Nhớ về nhạc sĩ Hồng Đăng

KTĐT| 23/03/2022 16:32

Nhạc sĩ Hồng Đăng đã mãi ra đi ở tuổi 86 nhưng những đóng góp của ông với nền âm nhạc nước nhà vẫn còn vẹn nguyên theo năm tháng.

Người nhạc sĩ tinh tế, hào hoa, đầy mến khách

Sinh thời, trong một chương trình âm nhạc, nhạc sĩ Hồng Đăng chia sẻ: “Không hiểu sao tôi lại trở thành nhạc sĩ. Sinh ra ở một vùng quê ở miền Trung, con của một gia đình cán bộ, tôi theo gia đình sơ tán, đổi chỗ ở liên tục hàng năm. Là học sinh vùng kháng chiến, tôi chỉ mơ ước trong tay có một cây đàn nhỏ, một cây sáo nhưng cũng không có. Thế nhưng có một sự tình cờ khi tôi chuyển hướng sang làm âm nhạc và tiếng hát đã đi theo tôi suốt cả cuộc đời”.

Nhạc sĩ Hồng Đăng.
Nhạc sĩ Hồng Đăng.

Quê gốc ở Yên Thành, Nghệ An, nhạc sĩ Hồng Đăng ra Hà Nội và học Khoa sáng tác Trường Âm nhạc Việt Nam khóa 1 năm 1956 cùng với các nhạc sĩ Hoàng Việt, Huy Thục, Vĩnh Cát, Tô Ngọc Thanh…

Nhạc sĩ Hồng Đăng đã sáng tác hơn 700 tác phẩm ở nhiều thể loại: Ca khúc, hợp xướng, ca cảnh, khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu. Trong đó, nhiều tác phẩm ông viết được sử dụng cho hơn 70 bộ phim, có thể kể đến những ca khúc nổi tiếng như: “Hoa sữa”  trong phim “Hà Nội mùa chim làm tổ”, “Lênh đênh” phim “Đời hát rong”, “Nỗi nhớ đêm đại dương” phim “Những hạt muối của biển, “Biển và cô gái tôi chưa quen” phim “Những ngôi sao nhỏ”, “Không gian xanh” phim “Vùng trời”.

Một trong số những ca khúc của ông được nhiều người nghe biết tới là “Hoa sữa”. Ca khúc “Hoa sữa” được ông viết năm 1978 cho bộ phim “Hà Nội mùa chim làm tổ” đã có sức sống riêng, tách ra khỏi bộ phim và được phổ biến rộng rãi. Nhiều ca sĩ như Nhã Phương, Thanh Hoa, Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung… đã thể hiện thành công ca khúc này, góp phần đưa tên tuổi của họ đến gần hơn với công chúng.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha, “Hoa sữa” bắt đầu nổi tiếng khi nó được hát bởi tiết điệu này: “Em vẫn từng đợi anh, như hoa từng đợi nắng, như gió tìm rặng phi lao, như trời cao mang mây trắng”. Cùng với đó, hai ngôi đại từ nhân xưng em và anh cứ xoay quanh cái tứ “đợi” mà làm nên sự da diết của giai điệu: “Anh vẫn từng đợi em, trên những chặng đường quen, tiếng hát ai xao động, thoảng mùi hoa êm đềm”. Cái làn hương đặc biệt Hà Nội này đã được nhạc sĩ lan tỏa vào một cách tinh tế đến tài tình, đúng lúc người ta cần đến một sự nồng nàn của tình yêu phút thăng hoa.

Nhiều người nghe nhạc Hồng Đăng rồi sau khi gặp ông đều nhận xét, âm nhạc với đời sống của ông có mối tương đồng, đó là sự tinh tế, hào hoa đầy mến khách. Theo nhạc sĩ Đức Trịnh – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Nhạc sĩ Hồng Đăng, ngoài sáng tác âm nhạc giỏi thì ông rất trí tuệ và có hiểu biết sâu xa về con người, về đất nước. Những tác phẩm của ông đã tạo dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng”.

Dấu ấn trong đào tạo

Là ca sĩ được vợ nhạc sĩ Hồng Đăng nhờ hát trong đám tang của ông sắp tới, ca sĩ Tùng Dương cho biết, anh biết tới nhạc sĩ Hồng Đăng từ lâu - một người nhạc sĩ lớn có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam. Tùng Dương cũng biết chị Thuý - người phụ nữ rất đảm đang và sống hết mình, đứng sau hỗ trợ cho chồng trong sự nghiệp cũng như tuổi già của nhạc sĩ.

“Tôi còn nhớ sau khi tham gia chương trình Sao mai Điểm hẹn, tôi được mời hát trong đêm nhạc “Lênh đênh” của nhạc sĩ Hồng Đăng. Tôi có bài song ca với ca sĩ Hồng Nhung, đó là bài “Ký ức đêm” - bài hát rất nội tâm. Ngày đó tôi còn trẻ, cũng đi diễn nhiều nên lúc ghép nhạc tôi lại chưa thuộc lời bài hát của chú. Lúc đó chú Hồng Đăng và chị Thuý phê bình tôi: Tại sao Dương chưa thuộc bài, hát thế không được, chưa có trách nhiệm với bài hát. Chính sự phê bình như thế khiến tôi đã khắt khe hơn với mình. Ngay đêm đó, tôi đã học thuộc làu bài hát và hôm sau chạy chương trình, chú Đăng - chị Thuý đã ôm chầm lấy tôi và nói: “Đấy! Thế này mới là hát chứ" - Tùng Dương chia sẻ.

Riêng với Hà Nội, nhạc sĩ Hồng Đăng không chỉ là để lại những sáng tác nổi tiếng cho Thủ đô mà ông còn đóng góp ở lĩnh vực đào tạo những thế hệ sau ở Trường Âm nhạc Việt Nam (sau đổi là Nhạc viện Hà Nội và bây giờ là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Với những người tự học, những cuốn sách của ông về các bài xướng âm, về những nhạc khí trong dàn nhạc giao hưởng đã giúp cho họ có thể vững vàng khi bước vào thế giới âm nhạc.

Khi là Phó Tổng thư ký thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IV (1989 - 1995) ông đã cho mở lớp dạy sáng tác ca khúc ngay tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam với sự giảng dạy của các nhạc sĩ gạo cội như Hoàng Vân, Tân Huyền. Lớp sáng tác ấy đã để lại thêm cho Hà Nội những ca khúc nổi tiếng như “Hà Nội và tôi” của Lê Vinh, “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” của Trương Quý Hải, “Hà Nội đêm mùa Đông và Truyền thuyết Hồ Gươm” của Hoàng Phúc Thắng.

(0) Bình luận
  • Hiểu rõ giá trị của thời đại Hùng Vương trong lịch sử Việt Nam
    NXB Chính trị quốc gia Sự thật vừa ra mắt cuốn sách “Thời đại Hùng Vương (Lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội)” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”. Không chỉ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử phát triển của dân tộc, hai cuốn sách còn góp phần bồi đắp tinh thần tự hào về lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của cha ông ta.
  • Ra mắt sách cuốn sách song ngữ về lan hài Việt Nam
    Công ty Sách Liên Việt vừa ra mắt bạn đọc cuốn sách song ngữ "Lan hài Việt Nam – Vẻ đẹp quyến rũ của tự nhiên" của tác giả Chu Xuân Cảnh. Đây là công trình đầu tiên dành toàn bộ nội dung để giới thiệu về lan hài tại Việt Nam.
  • “Hồn Việt” và “dặm đời” trong thơ Lê Cảnh Nhạc
    Nhà báo, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc từng đảm nhiệm chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dân số, Tổng biên tập báo Gia đình và Xã hội, hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Anh đã in bốn tập truyện và truyện kí cùng nhiều tập thơ như: “Khúc giao mùa” (2005), “Không bao giờ trăng khuyết” (2010), “Khúc thiên thai” (2015), “Non nước đàn trời” (2015). Tập thơ thứ 5 của anh có tên là “Đi về phía mặt trời”, do cơ duyên mà đến tay tôi. Tôi đọc và không khỏi ngạc nhiên, khâm phục trước sức cảm, sức viết của anh. Nhan đề của tập thơ giàu tính biểu tượng, thể hiện khái quát nội hàm hướng về mặt trời, hướng về ánh sáng.
  • Tủ sách Văn hóa Việt của Chibooks sắp có thêm 2 tác phẩm mới
    Công ty Cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) vừa ký kết hợp đồng xuất bản sách với tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng về việc xuất bản 2 tác phẩm “Việt Nam – Ăn mặc thong dong” và “Ngàn năm trà Việt”. Sách dự kiến sẽ ra mắt độc giả vào tháng 4/2025. Ngoài ấn bản tiếng Việt, sách cũng sẽ được dịch sang tiếng Trung nhằm quảng bá văn hóa Việt ra thế giới.
  • Ra mắt tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng của Pháp
    “Những câu chuyện cổ phố Broca” – tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng của Pháp do Pierre Gripari sáng tác vừa ra mắt bạn đọc Việt Nam qua bản dịch của Nguyên Kan, do Crabit Kidbooks và NXB Hà Nội ấn hành. Cuốn sách không chỉ mang đến những câu chuyện cổ tích phá cách, hài hước, mà còn mở ra một thế giới giàu trí tưởng tượng, nơi mọi điều kỳ diệu có thể xảy ra.
  • "Bóng đêm và mặt trời" trở lại với bạn đọc trong một diện mạo mới
    Tiểu thuyết "Bóng đêm và mặt trời" của Dương Hướng từng quen thuộc với độc giả nhiều năm trước, nay trở lại với diện mạo mới do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành vào tháng 3 năm 2025. Với câu chuyện đầy ám ảnh về số phận con người trong những biến động lịch sử, tác phẩm mở ra bức tranh hiện thực sâu sắc về làng quê Việt Nam.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nhớ về nhạc sĩ Hồng Đăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO