Xem xét miễn thị thực cho nghệ sỹ, vận động viên, nhà đầu tư vào Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 34/CĐ-TTg ngày 10/4/2025 về việc thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số. Tại công điện này, Việt Nam xem xét đề xuất các chính sách thuận lợi về thị thực, trong đó có miễn hoặc ưu đãi thị thực ngắn hạn cho khách du lịch và các đối tượng đặc biệt như nhà nghiên cứu, nghệ sỹ, vận động viên, chuyên gia, nhà đầu tư...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 34/CĐ-TTg ngày 10/4/2025 gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số.
Công điện nêu rõ: Trong thời gian qua, trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về phát triển du lịch với phương châm "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện và đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch và đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện", Du lịch Việt Nam đã phục hồi sau đại dịch Covid-19, đạt kết quả tăng trưởng ấn tượng, trở thành điểm sáng trong tổng thể phát triền kinh tế - xã hội đất nước.
Năm 2024, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 17,6 triệu lượt, tăng 39%; khách nội địa đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6%; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023. Trong 3 tháng đầu năm 2025, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6 triệu lượt, cao nhất từ trước đến nay, tăng 29,6% so với Quý I năm 2024, góp phần khẳng định vị thế, sức hấp dẫn của Du lịch Việt Nam.
Năm 2025, để tăng tốc phát triển du lịch, thực hiện thắng lợi mục tiêu đón 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 130 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch tăng trưởng 12 - 13% so với năm 2024, tạo động lực lan tỏa phát triển các ngành, lĩnh vực khác, đóng góp tích cực, hiệu quả vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên, góp phân tăng tốc, bứt phá, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho tăng trưởng hai con số ở các giai đoạn tiếp theo, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, Thủ tướng Chính phủ yêu câu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện các nhiệm vụ:
Đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến du lịch, chủ động triển khai chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025 và các năm tiếp theo
Cụ thể, chủ động đổi mới cách thức, nội dung, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp, hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá du lịch ở trong nước và nước ngoài; xây dựng và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc…
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan nâng cao hiệu quả liên kết xây dựng và triển khai các chương trình kích cầu du lịch gắn với các gói sản phẩm, dịch vụ và doanh nghiệp cụ thể, bảo đảm tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế và nội địa; hoàn thành trong tháng 5/2025.
Kết hợp sử dụng nguồn lực của Nhà nước và huy động hiệu quả sự tham gia của toàn xã hội trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch.
Phát huy vai trò của phương tiện truyền thông, tạo đột phá trong hoạt động xúc tiến quảng bá thị trường trong nước, kết hợp với nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí ngành Du lịch.
Phối hợp với Bộ Ngoại giao nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan đại diện ở nước ngoài trong việc xúc tiến, quảng bá du lịch; khuyến khích doanh nghiệp du lịch đặt văn phòng đại diện tại nước ngoài; phát huy vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 5 năm 2025.
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan nâng cao hiệu quả liên kết xây dựng và triển khai các chương trình kích cầu du lịch gắn với các gói sản phẩm, dịch vụ và doanh nghiệp cụ thể, bảo đảm tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế và nội địa; hoàn thành trong tháng 5 năm 2025.
Phát triển các loại hình, sản phẩm dịch vụ đang được quan tâm
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch. Khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược, có trách nhiệm với môi trường đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, các khu du lịch quốc gia, các dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại các địa bàn trọng điểm.
Phát triển các loại hình, sản phẩm dịch vụ đang được quan tâm như: du lịch sức khỏe, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trăng mật, du lịch golf,... Tăng cường vận động, đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế để thúc đẩy du lịch sự kiện, hội thảo (MICE). Tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật du lịch đặc sắc cấp quốc gia, quốc tế gắn với công nghiệp giải trí để tạo "tiếng vang" thu hút, hấp dẫn đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Tăng cường liên kết để phát huy hiệu quả thế mạnh, lợi thế khác biệt, nổi trội của từng địa phương, từng vùng trong phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng; tăng cường kết nối sản phẩm với thị trường, chú trọng gia tăng giá trị thương hiệu sản phẩm du lịch. Thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch, tiêu dùng du lịch gắn với "xuất khẩu tại chỗ" các sản phẩm văn hóa, nông nghiệp, công nghiệp mà Việt Nam có thế mạnh.
Ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh, sạch trong kinh doanh du lịch
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh, sạch trong kinh doanh du lịch; phát triển du lịch thông minh; xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu và quản lý tài nguyên du lịch. Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ số để kết nối nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch.
Khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư du lịch có trách nhiệm theo hướng đầu tư xanh và bền vững, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh để thúc đẩy xu hướng tiêu dùng du lịch xanh.
Phát triển đa dạng các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như du lịch sinh thái, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, trải nghiệm các giá trị di sản tự nhiên và văn hóa, nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe; báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 5/2025…
Tạo môi trường du lịch đồng bộ, an toàn, văn minh, thân thiện
Phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan, địa phương liên quan tăng cường chỉ đạo việc kết nối hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường biển trong nước và quốc tế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước tháng 6 năm 2025; đẩy mạnh thu hút đầu tư nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không, cảng biến, nhà ga phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước, nhất là tại các địa phương trọng điểm đón khách du lịch thông qua việc hợp tác công - tư hoặc xã hội hóa.
Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường năng lực kết nối và dịch vụ thuận lợi tiếp cận các điểm đến du lịch với các trung tâm đầu mối đón khách du lịch; báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 8 năm 2025.
Chủ trì, phối hợp với các địa phương tăng cường quản lý điểm đến, kiểm soát sức chứa tại khu, điểm du lịch và bảo vệ môi trường du lịch; đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch và môi trường điểm đến, xử lý nghiêm các vi phạm để tạo môi trường du lịch đồng bộ, an toàn, văn minh, thân thiện.
Ưu đãi thị thực ngắn hạn cho khách du lịch và các đối tượng đặc biệt như nhà nghiên cứu, nghệ sỹ, vận động viên, chuyên gia, nhà đầu tư
Thủ tướng giao Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao phối hợp đề xuất các chính sách thuận lợi về thị thực, trong đó có miễn hoặc ưu đãi thị thực ngắn hạn cho khách du lịch và các đối tượng đặc biệt như nhà nghiên cứu, nghệ sỹ, vận động viên, chuyên gia, nhà đầu tư. Đồng thời, nghiên cứu chính sách phát triển du lịch tại khu vực biên giới.
Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chủ động xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, hoàn thành trước ngày 15/4/2025; tăng cường quản lý nhà nước về du lịch, đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh, niêm yết giá công khai, chống nạn “chặt chém”, “chèo kéo”, lừa đảo du khách. Đặc biệt, yêu cầu các hàng ăn sử dụng máy tính tiền và thanh toán điện tử, nếu không sẽ bị thu hồi giấy phép hoặc cấm kinh doanh.
Các Bộ, ngành và địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng về kết quả thực hiện Công điện; phải báo cáo kết quả và những vướng mắc trước ngày 30/4/2025.
Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính được giao trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra và xử lý các vấn đề phát sinh. Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Công điện của các Bộ, ngành, địa phương./.