Nhớ da diết những mùa rơm vàng thơ ấu

tuoitrethudo| 13/07/2022 11:03

Những mùa gặt lúa nặng trĩu bông. Những buổi chiều chạy đua với cơn mưa giông đen sì để dọn thóc vào nhà. Những ngày hè rơm vàng ngập từ sân nhà ra ngõ. Thơ ấu êm đềm bên làng quê ven sông Hồng nơi vùng đất cổ Mê Linh trôi qua từ bao năm về trước nay lại hiện lên như thước phim quay chậm đầy cảm xúc của kí ức đầu đời…

Mùa hè lẫn vào thiên nhiên

Mỗi dịp đi qua cánh đồng tôi lại tiếc cho đám trẻ con nông thôn ngày nay không được có một tuổi thơ rơm rạ như tôi hồi bé. Đó là những mùa hè nghỉ học được thoải mái hòa cùng thiên nhiên, vừa được vận động rèn luyện sức khỏe vừa có một kí ức tuổi thơ đầy ắp những kỉ niệm.

Mùa gặt bao giờ cũng vào mùa nắng. Bởi gặt xong rồi thì phải phơi thóc, phơi rơm. Khi tuốt thóc - những hạt ngọc trời ra khỏi thân mình rồi, rơm lúc đó còn nguyên cuống rạ sẽ được dựng dọc hoặc chất đống đâu đó trong sân, góc tường hoặc quẳng cả ngoài đường. Vào cữ gặt chạy mưa bão, thóc được mang đi hong, đi quạt, sấy, rơm đắp đống chờ phơi.

Những mùa hè rơm vàng lung linh trong kí ức (Ảnh: internet)
Những mùa hè rơm vàng lung linh trong kí ức (Ảnh: internet)

Khi ngày mưa hết, rơm được xổ ra đường. Lũ trẻ chúng tôi cũng phóng tế ra sau những ngày tù cẳng. Khắp làng trên xóm dưới, khắp các ngõ ngách, đường đê thậm chí cả bờ ruộng, cả bờ tường, cành cây cao đều có sự hiện diện của rơm. Rơm như thiên đường với lũ trẻ. Tha hồ chạy đuổi nhau khắp chốn cùng nơi, thích chí hoặc mệt cứ việc ngã đùng ra. Thảm rơm dày ở dưới đã đỡ êm ơi là êm.

Chạy chán lại hò nhau vác rơm dồn lại thành đống lớn mà nhún nhảy chồm chồm. Có những lúc còn bày trò chơi trốn tìm quanh các ụ rơm. Đứa nào đứa nấy chui hết xuống dưới, lấy rơm phủ lên mình, nằm yên hồi hộp nghe tiếng bước chân đến gần. Đứa đi tìm có lúc chơi khăm, cứ thẳng chân mà nhảy lên chỗ rơm phồng cao cho đứa ở dưới kêu oai oái.

Cũng có khi, nó bỏ về nhà làm bát cháo hay củ khoai nướng rồi quên khuấy cuộc chơi, mặc cho đứa đi trốn cứ phì phò thở dưới lớp rơm ngứa ngáy. Làng cả ngày may lắm có vài bóng dáng chiếc xe đạp phóng qua nên có ngủ luôn ở giữa đường cũng chẳng phải bận lòng.

Nhớ da diết những mùa rơm vàng thơ ấu

Khi rơm trải khắp làng, trẻ con chỗ nào cũng bệt mông xuống. Đê cao sừng sững, từ mặt đê đến chân đê có khi cả chục mét. Có rơm rồi, a lê hấp, cứ thế mà trượt xuống. Từng đám từng đám cười như nắc nẻ, va vào nhau ngã lộn tùng phèo. Cả con Ki, con Mực cũng quấn quýt bò ra, nhảy lên sủa ủng oẳng vui như hội. Suốt từ sáng cho đến tối, đầu tóc quần áo đứa nào cũng rối bù, dính cả những cọng rơm. Trong giấc ngủ say nồng đêm hè có đứa còn ngủ mê cười khanh khách.

Vào những buổi chiều cơn dông bất chợt ập đến, đứng trên đê nhìn xa phía chân trời đằng Tây trời còn nắng chói chang nhưng đằng Đông sấm chớp dồn như vỡ trận. Từng đụn mây đùn đủ sắc màu như những tòa cao ốc khổng lồ chực đổ sập xuống đầu. Cả làng hô nhau chạy rơm.

Nhớ da diết những mùa rơm vàng thơ ấu

Chân chạy sầm sập, gọi nhau í ới, quát tháo thúc giục nhau cuống quýt khi gió mỗi lúc một mạnh. Từng cuộn rơm khổng lồ to bằng cái nong được chằng bẹp lại kéo về các sân, che đậy bằng những tấm cót chèn vài hòn đá lên cũng là lúc gió ném xuống từng hạt mưa to như quả cà. Bọn trẻ chúng tôi lại khoái mưa đến mau hơn, khi chưa dọn xong. Đó là cái cớ để vừa ôm từng bó rơm vừa nhảy múa tưng bừng tắm mưa bất chấp sấm chớp nổ vang trời đây đó.

Nuôi dưỡng tình yêu cho tương lai

Rơm phơi khô cong là lúc tôi mè nheo đòi bà tết cho con gà. Bàn tay xù xì thô ráp những đồi mồi của bà rút, kéo một lúc thế nào mà cái đầu con gà trống đã hiện ra từ những sợi rơm vàng óng nuột nà. Con gà ấy thể nào tôi cũng giữ khư khư rồi bỏ quên chỗ nào không nhớ khóc sưng mắt. Bà sẽ lại tết cho tôi một con từ bó sợi rơm nếp được bà tuốt đều tăm tắp treo ở ngoài hè dùng để bện chổi hay làm lạt buộc.

Sợi rơm buộc túm quanh gói kẹo bột, kẹo chó, bi don don là quà tôi hớn hở đợi chờ mỗi khi bà đi chợ về. Chúng tôi bắt được con cào cào, châu chấu chỉ lùi vào nắm rơm vào bếp tro thổi phù phù lửa lên nướng là đã có món ăn ngon lành. Tro rơm nhanh tàn vậy mà lại ủ khoai tây, khoai lang nướng vừa khéo không cháy khét để bất cứ lúc nào đói cũng có thể guồng cẳng chạy về bới lên ăn rồi lại nhổng đi khắp làng.

Nhớ rơm tôi còn nhớ cả những cây rơm. Sau này lớn lên và đi khắp các làng quê Bắc Bộ tôi mới cảm nhận rõ, không chỉ là chỗ tích trữ chất đốt, cây rơm còn là một tác phẩm nghệ thuật của người nghệ sĩ nông dân tạo nên một cách rất ngẫu nhiên cho không gian sống của mình.

Mỗi người nên có một góc nhớ trong kí ức, gần gũi với thiên nhiên để nuôi dưỡng tình yêu cho tương lai
Mỗi người nên có một góc nhớ trong kí ức, gần gũi với thiên nhiên để nuôi dưỡng tình yêu cho tương lai

Ngôi nhà ngói, cây mít, mảnh vườn quê đầy tre chuối nào đó sẽ chẳng thể đẹp đến nao lòng khi không có những cây rơm. Màu vàng ươm đặc trưng, chỗ xỉn màu là chỗ mưa nắng theo thời gian làm sáng lên cả không gian trầm ngâm khói cũ. Tôi thì thích chí nhất ở đống rơm đấy là thi thoảng lại bắt được trứng của những con gà đẻ lang không chịu đẻ vào ổ của mình. Cây rơm vào dịp tháng chớm đông đã dùng được kha khá khiến phần trên mái xòe ra như cây nấm còn là chỗ che mưa che gió khiến tôi và đám bạn ngồi chơi cả buổi mà vẫn không thấy chán.

Bây giờ đi qua mỗi cánh đồng mùa gặt tôi còn thương cả những cây rơm. Người ta không đun nấu bằng rơm nên chẳng ai có nhu cầu giữ lại rơm để làm gì. Rơm bị vò nhàu, nghiền nát ngay ra khi máy tuốt lúa làm việc ngay tại cánh đồng. Người ta đốt rơm làm khói bay lên ngột ngạt, bay cả lên thành phố, ảnh hưởng đến những tòa nhà cao tầng.

Âu cũng là một vòng tuần hoàn cho rơm nuôi đất để đất lại nuôi lúa mùa sau nhưng về làng mà bước chân không được sục vào rơm, bánh xe không được nghẽn lại vì rơm, không còn mùi khói bếp thơm thơm, bên nóc nhà ngói thâm nâu không còn cây rơm đứng im lìm cùng những tàu lá chuối vẫy tự dưng thấy nhớ rơm vàng xưa cũ quá đỗi.

Bây giờ, nhiều hoạt động trải nghiệm được mở ra cho trẻ được gần với thiên nhiên hơn, như là một hoạt động trải nghiệm cho cuộc sống, vốn sống thêm phong phú. Đó là chương trình ngoại khóa hoặc chính các bậc cha mẹ lứa tuổi 7X, 8X nhớ tuổi thơ quá mà cho các con được về đồng bắt cá bắt tôm, được biết cây lúa củ khoai nhưng để tìm lại những mùa hè rơm vàng như trước thì dường như khá khó khăn.

Thế mới biết, những kỉ niệm ấu thơ sẽ theo ta suốt cuộc đời, là những điều khiến ta trân trọng, giữ gìn. Có đứa trẻ nào khi bé được sống trong thiên nhiên mà lớn lên lại phụ bạc thiên nhiên? Thoắt nhiên tôi ước, những đứa trẻ con thành phố bây giờ có thêm nhiều kí ức tuổi thơ gần gũi với thiên nhiên hơn nữa để nuôi dưỡng tình yêu ấy cho sau này lớn lên chúng sẽ tạo nên một không gian sống xanh hơn, đầy hơn cho mình và cho mọi người.

(0) Bình luận
  • Họa mi vương vấn
    Chọn cho mình một góc quán cà phê ngoài trời, tôi nhìn dọc theo Phố sách Hà Nội. Vài ba người có lẽ là khách du lịch đang thích thú chụp ảnh và lựa sách, thi thoảng so vai, sửa lại khăn choàng khi có cơn gió ngang qua.
  • Thân thương căn bếp mùa đông
    Ngoài kia, gió mùa Đông Bắc ào ạt tìm về, bập bùng trên mái tôn, hun hút luồn vào khe cửa. Những chiếc lá cuối thu lặng lẽ buông mình. Đất trời hanh hao đón một mùa đông mới. Chị em tôi chui ra khỏi chăn chờ mẹ tìm quần áo ấm.
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
  • Yêu Hà Nội từ những trang văn
    Dẫu không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng tôi yêu Hà Nội tha thiết. Tình yêu này có lẽ đã có trong tôi từ khi còn thơ bé. Thuở ấy, Hà Nội còn là giấc mơ xa xỉ với một đứa trẻ suốt ngày quanh quẩn bên ruộng đồng vườn tược, bên những dòng sông tít tắp miền Tây Nam Bộ xa xôi.
  • Cô giáo chủ nhiệm mới
    Ngày đầu tiên tới trường luôn là ngày hồi hộp nhất trong cả năm học. Nhưng đối với Hà, cứ nghĩ đến việc phải từ bỏ mọi sự thoải mái trong những ngày hè để lê người đi học là thấy ngại.
  • Có phải em, mùa thu…
    Bầu trời hôm nay như rộng hơn, mây như xanh hơn, gió như thanh mát hơn, mênh mang đến tận cùng. Gió cuối hạ lang thang đầu dãy phố, la đà trên vòm phượng xanh biếc còn sót lại những bông hoa cuối mùa bừng lên rực rỡ. Có phải em, mùa thu…!
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Truyện ngắn: Xa - gần & tình yêu
    Reng. Reng. Reng. Là tiếng chuông điện thoại chứ không phải báo thức. Thơ giật mình, một lo lắng vơ vẩn cồn lên. Từ ngày ba mất, cô vốn sợ những tiếng chuông điện thoại vào những giờ bất thường, sáng sớm hoặc là tối khuya. Nhìn thấy số của Yên, Thơ hơi bất ngờ. Chưa bao giờ cô ấy gọi cho cô vào giờ này...
  • "Đám cưới chuột" lên sân khấu xiếc
    Chiều 13/12, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội đã tổ chức họp báo, giới thiệu vở diễn "Đám cưới chuột", vở diễn lấy cảm hứng từ bức tranh dân gian Đông Hồ chuẩn bị ra mắt khán giả...
  • Phi công Nguyễn Đức Soát ra mắt sách kể chuyện hồi ức “đời bay”
    Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), Nhà xuất bản Trẻ ra mắt bạn đọc cuốn sách “Bầu trời - Trường đại học của tôi” của Trung tướng Nguyễn Đức Soát.
  • Lịch nghỉ học kỳ I và nghỉ Tết Dương lịch 2025 của học sinh
    Bộ GD&ĐT đã công bố lịch nghỉ Tết dương lịch năm 2025 và lịch nghỉ học kỳ một của học sinh cả nước.
  • Cơ sở định vị mục tiêu, vận hội lịch sử đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
    Tổng Bí thư Tô Lâm trong các bài viết, bài nói gần đây đã nhấn mạnh đây là thời điểm Việt Nam “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới. Đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ rõ cơ sở định vị mục tiêu, vận hội lịch sử đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đừng bỏ lỡ
Nhớ da diết những mùa rơm vàng thơ ấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO