Nhân sự kiện này, Arttimes.vn đã có dịp hỏi chuyện tác giả, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang – người “Đồng hành với người cận tử và những bài học cho cuộc sống” qua cuốn sách đậm chất nhân văn và truyền cảm hứng “Điểm đến của cuộc đời”.
Vân - nhân vật chính trong phim "Memento Mori: Đất"
“Tôi đã gặp gỡ, lắng nghe câu chuyện của những người sắp rời khỏi thế gian như vậy, đi cùng họ trong những ngày cuối cùng đáng nhớ. Tôi chứng kiến người ta vật vã giành sự sống, ngó vào nơi thẳm sâu nhất của con người, nơi đó họ loay hoay chuẩn bị cho sự dời đi của mình, thấy được điều đẹp đẽ và cả sự sụp đổ…” |
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang - tác giả cuốn sách “Điểm đến của cuộc đời” (Ảnh: NVCC)
- Điều gì khiến anh viết về những bệnh nhân ung thư, về “án tử” đang kề cận họ?
Đặng Hoàng Giang: Hiển nhiên, con người ta không muốn nói đến cái chết, thậm chí họ lảng tránh và không dám đối diện. Cá nhân tôi muốn tìm hiểu chủ đề này bởi nó còn là một thế giới xa lạ với cuộc sống thường ngày của tôi. Bản thân tôi có bố mẹ đã lớn tuổi, một số bạn bè của tôi cũng đã qua đời, cho nên cái chết là một chủ đề lớn mà tôi nghĩ rằng mình phải tìm hiểu về nó, đối diện với nó và chuẩn bị cho bản thân mình.
Sinh mạng của con người vốn dĩ là một biến số. Chẳng ai đo lường hay biết trước được mình và người khác sẽ sống được bao lâu. Đến khi thân thể mang bệnh tật, người ta nhận án tử và tính thời gian sống bằng ngày, bằng giờ, bằng phút.
Ở thời điểm viết “Điểm đến của cuộc đời”, tôi đã gặp gỡ, lắng nghe câu chuyện của những người sắp rời khỏi thế gian như vậy, đi cùng họ trong những ngày cuối cùng đáng nhớ. Tôi chứng kiến người ta vật vã giành sự sống, ngó vào nơi thẳm sâu nhất của con người, nơi đó họ loay hoay chuẩn bị cho sự dời đi của mình, thấy được điều đẹp đẽ và cả sự sụp đổ.
- Làm thế nào anh tạo được sự kết nối sâu sắc với nhân vật, khiến họ mở lòng và chia sẻ những câu chuyện riêng khó nói?
Đặng Hoàng Giang: Có lẽ bởi tôi không phán xét niềm tin, suy nghĩ, cách ứng xử của họ. Chúng ta rất giống nhau, đều có những mong muốn sâu thẳm là được người khác tôn trọng, được yêu thương, được người khác cho là mình có ích, được thấy mình sống không vô nghĩa, được hạnh phúc. Những điều đó quan trọng hơn rất nhiều những khác biệt về trình độ, học vấn, địa vị…
Và có lẽ còn bởi họ cảm nhận được sự tôn trọng, sự quan tâm của tôi tới cuộc đời họ, tới những chi tiết nhỏ nhất, mặc dù họ chỉ là những người vô danh. Hơn nữa, tôi cũng không có kỳ vọng gì về họ, không kỳ vọng họ phải khỏe lên, phải khỏi bệnh, không muốn họ ăn nhiều, uống thuốc, xạ trị – tôi không phải là người nhà của họ. Khi họ nói là họ “muốn chết”, điều họ khó nói với người nhà hay bác sĩ, thì tôi lắng nghe. Với tôi, họ có thể thể hiện sự tuyệt vọng, còn với người nhà, họ sẽ phải tỏ ra cứng rắn.
Và cuối cùng, tôi nghĩ rằng họ cũng cảm nhận được sự tổn thương của tôi khi tiếp cận với họ, và tôi đối mặt với sự tổn thương này, tôi không chạy trốn nó.
"Chúng ta rất giống nhau, đều có những mong muốn sâu thẳm là được người khác tôn trọng, được yêu thương, được người khác cho là mình có ích, được thấy mình sống không vô nghĩa, được hạnh phúc" (Ảnh: “Memento Mori: Đất”)
-Thông điệp lớn nhất anh muốn gửi gắm khi viết "Điểm đến của cuộc đời" là gì?
Đặng Hoàng Giang: Tôi nghĩ cuốn sách và những câu chuyện bên trong nó sẽ khiến cộng đồng chú ý hơn tới chủ đề cái chết và nhắc nhở mọi người rằng chúng ta không bất tử, chúng ta cần phải sống có ý nghĩa. Ngoài ra còn một loạt những chủ đề khác liên quan đến ung thư và cái chết rất cần được thảo luận và biết đến, ví dụ như chuyện nhiều bệnh nhân ung thư không tiếp cận được thuốc giảm đau - một vấn đề lớn của ngành y học Việt Nam, của xã hội Việt Nam khiến chúng ta phải trăn trở về quyền được giảm đau của con người.
Hay một vấn đề nhức nhối khác là còn rất nhiều định kiến sai lầm về việc hiến tạng. Trong “Điểm đến của cuộc đời”, câu chuyện của Vân gợi nhiều suy nghĩ về việc lựa chọn cái chết nhân đạo và nghĩa cử hiến giác mạc, hiến xác cho y học. Ở nước ta, vấn đề này luôn nhạy cảm bởi những quan niệm truyền thống của người Việt. Tôi hy vọng cuốn sách cùng những câu chuyện bên trong nó sẽ khiến cho thái độ của người dân đối với việc hiến tạng được cởi mở và tiến bộ hơn.
-Vậy còn “điểm đến của cuộc đời” mình, anh đã nghiệm ra điều gì?
Đặng Hoàng Giang: Khi tôi chứng kiến con người ta đối diện với cái chết như thế nào thì có lẽ bài học lớn nhất mà tôi ngẫm ra được là trân trọng thời gian sống mà mình đang có. Tôi đã học cách sắp xếp lại những ưu tiên của cuộc đời, bỏ qua một bên những thứ lao xao, những thứ bề nổi, những thứ theo đuổi mà con người ta vẫn đang đắm mình, như mạng xã hội hay điều gì đó tương tự…
Thay vào đó, tôi tập trung cho những điều quan trọng hơn - những mối quan hệ trong gia đình, những mối quan hệ giữa người với người hay đơn giản chỉ là câu hỏi làm sao để sống một cuộc đời có ý nghĩa? Câu hỏi mà trong cuộc sống hằng ngày chúng ta thường quên đi bởi luôn nghĩ thời gian của mình là vô tận, mình sẽ không chết. Cho đến khi cái chết nhắc nhở chúng ta thời gian là hữu hạn…
"Cái chết nhắc nhở chúng ta thời gian là hữu hạn…" (Ảnh: “Memento Mori: Đất”)
- Về bộ phim “Memento Mori: Đất”, anh có cảm xúc ra sao khi một tác phẩm điện ảnh lấy cảm hứng từ cuốn sách của mình đã tạo được dấu ấn tại Liên hoan phim quốc tế Busan năm nay?
Đặng Hoàng Giang: Tôi chưa được xem “Memento Mori: Đất” nên không thể đánh giá bộ phim về mặt nghệ thuật, ngoài khía cạnh nghệ thuật thì tôi khâm phục sự kiên trì của đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ cùng các cộng sự khi thực hiện dự án phim. Dù trong hoàn cảnh khó khăn về tài chính, dịch bệnh nhưng Marcus Mạnh Cường Vũ với tình yêu điện ảnh và mối quan tâm sâu sắc tới chủ đề này đã kiên trì đi đến cùng dự án.
Tôi cũng biết rằng, những người làm điện ảnh ở Việt Nam đều đang hoạt động trong một môi trường hết sức khó khăn, cho nên việc các tác phẩm điện ảnh Việt Nam được góp mặt trong các liên hoan phim quốc tế và được tham gia tranh giải là điều đáng tự hào. Tôi rất kỳ vọng và mong chờ được xem bộ phim này, cũng như trân trọng tất cả những đóng góp và nỗ lực của Marcus Mạnh Cường Vũ, các diễn viên và đoàn làm phim.
-Xin cảm ơn tác giả, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã dành thời gian trò chuyện cùng Arttimes.vn!
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang là chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận. Những cuốn sách và bài viết của Đặng Hoàng Giang có ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội. Các sách đã xuất bản: Bức xúc không làm ta vô can (Nhã Nam, 2015); Thiện, Ác và Smartphone (Nhã Nam, 2017); Điểm đến của cuộc đời (Nhã Nam, 2018); Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ (Nhã Nam, 2020). “Điểm đến của cuộc đời” là cuốn sách tự sự phi hư cấu hay hiếm có của tác giả Đặng Hoàng Giang, được phát hành năm 2018. Sách thuật lại quá trình đồng hành của tác giả với các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, với các câu chuyện về Hà và Nam - con trai 9 tuổi bị ung thư xương chày của chị, Liên (cô gái vừa tròn 22 tuổi khi bị chuẩn đoán ung thư, mới có người yêu), và Vân (28 tuổi, có một gia đình nhỏ, rất nghèo, với người chồng thương yêu tên là Hoàng và hai con gái nhỏ). "Điểm đến của cuộc đời" của Đặng Hoàng Giang Lấy cảm hứng từ câu chuyện của Vân trong cuốn sách “Điểm đến của cuộc đời”, “Memento Mori: Đất” là tác phẩm điện ảnh đầu tay của Đạo diễn Marcus Mạnh Trường Vũ. Anh chia sẻ về lý do làm bộ phim này không chỉ dựa trên cuốn sách của tác giả Đặng Hoàng Giang mà nó cũng xuất phát từ những biến cố trong cuộc đời của anh. Phim sẽ khởi chiếu đến khán giả vào ngày 7/10/2022. |