Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: “Vẽ giấc mơ thì dễ…”

Vân Tảo| 19/04/2022 14:58

 Điện ảnh cách mạng Việt Nam từng có rất nhiều bộ phim hay, nổi tiếng về đề tài chiến tranh cách mạng ra đời trong thời kì chiến tranh với nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trong giai đoạn hiện nay, khi điện ảnh đang được hướng tới là một ngành công nghiệp thì dòng chủ lưu này dường như vẫn đang bị “tắc nghẽn”, nếu có thì cũng chỉ “như muối bỏ bể” khi tính theo tỉ lệ phần trăm số phim được sản xuất mỗi năm. Chúng tôi có cuộc trao đổi với nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - nguyên Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam, nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam về vấn đề này.
Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: “Vẽ giấc mơ thì dễ…”
PV: Thưa bà, đề tài chiến tranh hậu chiến vốn là một chủ đề nổi bật gây được dấu ấn mạnh mẽ trong dòng chảy điện ảnh cách mạng Việt Nam. Có nhiều bộ phim được thực hiện trong thời kì chiến tranh đầy khó khăn, gian khổ nhưng lại trở thành những tác phẩm xuất sắc. Vậy theo bà, vì sao lại có điều kì diệu này?
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: Theo thiển nghĩ của tôi, điện ảnh Việt Nam đạt được những bộ phim vô giá đó là vì ngày ấy nền điện ảnh Việt Nam còn rất non trẻ, mới mẻ. Các nghệ sĩ điện ảnh cách mạng lớp đầu tiên còn đầy say mê khám phá nền nghệ thuật thứ 7 trong lĩnh vực phim truyện mà các chuyên gia Liên Xô và Trung Quốc sang giảng dạy cho những bài học đầu tiên, giờ được tự lực thể hiện nên rất hào hứng, dồn mọi tâm huyết vào những thước phim gây xúc động lòng người. Các anh chị nghệ sĩ ngày ấy lại đang trẻ tuổi đầy nhiệt huyết làm nghề và mong muốn khẳng định mình.
Những tác phẩm điện ảnh cách mạng kinh điển này không chỉ còn lại mãi với thời gian mà còn minh chứng một điều rất đúng: Nghệ thuật sẽ rất hay nếu ta luôn dồn cho nó sự say mê, tâm huyết - khi được dâng hiến hoàn toàn vì nghệ thuật mà không phải lo lắng hay vướng bận gì khác, chắc chắn bộ phim sẽ có những dấu ấn không thể phai mờ.
PV: Thực tế cho thấy, hiện nay, điện ảnh Việt Nam phát triển cả về quy mô sản xuất và điều kiện sản xuất, nhưng nền điện ảnh đương đại lại thiếu vắng những bộ phim đề tài này hoặc có rất ít. Lí do là gì, thưa bà?
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: Tôi nghĩ, các cuộc chiến tranh chống xâm lược của ta đã dành thắng lợi vẻ vang nhưng thời gian ngày càng một lùi xa - những bộ phim về chiến tranh ta làm đã quá nhiều và nhiều bộ phim đã quá hay, bằng chứng là đã nhận được nhiều giải thưởng quốc tế, nay có thể đã bão hòa chăng?. Hoặc có thể các hãng phim Nhà nước hơn mười năm trở lại đây đã không còn được Nhà nước “chăm sóc kỹ càng” như trước về nhân lực, vật lực và tài lực nên không có khả năng quay lại đề tài này. Nhất là Hãng Phim truyện Việt Nam - nơi sản xuất ra nhiều bộ phim chiến tranh được coi là hay nhất - mấy năm nay coi như đã bị cáo chung trong việc cổ phần hóa dẫn đến tê liệt, tan rã hoàn toàn... Bên cạnh đó, hơn 500 hãng phim tư nhân được thành lập - muôn hoa đua nở sản xuất rất nhiều phim đủ các thể loại đề tài đương đại và nghiêng về giải trí để hầu mong thu hồi vốn. Hơn nữa, những nghệ sĩ điện ảnh kinh qua hai cuộc chiến có nhiều trăn trở và kinh nghiệm, vốn sống thực tế cũng như kinh nghiệm nghề nghiệp nay đã “hai năm mươi” hầu như gần hết rồi. Lớp trẻ thì không phải ai cũng đủ dũng cảm và thú vị khi đi vào đề tài này...Rất nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên dòng phim này ngày càng sản xuất ít là lẽ đương nhiên.
Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: “Vẽ giấc mơ thì dễ…”
PV:Từ trải nghiệm của bản thân, là nhà sản xuất của một số bộ phim đề tài chiến tranh, hậu chiến như Những đứa con của làng, Truyền thuyết về Quán Tiên, bà có cho rằng hiện nay làm một bộ phim chiến tranh hấp dẫn, thu hút khán giả là vô cùng khó, dù có tiền?
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: Đúng vậy. Rất khó khi hiện nay làm phim đề tài chiến tranh - nhất là lại phải hấp dẫn thu hút khán giả. Cho dù cầm trong tay vài triệu đô (qui ra vài chục tỷ tiền Việt) đi chăng nữa cũng chưa ai dám chắc là sẽ làm được bộ phim hay về chiến tranh. Bởi vì nghệ thuật không thể đi theo lối mòn - càng không thể bắt chước hay lặp lại người khác. Cái nhìn về chiến tranh nếu không tìm tòi ra được cái gì mới thì cũng không nên làm. Thứ nữa, nếu có làm thì hiện nay bối cảnh rồi quân trang, quân dụng, xe pháo từ thời chống Mỹ đã không còn nhiều, nữa là thời chống Pháp - sẽ gây khó khăn rất lớn trong việc thể hiện. (Nhắc tới điều này tôi rất lấy làm tiếc khi tiến hành cổ phần hóa - kho đạo cụ rất quí của Hãng Phim truyện Việt Nam qua nhiều thế hệ dành dụm và gìn giữ để làm các bộ phim lịch sử, chiến tranh hình như đã bị rơi rụng hết). Người không ở trong nghề thì thấy nó toàn là đồ bỏ đi, nhưng chỉ người làm nghề mới thấy được sự quí giá của nó.
Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: “Vẽ giấc mơ thì dễ…”
Một cảnh trong phim “Những người viết huyền thoại”

PV:Là người gắn bó lâu năm với điện ảnh Việt Nam, cả trên phương diện sáng tác và quản lí, theo bà, giải pháp nào để khuyến khích người làm điện ảnh mặn mà, đau đáu hơn với đề tài chiến tranh hậu chiến, xem như là trách nhiệm, sứ mệnh của người làm công việc sáng tác?
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: Tôi nghĩ các nghệ sĩ điện ảnh chắc không ai quay lưng với đề tài này. Nhưng điều kiện nào để họ không quay lưng đây? Mỗi năm Nhà nước dành ngân sách cho điện ảnh vô cùng ít ỏi. Được biết mấy năm nay toàn ngành chỉ được vẻn vẹn có 65 tỷ đồng (đầu tư cho sản xuất 3 phim truyện điện ảnh và mấy chục phim tài liệu, hoạt hình) - ít ỏi thế mà bảo phải xây dựng một nền công nghiệp điện ảnh thì thật là đánh đố nhau. Thế nào là một nền công nghiệp điện ảnh cũng còn chưa hình dung hết về khái niệm, nói gì đến phát triển nó... Vẽ giấc mơ thì dễ mà biến giấc mơ thành hiện thực mới khó. Đấy là chưa kể thủ tục để có được số tiền này tỏa được hơi ấm vào các bộ phim của 3 thể loại nói trên còn phải qua bao nhiêu bước xét duyệt của nhiều cấp. Trong bối cảnh dịch Covid, rất nhiều công chức dính F0 - thì tiến độ xét duyệt càng chậm... Cho nên, ngọn lửa của niềm say mê, sự hào hứng sáng tạo nghệ thuật trong mỗi bộ phim nói riêng, của cả một ngành nói chung nếu không khéo sẽ cứ nguội dần nguội dần - đó mới là điều rất đáng lo ngại nhất.
PV:Bà nghĩ như thế nào về cái gọi là “tinh thần cách mạng của những người làm điện ảnh cách mạng?”.
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: Tinh thần cách mạng trong nghề - cho đến hôm nay, dù nhiều tuổi rồi, nói không ngoa - tôi đã tận hiến. Nhưng cũng nên thử hỏi các bạn trẻ xem như thế nào... Tôi hi vọng các bạn ấy không làm chúng ta thất vọng.
PV:Xin cảm ơn bà!
(0) Bình luận
  • Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
    Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước ma
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • “Bay qua Hồ Gươm” - trò chuyện cùng Hà Nội, về Hà Nội
    “Mơ là bồ câu trắng/ Bay qua Hồ Gươm xanh”, tác giả Huỳnh Mai Liên đã bật lên khao khát muốn được trở thành cánh chim nhẹ nhàng và tự do khám phá bầu trời Hà Nội ở cuối bài thơ Bay qua Hồ Gươm (cũng là tên tập thơ). Dường như cũng từ giấc mơ này, nhà thơ đã viết ra những vần thơ kể chuyện dẫn lối người đọc ngắm nhìn Hà Nội từ cao đến thấp, từ xa đến gần.
  • Thơ truyền thống trong thời đại số
    Thơ truyền thống là loại thơ viết theo đúng niêm luật, thường bó buộc trong các thể loại: Lục bát, Đường luật (Nhất, tam ngũ bất luận), song thất lục bát, thơ (bốn, năm, sáu, bẩy, tám) chữ… phải có vần điệu, cấu tứ rõ ràng và ngôn từ là phương tiện để nhà thơ biểu đạt, giãi bày tình cảm, tư tưởng tinh thần của tác giả. Trong thời đại số, thơ truyền thống vẫn được nhiều tác giả tiếp nối nhưng theo một hình thức mới, nội dung mới và nhà thơ không bị giới hạn bởi bất kỳ khuôn phép nào.
  • 50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế
    Hội nghị Lý luận, phê bình Văn học lần thứ V diễn ra ngày 27/11 tại Hà Nội, quy tụ những nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ và nhà phê bình hàng đầu. Với chủ đề “50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế”, hội nghị đã làm nổi bật bức tranh toàn cảnh văn học Việt Nam...
  • Thị trường nghệ thuật Việt Nam: Chuyên nghiệp để bứt phá
    Nghệ thuật Việt Nam gần đây thu hút sự chú ý đáng kể trên thị trường trong và ngoài nước. Các tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam không chỉ được công nhận về mặt giá trị nghệ thuật mà còn đạt được mức giá cao, phản ánh sự gia tăng sức hút và quan tâm của các nhà sưu tầm, người yêu mỹ thuật, cũng như các hãng đấu giá quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: “Vẽ giấc mơ thì dễ…”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO