Nhà văn Ngô Tất Tố: Nhìn từ con số thống kê

Phùng Văn Khai| 09/04/2020 20:36

 Nhà văn Ngô Tất Tố là một trong những cây đại thụ trên văn đàn, nhà báo lừng danh của làng báo, là nhà Hán học thâm hậu, trí thức lớn của thời đại. Có thể khẳng định, Ngô Tất Tố là nhà văn hóa tài năng của đất nước.

Đối với Ngô Tất Tố, đã có rất nhiều sách báo viết về ông. Ông như một ngọn núi lớn chứa chất rất nhiều cây cối, hoa lá, chim muông, các loài thú hiếm, cây quý lạ mà người đời nghiên cứu mãi không chán. Trong bài báo này, chúng tôi xin được phép ngắm nhìn ông từ các con số thống kê. Chắc chắn mọi sự thống kê đều chưa thể đầy đủ song từ các con số đã nói lên những điều thú vị về ông. 

Ngô Tất Tố sinh năm 1893 trong một gia đình nhà Nho có truyền thống hiếu học tại làng Lộc Hà, tổng Hội Phụ, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nay là thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Thủ đô Hà Nội. Ông mất ngày 20 tháng 4 năm 1954 tại ấp Cầu Đen xã Quang Tiến, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.

Từ nhỏ, được ông nội trực tiếp dạy học chữ Hán và sau đó theo học tại nhiều nơi trong vùng Kinh Bắc, Ngô Tất Tố đỗ Đầu xứ trong kỳ khảo hạch năm 1915. Thủa học trò, Ngô Tất Tố với tài năng thiên bẩm và sự ham học hiếm thấy đã sớm học chữ quốc ngữ và học tiếng Pháp.

Năm 22 tuổi, ông vừa dạy học vừa dịch truyện cổ khuyết danh Trung Hoa. Đó là cuốn Cẩm Hương Đình do Tản Đà Tu thư cục và Nghiêm Hàm ấn quán xuất bản năm 1923. Sau đó Ngô Tất Tố gia nhập làng báo với hơn 20 lần có mặt trên 10 số đầu An Nam Tạp chí của Tản Đà tại Hà Nội năm 1926.

Ba năm viết văn làm báo trên Đông Pháp Thời báo, Thần chung tại Nam Kỳ (1927 - 1930). Cũng trong giai đoạn này, Ngô Tất Tố đã làm thơ và dịch khối lượng lớn thơ Đường, đã xuất bản sách Ngô Việt Xuân Thu (1928), Hoàng Hoa Cương (1929), dịch và đăng báo các truyện ngắn Mẫu Hậu thất tiết, truyện Tạ Huyền (1927) và bộ tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng - một trong tứ đại kỳ thư nổi tiếng của Trung Quốc (1928). 

Từ năm 1930, trên các báo Phổ thông, Đông phương ở Hà Nội, với tài năng viết tiểu phẩm, Ngô Tất Tố đã tạo ra sôi động trên mặt báo và liên tục phát triển hàng chục năm sau, dựng nên cơ nghiệp tiểu phẩm độc đáo, đứng hàng đầu thể loại tiểu phẩm ở nước ta.

Từ trước mốc thời gian năm 1932, Ngô Tất Tố tiêu biểu cho lớp văn sĩ, ký giả tự ý thức cao về cả hai nghề cầm bút là viết văn và làm báo, đồng thời có những đóng góp lớn vào việc bảo vệ và thống nhất chữ quốc ngữ.

Những năm 1933 - 1935, trên Thực nghiệp Dân báo và báo Công dân, Ngô Tất Tố đã mở trao đổi, tranh luận với các đồng nghiệp, với các chính khách đương thời. Ông thành lập Thọ Dân y quán (1933) và viết phóng sự đầu tay Dao cầu thuyền tán (1935), góp phần thúc đẩy sự phát triển phóng sự - thể loại còn non trẻ của báo chí hồi đó ở nước ta. Ngô Tất Tố viết lịch sử với sách Những trận đổ máu (hồi Pháp mới sang ta) viết chung với L.T.S. và sách Lịch sử Đề Thám viết chung với N.N.T.Q. (Nhà xuất bản Nhật Nam - 1935).
Trong những năm 1936 - 1940, Ngô Tất Tố đã viết hàng loạt tác phẩm báo chí có sức luận chiến và thuyết phục lớn công khai yêu nước và tiến bộ trên các báo Tương lai (1936 - 1937), Tiểu thuyết Thứ ba (1937-1938), Thời vụ (1938-1939), Con ong (1939), Trung Bắc Chủ nhật (1940), Hà Nội Tân văn (1940). Đây cũng là những tác phẩm văn học có giá trị lâu dài, đã khắc họa rõ nét cốt cách tư tưởng và tài năng sáng tác của Ngô Tất Tố, đã khẳng định vai trò của ông trong hàng ngũ tiên phong sáng lập dòng văn học hiện thực của nước nhà với những tác phẩm nổi tiếng như Tắt đèn (1936 - 1939), Lều chõng (1939), Việc làng (1939), Tập án cái đình (1939).

Trong thời kỳ này ông viết nhiều truyện lịch sử như: Vua Tây chúa Nguyễn (1937), Gia đình Tổng trấn Tả quân Lê Văn Duyệt (1937), tiểu thuyết Trong rừng Nho, Hồ Xuân Hương nhìn qua dã sử (1937)… Xuất bản sách Phê bình cuốn Nho giáo của Trần Trọng Kim (1938), mở lớp dạy chữ Hán bằng thư tại Hà Nội (1939 - 1940).

Năm 1940 - 1945, Ngô Tất Tố tiếp tục có những đóng góp trên nhiều lĩnh vực, nghiên cứu văn học sử trong nước: soạn Thi văn bình chú (1941), Văn học đời Lý, Văn học đời Trần, Văn học đời Lê, Mạc, Tây Sơn, Văn học đời Nguyễn sơ - Cận kim (1942), khảo cứu triết học á Đông: viết Lão Tử (chung với Nguyễn Đức Tịnh - 1942), Mặc Tử (1943), dịch và chú giải Kinh Dịch (1943), cho xuất bản Đường Thi, Thơ và Tình (1940). Đặc biệt là trên báo Đông Pháp (1941 - 1945), Ngô Tất Tố sáng tác khối lượng cực lớn - 656 tiểu phẩm, dịch truyện lịch sử Hoàng Lê nhất thống chí (1942), dịch tiểu thuyết đăng báo Một đêm đầu bạc (1942), Tiếng tiêu đỉnh núi (1943)…

Trong Cách mạng Tháng Tám, Ngô Tất Tố tham gia Ủy ban giải phóng ở quê hương. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Ngô Tất Tố trực tiếp tham gia huấn luyện chính trị cho đơn vị bộ đội của địa phương và ngay lập tức lên đường đi kháng chiến.

Trên chiến khu Việt Bắc, ông tham gia Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam, là Chi hội trưởng Hội Văn nghệ Việt Bắc, hoạt động ở Sở Thông tin khu XII và vào Đảng (1948). Ngô Tất Tố đã góp phần xây dựng những tờ báo đầu tiên trong kháng chiến như Cứu Quốc Trung ương, Cứu quốc khu XII, tạp chí Văn Nghệ, sáng tác bút ký Buổi chợ Trung du (1949), Quà Tết bộ đội (1949), Chuyện anh Lộc (1950), vở chèo Nữ chiến sĩ Bùi Thị Phác (1951), dịch Suối Thép (1948), Trước lửa chiến đấu, Trời hửng (1949), Duyên máu, Doãn Thanh Xuân, Anh hùng không chết (1950). 

Ngô Tất Tố viết văn, viết báo tại Hà Nội, Sài Gòn, Chợ Lớn, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Sơn Tây, Cao Bằng, Phú Thọ, Tuyên Quang, chiến khu Việt Bắc. Sự nghiệp sáng tác của Ngô Tất Tố hầu hết đã được giới thiệu trực tiếp tới quảng đại công chúng bằng con đường báo chí, ngay sau đó chỉ một phần dần dần được in thành sách với các bút danh là: Lộc Hà Ngô Tất Tố, Tống Lang Ngô Tất Tố, Tống Lang, T., T.T., N.T.T., NG.T.T., Kim Ngô, Lộc Hà, Thiết Khẩu Nhi, Thục Điểu, Dân Chơi, Ngoan Tiên, Lộc Đình, Thọ Dân y quán chủ nhân, Phó Chi, Tuệ Nhỡn, Thôn Dân, Đạm Hiên, Xuân Trào, Thuyết Hải, T.H., X.T., Cối Giang, Hy Cừ. Ông giữ trên hơn 20 chuyên mục của gần 30 tờ báo tạp chí trong Nam ngoài Bắc và ở Việt Bắc, Ngô Tất Tố đã sáng tác gần 1.500 tác phẩm đăng báo. 

Cho tới nay đã có hơn 250 công trình sách báo, bài viết của các nhà văn, nhà báo, những người quen biết lớp trước, của các nhà nghiên cứu, phê bình, các nhà giáo và bạn đọc lớp sau đã khảo cứu, giới thiệu về thân thế, sự nghiệp của Ngô Tất Tố. 

Một phần quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Ngô Tất Tố đã được 7 nhà xuất bản trước năm 1945, gần 30 nhà xuất bản và các doanh nghiệp làm sách trên cả nước, kể cả ở miền Nam trước năm 1975 và nước ngoài đã xuất bản, tái bản hàng trăm lần.

Ngô Tất Tố được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 năm 1996. Từ năm 1995, Giải thưởng báo chí hàng năm mang tên Ngô Tất Tố đã tổ chức thường xuyên tại Thủ đô Hà Nội. Đã hai lần, trong các năm 2003 và 2005, Thủ đô Hà Nội đã triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học về Di sản báo chí của Ngô Tất Tố. 

Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Nha Trang và Thành phố Vinh có đường phố Ngô Tất Tố, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có trường học Ngô Tất Tố, Thành phố Hồ Chí Minh có khu chung cư lớn mang tên Ngô Tất Tố.

Ngô Tất Tố đặc biệt nổi tiếng với tiểu thuyết Tắt đèn. 

Trong bài “Giới thiệu” ghi ngày 25/1/1939, in ngay từ những trang đầu của sách, Vũ Trọng Phụng viết: “Tắt đèn là một thiên tiểu thuyết có luận đề xã hội, một áng văn có thể gọi là kiệt tác chưa từng thấy” và khẳng định: không ai khác, chính Ngô Tất Tố là người có “đủ tư cách” và “đủ thẩm quyền” để viết Tắt đèn. 

Cùng thời với lời bình của Vũ Trọng Phụng, cũng có những đánh giá ưu ái về Tắt đèn. “Tắt đèn! Tôi đã bật đèn lên đọc hết cuốn truyện ấy rồi. Trong nửa giờ. Hay lắm! Nên đọc. Trong rừng văn, một cuốn tiểu thuyết như thế, thực hiếm” (T.L. - Báo Thời vụ - 1939). “Tắt đèn đứng vào hàng những cuốn tiểu thuyết tả chân có giá trị trong văn chương Việt Nam. Tôi không chắc sau này có cuốn nào hơn nó không, nhưng tôi dám quyết trước nó chưa có cuốn nào” (Hoài Xuân - Báo Con ong - 1939).

Năm 1952, Tắt đèn in lần thứ hai do nhà xuất bản Mai Lĩnh tái bản tại Hà Nội. Sách không in phần giới thiệu của Vũ Trọng Phụng. 

Liên tiếp trong các năm 1955 và 1957, với lời giới thiệu của nhà văn Nguyên Hồng, Tắt đèn được in lần thứ ba (Nhà xuất bản Văn nghệ) và lần thứ tư (Nhà xuất bản Văn hóa).

Năm 1960, Nhà xuất bản Văn hóa (Viện Văn học); tái bản Tắt đèn lần thứ năm. Năm 1962, Tắt đèn được tái bản lần thứ sáu với lời giới thiệu của nhà văn Nguyễn Tuân.

Năm 1973, giữa Sài Gòn, tạp chí Văn in truyện ngắn “Người hay chó” trích từ Tắt đèn. Năm 1976, Nhà xuất bản Văn nghệ Giải phóng cho tái bản ngay Tắt đèn. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong hơn nửa thế kỷ vừa qua, Tắt đèn được 30 nhà xuất bản trong nước và nước ngoài đã xuất bản, tái bản gần 70 lần, lần in nhiều nhất tới 5 vạn (1977) hoặc 8 vạn bản (năm 1984). Tắt đèn là tiểu thuyết sớm được dịch ra tiếng nước ngoài. Tắt đèn được dịch sang tiếng Nga (1958), tiếng Pháp (1959), tiếng Anh (1960) và tiếng Hung-ga-ri (1984) và nhiều nước khác.

Nhà văn Ngô Tất Tố, từ điểm nhìn thống kê đã thấy ngay được sự phong phú và vạm vỡ của một tài năng văn học.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Nhà văn Ngô Tất Tố: Nhìn từ con số thống kê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO