Nhà lãnh đạo có nhiều đóng góp với Thủ đô

Hanoimoi| 29/03/2022 09:07

Hôm nay, tròn 110 năm Ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương (1912-2022) - nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Suốt cuộc đời của mình, đồng chí có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đặc biệt, trong 10 năm liên tục đảm đương trọng trách Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí Lê Văn Lương đã có những đóng góp quý báu cho công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô.
Đồng chí Lê Văn Lương tại lễ công bố Quyết định thành lập Nhà Xuất bản Hà Nội, ngày 24-11-1979.
Đồng chí Lê Văn Lương tại lễ công bố Quyết định thành lập Nhà Xuất bản Hà Nội, ngày 24-11-1979.

Người cộng sản kiên trung, bất khuất

Đồng chí Lê Văn Lương tên thật là Nguyễn Công Miều, sinh ngày 28-3-1912 tại làng Xuân Cầu (xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Sinh ra trong một gia đình nho học và khoa bảng ở một địa phương có truyền thống hiếu học và yêu nước, đồng chí Lê Văn Lương đã kế thừa được các phẩm chất cao quý của gia đình, dòng họ và quê hương. Năm 1927, khi mới 15 tuổi, là học sinh Trường Bưởi, đồng chí đã tham gia Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Tháng 6-1929, đồng chí gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng và tháng 8-1929 được cử vào Nam Bộ hoạt động cùng đồng chí Ngô Gia Tự trong phong trào công nhân Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh).

Cuối năm 1930, đồng chí Lê Văn Lương được tổ chức điều động về hoạt động tại Hãng dầu Socony (Hãng dầu Nhà Bè) với nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng, chỉ đạo phát triển chi bộ Đảng và xây dựng các tổ chức quần chúng trong công nhân. Ngày 23-3-1931, nổ ra cuộc đấu tranh của công nhân Hãng dầu Nhà Bè do một số đồng chí trong Xứ ủy Nam Kỳ, Thành ủy Sài Gòn trực tiếp chỉ đạo nhưng bị thực dân Pháp đàn áp, đồng chí Lê Văn Lương bị địch bắt. Sau hơn 2 năm giam giữ và dùng mọi cực hình tra tấn, kẻ thù vẫn không lấy được một lời khai nào, nhưng chúng vẫn dựng phiên tòa để xét xử đồng chí và những đảng viên cộng sản khác.

Từ ngày 2 đến 9-5-1933, Tòa án Đại hình Sài Gòn mở phiên tòa xử án 120 chiến sĩ cộng sản, trong đó có đồng chí Lê Văn Lương. Dù không có đủ chứng cứ nhưng chúng vẫn tuyên án tử hình với 8 đồng chí, trong đó có đồng chí Lê Văn Lương. Những lời lẽ phản bác của đồng chí Lê Văn Lương cùng các đảng viên cộng sản khác trong phiên tòa đã tạo nên một phong trào đấu tranh của nhân dân đòi địch phải giảm án cho những người cộng sản. Vì thế, thực dân Pháp buộc phải giảm các án tử hình xuống chung thân khổ sai.

Suốt 15 năm lao tù, trong đó có hơn 11 năm tại Côn Đảo, đồng chí Lê Văn Lương không chỉ luôn giữ vững khí tiết cách mạng, phẩm chất người cộng sản, mà còn đứng ra vận động thành lập Chi bộ cộng sản, “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”.

Trải qua nhiều trọng trách mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó, trên cương vị nào, đồng chí cũng luôn nêu gương sáng về lòng tận tụy, trung thành, cần, kiệm, liêm, chính, luôn đặt lợi ích của cách mạng lên trước hết và trên hết.

Đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, đồng chí Lê Văn Lương có nhiều năm gắn bó với Thủ đô Hà Nội. Đó là giai đoạn 1976-1986, đồng chí được Trung ương Đảng, Bộ Chính trị điều động và phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Đứng mũi chịu sào trong điều kiện hết sức khó khăn, đồng chí Lê Văn Lương đã nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân, tìm mọi cách tháo gỡ trở ngại để chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Nắm vững chủ trương của Trung ương, vận dụng sáng tạo vào điều kiện đặc thù của Hà Nội, đồng chí luôn giữ vững quan điểm “phát huy nội lực Thủ đô”, lấy sản xuất làm gốc để giải quyết các vấn đề nhức nhối trên mặt trận phân phối lưu thông. Mặt khác, đồng chí chủ trương nêu cao ý chí tự lực, tự cường, khơi dậy tiềm năng và sức sáng tạo to lớn của các tầng lớp nhân dân Hà Nội, đồng thời kiện toàn bộ máy chính quyền cơ sở; tập trung sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Thành ủy và UBND thành phố trong những lĩnh vực khó khăn gay gắt nhất.

Đồng thời với củng cố chính quyền 3 cấp, đồng chí Lê Văn Lương chú trọng lãnh đạo Đảng bộ “Đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng Đảng vững mạnh và trong sạch cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, trọng tâm là các đảng bộ cơ sở”, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, pháp luật Nhà nước. Đồng chí chỉ rõ những căn bệnh khó chữa của nhiều đảng viên không chỉ do thói quen, do lý luận kém, mà còn do chủ nghĩa cá nhân, chỉ biết việc của mình, thờ ơ với việc của người khác.

Với gần 70 năm hoạt động và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Lê Văn Lương được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương là dịp để chúng ta thành kính tưởng nhớ và tri ân công lao, đóng góp của đồng chí cũng như các lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng; nguyện ra sức thi đua học tập, lao động và sẵn sàng chiến đấu, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nhà lãnh đạo có nhiều đóng góp với Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO