Chuyển động Hà Nội

Nâng cao vai trò, sức sáng tạo của báo chí trong  tuyên truyền phát triển công nghiệp văn hoá

Ngân Hà - Phương Anh 14/08/2023 20:50

Chiều 14/8, Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức Hội nghị chuyên đề Phát huy vai trò, sức sáng tạo của báo chí nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hoá trong chiến lược xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo” cho cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí Thủ đô.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học chủ trì hội nghị. 

Tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hoá - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã trình bày chuyên đề về công nghiệp văn hoá, Hà Nội thành phố thiết kế sáng tạo và vai trò của báo chí trong thúc đẩy sự sáng tạo cho hơn 400 cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí Hà Nội.

z4603113921503_eb724a29d46517366e5c46506d3de4d9.jpg
Toàn cảnh Hội nghị chuyên đề Phát huy vai trò, sức sáng tạo của báo chí nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hoá trong chiến lược xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo”.

Tiềm năng của thành phố thiết kế sáng tạo

Phát biểu chào mừng Hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội Phạm Thanh Học cho biết: Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang nổi tiếng về ngành công nghiệp văn hoá (CNVH), tiêu biểu là đất nước Hàn Quốc. Ví dụ gần đây nhất về công nghiệp văn hoá là cách đây vài tuần, một nhóm nhạc nữ Hàn Quốc sang Việt Nam lưu diễn, điều này đã góp phần tăng đột biến lượng khách du lịch trong 2 ngày 30-31 tháng 7, ngành du lịch Thủ đô thu về khoảng 650 tỷ đồng.

img_3703.jpg
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội Phạm Thanh Học phát biểu tại Hội nghị

“Hà Nội là Thủ đô sở hữu tiềm năng, nguồn lực vô cùng to lớn trong phát triển các ngành công nghiệp văn hoá. Do đó, Hội nghị chuyên đề về CNVH được tổ chức góp phần phát huy vai trò, sức sáng tạo của báo chí nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hoá trong chiến lược xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo” - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội Phạm Thanh Học nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hoá - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã trình bày chuyên đề về công nghiệp văn hoá gồm 3 phần: Định vị Hà Nội trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam; Lý giải vì sao Hà Nội gia nhập UCCN ở lĩnh vực thiết kế; Vai trò của truyền thông, báo chí trong phát triển công nghiệp văn hoá, xây dựng thương hiệu thành phố thiết kế sáng tạo.

z4603114778173_1ffa920271e6d9e6db4b47a2fb0b2b2d.jpg
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hoá - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam trình bày chuyên đề về công nghiệp văn hoá tại Hội nghị.

Qua đó, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hoá - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết: Ngày 30/10/2019, Hà Nội chính thức gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo thế giới. Trong số các địa phương, Hà Nội là thành phố đầu tiên có riêng một nghị quyết về công nghiệp văn hoá: Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết này tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu. Sau 3 năm triển khai chiến lược, thực tiễn cho thấy, Hà Nội có thể vượt ra ngoài mục tiêu ban đầu.

Hà Nội được đánh giá là thành phố giàu tài nguyên và tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa. Hà Nội có bề dày lịch sử với hơn 1000 năm văn hiến và giàu khát vọng sáng tạo; tài nguyên văn hóa đa dạng, giàu bản sắc; cơ cấu dân số vàng với 51,7 % dân số trẻ, đô thị hóa mạnh mẽ, khả năng hội nhập quốc tế cao.

1651729254644.jpg
Hà Nội được định vị thành trung tâm công nghiệp văn hoá Việt Nam, kinh đô thiết kế sáng tạo Đông Nam Á.

Chiến lược thành phố thông minh từ việc trở thành thành phố thiết kế sáng tạo trong mạng lưới UNESCO (UCCN) đã và đang tạo ra cơ hội thuận lợi để thiết kế sáng tạo trở thành tác nhân đưa Hà Nội thành một trung tâm công nghiệp văn hoá, trung tâm thiết kế sáng tạo hàng đầu Đông Nam Á.

Tuy nhiên, thúc đẩy công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Định vị Hà Nội thành trung tâm CNVH, kinh đô thiết kế sáng tạo Đông Nam Á vẫn đang gặp một số thách thức về rào cản nhận thức, cơ chế phối hợp thiếu đồng bộ, đặc biệt, báo chí còn chưa được phát huy hết sức mạnh.

Nâng cao vai trò, sức sáng tạo của báo chí

Tại hội nghị, PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương đặc biệt nhấn mạnh về vai trò, sức mạnh của báo chí trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Báo chí truyền thông giữ vai trò đặc biệt quan trọng chuỗi hoạt động sáng tạo, sản xuất, phân phối, quảng bá, bảo vệ bản quyền, thúc đẩy đa dạng các biểu đạt văn hoá. Báo chí có sức mạnh đẩy thuyền, phản ánh thông tin, tôn vinh, lan toả, kết nối các chủ thể sáng tạo trong việc nhận diện, tìm kiếm các giải pháp tạo sự chuyển động của các ngành CNVH Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng.

Báo chí Hà Nội vừa là một phần của chuỗi sáng tạo CNVH, vừa là kênh truyền dẫn, tác động đa chiều trong hoạt động sáng tạo CNVH. Báo chí truyền thông Thủ đô nâng cao nhận thức nhận thức và thúc đẩy các chủ thể sáng tạo tại Hà Nội, thực hiện các nhiệm vụ thành viên khi tham gia UCCN.

Từ sự kết nối của báo chí truyền thông, giải pháp hình thành hệ sinh thái văn hoá sáng tạo thông qua mô hình hợp tác “3 nhà” đã được lan tỏa: Nhà nước (Pháp lý – cơ sở hạ tầng) - Nhà đầu tư (Tập trung nguồn lực) - Nhà sáng tạo (Kích hoạt sáng tạo). Vai trò phản biện của báo chí cũng đã thúc đẩy sự quan tâm nghiên cứu các mô hình kinh doanh sản phẩm dịch vụ CNVH. Báo chí Hà Nội đã kết nối và trở thành một phần quan trọng quảng bá thương hiệu thành phố, thương hiệu quốc gia trong phát triển CNVH.

z4603114787800_420d8bf400ac68974a26b20d6d7c5bdf.jpg
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương trao đổi, giao lưu với các nhà báo, phóng viên về việc tham gia tuyên truyền tích cực nhằm thúc đẩy sự phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội.

Xuyên suốt hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương đã thông tin với nhiều nội dung phong phú, thiết thực và trao đổi với các nhà báo, phóng viên về việc tham gia tuyên truyền tích cực nhằm thúc đẩy sự phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội.

Viện trưởng Viện Văn hoá - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam khẳng định: “Chúng ta cần có giải pháp then chốt để phát huy hơn nữa sức mạnh của báo chí truyền thông trong phát triển công nghiệp văn hoá, định vị Hà Nội như một tiêu điểm sáng tạo mới của Đông Nam Á… Tôi tin tưởng, sự vào cuộc nhiệt tình của báo chí sẽ là chất xúc tác để mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa sớm thành hiện thực"

Chia sẻ tại Hội nghị, đồng chí Phạm Thanh Học, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội bày tỏ: Qua chuyên đề phát triển công nghiệp văn hóa dưới sự trình bày của PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hoá - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, hi vọng với nhiệm vụ, chức trách và định hướng triển khai của từng cơ quan báo chí Thủ đô, các cơ quan, các cán bộ, nhà báo, phóng viên sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ của Nghị quyết 09-NQ/TU, quyết tâm cùng đưa công nghiệp văn hoá phát triển theo những mục tiêu đã đề ra ở từng mốc thời gian: năm 2025 – 2030 tầm nhìn 2045./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao vai trò, sức sáng tạo của báo chí trong  tuyên truyền phát triển công nghiệp văn hoá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO