Chính sách & Quản lý

Một cách làm mới du lịch di sản

Bảo Nguyên 06:01 28/05/2023

Phát triển du lịch bằng cách xây dựng và làm mới câu chuyện văn hóa tại các khu di tích lịch sử ở Hà Nội đang là hướng đi có nhiều triển vọng, tạo được ấn tượng mạnh mẽ tới du khách thập phương. Minh chứng cho hiệu quả của hướng đi này có thể kể đến 2 sản phẩm du lịch mới là “Đêm thiêng liêng” ở khu di tích Nhà tù Hỏa Lò và “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” ở khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

phat-trien-du-lich.jpg

Trải nghiệm di sản với những tour đêm

“Đêm thiêng liêng” ở khu di tích Nhà tù Hỏa Lò là chuỗi chương trình tham quan buổi tối với nhiều đề tài khác nhau. Hoạt động được ra mắt từ tháng 10/2020, diễn ra vào tối thứ 6 và tối thứ 7 hằng tuần, từ 19h00 đến 21h00, dành cho du khách trong độ tuổi từ 8 đến 75.

Nhà tù Hỏa Lò vốn do người Pháp xây dựng vào năm 1896, từng là nơi giam giữ rất nhiều nhà cách mạng lớn của Việt Nam. Dựa trên những sự kiện nổi bật và các nhân vật lịch sử đã từng bị giam giữ tại đây, “Đêm thiêng liêng” dẫn người tham quan bước vào trải nghiệm một không khí ngột ngạt trong xà lim. Đó là câu chuyện về đồng chí Trương Thị Mỹ (sau này là Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam); đồng chí Phạm Thị Hoàng Ngân (Bí thư đầu tiên Trung ương Đoàn Phụ nữ cứu quốc Việt Nam, nay là Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam); đồng chí Hoàng Thị Ái (Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam)... và nhiều gương mặt khác.
Giai đoạn ngục tù kinh khủng mà các nhà cách mạng thế hệ trước, những người đã hi sinh vì hòa bình độc lập hôm nay được tái hiện một cách sinh động và chân thực. Là mắt thấy tai nghe, là cảm nhận rõ rệt nhờ các màn tái diễn, các thước phim tư liệu kết hợp những âm thanh, ánh sáng ở từng hoạt cảnh.

Sau “Đêm thiêng liêng 1” với đề tài “Sáng ngời tinh thần Việt”, đến nay, di tích đang phục vụ “Đêm thiêng liêng 2” với đề tài “Sống như những đoá hoa” và “Đêm thiêng liêng 3” với đề tài “Lửa thanh xuân”.
Đi sau chương trình tour đêm ở khu di tích Nhà tù Hỏa Lò không lâu là tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, được khởi động từ tháng 4/2021. Chia sẻ về tour du lịch này, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, ông Phùng Quang Thắng từng lo ngại về những khó khăn trong việc xây dựng sản phẩm tour đêm tại Hoàng thành Thăng Long. Đó là phải làm sao mà vừa xây dựng câu chuyện văn hóa để du khách có thể tiếp cận những kiến thức về lịch sử thông qua các hiện vật cổ, đồng thời vẫn phải có yếu tố giải trí để du khách hứng thú và có trải nghiệm mới lạ. Tuy nhiên, sản phẩm khi đã được triển khai thì nỗi lo lắng ấy đã được giải tỏa.

“Giải mã Hoàng thành Thăng Long” là một chương trình du lịch trải nghiệm đặc biệt, kéo dài trong 90 phút, bắt đầu từ 19h00 vào các tối thứ 6 và tối thứ 7 hằng tuần. Với tour này, đội ngũ thực hiện chương trình đã tái hiện sự kiện dời đô của vua Lý Thái Tổ cùng màn múa cổ cung đình đặc sắc ngay trên nền kính khảo cổ học phía sau Đoan Môn. Không gian đêm Hoàng thành từ hàng trăm năm trước như được đánh thức bởi những dãy đèn lồng thắp sáng, bởi cờ phướn phất phới hồn Thăng Long, bởi chiêng trống mang bóng hoàng cung. Và trong suốt hành trình, du khách sẽ bắt gặp cảnh công chúa đi dạo có thị nữ theo hầu trong hoa viên hay thị vệ, lính gác đứng nghiêm ngắn ở cổng Đoan Môn, điện Kính Thiên do đội ngũ ban tổ chức chương trình tái diễn. Vẫn trong không gian hoài cổ ấy, lễ dâng hương trước điện Kính Thiên thiêng liêng nhắc nhớ về một chiều dài lịch sử với công ơn dựng nước và giữ nước của 52 vị tiên đế.

Dựa trên những di sản, hiện vật được trưng bày từ thời Đại La đến các triều đại sau này, một điểm nhấn của đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” chính là phần tham gia trò chơi giải mã Hoàng thành bằng thẻ giải mã với màn trình diễn laser bật mí những bí mật.

Những dấu ấn mang tín hiệu vui

Từ khi du lịch náo nhiệt trở lại sau đại dịch, có thể thấy mức độ quan tâm của du khách dành cho Hoàng thành Thăng Long và Nhà tù Hỏa Lò ngày càng sôi động. Có thể nói là một tín hiệu vui khi lượng người trẻ quan tâm và tham gia các tour đêm này chiếm số đông. Trên các diễn đàn mạng xã hội đã có nhiều chia sẻ kinh nghiệm du lịch hay tại ngay trang cộng đồng của hai địa điểm này. Đó không chỉ là những chia sẻ về các trải nghiệm đầy xúc động mà còn là những trao đổi về kiến thức lịch sử văn hóa dân tộc.

phat-trien-du-lich1.jpg
Màn múa cổ cung đình trên nền kính khảo cổ học trong Tour đêm Hoàng thành. Ảnh: BTC

Từ tháng 1/2023, trên cơ sở của tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã mở thêm tour đêm cho các đoàn du khách nước ngoài với tên gọi “Đêm hoàng cung Thăng Long”. Anh Lương Đức Trường, hướng dẫn viên du lịch tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long cho biết: “Trung bình mỗi tối có 2 đoàn tham gia tour đêm gồm cả khách Việt và khách nước ngoài, mỗi đoàn khoảng 30 người. Những đợt cao điểm có tới 3-4 đoàn tham quan trong một tối”. Và theo đại diện từ Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò, riêng tháng 3 vừa qua, khu di tích đã đón 60.000 lượt khách, các tour “Đêm thiêng liêng 2”, “Đêm thiêng liêng 3” liên tục cháy vé từ trước đó cả vài tuần. Nhìn nhận sau thời gian đầu triển khai hoạt động này của khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương đánh giá đây là chương trình có cách thức xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng và hiệu quả.

Từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội và là người tham gia đủ tour đêm ở hai khu di tích này, chị Phạm Phương Thảo (36 tuổi) cho biết: “Con gái chị rất mê lịch sử nên đều thích khi tham gia 2 tour này. Khi tham gia trò chơi giải mã Hoàng thành, vì trả lời chưa đúng hết nên bé đã quyết tâm về đọc thêm sách lịch sử”. Đây là lần thứ hai chị tham gia tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”. Lần thứ nhất chị đi một mình từ năm ngoái, còn dịp này chị dẫn con gái 11 tuổi theo để bé có cơ hội tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa lịch sử dân tộc. Và để được tham gia “Đêm thiêng liêng 2” đợt tháng 4 này, chị phải đặt vé trước đó một tháng. “Các hoạt cảnh của tour đêm Nhà tù Hỏa Lò rất chân thực và sinh động. Trải nghiệm trong không gian hẹp, âm thanh, ánh sáng và những câu chuyện được tái dựng khiến cho mình như được tham gia vào một giai đoạn lịch sử đang sống lại vậy.” - chị Thảo chia sẻ thêm.

Vẫn là kể câu chuyện về di tích và các nhân vật lịch sử, song cách kể được làm mới qua việc tổ chức xây dựng hoạt cảnh tái hiện không khí lịch sử do chính cán bộ, nhân viên của các khu di tích đảm nhiệm. Cùng với đó, du khách còn được thưởng thức những món quà gắn liền với các câu chuyện tại khu di tích như trà sen Hoàng thành, bánh và thạch bàng Hỏa Lò… Không chỉ đưa đến những trải nghiệm thực tế mới mẻ cho du khách tại chương trình tour đêm, cả hai khu di tích này đều nỗ lực làm mới câu chuyện văn hóa với những cách truyền thông riêng với nội dung độc đáo trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, Instagram, TikTok… và thu hút hàng trăm ngàn lượt theo dõi, bình luận về hoạt động của khu di tích.

phat-trien-du-lich3.jpg
phat-trien-du-lich2.jpg
 Một hoạt cảnh được dựng lại trong tour “Đêm thiêng liêng”. Ảnh: BTC

Dù cả hai khu di tích đều trải qua thời gian phải tạm dừng vì đại dịch Covid-19 nhưng hoạt động vẫn được duy trì là một sự nỗ lực lớn từ đội ngũ xây dựng và phát triển chương trình. Những khởi sắc và tín hiệu mừng đó rất đáng tự hào để từ đó nhân rộng phương pháp. Làm mới câu chuyện văn hóa trong du lịch di sản không chỉ giúp kích cầu và phát triển du lịch mà hơn thế, cách làm này góp phần gia tăng cảm hứng quan tâm, tìm hiểu lịch sử văn hóa dân tộc đối với giới trẻ. Cũng thông qua đó, các du khách quốc tế dễ dàng tiếp cận và ghi nhớ hơn về những giai đoạn lịch sử và văn hóa Việt Nam./.

Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, du lịch văn hóa, đặc biệt là du lịch di sản được khuyến khích đẩy mạnh phát triển. Tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2023 vừa qua, “Du lịch văn hóa” là định hướng chính cho các địa phương, doanh nghiệp tập trung đầu tư, khai thác để phát triển bền vững. Theo bà Cao Thị Ngọc Lan - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam - chủ đề “Du lịch văn hóa” nhằm hướng các doanh nghiệp du lịch đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới dựa trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa truyền thống và các di sản văn hóa của Việt Nam.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thành Cổ Loa – Tòa thành cổ độc đáo lớn nhất Việt Nam
    Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa không chỉ được biết đến với sự hình thành Nhà nước Âu Lạc (khoảng từ năm 208 - 179 trước Công nguyên) mà còn là nơi hội tụ ba hệ giá trị: Lịch sử - sinh thái - nhân văn đặc sắc, tạo nên những giá trị độc đáo hiếm có: Từ truyền thuyết về một thời kỳ dựng nước sơ khai đến những bằng chứng vật chất về một tòa thành độc đáo, cổ nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á hay cả câu chuyện tình bi ai của đôi trai gái và nỗi niềm day dứt không nguôi của bao bậc hiền minh khi suy tư về phép đối nhân xử thế giữa con người với con người, giữa quốc gia với với quốc gia.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • [Video] Chùa Thầy - Di sản văn hóa xứ Đoài tỏa sáng cùng Thủ đô ngàn năm văn hiến
    Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến có hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa, nhưng hiếm có di tích nào hàm chứa cả giá trị di sản vật thể và phi vật thể như Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) được xây dựng từ thế kỷ thứ 11, gắn liền với tên tuổi của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cuối năm 2014, chùa Thầy được Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, tới năm 2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận Chùa Thầy là “Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt" và đầu năm 2024, Đảng bộ - Chính quyền và nhân dân h
  • Công bố khẩn cấp tình trạng sạt lở đê hữu Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ
    Ngày 22/11, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6068/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp các sạt lở trên các tuyến đê hữu Bùi, Bùi 2, Gò Khoăm, sạt lở bờ sông Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
  • Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 tại Hà Nội với 7 môn thi sẽ diễn ra vào tháng 1/2025
    Theo kế hoạch, kỳ thi chọn học sinh giỏi thành phố Hà Nội sẽ được tổ chức vào ngày 18/01/2025; với 7 môn thi mỗi môn có thời gian làm bài 150 phút.
Đừng bỏ lỡ
Một cách làm mới du lịch di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO