Nội là nơi ông đã gắn bó và in dấu bao kỷ niệm trong cả chặng đường đời, đường nghề của mình.
NSNA Vũ Quốc Khánh - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam nhận định: “Mỗi khoảnh khắc mang nội dung, hình thức thể hiện nghệ thuật riêng của tác giả, nhưng quan trọng hơn cả đó chính là giá trị tư liệu để lại sau này của người nghệ sĩ. Cuộc sống là dòng chảy không ngừng để đất nước, xã hội và con người ngày càng hoàn thiện mình hơn, chỉ có những thời điểm bấm máy của nghệ sĩ nhiếp ảnh là dừng lại, bắt đúng khoảnh khắc cần ghi chép, trung thực, khách quan nhất. Giá trị đó sẽ được lưu giữ cho mai sau. Cuốn sách ảnh của NSNA Hữu Nền đang gánh vác nhiệm vụ cao cả ấy.”
Còn nhà văn Băng Sơn trong lời tựa của cuốn sách thì viết rằng: “Có người đương đại nói “thì giờ là vàng bạc”, nhưng nếu bỏ chút thì giờ ra để được lắng hồn vào di tích, vào danh thắng thế này, hẳn khối vàng, khối bạc khổng lồ ta thu nhận được, không thể nào đem cân ra mà đo đếm được”.
Lật giở từng trang sách với những tấm ảnh đã được Hữu Nền chắt chiu thu lượm suốt dọc dài đất nước trong hơn nửa thế kỷ làm nghề, mới thấy giá trị của tập sách không chỉ dừng lại ở phương diện nghệ thuật của cá nhân nghệ sĩ mà cái đáng trân trọng ở tập sách ảnh này chính là giá trị tư liệu.