Đầu tháng 4 sẽ diễn ra lễ hội Then Kin Pang 2025
Lễ hội Then Kin Pang 2025 được tỉnh Lai Châu tổ chức với quy mô cấp tỉnh, nhằm tôn vinh tín ngưỡng Then và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ hội còn góp phần kích cầu du lịch, thu hút du khách đến với Lai Châu.

Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu, trong 10 ngày đầu tháng 4, trên địa bàn tỉnh sẽ diễn ra 2 lễ hội là Lễ hội hoa lan 2025 tại thành phố Lai Châu và Lễ hội truyền thống Then Kin Pang tại xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ.
Theo đó, nghi lễ truyền thống tại nhà Then sẽ diễn ra vào 7 giờ 30 phút ngày 7/4 (tức ngày 10/3/2025 Âm lịch) tại nhà Then, bản Khổng Lào, xã Khổng Lào với các nghi lễ: cúng Then khai hội và thiêng hoá; dâng hương – tẩy trần giải trừ vận hạn; dâng hương ước nguyện – thỉnh then, chúc phúc cầu may; cúng then cầu phúc và tạ ơn.
Chương trình Khai mạc Lễ hội sẽ diễn ra vào 8 giờ ngày 7/4 (tức ngày 10/03/2025 Âm lịch) tại sân Nhà Văn hóa xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ.
Ngoài ra, du khách còn được hòa mình vào các trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực truyền thống và tìm hiểu văn hóa bản địa thông qua các hoạt động đặc sắc như: Thi Én cáy; Tó má lẹ; Đi vòng tròn dấu đá; Đi cà kheo tiếp sức; Tung còn; Thi bắt cá; Trải nghiệm các trò chơi dân gian: Bắn nỏ; Tung còn; Bịt mắt gõ chiêng… (tổ chức 6/4) tại sân Nhà văn hóa xã Khổng Lào; Sân nhà hàng Tùng Hằng; Khu vực bãi té nước, suối Nậm Lùm, bản Cang, xã Khổng Lào.
Bên cạnh đó, còn có các phần thi trình diễn trang phục truyền thống, giao lưu văn nghệ và trình diễn múa xoè; Thi bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Thái (kéo sợi - sợi chỉ để dệt vải, dệt thổ cẩm, Thi đan lưới (chài) bắt cá); Thi ẩm thực. Trình diễn “Áo hô Pang” (trình diễn gội đầu) và tái hiện cuộc sống sông nước của dân tộc Thái (quăng chài, thả lưới, cát chăm…) và trải nghiệm té nước. Không gian trưng bày, giới thiệu văn hóa dân tộc Thái; Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, nông sản đặc trưng huyện Phong Thổ…
Lễ hội hoa lan 2025 tại thành phố Lai Châu cũng bao gồm nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc như: triển lãm hoa lan, bonsai, chim chào mào, trưng bày sản phẩm OCOP; chương trình văn nghệ, thi đấu thể thao...
Việc tổ chức các lễ hội nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương; bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá độc đáo của đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc Thái trắng địa phương. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng và đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững./.