114 trẻ trai/100 trẻ gái
Nếu như TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ đang có hiện tượng sinh ít con, tính trung bình không đủ 2 con trong mỗi gia đình thì tại Hà Nội, tỷ suất sinh là 15,7‰, đạt mức sinh thay thế. Từ đầu năm đến nay, TP đã thực hiện hàng loạt chiến dịch truyền thông về dân số. Nổi bật là tổ chức 20 cuộc truyền thông lồng ghép dịch vụ dân số – kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tại các xã thuộc vùng khó khăn, vùng có mức sinh cao cho 1.600 đối tượng vợ, chồng độ tuổi sinh đẻ. Đặc biệt, truyền thông các nội dung nâng cao chất lượng dân số như sàng lọc trước sinh, sơ sinh, khiếm thính, tim bẩm sinh, sức khỏe tiền hôn nhân…
Theo đánh giá của ông Hoàng Đức Hạnh – Phó Giám đốc Sở Y tế, Hà Nội vẫn đang đứng trước vô vàn những khó khăn, thách thức. Theo đó, số sinh của Hà Nội vẫn ở mức cao do hàng năm số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ nhiều, dân số cơ học tăng nhanh, quy mô dân số lớn, địa bàn rộng, dân trí không đồng đều. Bên cạnh đó, tâm lý muốn có nhiều con và thích có con trai đang là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Hà Nội quá cao.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm, số sinh toàn TP là 46.965 trẻ, tăng 510 trẻ so với cùng kỳ năm ngoái, một số đơn vị tăng sinh cao như Mê Linh, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Gia Lâm. Dự kiến đến hết năm, Hà Nội hoàn thành kế hoạch giảm sinh 0,1%o so với kế hoạch. Điều đáng lo là hiện số trẻ sinh ra là con thứ 3 vẫn tăng mạnh, với 3.517 trẻ, tăng 78 trẻ so với cùng kỳ năm trước. Sóc Sơn, Đông Anh, Mỹ Đức, Sơn Tây, Mê Linh… là những địa bàn có nhiều người sinh con thứ 3.
Riêng về giới tính khi sinh, Hà Nội ở mức chênh lệch rất cao, với tỷ lệ 114 trẻ trai/100 trẻ gái, nhiều địa bàn có mức chênh lệch kỷ lục: Ứng Hòa 132/100, Mê Linh 127/100, Ba Vì, Sơn Tây 123/100, Mỹ Đức 121/100…
Khó “thấm vào tai”
Đánh giá về sự chênh lệch giới tính tập trung nhiều nhất ở vùng ngoại thành, ông Tạ Quang Huy – Chi cục trưởng Chi cục Dân số – KHHGĐ Hà Nội cho rằng, do văn hóa và ý thức của người Việt Nam, đặc biệt ở các vùng nông thôn muốn sinh bằng được con trai. Mặc dù đã được tuyên truyền lồng ghép rất nhiều, nhưng vẫn khó “thấm vào tai” nhiều đối tượng người dân. Vì vậy, với điều kiện kinh tế và trình độ y học như hiện nay, không ít gia đình đã dùng mọi cách để lựa chọn giới tính khi sinh bằng nhiều phương pháp khác nhau. Trong khi đó, công tác kiểm soát vấn đề này vẫn còn nhiều lỗ hổng. Ông Huy phân tích, rất khó có thể phát hiện vi phạm các cơ sở y tế có hành vi chẩn đoán giới tính thai nhi, bởi không bác sĩ nào nói thẳng giới tính hoặc thể hiện trên giấy tờ, trên kết quả siêu âm, mà có thể là trao đổi riêng, dùng những ký hiệu, ám hiệu chỉ người nhà sản phụ hiểu được. Trong khi muốn xử lý được đòi hỏi phải có bằng chứng, chứng cứ, biên lai rõ ràng.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ Nguyễn Văn Tân cho biết thêm, dù có quy định cấm siêu âm xác định giới tính nhưng số bà mẹ mang thai biết được giới tính con trước khi sinh lên đến 81%: “Việc siêu âm xác định giới tính thai nhi phổ biến, trong khi lực lượng thanh tra chuyên ngành còn mỏng, kinh nghiệm không nhiều nên việc phát hiện và xử phạt các cơ sở vi phạm chưa hiệu quả”. Được biết, sau một năm triển khai đề án kiểm soát giới tính khi sinh, Bộ Y tế đã phối hợp với các địa phương tổ chức 3.667 đợt kiểm tra, giám sát đối với 487 cơ sở cung cấp dịch vụ siêu âm, phá thai…, song số cơ sở bị xử lý sai phạm thì vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Để kiểm soát được tỷ lệ giới tính khi sinh, từ nay đến cuối năm, Hà Nội tiếp tục truyền thông các nội dung về giới, bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính cho người dân. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng các mô hình chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi có con một bề là gái tại cộng đồng. Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ tập trung công tác thanh, kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế ngoài công lập về vấn đề lựa chọn giới tính thai nhi.