Đời sống văn hóa

Mùa xuân và tục khai bút của người Việt

Nam Dương 10:34 02/02/2025

Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam có rất nhiều phong tục hay, đáng được gọi là thuần phong mỹ tục. Trong đó, tục khai bút được xem như là một nét đẹp văn hóa, thể hiện tinh thần trọng học, trọng cái đẹp của người Việt mỗi khi Tết đến Xuân về. Tương truyền, tục khai bút xuất hiện ở Việt Nam gắn với việc tưởng niệm nhà giáo Chu Văn An - một con người chính trực, từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà về Chí Linh (Hải Dương) để mở trường dạy học và dược lưu danh là “Ông tổ của đạo Nho ở Việt Nam”.

khai-but-dau-nam-didongviet-cover.jpg

Sử sách ghi lại, các học trò của thầy giáo Chu Văn An đến thăm thầy, lúc ra về thường được thầy tự tay viết tặng một chữ mang ý nghĩa nhắn gửi về lẽ sống cho từng người. Ai nhận được chữ cũng đều cảm thấy hết sức may mắn và trân trọng. Cũng từ đó về sau, tục khai bút được lưu truyền, không những biểu trưng cho sự hiếu học mà còn thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, sự thành kính của học trò đối với người thầy. Tục khai bút thường được thực hành vào sau thời khắc giao thừa, thời khắc đầu tiên của năm mới với tâm thức “Tân Xuân khai bút bút sinh hoa/ Bút tòng phụ tử, bút nhập văn tường, bút quán Ngũ kinh”.Tục khai bút cũng được đề cập đến trong các sách về phong tục tập quán nói chung của Việt Nam.

Nhà văn Toan Ánh trong “Nếp cũ - Con người Việt Nam” (NXB Trẻ, 2012, tr.140) đã viết về tục này như sau: “Nhà văn, nhà thơ thường có lệ khai bút đầu năm vào ngày Nguyên đán. Các văn nhân, thi sĩ sẵn sàng son mực bút nghiên giấy tờ, đốt bình trầm trước án thư kén giờ hoàng đạo khai bút viết văn làm thơ. Thơ làm xong, gặp có khách đến nhà hoặc khi đến bạn hữu chúc Tết, người nọ đọc cho người kia nghe rồi cùng ngâm vịnh”.

Quảng Tuệ ghi chép trong “Một số phong tục nghi lễ dân gian truyền thống Việt Nam” (NXB Văn hóa dân tộc, 2004, tr.52) rằng: “Xưa các nhà Nho, những người đang học hành có tục khai bút đầu xuân, vào dịp Tết Nguyên đán. Để khai bút, họ chọn ngày đẹp và giờ hoàng đạo. Lúc khai bút có thể làm một bài thơ vui hoặc có nội dung thanh cao. Cũng có khi khai bút chỉ viết những chữ chỉ niềm vui, điều tốt. Khi khách đến thăm nhà hoặc đi thăm ai đó, họ mang theo bài thơ đã làm đọc cho mọi người nghe rồi bình. Nghe nói, việc khai bút vào những ngày Cát đầu năm như vậy thì việc bút nghiên, học hành, nghiên cứu trong năm nhiều thuận lợi. Tục này còn truyền đến ngày nay đối với học sinh, trí thức, họ chọn những ngày Cát đầu năm mang việc ra viết hoặc làm bài đối với học sinh, sinh viên”.

Sách “Lễ tục hàng năm và phong tục thờ cúng của người Việt” (NXB Văn hóa Thông tin, 2005, tr.33) có ghi như sau: “Khai bút là năm mới cầm bút viết lần đầu. Thông thường, ngày xưa những người hay viết như các ông đồ, các nhà Nho và những người làm việc quan, đều coi việc khai bút là hệ trọng. Hiện nay, việc khai bút được nhà nước tổ chức thành nghi lễ khai bút trong đêm giao thừa cùng một số nghi lễ khác. Những người cầm bút đầu xuân là những nhà Nho có học vấn uyên thâm và là những người đức độ được kính trọng. Vào giờ khắc ấy những học trò cùng nhau chọn giờ để khai bút cầu mong học hành tấn tới, đỗ đạt cao”.

Sách “100 điều nên biết về phong tục Việt Nam của Tân Việt” (NXB. Văn hóa dân tộc, 1993, tr.139) trong mục “Ngày Tết có những phong tục gì?”, tác giả đã có ghi chép rất thú vị về câu chuyện khai bút:“Tôi nhớ lại thuở còn thơ ấu, năm đầu tiên đi học chữ Hán, ngay từ sáng 30 Tết, bố tôi mua sắm mấy tờ giấy hồng điều. Một đôi câu đối được viết để trang hoàng bàn thờ, còn để dành lại hai tờ giấy có kẻ dòng sẵn, một dành cho bố, một dành cho con khai bút. Bố tôi viết sẵn cho tôi bảy chữ “Minh niên khai bút, bút khai hoa”, bảo tôi học thuộc lòng, nắn nót luyện cho chữ thật tinh, thật đẹp, xong cụ thu lại bắt viết trầm không sót nét nào. Cúng giao thừa xong, tôi được cùng gia đình phá cỗ, nhận tiền mừng tuổi. Đúng giờ định sẵn, hai bố con bắt đầu cầm bút. Chỉ có bảy chữ, tôi nắn nót mãi chưa xong, bố tôi đã làm xong bài thơ Đường. Khi hai bố con viết xong, bố dán cả hai tờ vào chỗ trang trọng nhất trong phòng khách. Sáng mồng một, các chú tôi sang nhà cúng lễ, giả vờ không biết, cứ tấm tắc không biết ai viết mà chữ đẹp thế. Tôi hí hửng mở cờ trong bụng, nhưng chú lại vừa đọc vừa ngâm nga “Minh niên khai bút, bút mèo quào”...”.

Vài chục năm trở lại đây, tục khai bút đã được thực hành dưới nhiều hình thức khác nhau và trở thành một nét đẹp văn hóa rất độc đáo của Việt Nam. Bởi đối với người Việt, cây bút là một công cụ gắn bó với đời sống trí tuệ và tâm hồn, trở thành một biểu tượng thiêng liêng trong đời sống. Khai bút là khai chữ, khai tâm, khai trí, khai nghề, khai nghiệp… Do đó, khai bút không chỉ có những người gắn với nghiệp cầm bút thì mới khai bút mà bất kỳ ai cũng có thể thực hiện nghi thức này để thể hiện tâm tư, bày tỏ ước muốn, nguyện vọng trong năm mới hay tự nhắc nhở bản thân hướng đến những điều tốt đẹp để phấn đấu.

Ngày nay, với sự bùng nổ của internet và sự phát triển của các trang báo mạng, thông tin về tục khai bút cũng được đề cập nhiều hơn. Có trang đăng tải các bài viết nói về tục này trong truyền thống; có trang đưa tin về thủ tục tổ chức tục này hoặc đưa ra các gợi ý để có thể khai bút đầu xuân thêm ý nghĩa… Chính vì vậy, mỗi khi Tết đến, xuân về, tục khai bút lại được triển khai nhiều hơn dưới nhiều hình thức, phương tiện khác nhau. Lứa tuổi học trò ngày nay thực hành khai bút không chỉ trên giấy vở mà còn có rất nhiều sáng tạo độc đáo, chẳng hạn như sử các ứng dụng công nghệ để vào các trang mạng xã hội như zalo, facebook, instagram… rồi viết các dòng trạng thái, tạo thiệp để chia sẻ cảm xúc và tặng nhau những lời chúc tốt đẹp trước thềm năm mới. Nhiều bạn trẻ cũng sử dụng các phần mềm lập trình để tạo ra những hình ảnh, video clip để “khai bút” dưới sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ còn tham gia khai bút trực tuyến bằng vài bài kiểm tra trắc nghiệm nhỏ trên các trang web học tập để nhận lì xì Tết…

Dù được thực hành với hình thức nào, tục khai bút đầu xuân vẫn là sự phản ánh sâu sắc truyền thống hiếu học của người Việt Nam từ xưa đến nay. Tục khai bút không chỉ là một nét đẹp thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt mà còn là một di sản văn hóa tinh thần quý giá cần được nhân rộng ở nhiều địa phương. Qua đó không chỉ thể hiện sự trân trọng đối với các giá trị văn hóa truyền thống mà còn có tác dụng khơi gợi khả năng sáng tạo, cầu thị và sự khai phóng trong tinh thần học tập mới của thế hệ trẻ trong bối cảnh hiện đại hóa, toàn cầu hóa./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • UNESCO trao Bằng công nhận Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn
    Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn là minh chứng rõ nét cho nỗ lực gìn giữ và quảng bá di sản văn hóa Việt Nam cùng với các di sản văn hóa phi vật thể như tín ngưỡng thờ Mẫu, hát Then của người Tày, Nùng, Thái...
  • 9 tựa sách hay trong Tủ sách gia đình của Nhã Nam
    Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 là dịp để mỗi người lắng lại, cảm nhận rõ hơn giá trị của tình thân, của những khoảnh khắc bên nhau giản dị mà quý giá. Trong nhịp sống hiện đại, một trong những cách đẹp đẽ để giữ gìn và bồi đắp sợi dây gắn kết gia đình chính là cùng nhau đọc sách – những cuốn sách đầy yêu thương, sẻ chia và thấu cảm. Hiểu được điều đó, Nhã Nam đã kỳ công tuyển chọn và xây dựng Tủ sách Gia đình. Đây là những cuốn sách giúp nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, lan tỏa giá trị yêu thương trong mỗi mái ấm, để mỗi em bé đều được lớn lên trong vòng tay chan chứa hạnh phúc của gia đình.
  • Phu nhân Tổng Bí thư và Tổng Giám đốc UNESCO tham dự triển lãm ảnh "Chúng tôi có thể"
    Các tác phẩm là sản phẩm tiêu biểu của dự án “Chúng tôi CÓ THỂ” – sáng kiến phối hợp giữa UNESCO và Bộ Giáo dục và Đào tạo, hướng đến mục tiêu trao quyền học tập và phát triển toàn diện cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số tại các vùng khó khăn.
  • Người đẹp Phú Yên Hà Trúc Linh đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2024
    Hà Trúc Linh - 21 tuổi, quê Phú Yên, sinh viên Đại học Tài chính Marketing TP HCM - vượt top 24 để đoạt vương miện Hoa hậu Việt Nam 2024.
  • Ra mắt sách “Phụ nữ bàn về vấn đề phụ nữ trên Phụ nữ tân văn"
    Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam vừa ra mắt cuốn sách "Phụ nữ bàn về vấn đề phụ nữ trên Phụ nữ tân văn", tuyển chọn các bài viết tiêu biểu của nữ trí thức trên tuần báo Phụ nữ tân văn – một diễn đàn quan trọng trong phong trào nữ quyền Việt Nam đầu thế kỷ XX. Ấn phẩm dày 600 trang, do Đoàn Ánh Dương biên soạn và giới thiệu, được phát hành trên toàn quốc từ tháng 6/2025.
  • Hà Nội nêu cao tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”
    Tại kỳ họp thứ 24 (kỳ họp chuyên đề) diễn ra sáng 27/6, HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố, bảo đảm thực hiện đúng phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
  • Phát động cuộc thi ảnh báo chí 'Việt Nam trên hành trình đổi mới’
    Cuộc thi ảnh báo chí “Việt Nam trên hành trình đổi mới” do Báo Nhân Dân phối hợp Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức nhằm tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, những thành tựu về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế trong quá trình 40 năm đổi mới.
  • Hà Nội sửa đổi, bổ sung quy định phân cấp nguồn thu, chi để mô hình chính quyền địa phương 2 cấp hoạt động hiệu quả
    Để có cơ sở điều chỉnh, giao dự toán ngân sách năm 2025 cho các xã, phường sau sắp xếp đảm bảo nguồn ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ được giao từ ngày 1/7/2025, HĐND Thành phố Hà Nội ngày 27/6 đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định tại Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 08/12/2022 về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách, định mức phân bổ ngân sách Thành phố và tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2023-2025.
  • Trình chiếu loạt phim đỉnh cao của Hàn Quốc tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần 3
    Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần 3 diễn ra từ ngày 29/6 – 5/7 sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc biệt khán giả sẽ có cơ hội gặp gỡ nhiều diễn viên Hàn Quốc.
  • Festival Nông sản Hà Nội: Thúc đẩy mô hình canh tác, chế biến và tiêu dùng nông sản gắn với văn hóa – du lịch
    Từ ngày 26 - 29/6/2025, tại quận Tây Hồ, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội phối hợp UBND quận Tây Hồ tổ chức Festival Nông sản Hà Nội lần thứ 4 – sự kiện xúc tiến thương mại nông nghiệp thường niên đang ngày càng khẳng định vị thế là điểm hẹn lớn của người tiêu dùng và các nhà sản xuất nông sản trên cả nước.
Mùa xuân và tục khai bút của người Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO