Không phải Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia hay Uzbekistan, Syria mới chính là đối thủ khó chịu nhất với đoàn quân của HLV Park Hang Seo ở VCK U23 châu Á hồi đầu năm. Tái ngộ ở tứ kết ASIAD 2018, trong một trận đấu không có kết quả hòa, liệu Olympic Việt Nam có chinh phục được thử thách?
Hai điểm mạnh của Olympic Syria...
HLV Park Hang Seo cùng các cộng sự trong BHL đã nhận thấy hai điểm mạnh của Olympic Syria tại giải lần này: Khả năng chơi bóng bổng và khoảng thời gian bùng nổ ở 30 phút giữa trận đấu. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà ở buổi tập cuối cùng trước trận, ông thầy người Hàn Quốc yêu cầu các thủ môn tập kỹ các bài chống bóng bổng, đồng thời lưu ý hàng thủ ở khả năng cản phá các miếng đánh biên của đối phương.
6/7 bàn thắng mà Syria ghi được cho đến thời điểm này xuất phát từ những pha bóng từ hai cánh nhắm vào vòng cấm. Trong đó, 5 bàn thắng đến từ các pha đánh đầu và 1 bàn được thực hiện ở pha dứt điểm trong vòng 5m50 của đối phương. Abdulhadi Shalha là cái tên mà các trung vệ của Việt Nam đặc biệt phải lưu ý. Tuy chỉ cao 1m75 (theo thống kê của Transfermarkt), nhưng cầu thủ mang áo số 19 này luôn biết cách chọn vị trí chính xác để đón các pha rót bóng của đồng đội. Ngoài ra, Syria còn có hai cầu thủ dứt điểm rất tốt, đó là Al Ahmad (20) và Almarmour (10) cùng hai chân chuyền rất hay là Hannan (17) và Alhamwi (3).
Một điểm đáng chú ý nữa là đội bóng này rất hay bùng nổ ở 15 phút cuối hiệp 1 và 15 phút đầu hiệp 2. Thống kê chỉ ra rằng, 70,9% số bàn thắng của đội bóng Tây Á được ghi trong khoảng thời gian này. HLV Ayman Sandouqa của Palestine, đội đã thua 0-1 trước Syria ở vòng 1/8, nhấn mạnh là Syria rất giỏi... diễn kịch. Kịch ở đây là họ khởi đầu chậm chạp ở 30 phút đầu trận trước khi bất ngờ tăng tốc rất nhanh ở khoảng thời gian 30 phút sau đó, rồi lại lựa chọn cách “dựng xe bus 2 tầng” kiên cố nhằm đảm bảo lợi thế dẫn bàn.
...và những điểm yếu để Olympic Việt Nam khai thác!
Olympic Syria rất mạnh ở tấn công biên. Cũng chính vì thế, việc gây sức ép tầm cao lên phần sân đối phương là điều cần đặc biệt lưu ý. Trước đó ở vòng 1/8, Palestine đã thực hiện tương đối tốt chiến lược này để ngăn đối phương thoát xuống sát khu vực 16m50. Nhờ vậy mà nhiều đường chuyền dài của Syria không tạo ra được sức sát thương về khung thành đối thủ.
Ngoại trừ việc gây sức ép tầm cao nhằm triệt tiêu sức mạnh chủ lực đến từ đối phương, Olympic Việt Nam cũng cần biết khai thác điểm yếu của đối thủ.
Nhìn từ 5 bàn thua mà Syria phải nhận trước Trung Quốc rồi cả bàn thua trước Đông Timor ở vòng bảng thì có thể thấy, khả năng phòng ngự của đội bóng này không tốt. Hai thủ môn của Syria lần lượt là Ibarahim và Madnya đều mắc lỗi trực tiếp ở khâu phát động bóng, dẫn đến hai bàn thua ngớ ngẩn. Điều đó đến từ việc Trung Quốc và Đông Timor sẵn sàng tạo ra một sức ép lớn về phía vòng cấm đối phương. Việt Nam từng ghi 1 bàn thắng vào lưới Nhật Bản từ cách thực hiện tương tự. Và đó là điều mà HLV Park Hang Seo cần cho học trò áp dụng thường xuyên trước Syria.
Các hậu vệ của Syria cũng tỏ ra nặng nề, chậm chạp trước các cầu thủ tấn công nhanh nhẹn và có kỹ thuật của đối phương. Khâu kèm người của các cầu thủ phòng ngự cũng không tốt. Bằng chứng là ở các bàn thua, các hậu vệ Syria đã để đối phương thoát xuống phía sau lưng rồi dứt điểm thành bàn.
Trước một đối thủ có hàng thủ không tốt như vậy, thay vì sử dụng một trung phong mạnh về không chiến nhưng đã chậm chạp vì tuổi tác như Anh Đức, những Công Phượng, Văn Toàn hay Đức Chinh sẽ là các lựa chọn hợp lý. Chủ động phối hợp nhanh ở trung lộ hoặc thực hiện các đường tạt bóng tầm thấp và nhanh cho các tiền đạo có ưu thế về tốc độ phía trong vòng cấm chiếm được khoảng không để dứt điểm là cách để Olympic Việt Nam có thể ghi được những bàn thắng.