Nhớ nghệ sĩ Trần Vân - Chàng Ferdinand của sân khấu điện ảnh thập niên 1980

Thu Hằng/NSHN| 17/01/2019 17:24

Con ngõ nhỏ trên phố Lý Quốc Sư luôn tấp nập, ồn ã dẫn tôi đến ngôi nhà của gia đình cố nghệ sĩ Trần Vân. Mẹ anh đón khách với một nụ cười hiền hậu. Dù anh vắng bóng đã 25 năm nhưng trong trái tim bà và cả gia đình anh chưa bao giờ đi vắng.

Nhớ về anh

Người hâm mộ sân khấu và điện ảnh trong thập niên 1980 khi nhắc tới NSƯT Trần Vân sẽ nhớ tới một gương mặt hiền lành, chất giọng trầm ấm và một phong thái diễn đĩnh đạc, rất nghệ sĩ mà cũng rất đời thường.
Nhớ nghệ sĩ Trần Vân - Chàng Ferdinand của sân khấu điện ảnh thập niên 1980
NSƯT Trần Vân trong phim "Cuộc chia tay không hẹn trước" (1986)

Trần Vân tuổi Thìn, anh sinh năm 1952, mất năm 1994 vì bạo bệnh khi tài năng đang độ chín. 42 tuổi đời, quá sớm để mọi người tiễn biệt anh nhưng Trần Vân đã phải miễn cưỡng buông bỏ trần gian để bắt đầu một cuộc viễn du khác…

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình trung lưu ở Hà Nội, bố mẹ Trần Vân có cửa hàng làm đầu Tân Trang nổi tiếng ở 102 phố Hàng Trống. Dù gia đình không có ai theo nghệ thuật nhưng 5 anh em Trần Vân đều được bố mẹ cho theo học một loại nhạc cụ mà mình yêu thích, Trần Vân học violon, sau này học thêm kèn Trompette.
Nhớ nghệ sĩ Trần Vân - Chàng Ferdinand của sân khấu điện ảnh thập niên 1980
Trần Vân năm 1974

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, theo tiếng gọi của Tổ quốc, Trần Vân nhập ngũ. Với bản “lý lịch violon”, anh trở thành lính của văn công quân đội, đi lưu diễn phục vụ chiến trường. Cuối năm 1970, trải qua qua 3 vòng thi, Trần Vân là một trong số ba thí sinh trúng tuyển chính thức vào Đoàn Kịch nói Hà Nội (nay là Nhà hát kịch Hà Nội).

Ngọt ngào ký ức

Tính từ vai diễn đầu tiên Du đất thánh trong “Hoa và cỏ dại” (đạo diễn Doãn Hoàng Giang), Trần Vân đã có nhiều vai diễn thành công ở Đoàn kịch Hà Nội. Đó là Giám đốc Phương trong “Hà Mi của tôi”; là chàng Ferdinand trong “Âm mưu và tình yêu”; Tùng trong “Bản tình ca màu xanh”; Hoàn trong “Bóng râm trong ngày nắng”; Chức trong “Hẹn ngày trở lại”; Giám đốc Việt trong “Thung lũng tình yêu”; Minh trong “Đỉnh cao vực thẳm”, bác sĩ Vũ Văn Duy trong “Bình minh đó trái tim anh”…
Nhớ nghệ sĩ Trần Vân - Chàng Ferdinand của sân khấu điện ảnh thập niên 1980
Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ cùng Giám đốc Hoàng Quân Tạo và tập thể diễn viên Đoàn kịch nói Hà Nội

Nhưng đặc biệt với vai Giám đốc Hoàng Việt – một người trung thực, nhân hậu trong đời sống tình cảm và quyết đoán, dũng cảm, thông minh trong việc bảo vệ chân lý, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích tập thể trong “Tôi và chúng ta” (đạo diễn Hoàng Quân Tạo - 1985), Trần Vân trở thành hình mẫu đầy sức thuyết phục cho thế hệ trí thức trẻ những ngày đầu đổi mới. Còn nhớ ngày ấy, khán giả nô nức kéo nhau đi xem “Tôi và chúng ta”. Những nơi đoàn kịch đến lưu diễn đều “lên cơn sốt” bởi nạn khan hiếm vé. Bằng mọi giá, các nhà máy, xí nghiệp, ban ngành trên cả nước đều gắng thu xếp để cán bộ của mình được một lần xem “Tôi và chúng ta”, được một lần chen chúc trong rạp nuốt lấy từng lời của Giám đốc Hoàng Việt về mối quan hệ giữa "tôi" và "chúng ta", về sự cần thiết và dũng cảm phải có để xóa bỏ những rào cản, vô lý đang tồn tại suốt hàng chục năm dài. Vở kịch là đỉnh cao trong truyền thống của Đoàn Kịch Hà Nội. Cùng các đồng nghiệp Hoàng Cúc, Minh Trang, Hoàng Dũng, Hồng Sơn, Quốc Toàn, Trần Kiếm… diễn xuất của Trần Vân đã đạt đến đỉnh cao của tài năng, sự sáng tạo cũng như đỉnh cao của sự hâm mộ.

Trong một cuộc gặp gỡ gần như cuối cùng với báo chí năm 1994 Trần Vân bộc bạch: “Ngày đó, khi “Tôi và chúng ta” công diễn, đời tôi như được thổi thêm sức sống. Cho đến nay, nhiều khán giả không biết tên tôi, họ chỉ biết tôi là Hoàng Việt, là ông giám đốc trong “Tôi và chúng ta”. Sự ái mộ đó chính là niềm vui bất tận cho nghệ sĩ chúng tôi, cho dù thu nhập nghề nghiệp chẳng là bao nhiêu”.
Nhớ nghệ sĩ Trần Vân - Chàng Ferdinand của sân khấu điện ảnh thập niên 1980
NSƯT Trần Vân (phải) cùng các đồng nghiệp Đam Ka, Hồng Sơn, Trần Đức

Cũng bởi các đạo diễn có một “ám ảnh” về Trần Vân nên hầu như suốt cuộc đời diễn viên 24 năm của mình, trên sân khấu cũng như trên màn ảnh, anh thường được phân công đóng một loại vai chính diện. Vậy mà không vai nào giống vai nào. Bao nhiêu ông giám đốc mỗi ông một vẻ, mỗi người lính cũng in đậm một cá tính riêng, một số phận riêng, Trần Vân bao giờ cũng làm cho nhân vật của mình hướng thiện hơn, đẹp hơn bình thường. Nhưng không vì thế mà đơn điệu và nhàm chán. Có lẽ sự thành công nằm ở ngay chính con người anh. Một phần do dáng vẻ bên ngoài: Đẹp trai, duyên dáng, chững chạc... Một phần do anh đã có những năm tháng ở chiến trường, từng chịu mọi thử thách gian truân và có lẽ cả những mất mát nên rất hiểu và đồng cảm với cuộc sống cũng như tâm lý, tính cách nhân vật. 

Sinh thời, nhà văn Hòa Vang từng viết: “Gặp Trần Vân ở đời thường cảm thấy thoải mái hơn “gặp” anh trên phim: Hài hòa, duyên dáng, đủ độ, lưu loát diễn cảm mà không quá luyến láy, nhấn nhá, tin người, biết mình và thầm lặng vượt qua mình. Ra sàn diễn hay vào phim, hình như Trần Vân vẫn chuyển cả con người như thế của mình vào “cõi… nghệ thuật”. 

Bạn bè anh cũng bảo: “Nó hiền lắm, làm sao mà vào vai ác được!”. Các đạo diễn thì nhận xét: “Trần Vân vào vai chậm nhưng rất chắc. Anh không diễn bằng kỹ xảo, bằng thủ thuật, mà diễn hết mình, dù đôi khi vì thế mà nhuốm màu “mê-lô”. Trong cuộc sống, Vân cũng thế, đa sầu đa cảm, thậm chí đa… tình nữa nhưng cuối cùng vẫn quay lại với những việc chính, việc thật hàng ngày, với con người hiền hậu và mộc mạc của mình. Có một vai nam chính diện, bao giờ chúng tôi cũng nghĩ trước hết đến Trần Vân”.
Nhớ nghệ sĩ Trần Vân - Chàng Ferdinand của sân khấu điện ảnh thập niên 1980
NSƯT Trần Vân (phải) trong một cảnh quay

Trần Vân không chỉ diễn kịch mà còn tham gia đóng phim và được biết tới như một gương mặt ấn tượng của điện ảnh. Anh xuất hiện trên màn ảnh với những nhân vật như chỉ dành cho mình. Có thể kể đến Minh (Ngày ấy bên sông Lam - 1980), Khánh (Hà Nội mùa chim làm tổ - 1981), Trần Đức (Cuộc chia tay không hẹn trước – 1986), Thăng (Ám ảnh - 1988), Thịnh (Kẻ giết người - 1988), Trung (Có một tình yêu như thế - 1989), Phán Lộc (Nửa chừng xuân (video)–1989), Ân (Anh ấy không cô đơn - 1989)…

Cả ở sân khấu lẫn phim ảnh, NSƯT Trần Vân luôn vắt kiệt sức mình cho từng vai diễn. Bằng lối diễn mộc mạc, chân thực, không khoa trương, Trần Vân thực sự sống với nhân vật, truyền đến khán giả xúc cảm chân thành trước những vẻ đẹp của tâm hồn nhân vật, khiến họ đồng cảm với số phận nhân vật. 

Khi sân khấu là thánh đường

Với Trần Vân, sân khấu là niềm đam mê, một thứ nghiệp không dứt ra được. Sinh thời, anh thường nói: “Trong nghề diễn kịch, phải diễn mà như không diễn. Người diễn viên phải làm sao để khi mình không khóc mà khán giả lại khóc, mình không cười mà khán giả lại cười. Nếu diễn viên nào cũng hiểu được điều này thì tôi nghĩ họ sẽ thành công”.
Nhớ nghệ sĩ Trần Vân - Chàng Ferdinand của sân khấu điện ảnh thập niên 1980
Trần Vân và Trần Hạnh trong vở "Hẹn ngày trở lại"

Trần Vân và đồng nghiệp đã bền bỉ dưới ánh đèn sân khấu, đã rong ruổi diễn dã ngoại suốt chiều dài đất nước, đã đi qua những nhọc nhằn, những chật vật đời thường bằng niềm đam mê của tuổi trẻ, bằng sự khát khao cống hiến và bằng cả tình yêu, sự háo hức của người hâm mộ. 

Thời bao cấp khó khăn, khi đời sống con người chưa đủ cơm no áo ấm, thì những giá trị tinh thần vẫn còn bị xem nhẹ, bởi vậy, những người nghệ sĩ thế hệ anh đã phải chịu quá nhiều gian nan, thiệt thòi để trụ lại với nghề. Như NSND Hoàng Cúc chia sẻ: “Có những đêm diễn tiền bồi dưỡng cho nghệ sĩ không đủ một bát phở. Khổ vậy, nhưng chúng tôi lại yêu nghề như tín đồ”. Thu nhập thấp, sân khấu lại đang tìm đường trong cơ chế thị trường, có nhiều lúc Trần Vân chán nản, nhưng anh nói: “Chính những lúc như thế thì niềm đam mê sân khấu lại thức dậy trong tôi và tôi biết rằng mình không thể thiếu nó. Thật vậy, nguồn sống của nghệ sĩ chúng tôi chỉ có niềm đam mê là duy nhất. Sân khấu là máu thịt của mình rồi thì làm sao mà bỏ được. Tôi sẽ hết mình với sân khấu”.
Nhớ nghệ sĩ Trần Vân - Chàng Ferdinand của sân khấu điện ảnh thập niên 1980
NSƯT Trần Vân trong một vở diễn

Và suốt cuộc đời, tình yêu ấy luôn cháy bỏng trong Trần Vân, giúp anh vượt qua những khó khăn của cuộc sống, vượt lên những thử thách của nghề nghiệp. Tình yêu ấy giúp anh chăm chút cho từng nhân vật, từng cảnh quay. Tình yêu ấy giữ cho anh lòng hăng hái, hào hứng nhiệt huyết.

Sống mãi trong hồi ức đồng nghiệp và khán giả

Thế hệ chúng tôi sinh sau đẻ muộn nên chỉ có thể biết rõ hơn về cuộc đời NSƯT Trần Vân qua câu chuyện của gia đình anh, qua những hồi ức của bạn bè, đồng nghiệp.

NSND Hoàng Dũng bùi ngùi kể: “Khi mới về nhà hát, tôi chỉ được giao những vai nhỏ, thậm chí nhiều đêm diễn phải đứng bên cánh gà để làm những việc không tên, anh Vân là người động viên tôi rất nhiều khi ấy. Có lần, anh gọi tôi ra một góc rồi bảo: ‘'Chịu khó, Dũng. Chỉ vài năm nữa thôi, những vai diễn như của anh bây giờ đều sẽ là của mày'’. Bây giờ, mỗi lần khởi công một vở mới, tôi vẫn thắp một nén hương cho Trần Vân, như sự tri ân cho lời động viên ấy”.
Nhớ nghệ sĩ Trần Vân - Chàng Ferdinand của sân khấu điện ảnh thập niên 1980
NSƯT Trần Vân (trái) và NSND Hoàng Dũng trong một vai diễn

NSND Hoàng Cúc thì thổ lộ: “Đối với tôi, anh Trần Vân là lớp đàn anh cả tuổi đời lẫn tuổi nghề. Anh đã đẹp dần lên trong mắt tôi qua biết bao vai mà tôi và anh cùng sáng tạo, cùng say sưa, cùng khổ đau từ sân khấu đến truyền hình. Qua bao năm tháng cuộc đời buồn vui… Nhưng có lẽ phải đến 1985, với “Tôi và chúng ta” của Lưu Quang Vũ và đạo diễn Hoàng Quân Tạo cùng bao bạn diễn đã đưa tôi và anh lên đỉnh cao vinh quang. Anh là Giám đốc Hoàng Việt, tôi là cô Thanh đã yêu anh say đắm, quên mình. Tôi còn nhớ chúng tôi tập vở này rất vất vả vì kịch bản bị sửa chữa tới 13 lần. Hồi ấy tôi không bao giờ đứng gần anh vì sẽ “lộ” ngay Trần Vân thấp hơn tôi. Nhưng anh ấy diễn quá duyên nên không ai phát hiện ra điều đó. “Tôi và chúng ta” đã thực sự là một “quả bom” tại hội diễn và trên sân khấu cả nước hồi ấy”.

Vì sức khỏe, Trần Vân phải chia tay sân khấu sau vai cuối cùng trong “Hà Nội đêm trở gió”. Suốt những ngày cuối cùng, Trần Vân vẫn đến nhà hát, dù sức đã yếu, dù không có vai diễn. Anh thèm được diễn, được nhìn thấy sàn diễn, được tắm trong ánh đèn sân khấu hơn bao giờ hết. Thèm đến độ chỉ dám ngồi sau hậu trường mà ngắm mọi người, mà âm thầm đau đớn giấu đi căn bệnh trầm kha của mình. NSƯT Hoàng Quân Tạo – nguyên Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội ngậm ngùi nhớ lại: “Tôi đã dành riêng vai Hai Hùng trong “Ăn mày dĩ vãng” (kịch của Chu Lai) cho Trần Vân. Chất lính, sự hào hoa và nỗi khổ nhục khôn cùng, tình yêu, lòng nhân hậu, vị tha, chất mê-lô từ nhân vật kịch của Chu Lai như viết sẵn cho Trần Vân vậy. Ấy vậy mà không bao giờ nữa”…
Nhớ nghệ sĩ Trần Vân - Chàng Ferdinand của sân khấu điện ảnh thập niên 1980
NSƯT Trần Vân

Có biết bao vai kịch dành cho anh, riêng anh, chỉ có anh… vậy mà!!! Anh đi vào cõi vĩnh hằng giữa mùa thu Hà Nội với lời nhắn gửi xin mang theo bộ quần áo “Hoàng Việt” để lần cuối cùng chia tay khán giả và đồng nghiệp trong hình ảnh ấy…

Yêu một ai đó, dù người ấy có mất đi chăng nữa thì câu chuyện cũng sẽ không kết thúc. Tất cả vẫn tiếp diễn nhờ ký ức yêu thương. Tôi tin, giống như trong phim Coco đã nhắc đến, rằng người chết chỉ thực sự chết đi khi không còn ai nhắc đến họ và không ai để hình ảnh của họ trong tim. Làm sao có thể quên được Trần Vân với những vai diễn “người tốt” của anh. “Cái đẹp cứu rỗi thế giới” – những người tốt đã làm cho đời tốt lên, đẹp lên và như vậy anh vẫn sống mãi trong lòng khán giả và người hâm mộ. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Nhớ nghệ sĩ Trần Vân - Chàng Ferdinand của sân khấu điện ảnh thập niên 1980
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO