Theo Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ NN& PTNT), giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt từ 6,5 đến 7 tỷ USD/năm, nhưng hiện vẫn có 20% số lô hàng bị cảnh báo về mất an toàn thực phẩm, nhất là sự tồn dư hóa chất kháng sinh. Mỗi năm, số lượng thủy sản bị trả về gây thiệt hại khoảng 14 triệu USD. Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản cho biết: Các lô hàng bị cảnh báo về chất lượng đều bắt nguồn từ khâu nuôi trồng, khi người dân chưa tuân thủ nghiêm quy định về thời gian ngừng sử dụng thuốc kháng sinh trước khi thu hoạch hoặc lạm dụng kháng sinh trong quá trình nuôi trồng.
Không chỉ có chất kháng sinh, nhiều cơ sở nuôi còn bơm tạp chất vào thủy sản. "Từ 1kg tôm sau khi bơm tạp chất sẽ tăng lên từ 1,2 đến 1,3kg. Thủy sản sau khi bị bơm tạp chất dễ bị nhiễm vi sinh, vi khuẩn E.Coli, Samonella... ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm" - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai cho biết.
Trước thực trạng này, các nước nhập khẩu đã gia tăng rào cản kỹ thuật, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú (Cà Mau) Lê Văn Quang cho biết, hiện nay, một số nước nhập khẩu đưa ra các yêu cầu kỹ thuật như: Đăng ký ghi nhãn, xác nhận chế độ xử lý nhiệt, nguồn gốc bột trứng trong sản phẩm thủy sản chế biến sẵn... gây khó khăn về thời gian, thủ tục cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Tăng cường kiểm soát sử dụng hóa chất, kháng sinh
Theo Phó Cục trưởng Cục Thú y Dương Tiến Thể, nhằm ngăn chặn tình trạng tồn dư kháng sinh trong thủy sản, các tỉnh, thành phố cần quy hoạch vùng nuôi tập trung, kiểm soát chặt chẽ chất lượng từ khâu nuôi trồng đến chế biến; các ngành chức năng định kỳ lấy mẫu nước, mẫu thủy sản ở vùng nuôi để xét nghiệm, kiểm tra dư lượng kháng sinh tại các đơn vị chức năng. Các địa phương cũng cần khuyến khích người dân nuôi theo quy trình thực hành tốt VietGAP, tuân thủ nghiêm ngặt thời gian ngưng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý.
Đối với các doanh nghiệp chế biến thủy sản, cần xây dựng chương trình quản lý chất lượng phù hợp, đáp ứng quy định của Việt Nam và thị trường nhập khẩu về ghi nhãn, hóa chất kháng sinh, vi sinh vật, phụ gia… tránh gây thiệt hại nếu bị trả lại. Mặt khác, tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu và dư lượng hóa chất, kháng sinh trong nguyên liệu trước khi đưa vào sản xuất.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản khi xuất khẩu và tháo gỡ khó khăn ở thị trường nhập khẩu lớn như: Mỹ, Nhật Bản…, Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, các đơn vị của Bộ cần giám sát, cảnh báo sớm dịch bệnh trên thủy sản để kịp thời hướng dẫn người nuôi phòng trị bệnh hiệu quả, không sử dụng chất cấm. Giám sát tồn dư hóa chất kháng sinh trong thủy sản nuôi để kịp thời phát hiện, cảnh báo và truy xuất; xử lý tận gốc đối với sản phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm quy định về tồn dư hóa chất kháng sinh; theo dõi, cập nhật tình hình lô hàng bị cảnh báo hóa chất kháng sinh nhằm giúp doanh nghiệp các biện pháp kiểm soát phù hợp.
Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, Cục Thú y… phối hợp với các bộ: Y tế, Công Thương... kiểm soát chặt chẽ hóa chất kháng sinh nhập khẩu sử dụng trong y tế, công nghiệp nhưng bị cấm sử dụng trong sản xuất kinh doanh thủy sản. Các đơn vị chức năng của Bộ NN&PTNT cần phối hợp với Bộ Công an thu thập thông tin, điều tra, triệt phá dứt điểm các đường dây thuốc thú y ngoài danh mục cho phép trong nuôi trồng thủy sản.