Dù là đề tài rất quen, thường xuyên được nhắc đến song Hội thảo “Báo chí với việc xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp” mới được báo Người Hà Nội, tạp chí Người làm báo, phối hợp tổ chức tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 92 năm ngày báo chí Cách mạng Việt Nam vẫn thu hút sự quan tâm của hơn 120 Đại biểu, diễn giả là các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà báo, các doanh nhân, doanh nghiệp Hà Nội và trong nước. Bên cạnh việc đưa ra những băn khoăn, trăn trở cùng giải pháp xây dựng mối quan hệ bền vữ
Đồng hành và tiếp sức
Phát biểu tại hội thảo, nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã nhấn mạnh rằng, không chỉ là vai trò mà báo chí còn phải có trách nhiệm trong cuộc tiếp sức cho các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh để tồn tại, phát triển ngay chính trên sân nhà trong xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ hiện nay.
Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Namphát biểu tại hội thảo - Ảnh: Đăng Chung
TS.Hoàng Anh Tuấn – Chủ tịch Hiệp hội kết nối doanh nhân toàn cầu đã dẫn chứng cụ thể hơn về vai trò đồng hành cùng doanh nghiệp của báo chí qua câu chuyện định kiến “con buôn, con phe…” lâu nay đã được xóa bỏ. Cũng vì, những thập kỷ qua báo chí đã tích cực định hướng giúp dư luận hiểu hơn về vai trò của doanh nghiệp trong đời sống xã hội. Mở rộng thêm, theo TS.Hoàng Anh Tuấn, để thương hiệu doanh nghiệp bay cao, bay xa hơn, nếu không có báo chí thì doanh nghiệp ra đại dương mà không có thuyền buồm nên không bao giờ tới đích.
Là doanh nghiệp đã xây dựng thành công thương hiệu của mình từ mấy chục năm qua, dẫu vậy, bà Trần Thị Ngọc Bích – Phó TGĐ Tập đoàn Hương Sen, TGĐ Công ty Long Hưng vẫn chia sẻ rằng bà luôn cảm nhận được sự đóng góp, chia sẻ giữa báo chí và doanh nghiệp. Ông Đàm Văn Long – Chủ tịch Tập đoàn Phương Bắc cũng cho rằng báo chí luôn đi sâu, bám sát vào cuộc sống bằng những bài viết chân thực, khách quan và sâu sắc. Bà Nguyễn Thị Tiến Hào – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và thương mại Mặt trời Phương Nam lại bày tỏ những cảm xúc của một doanh nghiệp mới thành lập cần đến sự hỗ trợ truyền thông của báo chí như thế nào. “Lâu nay, chúng tôi vẫn loay hoay khâu quảng bá thương hiệu của đơn vị. Thế nhưng, khi được truyền thông trên báo Người Hà Nội – dù chỉ trong thời gian ngắn – nhưng chúng tôi đã nhận được nhiều lợi ích không chỉ trước mắt mà cho cả lâu dài…” – Bà Tiến Hào nói.
Hợp tác chân tình
Không chỉ dừng lại ở việc đánh giá về mối quan hệ tương hỗ giữa báo chí với doanh nghiệp, nhiều đại biểu còn đưa ra những ý kiến với mong muốn xây dựng mối quan hệ này ngày càng khăng khít bằng những hợp tác chân tình. Điểm chung nhất là doanh nghiệp – đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp rất cần sự chung sức của báo chí trong quá trình xây dựng và khẳng định thương hiệu.
Nhà báo Đào Xuân Hưng - Phó Tổng biên tập Phụ trách báo Người Hà Nội tặng hoa cho doanh nghiệp đồng hành cùng hội thảo - Ảnh: Đăng Chung
Chỉ ra điểm yếu của báo chí khi vẫn còn những bài viết đưa tin chưa trung thực, khách quan, thậm chí đào quá sâu vào những chuyện “thâm cung bí sử” của doanh nghiệp chỉ nhằm gây tò mò cho độc giả mà không tính toán thiệt hơn của thông tin sẽ gây ra tác dụng ngược, TS.Hoàng Anh Tuấn cho rằng, những cách đưa tin như thế sẽ khiến doanh nghiệp xa lánh báo chí mà doanh nghiệp là một đối tượng khách hàng năng động, tiềm năng. “Giữa báo chí và doanh nghiệp nên cần sự đồng hành cống hiến cho lợi ích chung của cộng đồng – đất nước.” – TS.Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Việt Xô – Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Hà Nội thì mời chào các nhà báo cùng tìm hiểu về quá trình xây dựng, phát triển thương hiệu doanh nghiệp để đưa thông tin chính xác có kiểm định, giúp các doanh nghiệp làm ăn chân chính phát triển. Ông Việt Xô cũng nêu ra mặt hạn chế của các doanh nghiệp là nhiều khi còn mang tâm lý e ngại khi tiếp xúc với báo chí. Điều đó dễ gây ra những cản trở trong quá trình báo chí đưa thông tin và thông tin mang tính một chiều, ít sức lan tỏa. Còn bà Trần Thị Ngọc Bích cũng thẳng thắn đề xuất: “Mong báo chí có sự hỗ trợ nhiều hơn đối với doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt. Sự hỗ trợ này cũng cần công tâm, khách quan, không nên đưa tin một chiều.”
Bên cạnh việc nhấn mạnh vai trò của những người đứng đầu trong quá trình xây dựng mối quan hệ doanh nghiệp và truyền thông, nhà báo Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập báo Diễn đàn Doanh nghiệp còn nêu ý kiến về việc quản trị truyền thông của các doanh nghiệp đang bị các doanh nghiệp bỏ ngỏ. Cũng có một số tập đoàn bước đầu xây dựng liên kết với các công ty truyền thông nhưng như thế là chưa đủ. Các doanh nghiệp cần cởi mở xây dựng mối quan hệ với báo chí để tránh lối mòn PR một chiều, khiến dư luận nghi ngờ sự chân thực vốn có mà chỉ báo chí mới có thể mang lại.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hùng – Vụ trưởng, Vụ Báo chí Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng người làm báo ở trong mối quan hệ giằng xé giữa nhiều lợi ích (đặc biệt trong mối quan hệ với doanh nghiệp) nên rất cần bản lĩnh, trau dồi đạo đức để giữ vững cây bút. Báo chí cần sự hợp tác hết sức chân tình của các doanh nghiệp và cũng cần hợp tác với doanh nghiệp một cách văn hóa.