Nghệ sĩ nhân dân Lê Việt Hương: Cháy hết mình vì nghệ thuật

Hanoimoi| 24/07/2022 18:31

Gặp Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Lê Việt Hương sau khi Đại hội lần thứ 6 Hội Điện ảnh Hà Nội kết thúc, tôi chúc mừng chị được bầu vào Ban Chấp hành và rồi "trúng" luôn chức Phó Chủ tịch Hội. NSND Lê Việt Hương cười, ý chừng như chị không “dám” nhận lời khen. Chị nói: “Chắc là mọi người quý nên mới được thế. Chứ làm gì có dự kiến”.

Nghệ sĩ nhân dân Lê Việt Hương: Cháy hết mình vì nghệ thuật
Đạo diễn Việt Hương nhận giải Cánh diều vàng năm 2009.

1. Còn nhớ lần đầu tiên gặp Lê Việt Hương tôi đã có ý “trách” chị “sao đang là ca sĩ lại rẽ ngang đi học đạo diễn điện ảnh?”. Lê Việt Hương chỉ cười chứ không “cãi”, vì chị đã có chủ ý khi quyết định “bỏ nghề hát” sang học nghề “hình ảnh”?

Rồi lại nhớ cũng dịp ấy khi biết chị là con gái của nhạc sĩ Lê Việt Hòa, mà ông nhạc sĩ tài hoa này rất nổi danh với hai ca khúc viết về Nghệ Tĩnh, đó là ca khúc “Gửi em chiếc nón bài thơ” và ca khúc “Gửi sông La”, lúc đó đang vui tôi bèn hỏi thật thà “Việt Hương quê ở xứ Nghệ à?”. Chẳng dè “cô sinh viên điện ảnh” này lại trả lời làm tôi thấy mình đã có gì sai sai. Chị nói “Mọi người đều tưởng em là “gấy Nghệ” chứ thực tình em là “con gái Hà thành” thiệt anh ạ”. Thì ra quê của Lê Việt Hương ở phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm. Nghe chị giới thiệu về quê mình như thế tôi đành chữa ngượng bằng cách nói “nịnh”: “Thảo nào hoa trái cứ sum suê”.

Mà đúng là Lê Việt Hương trong sự nghiệp cứ nở hoa kết trái sum suê thật. Nhận tấm bằng tốt nghiệp Đạo diễn Điện ảnh của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội xong là Lê Việt Hương đầu quân về Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam. Hóa ra đây mới chính là “đất diễn” của chị. Quá trình làm đạo diễn chương trình ca nhạc và phim ca nhạc của Lê Việt Hương có những “thăng tiến” đến ngỡ ngàng. Năm 2012, tức là chỉ 12 năm sau khi ra trường, đạo diễn Lê Việt Hương đã được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Và chỉ 7 năm sau, năm 2019, chị đã là Nghệ sĩ Nhân dân. Những danh hiệu mà chị đạt được khiến bạn đồng lớp phải nể phục.

Vốn học khoa Nhạc cụ truyền thống ở Nhạc viện Hà Nội nhưng Việt Hương lại “rẽ ngang” sang làm ca sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc trung ương. Lần rẽ ngang thứ hai thì như đã nói, chị chuyển sang làm đạo diễn ca nhạc của Đài Truyền hình Việt Nam. Hồi đó, tức là đầu những năm 2000 trở về trước, các chương trình ca nhạc phát trên truyền hình thường được sản xuất theo kiểu bài nối bài. Đạo diễn chỉ cần cùng biên tập chọn bài hát, mời ca sĩ vào trường quay hay ra ngoại cảnh một chút là đã xong một chương trình 30 phút.

Những chương trình như thế “đụng” phải “sự lên ngôi” của các video ca nhạc bán nhan nhản ngoài phố hay như hiện nay là YouTube, muốn xem thì mua băng về hay lên mạng tải về, tha hồ nghe “đến chán thì thôi”. Điều đó khiến khán giả xa dần với chương trình ca nhạc trên truyền hình. Vậy là phải nghĩ. Nghĩ và làm thế nào để các chương trình ca nhạc trên truyền hình “giữ” được người xem? Dĩ nhiên là phải đổi mới cách làm rồi.

2. Có thể nói, đạo diễn, NSND Việt Hương là một trong những người đầu tiên áp dụng thành công ngôn ngữ điện ảnh vào phim ca nhạc. Những bộ phim ca nhạc do chị làm đạo diễn được phát trên sóng truyền hình Việt Nam không chỉ làm thay đổi diện mạo mà còn góp phần nâng cao về chất các chương trình ca nhạc truyền hình.

Và khán giả đã đón nhận những tác phẩm của chị, bởi phim ca nhạc không chỉ cho người xem được thưởng thức các bài hát hay, mà còn được hiểu kỹ hơn về câu chuyện từ mỗi bài ca. Không gian hình ảnh tạo cho không gian âm thanh cất cánh, khán giả cảm nhận sâu sắc hơn, rung động hơn.

Tôi ấn tượng khi xem những phim ca nhạc do Việt Hương làm đạo diễn, như phim “Cây đàn Điện Biên” hay “Khát vọng bình yên”. Ở đó, ta thấy vẫn những bài hát quen thuộc nhưng với cách xây dựng kịch bản và thể hiện theo ngôn ngữ điện ảnh khiến con tim khán giả phải rung lên cảm phục chen thương cảm. Không chỉ lay động tâm hồn mà còn lấy đi nước mắt của khán giả, không chỉ là khúc tráng ca bất tử mà còn là sự “miêu tả” chân thực về những năm tháng chiến tranh của quân và dân ta, phim đã đưa người xem vào “mê cung” của giai điệu cùng sự liên tưởng về những tháng năm hào hùng. Người xem phim ca nhạc này thấy ở đó sự bi hùng, nhưng vẫn thấy sự lãng mạn.

Tôi ấn tượng mãi khi xem bộ phim ca nhạc “Vọng nguyệt”. Đây là phim ca nhạc cổ trang với điển tích “Chàng chưa thi đỗ thì chưa động phòng”. Phim ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam xưa. Cô gái xinh đẹp tần tảo nuôi chồng ăn học, ở nhà chăm mẹ chồng và ngày ngày ngóng đợi chàng thành đạt trở về...

Nghệ sĩ nhân dân Lê Việt Hương: Cháy hết mình vì nghệ thuật
Một cảnh trong phim ca nhạc của đạo diễn Việt Hương.

3. Nói đến Việt Hương là người ta nghĩ ngay chị thành công với phim ca nhạc, nhưng NSND Việt Hương cũng khá thành công với mảng phim tài liệu. Những phim tài liệu như “Người viết cảm tử quân”, “Thuở bình minh tân nhạc” hay “Tiếng đàn xưa”... đã đem về cho chị giải Vàng, giải Bạc của Liên hoan phim Việt Nam, của Cục Điện ảnh, của Giải Cánh diều và Liên hoan Truyền hình toàn quốc .

Chợt nhớ câu nói của Việt Hương ngày chị mới nhập trường: “Tôi không bỏ âm nhạc nhưng sẽ làm âm nhạc theo cách của mình”. Và cái cách “của mình” như Việt Hương đã nói chắc không gì khác là chị luôn “phiêu” cùng âm nhạc.

Giờ thì NSND Lê Việt Hương đã “về” Hà Nội sau những năm tháng đóng góp cho các chương trình ca nhạc của Đài Truyền hình Việt Nam. Đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội cũng là một bước “rẽ ngang” lần thứ ba của chị. Ở vị trí này, lẽ đương nhiên thì chị cùng tập thể Ban chấp hành và các hội viên của Hội Điện ảnh Hà Nội phải làm rất nhiều việc. Là người có uy tín trong giới điện ảnh và năng lực sáng tạo, hy vọng chị có nhiều đóng góp để Điện ảnh Thủ đô xứng tầm với vị thế của mình.

NSND Lê Việt Hương tâm sự về những dự định của mình: “Sáng qua tôi vừa dự Hội thảo “Văn học nghệ thuật với phát triển văn hóa du lịch Thủ đô”. Có rất nhiều ý kiến gợi mở và tôi coi đó là động lực, là mục tiêu cho công tác hội của mình”.

Chị còn nói thêm: “Kinh nghiệm là vốn quý, mà cái đó thì mình đã có. Quan trọng là tấm lòng và sự cố gắng”. Nghe chị nói thế, tôi chợt nhớ đến những bộ phim mà chị đã làm, đó là những phim đậm chất văn hóa dân tộc Việt, hình ảnh lại lãng mạn, giàu chất thơ như đang dẫn dụ ta lạc tới miền cực lạc, với bối cảnh hoặc là khu danh thắng Tràng An - Bích Động hoặc là những làng quê Việt Nam, những địa danh trên đất Thăng Long - Hà Nội.

Văn học nghệ thuật đồng hành, gắn kết với phát triển văn hóa du lịch Thủ đô là đấy chứ đâu.

Trong suốt thời gian hoạt động nghệ thuật của mình, NSND Việt Hương đã được trao nhiều giải thưởng: Cánh diều Vàng với phim tài liệu nghệ thuật “Thuở bình minh tân nhạc” (2010); Huy chương Vàng với phim ca nhạc “Khát vọng xanh” - Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2006; Huy chương Vàng với chương trình ca nhạc “Sóng đôi” - Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2009; Huy chương Vàng với phim ca nhạc “Mây xa” - Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2011; Huy chương Vàng phim ca nhạc “Gần lắm Trường Sa” - Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2012; Giải Video clip xuất sắc "VTV Bài hát tôi yêu" (2005)...

(0) Bình luận
  • "Người Hà Nội" đã và đang làm tốt sứ mệnh lan tỏa văn hóa Thủ đô ngàn năm văn hiến
    "Người Hà Nội" sẽ mừng "sinh nhật" tuổi 40 vào ngày 8/5/2025. Chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển, Người Hà Nội đã có được một “hệ thống” cộng tác viên là văn nghệ sỹ ở nhiều lĩnh vực: văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh, lý luận phê bình;… các nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà khoa học hàng đầu Thủ đô và cả nước.
  • PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn: “Người Hà Nội ” luôn giữ được “chất” Hà Nội
    PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn là một cộng tác viên có nhiều bài viết chất lượng đăng trên Người Hà Nội, từ những ngày đầu nhà văn Tô Hoài làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội. “Đọc Người Hà Nội, người ta thấy được cái "chất" Hà Nội, thấy được những tâm tư, tình cảm của nhiều cây bút là văn nghệ sỹ tài năng và những câu chuyện, vấn đề của Hà Nội” - PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, chia sẻ.
  • Nhà văn Lê Phương Liên: "Còn có thể gõ bàn phím thì tôi còn viết về Hà Nội, viết cho Người Hà Nội"
    Nhà văn Lê Phương Liên nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam với nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi đặc sắc. Ít ai biết, tác giả truyện ngắn “Câu hỏi trẻ thơ” là cộng tác viên gắn bó với Tạp chí Người Hà Nội suốt 40 năm nay. Nhà văn Lê Phương Liên, chia sẻ: “Tên gọi Người Hà Nội luôn nhắc nhở tôi “dù có đi bốn phương trời” thì cũng luôn nhớ về Người Hà Nội để gửi, viết bài”, và viết bài cho “Người Hà Nội” chính là viết cho quê hương mình.
  • Văn học trong thời đại số - Những cơ hội và thách thức
    Vai trò không thể thay thế của văn học trong việc phản ánh đời sống và truyền tải giá trị nhân văn, đặc biệt trong bối cảnh thời đại số.
  • Đổi mới thi ca cũng không được xa lạ với con người
    Cuộc đối thoại của nhà thơ với thời đại trong thơ ca mang lại hy vọng, nâng cao giá trị con người ngay cả trong thời điểm bi tráng nhất của lịch sử hoặc thời khắc đau khổ nhất của mỗi một số phận. Một nhà thơ đích thực phải biết dùng ngôn ngữ của thơ để chạm vào tâm hồn con người. Không chỉ bằng sự phá vỡ sắc cạnh của lý trí, ngôn ngữ đó cần có thêm cảm xúc của trái tim - những cảm xúc được tái hiện từ chất liệu đời thường.
  • Thú vị ngôn từ
    Nhà văn viết truyện ngắn, tiểu thuyết nếu chỉ kỳ công ở việc tạo cốt truyện, kết cấu tác phẩm, xây dựng nhân vật cùng các mối quan hệ, số phận con người mà quên mất trau chuốt ngôn từ thì sẽ giảm đi nhiều phần giá trị tác phẩm. Để thỏa mãn bạn đọc thì rất cần những trang viết hấp dẫn, lôi cuốn bởi ngôn từ, như miêu tả người và cảnh, diễn đạt trữ tình nội tâm…
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Họa sĩ Đặng Thị Khuê: Người kết nối giá trị văn hóa và thẩm mỹ trong đời sống đương đại
    Với họa sĩ Đặng Thị Khuê, nghệ thuật không chỉ là sáng tạo mà còn là hành trình trở về với cội nguồn văn hóa dân tộc. Gần như cả cuộc đời, bà lặng lẽ theo đuổi một “nghĩa vụ tự thân” - kết nối di sản với đời sống đương đại thông qua tác phẩm cá nhân và các hoạt động cộng đồng. Là một trong những nghệ sĩ thực hành nghệ thuật đương đại đầu tiên tại Việt Nam nhưng thay vì chạy theo xu hướng, bà chọn lối đi ngược dòng: quay về với mỹ cảm bản địa. Chính lựa chọn khác biệt ấy đã tạo nên một Đặng Thị Khuê độc đáo, không hòa lẫn trong đời sống nghệ thuật.
  • Vở kịch “Ngược chiều bình an” khắc họa chân thực hình ảnh người lính cứu hỏa
    Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2025) và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2025), Công an thành phố Hà Nội; Hiệp hội Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Việt Nam; Nhà hát Kịch Việt Nam tổ chức công diễn và giới thiệu vở kịch “Ngược chiều bình an”.
  • NSND Trần Quốc Chiêm với hành trình hồi sinh vở chèo cổ “Trinh Nguyên” đã chạm đến trái tim khán giả
    Vào 20h tối ngày 24/5, tại Rạp Đại Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội chính chức công diễn vở chèo cổ “Trinh Nguyên” do NSND Trần Quốc Chiêm phục dựng. Đây là một trong bảy vở chèo cổ kinh điển đầu tiên của nghệ thuật sân khấu chèo Việt Nam.
  • Hà Nội chủ động ứng phó với mưa lớn
    Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành Thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động ứng phó với mưa lớn, giảm thiểu thiệt hai do thiên tai.
  • Nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài đoạt giải Vàng Kiến trúc Quốc gia
    Nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài (TP Huế) vừa được vinh danh giải Vàng hạng mục “Công trình Kiến trúc Đặc biệt” và giải “Vì sự phát triển Kiến trúc” tại Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia.
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ nhân dân Lê Việt Hương: Cháy hết mình vì nghệ thuật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO