Hoạt động hội

Nâng cao chất lượng múa không chuyên của Thủ đô

Thụy Phương 20:14 25/06/2024

Nghệ thuật múa không chuyên ngày càng phát triển, tỏa rộng trong đời sống của người dân Thủ đô Hà Nội. Hoạt động này góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng, qua đó thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa của thành phố. Tuy nhiên, phía sau những thành tựu nghệ thuật múa không chuyên Thủ đô cũng đang đối mặt với nhiều những thách thức, đòi hỏi cần có sự định hướng đúng đắn.

“Được mùa” và “khoe sắc”

Có thể nói nghệ thuật múa không chuyên luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư và ngày càng có nhiều phát triển không ngừng. Tại các Trung tâm Văn hóa tỉnh, thành phố đến Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VHTT&DL hàng năm tổ chức nhiều cuộc thi, liên hoan văn hóa văn nghệ quần chúng; trong đó Liên hoan múa không chuyên thường xuyên được tổ chức theo định kỳ 3 năm một lần từ cấp cơ sở đến qui mô toàn quốc.

dsc_0836.jpg
Một tiết mục biểu diễn tại Liên hoan nghệ thuật múa không chuyên Hà Nội năm 2023.

Theo NSND Nguyễn Ngọc Anh – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội, thực tế này chứng tỏ sự quan tâm cũng như những nỗ lực không ngừng của ngành văn hóa nước nhà nhằm quyết tâm bảo tồn, giữ gìn và phát huy nghệ thuật múa dân gian dân tộc Việt Nam. Đồng thời tôn vinh sự đa dạng, phong phú của múa trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Từ đó định hướng bước phát triển nghệ thuật múa phong trào đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa trong đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

Tại Hà Nội, nghệ thuật múa không chuyên đã được Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội mà trực tiếp là Trung tâm Văn hóa Thành phố quan tâm, đầu tư nhằm đẩy mạnh phát triển văn hóa nghệ thuật của Thành phố. Hằng năm, Thành phố tổ chức nhiều chương trình, liên hoan ca múa nhạc cho các lứa tuổi, ngành, nghề… đặc biệt là duy trì tổ chức định kỳ 3 năm một lần “Liên hoan múa không chuyên Hà Nội”. Chính vì vậy mà trong những năm gần đây nghệ thuật múa không chuyên Thủ đô Hà Nội được mùa, phát triển nhanh, đa dạng, phong phú, muôn hoa khoe sắc.

Múa thiếu niên nhi đồng phát triển nhanh, chất lượng, cùng với sự phát triển của nhiều các lạc bộ dạy múa. Nhiều nhóm, tốp múa hay các vũ đoàn được thành lập. Phong trào dân vũ nở rộ khắp mọi nơi từ tổ, phường xã lên đến quận, huyện trong thành phố…

Gần đây nhất có thể kể tới “Liên hoan múa không chuyên Hà Nội năm 2023”, "Cuộc thi nhảy múa thiếu niên nhi đồng - Hà Nội năm 2023”. Đây có thể nói là sự nỗ lực của cả đơn vị tổ chức cũng như các diễn viên không chuyên. Họ đã tham dự, cống hiến hết mình để có những chương trình hay, những tác phẩm múa đặc sắc, góp phần làm cho phong trào múa không chuyên Hà Nội ngày một phát triển và không ngừng đổi mới.

Chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh

Nhìn lại tổng quan nghệ thuật múa không chuyên toàn quốc nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội nhận định: “Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, đó là một số chương trình, tác phẩm múa được các biên đạo tư duy, sáng tạo và dàn dựng khá công phu, chất lượng chuyên môn tốt thì nghệ thuật múa không chuyên Thủ đô vẫn chưa phát huy hết tiềm năng".

ngoc-anh.jpg
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ những trăn trở về nghệ thuật múa không chuyên Thủ đô.

Trong nhiều hội thi, liên hoan nghệ thuật múa , các tác phẩm múa dân gian dân tộc xuất hiện quá ít, lép vế so với các loại hình nghệ thuật múa khác (do các biên đạo chuyên nghiệp và biên đạo phong trào có xu hướng chạy theo trào lưu múa dân gian đương đại và Hiện đại…).

Đặc biệt là chất lượng các tác phẩm múa, các biên đạo phong trào sáng tác nhiều nhưng không đều tay, còn bộc lộ nhiều hạn chế. Một số tác phẩm múa bố cục không chặt chẽ, kết cấu dễ dãi, dựng múa theo cảm tính, ngôn ngữ múa pha tạp, khiên cưỡng, chưa kết hợp hài hòa giữa các thành tố nghệ thuật với nhau như: nội dung, ngôn ngữ múa, âm nhạc, trang phục, đạo cụ và thiếu sự điêu luyện trong thể hiện tác phẩm… Một số tác phẩm múa sử dụng âm nhạc cắt nối hay sử dụng âm nhạc, cốt chuyện trên mạng xã hội nên kém hiệu quả, dễ dẫn đến rủi ro về vấn đề pháp lý và bản quyền tác giả.

Dõi theo những cuộc liên hoan múa không chuyên những năm gần đây, Ths Nguyễn Thị Thanh Hoa cho rằng có rất nhiều tiết mục múa được các biên đạo sáng tạo, dàn dựng công phu; chất lượng nghệ thuật không thua kém gì nghệ thuật múa chuyên nghiệp. Tuy nhiên không ít các tiết mục đã có “sự can thiệp từ bàn tay biên đạo chuyên nghiệp, thậm chí là cả sự tham gia của diễn viên chuyên nghiệp”, nên về mặt nào đó nó chưa phản ánh đúng bản chất của nghệ thuật múa không chuyên.

Đáng chú ý là những bất cập từ phong trào nhảy múa tự phát của người dân. “Cũng bởi tính tự phát, tự do thích múa gì thì múa nên hiện tượng nhảy múa theo kiểu động tác, ngôn ngữ một đằng, trang phục một nẻo, tiện thì mặc, dễ thuê, dễ mượn thì mặc… múa dân tộc kinh lại khoác trang phục dân tộc Thái, Mông… hoặc múa dân tộc Mông, Dao, Thái nhưng lại dùng nhạc hip hop, hiện đại; và nhất là hiện trạng nhảy múa dân vũ của Trung Quốc, học theo Trung Quốc ngày càng trở nên phổ biến trong cộng đồng”, Ths Nguyễn Thị Thanh Hoa trăn trở.

Nguyên nhân một phần là do lực lượng biên đạo múa phong trào phần lớn chưa được học về phương pháp, kỹ năng biên đạo tác phẩm múa mà chủ yếu là xuất phát từ lòng say mê nghề nghiệp, tự tìm tòi, học hỏi và những kinh nghiệm tích lũy từ khi còn làm diễn viên…

Nỗ lực tạo sự chuyển mình

Nâng cao chất lượng phong trào múa không chuyên của Thủ đô trong bối cảnh hội nhập và phát triển, đó chính là bài toán khó được những người trong giới nghề quan tâm trăn trở. Tại cuộc tọa đàm “Nghệ thuật múa không chuyên Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ đổi mới và hội nhập” do Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội tổ chức sáng 25/6, nhiều văn nghệ sĩ cũng đã đề xuất các giải pháp cụ thể.

hoi-thao.jpg
Quang cảnh tọa đàm “Nghệ thuật múa không chuyên Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ đổi mới và hội nhập”.

Theo đó, từ phía các cơ quan quản lý cần có định hướng để phong trào múa không chuyên phát triển tích cực hơn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đông đảo người dân. Đồng thời, nên chú trọng công tác đào tạo, biên đạo múa, diễn viên múa nhất là các em thiếu niên nhi đồng để các em sớm được tiếp cận với nghệ thuật; sao cho nghệ thuật múa múa không chuyên giữ được vẻ chân phương, giản dị của văn hóa quần chúng.

Phát triển tư duy sáng tạo nghệ thuật múa phong trào đó không phải là câu chuyện của ngày một ngày hai mà cần cả một quá trình phấn đấu, trải nghiệm, học tập không ngừng. Theo Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội, những người làm công tác quản lý nhà văn hóa quận, huyện; người chỉ đạo nghệ thuật và đặc biệt là các biên đạo múa phong trào cần không ngừng học hỏi, tích lũy bổ sung kiến thức.

TS. Đặng Chí Thông lưu ý tới việc sáng tác dàn dựng các tác phẩm múa cũng như việc xây dựng phát triển đội ngũ diễn viên múa không chuyên của Thủ đô. Theo ông, việc xây dựng chủ đề kịch bản múa không chuyên không nên phức tạp quá mà chỉ cần phù hợp với năng lực trình độ của sân khấu không chuyên. Thêm nữa, cần chú trọng quan tâm sưu tầm khai thác chất liệu múa cổ truyền cho diễn viên múa quần chúng, để tạo đất sống cho múa dân gian trong đời sống đương đại. Trung tâm văn hóa thành phố và các quận huyện trên địa bàn Thủ đô nên tăng cương liên kết chặt chẽ với Hội nghệ sĩ Múa Hà Nội lên kế hoạch tổ chức tập huấn cho các biên đạo, nghệ nhân, diễn viên…

Tại hội thảo, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố Lý Thị Thúy Hạnh nhấn mạnh tới việc phối kết hợp giữa Trung tâm và Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội nhằm đẩy mạnh phong trào nghệ thuật quần chúng, phát huy tiềm năng, thế mạnh bổ sung cho nghệ thuật múa không chuyên…

Việc phối kết hợp này có thể thông qua các lớp biên đạo quần chúng - lớp dạy chất liệu múa dân gian dân tộc; hay xã hội hóa cuộc thi “Tài năng nhảy múa Thiếu niên nhi đồng” và thi sáng tác múa về đề tài “Thăng Long - Hà Nội”... qua đó sẽ góp phần củng cố phát huy giá trị của múa truyền thống, tạo sức lan tỏa phong trào nghệ thuật quần chúng./.

Bài liên quan
  • Giới thiệu các tích trò cổ trong nghệ thuật múa rối
    Sáng ngày 25/5, tại Nhà hát Múa rối Thăng Long, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu về các tích trò cổ trong lĩnh vực nghệ thuật múa rối. Tọa đàm có sự tham dự của đại diện các Sở Ban ngành, Ban chấp hành Hội Liên hiệp cùng đông đảo các văn nghệ sĩ hội viên.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng  múa không chuyên của Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO