Nhạc sĩ, Nghệ sĩ ưu tú Trần Ngọc: Hạnh phúc với những không gian sáng tạo nghệ thuật

Hanoimoicuoituan| 15/06/2022 08:30

Đam mê sáng tạo nghệ thuật ở các lĩnh vực âm nhạc, hội họa, múa, văn học, nhạc sĩ, Nghệ sĩ ưu tú Trần Ngọc (nguyên cán bộ Phòng Văn hóa - Văn nghệ, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội) mong muốn thông qua các tác phẩm của mình sẽ hướng công chúng đến với giá trị chân - thiện - mỹ.

Riêng trong lĩnh vực âm nhạc, ông là tác giả của ca khúc “Em như chim câu trắng” nằm trong danh sách “50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ XX” do Báo Thiếu niên Tiền phong, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ban Khoa học - Giáo dục Đài Truyền hình Việt Nam, Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp bình chọn vào năm 2000.
Nhạc sĩ, Nghệ sĩ ưu tú Trần Ngọc: Hạnh phúc với những không gian sáng tạo nghệ thuật
Nghệ sĩ ưu tú Trần Ngọc bên các tác phẩm hội họa của mình.

1. Căn nhà ở phố Âu Cơ của Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Trần Ngọc thật đẹp, mang phong cách của chính chủ nhân, mặc dù chỉ rộng 60m2. Với con mắt của một họa sĩ, ông đã thiết kế, bài trí một phòng khách hài hòa với điểm nhấn là những bức tranh rực rỡ sắc màu của chính ông.

Tranh của ông có tính triết lý, mỹ học và chất văn học ẩn trong màu sắc, bố cục, ánh sáng, đường nét... Tính hiện thực trong tranh của ông thể hiện một lối nghĩ, một cách tư duy logic, không sao chép tự nhiên mà lấy thực tế làm tư liệu cho cảm hứng sáng tác để tạo nên một bút pháp, ngôn ngữ, màu sắc, hình tượng, bố cục độc đáo. Đặc biệt, ông dùng thủ pháp hội họa trang trí, kết hợp nhuần nhuyễn với thư pháp khiến tranh của ông khúc chiết nhưng khoáng đạt, tự do, thỏa sức diễn đạt ý tưởng triết mỹ. 

Nhìn những bức vẽ này, nhiều người nghĩ ông đã đến với hội họa từ rất lâu, thế nhưng thực tế lại không phải vậy. Năm 2013, ở tuổi 70 ông mới bắt đầu cầm cọ và chỉ sau đó 5 năm đã có triển lãm “Nhịp điệu những cây cọ” giới thiệu 49 tác phẩm hội họa xuất sắc nhất của mình với tư tưởng xuyên suốt là hướng con người tới những giá trị tốt đẹp, dẹp bỏ cái xấu, tôn vinh những tổ ấm và sự thủy chung.

2. Dường như ông trời đã cho Trần Ngọc quá nhiều ưu ái. Ông là nghệ sĩ đa tài, luôn cháy hết mình với niềm đam mê nghệ thuật. Khi không cầm cọ, ông chuyển sang viết truyện, viết thơ rồi lại cầm đàn gẩy lên những giai điệu đẹp của cuộc đời. Sau khi nghỉ hưu, ông đã dành thời gian đi khắp mọi miền đất nước để tìm cảm hứng sáng tạo nghệ thuật.

Và nay, xấp xỉ tuổi 80, Trần Ngọc như bận hơn trước. Gần đây, ông hào hứng viết ca khúc cho các phường, xã của Hà Nội và các địa phương khác. Như viết về Hà Tĩnh, ông có 4 ca khúc: “Sóng tình biển Hà Tĩnh”, “Đức Thọ - niềm tin nỗi nhớ”, “Đất mẹ yêu thương”, “Bến tình”. Về Lạng Sơn, ông có 2 ca khúc: “Hương tình xứ Lạng”, “Mẫu Sơn, anh đợi em chờ”... Tuy sáng tác cho địa phương, ca sĩ nghiệp dư thể hiện là chính nhưng ông dứt khoát không "nghiệp dư hóa" tác phẩm của mình.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật nổi tiếng tại Hà Nội (Trần Ngọc là con trai của nhà viết kịch, viết nhạc Trần Côn), thế nhưng đến tuổi trưởng thành, “cậu ấm” Trần Ngọc lại xung phong đi miền núi công tác để có thời gian học hỏi, trải nghiệm, lĩnh hội các điệu múa của bà con dân tộc Cao Lan, Tày, Nùng... ở vùng Việt Bắc khi công tác ở Đoàn Văn công Việt Bắc.

Suốt 7 năm công tác tại đây, ông hăng hái tham gia viết kịch, sáng tác nhạc, chơi đàn, biên đạo múa, trang trí sân khấu... để rồi kiến thức thực tế ấy “dẫn” ông vào học chuyên ngành Sáng tác - Lý luận - Chỉ huy tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Sau khi tốt nghiệp, ông về công tác tại Đoàn Chèo Hà Nội (nay là Nhà hát Chèo Hà Nội) với vai trò là một nghệ sĩ đàn cello, sáng tác nhạc nền và chỉ huy dàn nhạc chèo.

Trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc, Trần Ngọc sở hữu hàng trăm ca khúc viết cho các lứa tuổi, nhưng ca khúc đầu tay viết cho thiếu nhi “Em như chim câu trắng” vẫn được đánh giá là ca khúc thành công nhất, để lại dấu ấn lớn nhất trong lòng người nghe. Đây có thể nói là ca khúc “chào hàng” khi ông bén duyên với truyền hình, về công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội. Ca khúc ra đời năm 1973, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước còn ác liệt với rất nhiều hy sinh, mất mát. Trần Ngọc gửi vào đó khao khát hòa bình cho đất nước, khát khao cuộc sống ấm êm, hạnh phúc đến với mọi nhà. Người thể hiện ca khúc này đầu tiên là ca sĩ Hồng Nhung và cho đến nay, qua nhiều thế hệ ca sĩ thể hiện, ca khúc vẫn được các em nhỏ yêu thích.

3. Là người sống tình cảm, giàu lòng nhân ái, nghệ sĩ Trần Ngọc đã dùng số tiền bán tranh và số tiền thu được từ 3 đêm nhạc để làm từ thiện. Những ngày này, ông đang tất bật chuẩn bị cho đêm nhạc thứ 4 của mình tại Nhà hát Lớn Hà Nội gồm 3 chương: “Em như chim câu trắng”, “Suối tình chim công”, “Cánh chim lạc biển”. Ông gửi gắm thông điệp về một “cánh chim” Việt Nam vững vàng vượt qua sóng gió, hiên ngang tiến bước hội nhập quốc tế, nhất là khi đất nước vừa trải qua những ngày khó khăn do đại dịch Covid-19. Đêm nhạc nhân thêm ý nghĩa nhân văn khi ông sẽ dùng số tiền này để hỗ trợ cho các cháu khuyết tật học giỏi, những trẻ em mồ côi cha mẹ.

Trò chuyện cùng nhạc sĩ Trần Ngọc thấy như được truyền thêm năng lượng. Ở tuổi xấp xỉ 80 nhưng ông vẫn thật sung sức, mạnh khỏe và đam mê sáng tạo. Ông bảo, bí quyết của ông là sống vô tư, lạc quan, yêu đời, không bon chen, xô bồ. Là người giỏi chữ nghĩa, thư pháp, ông cũng đã viết câu đối và lấy đó làm quan điểm sống của mình: “Tâm sáng tài cao tầm rộng lớn/ Tín vững, tình sâu thịnh ngàn năm”. Ý của ông là làm việc gì cũng phải có 4 chữ "t", đó là "tâm", "tài", "tín" và "tình".

Ông tâm niệm, nghệ thuật không phải là sao chép thực tế cuộc sống mà từ thực tế sinh động người nghệ sĩ sẽ tạo nên giá trị của tư duy và nghệ thuật. Nhìn công việc mà ông đã và đang làm như vẽ tranh, sáng tác nhạc, dạy học..., có thể hiểu ông đang cố gắng hết sức để chạy đua với thời gian, với tuổi tác. Bởi theo ông, món quà lớn nhất, hạnh phúc nhất mà người nghệ sĩ có được chính là có một hành trình nghệ thuật đúng nghĩa, luôn được đắm mình trong không gian sáng tạo nghệ thuật.

Nhạc sĩ, NSƯT Trần Ngọc (tên đầy đủ là Trần Thông Ngọc) sinh năm 1943 tại Sơn Tây (Hà Nội). Ông từng theo học và tốt nghiệp một số trường như Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Ông từng công tác tại Đoàn Văn công Tây Bắc, Đoàn Chèo Hà Nội, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội. Ngoài ca khúc “Em như chim câu trắng”, ông còn có nhiều bài hát được nhiều người biết tới khác như “Tình em xứ Quảng”, “Xót xa”, “Người mẹ sông Hồng”, “Con là hoa của mẹ”...

Bài liên quan
  • “Cho muôn đời sau” - Đêm nhạc tôn vinh nhạc sĩ Hoàng Vân
    Nhiều tác phẩm nổi bật trong bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân – bộ sưu tập đã được UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu thế giới, sẽ được giới thiệu đến người yêu âm nhạc trong chương trình nghệ thuật “Cho muôn đời sau”, sự kiện diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội) vào tối 24/7 tới đây.
(0) Bình luận
  • Vừa phát hành “Totto-chan bên cửa sổ” phần 2 lập tức tái bản
    Sau hơn bốn thập kỷ kể từ khi “Totto-chan bên cửa sổ” ra đời và trở thành hiện tượng xuất bản toàn cầu, tác giả Kuroyanagi Tetsuko đã hoàn thành phần tiếp theo mang tên “Totto-chan bên cửa sổ: Những chuyện tiếp theo”. Ngay khi ra mắt tại Việt Nam, tác phẩm đã tạo nên cơn sốt với 3.000 bản in đầu tiên được bán hết chỉ trong ba ngày, cho thấy sức hút bền vững của một trong những nhân vật văn học thiếu nhi được yêu thích nhất thế giới.
  • Gợi mở tư duy cải cách từ những thăng trầm của kinh tế Việt Nam
    Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức: tăng trưởng chậm lại, thị trường bất động sản trầm lắng, yêu cầu cải cách thể chế ngày càng rõ rệt…, việc nhìn lại những bài học từ lịch sử là điều cần thiết hơn bao giờ hết. Cuốn sách “Kinh tế Việt Nam – Thăng trầm và đột phá” (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2025) của hai tác giả Phạm Minh Chính và Vương Quân Hoàng mang đến một nền tảng tri thức khoa học và thực tiễn để suy ngẫm, định hướng cho hiện tại và tương lai.
  • Sách “Người Hà Nội, chuyện ăn, chuyện uống một thời” được vinh danh tại Trung Quốc
    Cuốn sách “Người Hà Nội, chuyện ăn, chuyện uống một thời” của tác giả Vũ Thế Long, ấn bản tiếng Trung do Công ty Cổ phần Văn hóa Chi – Chibooks thực hiện và bán bản quyền cho Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật Quảng Tây, vừa chính thức được trao giải thưởng “Sách Đông Nam Á có sức ảnh hưởng tại Trung Quốc năm 2025”.
  • Ra mắt hai ấn phẩm pháp lý phục vụ triển khai sắp xếp đơn vị hành chính
    Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa phát hành hai ấn phẩm: “Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2025)” và “Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025”. Đây là những tài liệu có tính thời sự, cung cấp cơ sở pháp lý đầy đủ, chính thống, hỗ trợ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong quá trình triển khai sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố theo định hướng cải cách bộ máy nhà nước.
  • Khơi dậy giá trị di sản bị lãng quên từ quán Đạo giáo
    Trong hệ thống tín ngưỡng tôn giáo của người Việt, đình, chùa, đền, miếu từ lâu đã được nhận diện như những thiết chế tiêu biểu, in đậm dấu ấn trong tâm thức cộng đồng. Tuy nhiên, có một loại hình di tích tôn giáo từng giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần dân tộc nhưng dần bị lãng quên: đó là quán Đạo giáo. Cuốn sách "Quán Đạo giáo với một số vấn đề lịch sử và tôn giáo ở Việt Nam" của TS. Nguyễn Thế Hùng (NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2025) là một chuyên khảo công phu nhằm lấp đầy khoảng trống
  • "Lời từ biệt bầu trời" – Tự sự của một cựu tiếp viên hàng không
    Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam vừa ra mắt bạn đọc cuốn sách "Lời từ biệt bầu trời" của tác giả Đinh Lê Hương – cựu tiếp viên Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam. Cuốn tự truyện mang đến những lát cắt chân thực, xúc động về nghề tiếp viên hàng không qua góc nhìn của người trong cuộc.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nhạc sĩ, Nghệ sĩ ưu tú Trần Ngọc: Hạnh phúc với những không gian sáng tạo nghệ thuật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO