Nghệ sĩ nhân dân Lương Đức: Nhớ một thuở làm phim

Đặng Thủy| 09/08/2022 16:44

Nghệ sĩ nhân dân Lương Đức được ví von là “ông vua” của thể loại phim khoa học Việt Nam. Đến với “nghệ thuật thứ bảy” từ thuở hoa niên, với sự say mê và bền bỉ, ông đã gặt hái được nhiều giải thưởng điện ảnh danh giá cả trong và ngoài nước… Qua tuổi bát thập, NSND Lương Đức chưa chịu nghỉ ngơi mà vẫn cùng đoàn làm phim rong ruổi khắp những nẻo đường đất nước. Và mỗi khi nhắc tới chuyện nghề năm xưa, trong ông lại rộn rã bao niềm vui.

Nghệ sĩ nhân dân Lương Đức: Nhớ một thuở làm phim

1. NSND Lương Đức sinh năm 1939 trong một gia đình nông dân nghèo ở một làng nhỏ nằm bên dòng sông Mã (làng Phượng Đình, xã Hoằng Anh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Ngay từ khi còn nhỏ, Lương Đức đã nổi tiếng là một cậu bé ham học và học giỏi. Nghe theo lời bố dạy: “Chỉ có cách duy nhất để thoát khỏi cái nghèo là học, học thật giỏi”, cậu bé Lương Đức đã nỗ lực để có một kết quả xứng đáng. Năm 14 tuổi, với thành tích học sinh gương mẫu, Lương Đức đã được nhận học bổng là 24kg gạo mỗi tháng và sau đó được chọn lên Hà Nội học phổ thông để chuẩn bị sang nước ngoài đào tạo.
Tạm biệt quê hương để tới Lezich (CHDC Đức) học tập, thời kỳ đầu khi theo học tiếng, Lương Đức cũng chưa định hình mình sẽ theo đuổi ngành học gì. Nhưng sau buổi xem phim “Người thứ 41” rồi tiếp đó là phim “Số phận một con người”, từ ngỡ ngàng đến say sưa trước những cảnh quay đẹp như mơ của 2 tác phẩm điện ảnh Nga này mà Lương Đức đã nhen nhóm ý nghĩ sẽ thử sức với điện ảnh. Cuối năm đó, ông đăng ký theo học chuyên ngành quay phim nhưng trường “hết chỉ tiêu”. Chướng ngại vật ấy không khiến Lương Đức nản chí, sang năm thứ 2 ông tiếp tục đăng ký ngành học này và toại nguyện ước mơ khi vượt qua thử thách của kỳ thi tuyển gắt gao.
Sau hơn 6 năm đèn sách, Lương Đức trở về nước với tấm bằng đỏ chuyên ngành quay phim của trường Đại học Điện ảnh và vô tuyến truyền hình CHDC Đức. Ông trở thành người đầu tiên cùa ngành điện ảnh Việt Nam được đào tạo chính quy ở Đông Âu.
2. Cuối năm 1962, trở về nước, Lương Đức được phân công công tác tại Xưởng phim Tài liệu, Thời sự Trung ương và cử biệt phái 2 năm làm giảng viên dạy lớp quay phim cho nước bạn Lào. Sau đó, ông được điều về Đội làm phim khoa học của Xưởng phim. Nhớ lại buổi ban đầu gắn bó với điện ảnh, NSND Lương Đức vẫn chẳng thể nào quên những ngày tháng “ba cùng” với người dân thị trấn Then ở tỉnh Phú Thọ. Ông kể, có lần sau khi đi xem phim về ông đã nghe lỏm được những nhận xét của 2 khán giả trung niên. Câu chuyện tưởng như vu vơ, nhưng đã cho ông bài học thấm thía về nghề. Cũng từ đó, Lương Đức luôn nhủ lòng, trong mỗi một bộ phim phải quan tâm đến đối tượng mà phim phục vụ, bởi nếu không đứng ở góc độ khán giả mà cảm nhận, đánh giá thì rất dễ chủ quan. “Người đạo diễn phải có thói quen nghe nhiều hơn nói, nhất là nghe những ý kiến đánh giá, nhận xét ngược chiều để phân tích sàng lọc tiếp thu từ đó hoàn thiện tác phẩm. Có như vậy thì mới có phim hay” - NSND Lương Đức chia sẻ.
3. Những năm 60 của thế kỷ trước, khi mà Lương Đức mới bắt đầu làm phim cũng là những năm đất nước còn bộn bề gian khó. Phim khoa học khi ấy chỉ na ná như các phim phóng sự và thường được làm theo chỉ đạo của các nhà khoa học, kỹ thuật nông nghiệp và các chuyên gia y tế. Với sự đau đáu và cả bầu nhiệt huyết, chàng trai trẻ Lương Đức đã dồn hết tâm sức để nghiên cứu, học hỏi, tìm tòi thể nghiệm nghệ thuật hóa phim khoa học, từng bước mở đường cho phim khoa học Việt Nam tiếp cận với quốc tế.
Nghệ sĩ nhân dân Lương Đức: Nhớ một thuở làm phim
“Chuyện đời, chuyện nghề” - cuốn sách đầu tay của NSND Lương Đức.
Ông chia sẻ, để xây dựng một bộ phim khoa học nghệ thuật theo đúng nghĩa rất công phu. Đôi khi chỉ năm, bảy giây hình ảnh nhưng đòi hỏi cả một thiết bị hệ thống chuyên dùng và kinh nghiệm nghề nghiệp cùng với sự kiên trì. Vì không có thiết bị chuyên dùng nào phục vụ cho việc làm phim khoa học ngoài mấy chiếc máy quay phim thời sự, tài liệu, nên suốt mấy chục năm ông cùng các đồng nghiệp đã phải vật lộn với bao khó khăn; xoay xở, tận dụng mọi khả năng kỹ thuật để làm phim, thậm chí “gia công” nhiều cảnh quay để lột tả những điều mà đạo diễn muốn chuyển tải.
Là một người khó tính nên công đoạn sản xuất nào ông cũng đều cố gắng bám sát từ khâu xây dựng kịch bản, quay phim rồi dựng phim. Phần lớn ông trực tiếp quay, hoặc nếu có quay phim khác hỗ trợ thì ông đều trao đổi bàn bạc rất kỹ và yêu cầu rất cụ thể xem phải quay thế nào, lựa chọn ống kính, góc máy, động tác máy ra sao. Đối với công đoạn dựng phim, ông cũng rất cẩn trọng, ít khi tháo khoán cho người dựng mà thường trực tiếp tham gia từ việc chọn cảnh đến nối ghép thứ tự các cảnh, các trường đoạn và tạo dựng bố cục của phim.
Nhìn lại những bộ phim khoa học mà Lương Đức đã làm, có thể thấy rõ niềm say mê và trách nhiệm mà ông đã gửi gắm trong mỗi tác phẩm. Để “mềm hóa” phim khoa học và tăng sức thuyết phục đối với khán giả, ông cố gắng vận dụng các thủ pháp biểu hiện của nhiều loại hình khác nhau từ hoạt hình, ngôn ngữ phim tài liệu đến các tiểu phẩm, kịch, phim truyện... Cũng bởi thế mà phim khoa học của ông không chỉ đảm bảo tính khoa học, chính xác mà còn tạo được dấu ấn, thể hiện chất thơ, đậm đà phong vị trữ tình (phim “Đất Hạ Long”, “Cá mè đẻ nhân tạo”, “Cá trôi Ấn”...); chất hài hước, hóm hỉnh (phim “Nói và làm”, “Yên trí không sao”, “Tôi sử dụng ngày công như thế nào”); mang sắc thái, tiết tấu của điện ảnh hiện đại (phim “Chớ coi thường”, “Năng lượng khí sinh vật”); khơi gợi niềm tự hào dân tộc (phim “Đất Tổ ngàn xưa”)... Đáng chú ý, nhiều bộ phim còn đặt ra những vấn đề mang tính dự báo và tới hôm nay vẫn còn nguyên giá trị (phim “Chú ý thuốc trừ sâu”, “Vì tính mạng con người”...).
4. Không chỉ thành công với thể loại phim khoa học, khi thử sức với phim truyện và phim tài liệu, NSND Lương Đức cũng tiếp tục ghi dấu ấn. Minh chứng là bốn tập phim truyện video “Bỉ vỏ”, ông làm cùng đạo diễn Vũ Lệ Mỹ và Lê Mạnh Thích. Ngay sau khi khởi chiếu, bộ phim này đã thu hút được đông đảo công chúng khắp trong Nam ngoài Bắc, và đến bây giờ vẫn là một bộ phim hấp dẫn của điện ảnh Viêt Nam. Hay như hai bộ phim ngắn mà ông là quay phim chính cũng mang về nhiều giải thưởng danh giá (Phim “Nơi chiến tranh đi qua”: Giải thưởng Lớn Liên hoan phim quốc tế Freiburg CHLB Đức năm 1997, giải Nhì Liên hoan phim toàn cầu tại Tokyo năm 2000; phim “Vì cuộc sống bình yên”: Giải Nhất Liên hoan phim Fica III tại Brazil năm 2001, giải Đặc biệt Liên hoan phim Canada năm 2001).
Năm 2000, khi nhận quyết định về hưu, NSND Lương Đức không chịu nghỉ ngơi mà vẫn tham gia giảng dạy, hướng dẫn luận văn cho các sinh viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, rồi cả làm phim. Gần đây nhất, ông nhận lời Viện phim Việt Nam tham gia làm bộ phim tài liệu chính luận “Tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam”. Để có kịch bản cho 3 tập của bộ phim này (tập 1- Tín ngưỡng truyền thống; tập 2 - Tôn giáo đồng hành cùng dân tộc; tập 3 - Di sản văn hóa đặc sắc của tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam), ông đã phải đọc, khai thác, tìm hiểu biết bao tư liệu từ các nguồn, rồi tranh thủ sự góp sức của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này. Bộ phim bấm máy đúng thời điểm đại dịch Covid diễn biến phức tạp nhưng để hoàn thiện đúng tiến độ, ông cùng các đồng nghiệp vẫn miệt mài khắp nhiều vùng miền trên cả nước, thậm chí phải “đánh du kích” để có được những cảnh quay, những hình ảnh phù hợp.
Giờ thì bộ phim đã hoàn thiện và chuẩn bị trình làng công chúng, NSND Lương Đức như cũng thấy nhẹ nhõm hơn. Ông bảo, có lẽ đây là bộ phim cuối của mình vì sức khỏe không cho phép đi nhiều nữa. Nhưng ông vẫn còn một dự định nữa, đó là sẽ trình làng cuốn sách thứ hai về những kỷ niệm thuở làm nghề. Hi vọng sau “Chuyện đời, chuyện nghề” (NXB Thế giới, 2020), cuốn sách mà “ông vua” phim khoa học đang ấp ủ này sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về NSND Lương Đức trên nhiều cương vị: Quản lý xưởng phim khoa học, đạo diễn, nhà quay phim, biên kịch, viết lời bình và cả diễn viên..

Nghệ sĩ nhân dân Lương Đức: Nhớ một thuở làm phim
NSND Lương Đức (người thứ 3 từ trái qua) chụp cùng đoàn làm phim “Tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam”.

(0) Bình luận
  • 17 ấn phẩm nhắc nhớ về một thời hoa lửa Điện Biên
    Nhân kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu tới bạn đọc 17 ấn phẩm thuộc nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kí, nhật kí, truyện tranh... Mỗi ấn phẩm như một mảnh ghép đưa bạn đọc đến với bức tranh toàn cảnh về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
  • Ra mắt truyện ký về cuộc đời Tổng Bí thư Trần Phú
    Kỉ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu với bạn đọc truyện ký đặc sắc Trần Phú của nhà văn Sơn Tùng. Tác phẩm gồm 9 chương phác họa cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú (1904-1931).
  • Ra mắt tập nhật ký "Con đường văn sĩ" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
    Trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 – 2024, sáng ngày 24/4, Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức chương trình giao lưu và ra mắt sách "Con đường văn sĩ" – nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ 1938 đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
  • Thơ Nguyễn Đức Tùng - một buổi sáng chín
    Tôi muốn đánh thức “buổi sáng chín” của Nguyễn Đức Tùng để mở ra những trang thơ giàu tính sáng tạo của ông: Sau cái chết, nếu trở lại/ Anh sẽ trở lại vì một buổi sáng/ Một buổi sáng chín trên cành/ Như trái ổi xanh/ Bỗng chín/ Nhưng không rụng xuống/ Vì hãy còn xanh (Thời gian).
  • Ra mắt bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”
    Bộ sách ra mắt bạn đọc đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - một bản anh hùng ca bất hủ gắn liền với tên tuổi và tầm vóc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, như một lời tri ân sâu sắc những công lao và cống hiến đặc biệt xuất sắc của ông đối với sự nghiệp cách mạng.
  • Thưởng thức triết học - Mỗi đứa trẻ là một triết gia
    Chiều ngày 20/4, tại Phố Sách Hà Nội đã diễn ra tọa đàm "Giao lưu giới thiệu bộ sách "Thưởng thức triết học – Mỗi đứa trẻ là một triết gia" do Nhà xuất bản Kim Đồng và Viện Pháp Hà Nội phối hợp tổ chức nhân dịp ra mắt bộ sách với chủ đề “Mỗi đứa trẻ là một triết gia”.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ nhân dân Lương Đức: Nhớ một thuở làm phim
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO