Nhớ chú chó vàng

Đào Mạnh Long| 09/11/2019 09:15

Mẹ gọi điện bảo chú chó vàng nhà tôi mới chết đêm qua, đúng 12 giờ, vẫn bệnh cũ. Trước, tiêm mấy mũi là khỏi thế nhưng lần này nó chết nhanh lắm, chỉ sủa mấy tiếng thất thanh rồi lịm đi. Bố mẹ lục tục trở dậy chạy xuống bếp thì thấy nó đang nằm co quắp.

Nhớ chú chó vàng

Mẹ gọi điện bảo chú chó vàng nhà tôi mới chết đêm qua, đúng 12 giờ, vẫn bệnh cũ. Trước, tiêm mấy mũi là khỏi thế nhưng lần này nó chết nhanh lắm, chỉ sủa mấy tiếng  thất thanh rồi lịm đi. Bố mẹ lục tục trở dậy chạy xuống bếp thì thấy nó đang nằm co quắp. Lay mãi nó mới ngếch mõm lên liếm liếm vào tay mẹ vài cái rồi nhắm nghiền mắt. Tôi buông điện thoại mà nước mắt cứ chực trào ra. Nó sống với gia đình tôi cũng đã bảy tám năm rồi.

Vẫn nhớ cái ngày đầu tiên nó về nhà tôi mới chỉ bé bằng quả xoài, đứng nép vào góc tường bếp bù hóng bám đen ngòm, bốn chân run lẩy bẩy, đuôi quặp vào, đôi mắt ầng ậc nước ngơ ngác nhìn đám trẻ con chúng tôi. Nhớ những đêm cả nhà bị đánh thức vì tiếng rên nỉ non vì nhớ mẹ của chó con. Tôi nằm trên giường, thương nó lắm nhưng không dám chui ra khỏi chăn vì sợ ma. Chắc là chó con sợ lắm, một mình trong căn bếp lạ hoắc lạ huơ, bóng tối im phăng phắc, thỉnh thoảng vang lên vài tiếng sục sạo của lũ chuột đang kiếm ăn.

Vài hôm sau nó quen dần, quanh quẩn cửa bếp rồi lang thang ra sân, thấy cái gì cũng lạ lẫm đứng trân trân nhìn hồi lâu. Đôi mắt nó tròn to đen lay láy, tôi có thể soi mình trong đó. Nhớ mỗi sáng chó con cắn chặt gấu quần tôi lôi lại như thể muốn rủ rê ở nhà chơi hay chạy một mạch từ trong bếp ra đầu ngõ, mừng quýnh quáng khi nghe tiếng xe đạp lọc cọc của tôi đi học về.

Mẹ bảo: “Con chó này khôn lắm. Khi có người ở nhà thì ai ra ai vào nó cũng chẳng buồn cắn một tiếng. Thế nhưng hễ cả nhà đi vắng đặc biệt ban đêm nó sẽ nằm canh ở thềm, một tiếng động nhỏ đến mấy cũng không bỏ sót. Buổi sáng, bố mẹ ngủ dậy là phải chào một tiếng rồi xoa đầu nếu không nó sẽ cứ quẩn chân mãi chẳng rời. Đến bữa, bưng cơm ra mà quên mời một câu là nó cứ nằm ở xa nhìn, đói mấy cũng không động. Mấy lần trêu sẽ bán nó thế mà nó giận bỏ ăn cả ngày trời…”.

Tôi lên thành phố trọ học rồi ra trường đi làm, cả năm về quê được hai, ba lần. Nhìn thấy tôi chó vàng chẳng buồn vẫy đuôi. Đến khi tôi lại gần hỏi chuyện, nó mới ngước lên nhìn rồi vẫy đuôi vài cái cho có lệ. Chắc nó giận tôi đi miết chẳng về thăm bố mẹ, thăm nó. Ở quê giờ chỉ còn hai ông bà lủi thủi. Nghe tin chú chó vàng mất, tôi thấy mất mát như thể phải chia ly với một người thân trong gia đình. Nuối tiếc vì lần trước về nhà tôi không chơi với nó lâu hơn, xoa đầu hay hỏi han tâm sự cùng nó nhiều hơn. Ánh mắt buồn trĩu của nó trước khi tôi ra bến xe trở lại thành phố cứ ám ảnh vào cả giấc mơ. Có phải nó cảm nhận được bệnh tật, biết rằng sắp phải rời xa hay muốn nói điều gì? Hàng trăm câu hỏi cứ chật chội trong đầu tôi mà chẳng thể nào tìm được lời giải đáp.
(0) Bình luận
  • Trao giải 11 tác phẩm xuất sắc “Truyện ngắn Sông Hương 2024”
    Ban tổ chức đã trao giải 11 tác phẩm xuất sắc cho cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” do Tạp chí Sông Hương phát động.
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Ăn Tết nay yêu Tết xưa
    Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nhớ chú chó vàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO