Y tế - Giáo dục

Ngành giáo dục Thủ đô: Lấy trẻ làm trung tâm trong hoạt động làm quen với tiếng Anh

Quỳnh Chi 23/04/2024 15:36

“Các hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh (LQTA) được tổ chức đảm bảo theo nguyên tắc “Lấy trẻ làm trung tâm”, “Học mà chơi, chơi mà học”, “Học thông qua trải nghiệm” dưới nhiều hình thức đa dạng, được lồng ghép tích hợp thông qua các hoạt động giáo dục và giao tiếp trong các ngữ cảnh...”, bà Đinh Thị Bích Thủy, Phó Trưởng phòng phụ trách GDMN – Sở GD&ĐT Hà Nội, nhấn mạnh.

Khoảng 90.000 trẻ em mẫu giáo tại Hà Nội tham gia LQTA

Sáng 23/4 tại Trường Mầm non Phú Diễn A (quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội), Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT ngày 31/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo, cấp học mầm non thành phố Hà Nội.

z5377635903060_5cd7da690736ea58ccc0b1f85233da24.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Dự Hội nghị có PGS. Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT); TS. Vương Hương Giang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cùng lãnh đạo phòng GD&ĐT, nhà giáo tại các trường mầm non trên địa bàn Thủ đô.

Tại Hội nghị, Phó Trưởng phòng phụ trách GDMN (Sở GD&ĐT Hà Nội) Đinh Thị Bích Thủy, cho biết, trong 3 năm qua, cấp học mầm non Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao về chuyên môn của Vụ GDMN (Bộ Giáo dục và Đào tạo), sự phối hợp chặt chẽ của các trường đào tạo trên địa bàn Thành phố trong công tác cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mầm non/phương pháp cho trẻ làm quen tiếng Anh cho đội ngũ giáo viên, hỗ trợ trong công tác tư vấn về chuyên môn tiếng Anh.

“Đến nay, toàn Thành phố có 619 trường mầm non tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh, trong đó 429 trường công lập, 190 trường tư thục, gần 400 cơ sở GDMN độc lập tư thục. Có khoảng 90.000 trẻ em mẫu giáo tham gia hoạt động LQTA; 34/36 trung tâm ngoại ngữ hợp tác với các cơ sở GDMN tổ chức cho trẻ LQTA. Các cơ sở GDMN tổ chức cho trẻ mẫu giáo LQTA hoạt động ổn định, đảm bảo tinh thần tự nguyện, điều kiện, chất lượng hoạt động được duy trì, hiệu quả. Trẻ mạnh dạn, tự tin, yêu thích tiếng Anh. Phụ huynh ủng hộ, hài lòng về chất lượng cho trẻ làm quen với tiếng Anh và luôn đồng hành tham gia các hoạt động cùng các cơ sở GDMN”, bà Đinh Thị Bích Thủy, cho biết.

z5377644569753_e76f83e088a67a7c9cc18102e9ee8237.jpg
TS. Vương Hương Giang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội phát biểu tại Hội nghị.

Việc triển khai Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT ngày 31/12/2020 của ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô thời gian qua còn đạt được nhiều thành tựu nổi bật khác. Ngoài công tác tham mưu và triển khai văn bản; công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức cho trẻ mẫu giáo LQTA còn là các điều kiện tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh; chất lượng thực hiện chương trình cho trẻ mẫu giáo LQTA.

Tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Vương Hương Giang, kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp các Bộ ngành liên quan tham mưu trình Chính phủ có vị trí việc làm giáo viên dạy tiếng Anh cho trẻ trong các cơ sở GDMN. Khi ban hành chương trình GDMN mới cần giảm áp lực về thời gian làm việc của giáo viên mầm non, đồng thời đảm bảo chế độ sinh hoạt của trẻ em mầm non. Tăng cường tổ chức hội thảo đánh giá việc tổ chức cho trẻ mẫu giáo LQTA (về tài liệu, phương pháp giảng dạy) và tham quan kiến tập các đơn vị trong toàn quốc triển khai tốt Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT.

Toàn thành phố Hà Nội hiện có khoảng 600 giáo viên tham gia giảng dạy chương trình cho trẻ mẫu giáo LQTA, trong đó có gần 200 giáo viên nước ngoài và 400 giáo viên Việt Nam. Các cơ sở GDMN và các trung tâm ngoại ngữ tổ chức cho trẻ mẫu giáo LQTA đảm bảo đủ về số lượng và đáp ứng các tiêu chuẩn về bằng cấp, chứng chỉ theo quy định. Hầu hết giáo viên Việt Nam là giáo viên chuyên ngữ được đào tạo tại các trường Đại học uy tín, vững vàng về chuyên môn, nhiệt tình và sáng tạo.

Đội ngũ giáo viên nước ngoài đa số là giáo viên bản ngữ có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn theo quy định, được cấp giấy phép lao động tại Hà Nội do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp và visa còn thời hạn đáp ứng các quy định hiện hành về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam trong quá trình thực hiện hợp tác với các cơ sở GDMN. Đội ngũ giáo viên trợ giảng là các giáo viên hiện đang giảng dạy tại các trường mầm non, lựa chọn các giáo viên có chứng chỉ ngoại ngữ, có khả năng giao tiếp tiếng Anh tốt hỗ trợ giáo viên nước ngoài giảng dạy và quản lý lớp học.

Lấy trẻ làm trung tâm phát triển về tư duy ngôn ngữ

chi-thuy.jpg
Phó Trưởng phòng phụ trách GDMN (Sở GD&ĐT Hà Nội) Đinh Thị Bích Thủy cho biết, ngành giáo dục Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu về triển khai "Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo, cấp học mầm non thành phố Hà Nội".

Cơ sở vật chất và số trẻ trên lớp 100% các cơ sở GDMN tổ chức hoạt động cho trẻ mẫu giáo LQTA có phòng ngoại ngữ được thiết kế phù hợp, sinh động, màu sắc hài hòa, có đầy đủ các trang thiết bị dạy và học hiện đại như máy chiếu projecter, máy chiếu lập thể, Robot, vô tuyến kết nối internet, bảng tương tác, phần mềm cho trẻ LQTA... Các giá đồ chơi, học liệu được sắp xếp theo chủ đề và nội dung bài học ở trạng thái mở để kích thích trẻ... Đối với các cơ sở GDMN ngoài công lập, 100% trẻ trong lớp tham gia LQTA, các hoạt động tiếng Anh diễn ra tại các phòng lớp học, bố trí không gian góc ngôn ngữ có môi trường tiếng Anh cho trẻ được trải nghiệm và làm quen.

Các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức cho trẻ mẫu giáo LQTA đảm bảo số trẻ từ 20 đến 25 trẻ/ 1 lớp học (giảm 10 trẻ/1 lớp theo quy định tại Thông tư 50); thời lượng tổ chức từ 2 buổi đến 5 buổi/tuần; Thời gian hoạt động làm quen tiếng Anh từ 20 đến 30 phút theo độ tuổi.

Từ năm học 2022-2023, các trung tâm ngoại ngữ, các cơ sở GDMN tổ chức cho trẻ em mẫu giáo LQTA nghiêm túc lựa chọn, sử dụng 6/39 tài liệu được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, phê duyệt, cho phép sử dụng trong các cơ sở GDMN. Ngoài ra, các trung tâm ngoại ngữ ứng dụng công nghệ thông tin thiết kế phần mềm, các bài giảng, các trò chơi cho trẻ được luyện tập, củng cố vốn từ tiếng Anh.

Chương trình cho trẻ mẫu giáo LQTA tại các cơ sở GDMN được xây dựng trên cơ sở Chương trình GDMN, Chương trình LQTA dành cho trẻ em mẫu giáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo phù hợp với điều kiện của cơ sở GDMN. Các bài giảng được thiết kế từ dễ đến khó, gắn với chủ đề/ sự kiện gần gũi, đảm bảo phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi trẻ mẫu giáo.

chi-thuy-3.jpg
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, 100% trẻ trong lớp tại các cơ sở GDMN ngoài công lập tham gia LQTA.

Các hoạt động cho trẻ LQTA được tổ chức đảm bảo theo nguyên tắc “Lấy trẻ làm trung tâm”, “Học mà chơi, chơi mà học”, “Học thông qua trải nghiệm” dưới nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ, được lồng ghép tích hợp thông qua các hoạt động giáo dục và giao tiếp trong các ngữ cảnh và hoạt động gần gũi. Các giáo viên đã phân loại học sinh để cung cấp vốn từ và hệ thống câu hỏi theo khả năng của trẻ, tăng cường cho trẻ làm việc cá nhân, nhóm nhỏ để thúc đẩy trẻ tìm tòi, khám phá và phát triển về tư duy ngôn ngữ...

Ngoài các buổi LQTA trên lớp, các cơ sở GDMN tích cực phối hợp cùng các trung tâm để tổ chức các hoạt động ngoại khóa có sự giao lưu giữa các độ tuổi, giữa trẻ với phụ huynh, giữa các trường trong quận, huyện hoặc các trường ngoài quận, huyện để tăng cường sự hứng thú và tích cực làm quen tiếng Anh cho trẻ như chương trình Rung chuông vàng, Tết trung thu, Tôi tài giỏi, Lễ hội vui cùng ông già Noel... ./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Ngành giáo dục Thủ đô: Lấy trẻ làm trung tâm trong hoạt động làm quen với tiếng Anh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO