Ngành giáo dục Thủ đô tiên phong trong chuyển đổi số
Hà Nội xác định, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) phải được thực hiện quy củ ngay từ trường học. Những năm qua, Hà Nội được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước về triển khai các hoạt động CĐS trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).
Ngày 30/12/2022, Thành uỷ Hà Nội ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết nêu rõ quan điểm thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy và hành động về thực hiện chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh là trách nhiệm, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - văn minh - hiện đại”.
Việc triển khai chuyển đổi số thực hiện linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, theo tinh thần chỉ đạo tại Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Nghị quyết số 18-NQ/TU về Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo nghị quyết, Hà Nội thực hiện trên 3 nguyên tắc: Thượng tôn pháp luật, Luôn luôn lắng nghe, Thái độ phục vụ; cùng 7 phấn đấu: Nhận thức đầy đủ - Tầm nhìn dài hạn - Tư duy sáng tạo - Giải pháp thông minh - Hành động quyết liệt - Hiệu quả thực chất - Phục vụ nhân dân.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải
Là một trong những đơn vị tiên phong, tích cực trong ứng dụng CNTT và CĐS ngành giáo dục Thủ đô, những năm gần đây, ngành giáo dục Thủ đô đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác quản lý cũng như giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tạo tiền đề quan trọng để ngành giáo dục có sự phát triển vững chắc trong xu thế “số hóa” hiện nay.
Với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với gần 2.900 cơ sở GD&ĐT, khoảng 2,2 triệu học sinh và hơn 125.000 giáo viên, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, ngành giáo dục Thủ đô luôn xác định nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giảng dạy và học tập là nhiệm vụ quan trọng.
Năm 2024 là năm bản lề Hà Nội xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 và nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động và hội nhập quốc tế. Thành phố đã ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia; tổ chức tập huấn hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số; nhân rộng các mô hình chuyển đổi số; thúc đẩy sử dụng sản phẩm, dịch vụ số; chữ ký số; xây dựng lớp học thông minh, trường học thông minh, thành phố thông minh…
Nhận thức được tầm quan trọng đó, Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đầy mạnh công tác CĐS trong giáo dục. Cụ thể, để việc ứng dụng CNTT trở thành nếp quen trong dạy và học. Năm học 2023 - 2024, các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội tích cực hướng dẫn giáo viên, học sinh và cả phụ huynh học sinh sử dụng kho học liệu số của ngành.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục Thủ đô đã chủ động ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập phù hợp với tình hình thực tế. Nhờ đó, chỉ số cải cách hành chính của Sở GD&ĐT Hà Nội tăng trưởng vượt bậc, luôn đứng trong tốp đầu cả nước.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Sở đã hợp tác với Trung tâm Giải pháp CNTT Giáo dục- Bộ GD&ĐT, đơn vị liên quan triển khai Hệ thống tuyển sinh các lớp đầu cấp, trong đó, xác nhận nhập học trực tuyến vào lớp 10 THPT cho 71.545 học sinh đạt tỷ lệ 100%; đăng ký thi tốt nghiệp THPT có 102.095 thí sinh đăng ký đạt tỷ lệ 100%.
Riêng đối với công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập theo phương thức thi tuyển. Đồng thời, tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số để nghiên cứu, xây dựng công cụ hỗ trợ công tác tổ chức kỳ thi.
Đặc biệt là công cụ xác nhận nhập học trực tuyến vào lớp 10 các trường THPT nhằm tạo thuận lợi cho học sinh, gia đình học sinh; triển khai việc đăng ký tuyển sinh trực tuyến vào các trường THPT tư thục. Đây cũng là một trong những giải pháp của ngành giáo dục Hà Nội nhằm hỗ trợ công tác quản lý minh bạch, khoa học, thống nhất trên toàn Thành phố.
Đánh giá cao những nỗ lực và kết quả của ngành giáo dục Thủ đô trong công tác chuyển đổi số, ông Nguyễn Sơn Hải Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GD&ĐT) cho biết, Hà Nội còn là địa phương có tỷ lệ cao nhất về kết nối thông tin của học sinh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt 97% số học sinh (cả nước là 95%). Hà Nội cũng đã triển khai tốt các dịch vụ công trực tuyến, duy trì hiệu quả hình thức tuyển sinh trực tuyến vào các lớp đầu cấp, tạo thuận lợi cho phụ huynh, học sinh.
Một trong những mô hình chuyển đổi số, Trường THCS Thành Công đã thực hiện hiệu quả từ mô hình “Điểm danh học sinh qua thẻ từ”. Cô Nguyễn Ngọc Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Thành Công (quận Ba Đình) cho biết, nhà trường triển khai lắp đặt 9 máy quét ở những vị trí thuận lợi từ cổng trường cho đến các hành lang lớp học để thực hiện quản lý chuyên cần của học sinh bằng phương pháp quét thẻ từ.
Theo cô Ngọc Anh, việc sử dụng công nghệ vào điểm danh trong trường học là một giải pháp tối ưu và hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay. Với phương pháp này, Trường Trung học cơ sở Thành Công sẽ dễ dàng tổng hợp, báo cáo chi tiết thời gian ra, vào của học sinh. Từ đó, việc quản lý học sinh của ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm dễ dàng hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, các em học sinh sẽ có thêm nhiều trải nghiệm thú vị khi đến trường...
Có thể nói, bằng những việc làm thiết thực, ngành giáo dục Thủ đô đang có những bước đi căn bản, vững chắc trong hành trình đổi mới và chuyển đổi số, vốn được xem là việc tất yếu trong hành trình này. Với những nỗ lực trong thời gian qua, ngành Giáo dục Thủ đô tự tin là một trong những đơn vị tiên phong về chuyển đổi số, góp phần phát triển Thủ đô theo hướng văn minh - hiện đại./.