Mỹ thuật

Mở xưởng Gốm Mường tại Hà Nội

Thụy Phương 15:27 15/08/2024

Trong hai ngày 17 và 18/8/2024, tại địa chỉ 85 Nhật Chiêu, quận Tây Hồ, Hà Nội, xưởng Gốm Mường chính thức mở cửa đón công chúng. Trong lần ra mắt xưởng Gốm Mường tại Hà Nội sẽ có hơn 130 tác phẩm gốm Mường được trưng bày. Đây là các tác phẩm gốm độc bản của nhiều nghệ sỹ - tác giả đã tham gia sáng tác từ 10 năm nay tại xưởng gốm Mường Studio.

Năm 2007, Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường được chính thức thành lập (tại số 202 đường Tây Tiến, thuộc phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình). Đây là bảo tàng tư nhân đầu tiên có mong muốn bảo tồn, giới thiệu không gian văn hóa dân tộc Mường tại Việt Nam. Với những nỗ lực tôn vinh văn hóa Mường truyền thống nói chung, gắn với những hoạt động tổ chức sáng tạo nghệ thuật đương đại nói riêng hàng năm, địa chỉ này đã được đón nhận Giải thưởng Phan Châu Trinh về Văn hóa – Giáo dục (2013); Giải thưởng quốc tế Jeonju International Awards 2020 (Hàn Quốc)

gom-muong.jpg
Xưởng gốm Mường tại Hà Nội hứa hẹn sẽ là địa chỉ hấp dẫn công chúng yêu nghệ thuật.

Trong các hoạt động tổ chức sáng tác của Bảo tàng, có một mảng rất thú vị, đã ra đời cách đây đúng 10 năm, là việc mở xưởng gốm của Mường Studio (từ tháng 9/2014), dành cho các nghệ sỹ trong và ngoài nước tới sáng tác.

Vào tháng 12/2014, Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường đã phối hợp với Module 7 (83 Xuân Diệu, Hà Nội) tổ chức triển lãm gốm mang tên “Mường Ceramic” giới thiệu những thành phẩm gốm đầu tiên được sáng tạo tại Mường Studio được kết hợp trưng bày với những thiết kế nội thất lấy cảm hứng từ tinh thần cô đọng tối giản, đậm chất triết lý Á Đông. Thương hiệu Gốm Mường cũng được chính thức khẳng định từ đó.

Theo họa sĩ, nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông, gốm Mường có một sắc thái riêng, mang dấu ấn cá nhân rõ nét của Vũ Đức Hiếu. Đáng nói, gốm của “Hiếu Mường” đã khai thác tốt cảm hứng, tình yêu trong hành trình ngót hai thập kỷ nỗ lực bảo tồn, quảng bá văn hóa Mường của cá nhân ông.

gom-muong-3.jpg
gom-muong-1.jpg
Gốm Mường mang những sắc thái riêng, hết sức độc đáo, góp phần tôn vinh văn hóa truyền thống.

“Thẩm mỹ riêng của gốm Mường nằm ở phom (form) dáng độc đáo, như Vũ Đức Hiếu chia sẻ, chính thế giới đồ vật của người Mường mà ông dày công sưu tầm trong nhiều năm đã dẫn dắt tư duy tạo hình, như một mạch nguồn cảm xúc tự nhiên, vừa có bóng dáng đồ vật, giàu tính biểu hiện phồn thực của cấu trúc sinh học, vừa gợi liên tưởng tới các totem nguyên thủy xa xôi.

Gốm Mường chủ yếu có bề mặt thô ráp, có các gam màu nâu, vàng, chàm, xanh lá, đôi khi được vẽ thêm các họa tiết kỷ hà đặc trưng của mỹ thuật truyền thống người Mường, người vùng cao, gần với thẩm mỹ các sắc dân cổ vùng Đông Nam Á và Mỹ Latinh. Có được các hòa sắc đó là quá trình dài nghiên cứu, thể nghiệm các công thức men pha trộn men gio (men hữu cơ) cổ truyền và một số chất vô cơ phổ biến trong kỹ thuật tạo men gốm hiện đại. Xương gốm, nhờ sử dụng đất tổ mối, đôi khi kết hợp đất Samot cho phép Vũ Đức Hiếu nung ở nhiệt cao những hình khối phức tạp của ngôn ngữ điêu khắc và tạo ra bề mặt gốm giàu cảm xúc tự nhiên”, nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông nhận định.

Có thể nói với gốm Mường, nghệ sĩ Vũ Đức Hiếu trước hết đã tạo được nhiều tác phẩm điêu khắc riêng, độc đáo, sau đó là nỗ lực tôn vinh văn hóa truyền thống nói chung, văn hóa Mường nói riêng.

Năm 2017, Mường Studio tổ chức workshop: “Hội tụ Gốm Mường” quy tụ hơn 30 nghệ sỹ, nhà điêu khắc, họa sỹ từ khắp các miền đất nước đến trực tiếp sáng tác, thể hiện với chất liệu gốm. Những tác phẩm ra đời trong trại sáng tác mang đến những hiệu quả thẩm mỹ đặc biệt và đầy bất ngờ. Gốm vượt qua khuôn mẫu của những bình lọ thông thường mà được ghi nhận trở thành chất liệu riêng biệt, độc lập tạo nên những tác phẩm điêu khắc với những biểu đạt mà không phải chất liệu nào cũng có được sắc thái ấy.

xuong-gom.jpg
Nhiều nghệ sỹ trong nước và quốc tế, đến trực tiếp sáng tác tại Mường Studio và lò gốm Mường.

Sau workshop “Gốm Mường” 2017, hằng năm, Mường Studio và Lò gốm Mường tiếp tục thu hút không chỉ nhiều khán giả tham quan, mà còn luôn thu hút đông đảo lần lượt nhiều nghệ sỹ nổi tiếng trong nước và quốc tế, đến trực tiếp sáng tác trên gốm Mường.

Một niềm tự hào của các sản phẩm mang tên “Gốm Mường” là, ngoài những tác phẩm độc bản có ký tên của tác giả thì hơn 90 % các nguyên liệu để chế tác và nung gốm, như đất tổ mối, đất sét (tạo cốt gốm); chất pha chế men gio (tro), phụ liệu đặc sắc... hầu hết khai thác tại chỗ và xung quanh khu vực của Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường tại Hòa Bình.

Trong lần ra mắt xưởng Gốm Mường tại Hà Nội sẽ có hơn 130 tác phẩm gốm Mường được trưng bày. Đây là các tác phẩm gốm độc bản của nhiều nghệ sỹ - tác giả đã tham gia sáng tác từ 10 năm nay, được chọn lựa để ra mắt khán giả trong và ngoài nước ở Thủ đô… Đến với xưởng gốm Mường, công chúng không chỉ có dịp thưởng thức gốm Mường, mà còn là dịp để quý vị giao hảo, trò chuyện trực tiếp với các tác giả, ngay khi đứng bên cạnh “tác phẩm sống” của họ./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Tôn vinh di sản qua không gian trưng bày mới tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
    Không gian trưng bày mỹ thuật ứng dụng và mỹ thuật dân gian vừa được ra mắt tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội) là điểm nhấn mới trong hệ thống trưng bày cố định, đồng thời là bước tiến trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản mỹ thuật truyền thống.
  • Triển lãm bức tranh sen "Liên hoa tịnh cảnh"
    Phiên bản đặc biệt của bức tranh “Liên hoa tịnh cảnh”, tranh sen của cư sĩ, họa sĩ Nguyễn Thị Kim Đức được trưng bày tại Lotus Art Gallery Van Phuc, Hà Nội.
  • Ra mắt không gian trưng bày đặc sắc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
    Sáng ngày 24/6/2025 tới, tại số 66 Nguyễn Thái Học (Ba Đình, Hà Nội), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ tổ chức Lễ ra mắt Không gian trưng bày Mỹ thuật ứng dụng và Mỹ thuật dân gian. Sự kiện diễn ra nhân dịp kỷ niệm 59 năm thành lập Bảo tàng (1966 – 2025), đánh dấu bước phát triển mới trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản mỹ thuật truyền thống.
  • Hành trình của người họa sĩ từ cao nguyên Mộc Châu đến xưởng họa giữa lòng Thủ đô
    Sinh ra và lớn lên tại thôn Văn Minh, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, Hà Nội, họa sĩ Quách Chiến Thắng (sinh ngày 17/11/1994) đã trải qua một hành trình nghệ thuật đầy biến động nhưng không kém phần đam mê. Từ những ngày đầu chập chững vào nghề cho đến nay, anh đã và đang khẳng định được tên tuổi với những tác phẩm sơn dầu giàu cảm xúc, và gần đây là những thử nghiệm mới mẻ với chất liệu sơn mài truyền thống.
  • Triển lãm tranh cổ động kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc
    Triển lãm do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, với sự tham dự của các họa sỹ chuyên sáng tác tranh cổ động đến từ thành phố Hà Nội và các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Nam.
  • Tranh vẽ tại cuộc thi "Rực rỡ Việt Nam" sẽ được trưng bày ở nước Pháp
    Qua hơn 2 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được gần 1.000 bức tranh đến từ trẻ em Việt Nam sống ở 17 quốc gia, chia làm 2 bảng theo hai khung lứa tuổi: Dưới 12 tuổi và từ 12 đến 17 tuổi
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Mở xưởng Gốm Mường tại Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO