Ngày Tết nói về cái ăn trong quan niệm của người Việt

PGS.TS Vũ Nho| 12/02/2021 21:06

Ngày Tết nói về cái ăn trong quan niệm của người Việt

Việt Nam là một nước nông nghiệp lúa nước. Cái ăn chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp lúa gạo, ngô khoai, các loại rau, các loại cá tôm, thịt gia cầm, gia súc. Vậy, người Việt quan niệm, nói về cái ăn như thế nào? Các cụ xưa thường nói: “Dĩ thực vi tiên” (Coi ăn làm đầu), “Dĩ thực vi thiên” (Coi ăn bằng trời) hay “Có thực mới vực được đạo” (Có ăn thì mới làm được chuyện đạo). 

Cái ăn của người Việt chủ yếu là cơm, cơm gạo tẻ.

- Đói thì thèm thịt thèm xôi
Đã no cơm tẻ thì thôi mọi đằng
- Cơm tẻ mẹ ruột.

- Cơm tẻ no xôi vò chẳng thiết
Mơ ước của con người là được ăn cơm no với cá:

Lạy trời mưa xuống 
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày 
Lấy bát cơm đầy 
Lấy khúc cá to
(Đồng dao)

Để đánh lừa khói, nói cho khói về hướng khác trẻ em hát:

Khói về đằng kia ăn cơm với cá
Khói về đằng này liếm lá, gặm xương
(Đồng dao)

Thế nhưng mọi người sẵn sàng chịu đói, sẵn sàng ăn những thứ quả khác để thực hiện lòng hiếu thảo, hay thực hiện hình thức hôn nhân một vợ một chồng:

- Đói lòng ăn hạt chà là
Dành cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng
- Đói lòng ăn trái cây sung
Chồng một thì lấy chồng chung 
thì đừng

Điều đáng trân trọng là con người không thể “Đói ăn vụng, túng làm liều”. Người ta cố gắng là sao để “Đói cho sạch, rách cho thơm”.

Trong hoàn cảnh lương thực thiếu thốn thì muốn no chỉ có cách ăn cơm tấm, muốn ấm, chỉ có cách nằm ổ rơm: “No cơm tấm, ấm ổ rơm”

Người ta cũng thấy rất rõ rằng cái ăn có thể làm mất thể diện, thành xấu xa, chịu ràng buộc: “Miếng ăn là miếng nhục”, “Miếng ăn quá khẩu thành tàn”, “Cơm ăn vào dạ là vạ vào thân”. 

Nhà thơ Nguyễn Khuyến - người đã đỗ đầu ba kì thi (Tam nguyên), từng làm chức Tổng đốc Sơn Tây, nhưng khi về già cảm xúc trước người hàng xóm cho thịt, đã làm bài thơ chữ Hán là “Tặng nhục”. Thịt chữ Hán là nhục. Cho thịt tức là cho nhục. Mấy câu thật cảm khái:

Không ăn thì sẽ đói
Ăn vào thì lại nhục
Không ăn, người sẽ gầy
Ăn vào người hóa tục
(Thơ văn Nguyễn Khuyến, 
Nxb Văn học, 1971)

Thi sĩ Xuân Diệu cũng từng viết:

Nỗi đời cay cực đang giơ vuốt
Cơm áo không đùa với khách thơ
Các nhà thơ Việt Nam hiện đại sau này cũng đều vất vả vì cái ăn, vì thơ ca:
Thơ ơi ta bảo thơ này
Để ta đi cấy đi cày nuôi thơ
(Nguyễn Duy)

Phạc phờ chạy gạo từng lon
Nuôi thơ, nuôi vợ, nuôi con, nuôi mình
(Trần Ngọc Tuấn)

Ăn tuy không nhiều mỗi ngày, nhưng ăn mà không làm thì của cải có như núi cũng không đủ: “Miệng ăn núi lở”, “Của như non, ăn mòn cũng hết”. Hầu như cuộc sống đói khổ triền miên đã làm cho con người ao ước có một lần được no đủ trong đời:

Đừng có chết mất thì thôi
Sống cũng có lúc no xôi chán chè
Người ta ao ước đời sống no đủ cũng chỉ ước đến mức “Cơm gà cá gỏi”, “Cơm bưng nước rót”.

Trong thực đơn bữa ăn của người xưa, thành phần chất xơ quan trọng là rau. Rau cũng rất đa dạng, nào rau muống, rau cải, rau dền, rau bí, rau lang, rau đay; có rau hỗn hợp cả ba bốn loại rau là tập tàng; và có rất nhiều các loại quả cũng được tính là rau như: bầu, bí, cà, su su, mướp,…

- Cơm không rau như đau không thuốc
- Cơm không rau như nhà giàu 
chết không kèn trống

Ngoài việc ăn thức ăn chính là cơm, ăn thành bữa, người xưa cũng chú ý đến những món ăn phụ đó là quà. Quà có thể là bánh đa, bánh đúc, bún, bỏng ngô, khoai, sắn, các loại chè đỗ đen, chè bười, chè hạt sen… giản dị mà ngon.

Đánh chết cái nết không chừa
Đi chợ vẫn cứ cùi dừa bánh đa

Khi cuộc sống khá hơn, người Việt không nghĩ đến chuyện “ăn no mặc ấm” nữa mà nghĩ đến chuyện “ăn ngon, mặc đẹp”. Thực phẩm hải sản, thủy sản, nông sản sẵn; các loại gia vị nhiều; những bàn tay vàng về chế biến, nấu nướng không hiếm... bởi thế người Việt Nam đã tạo ra các món ăn ngon nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả thế giới biết tới như: nem rán, phở, bánh mì kẹp thịt… 

Ngày Tết nói về cái ăn trong quan niệm của người Việt
Tĩnh vật Mùa xuân. Tranh của Lê Huy Quang

Những tinh túy của món ăn Việt cũng đã đi vào nhiều trang văn của Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng… Trong “Hà Nội băm sáu phố phường”, Thạch Lam dành nhiều trang viết về các thức quà Hà Nội. Nguyễn Tuân viết về phở, chả quế,… cũng không kém phần thú vị. Trong “Miếng ngon Hà Nội”, nhà văn Vũ Bằng đã thốt lên đầy cảm khái: “Hà Nội… ngon… quá xá! Hà Nội ngon không chỉ vì những miếng ngon đặc biệt, nhưng ngon từ cách ăn uống ngon đi, ngon từ cách ngon rao hàng quà ngon xuống, ngon từ cách ngon trình bày ngon tới, ngon từ cách thái miếng thịt, chia miếng bánh ngon lui”.  Giáo sư Phan Ngọc, trong công trình “Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới” thì viết: “Món ăn Bắc là vua chúa hóa món ăn Tày; món ăn Huế là đế vương hóa món ăn Mường. Có một sự sành ăn Việt Nam cần giới thiệu với cả thế giới”.

Người Việt đối xử với cái ăn, cũng là đối xử theo cách văn hóa, cả về thức ăn lẫn cách ăn. Đó chẳng phải là điều đáng tự hào hay sao!
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • Chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới
    Sau gần 40 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội đất nước có bước chuyển mình mạnh mẽ, đột phá, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Bên cạnh những thành tựu to lớn, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có tình trạng lãng phí, gây tác họa nghiêm trọng, lâu dài, khó khắc phục, cản trở đất nước vươn mình, giàu mạnh. Bởi vậy, hiện nay, Đảng, Nhà nước coi triệt bỏ lãng phí là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu.
  • Hành trình “Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca thế kỷ” đưa văn nghệ sĩ TPHCM đến Tây Bắc
    Hành trình "Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca thế kỷ" diễn ra từ ngày 26 đến 30/11 với các hoạt động ý nghĩa như: Trao quà hỗ trợ bà con khó khăn, bị ảnh hưởng bởi bão lũ, chương trình tri ân văn nghệ sĩ từng tham gia kháng chiến... do các cá nhân hảo tâm là văn nghệ sĩ TPHCM và các đối tác của văn nghệ sĩ thành phố ủng hộ.
Đừng bỏ lỡ
Ngày Tết nói về cái ăn trong quan niệm của người Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO