Thêm vào đó, một số thị trường truyền thống của Việt Nam tại Đông Bắc Á còn chưa mở cửa và khá dè dặt, cộng thêm các yếu tố về địa chính trị, suy thoái kinh tế khiến dòng khách từ châu Âu bị hạn chế. Đây là những yếu tố khách quan khiến Việt Nam chưa đạt được mục tiêu 5 triệu khách.
Trong khi đó, các quốc gia khác ở Đông Nam Á đều hoàn thành, thậm chí vượt mục tiêu. Việt Nam còn nằm trong nhóm chậm phục hồi du lịch quốc tế.
Đơn cử, so với đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Thái Lan đã đạt mốc mục tiêu 10 triệu lượt khách cho cả năm 2022 ngay từ đầu tháng 12, thu 14 tỷ USD. Tỷ lệ phục hồi của Thái Lan cả về số lượt khách quốc tế (25%) và doanh thu từ khách quốc tế (28,6%) đều vượt xa Việt Nam. Hai tháng cuối năm nay, một số thị trường chính của Thái Lan ở châu Âu đạt gần với mức trước Covid. Còn Việt Nam không có thị trường trọng điểm nào phục hồi mức 50% so với năm 2019.
Theo các chuyên gia, việc không đạt mục tiêu chủ yếu tập trung vào ba nguyên nhân là chính sách visa chưa có thay đổi phù hợp thực tế, các sản phẩm du lịch chất lượng còn thiếu và sự sẵn sàng chưa tốt sau hai năm đại dịch.
Hiện Việt Nam miễn visa cho 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, với thời gian đa phần 15 ngày, một số nước Đông Nam Á 30 ngày trong khi Thái Lan miễn cho 65 quốc gia, với thời gian 90 ngày. Nhiều quốc gia Đông Nam Á đã bắt đầu thực hiện chương trình "Thị thực vàng" kèm thời gian lưu trú đến 20 năm, nhiều quyền lợi để hút khách.
Ông Nguyễn Đức Chí, nguyên Phó trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch TP HCM, lấy dẫn chứng, Thái Lan đến giữa tháng 8 chỉ đón khoảng 3,7 triệu lượt khách quốc tế, bằng một phần ba mục tiêu. Sau đó, họ nhanh chóng có biện pháp tháo gỡ với sự phối hợp từ Bộ Du lịch và Thể thao cùng Tổng cục Du lịch bằng chiến lược miễn visa cho khách đến 45 ngày ra vào nhiều lần và kéo dài.